Quản lý cuộc xung đột sắp tới giữa hai nền văn minh
Graham
Allison, Foreign Affairs, tháng Chín/tháng Mười 2017
Trần
Ngọc Cư dịch
GRAHAM ALLISON là
Giáo sư môn Chính phủ thuộc chương trình Douglas Dillon tại Harvard Kennedy
School of Government. Tiểu luận này phỏng theo cuốn sách của ông, Destined
for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap? [Khó tránh
được chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể thoát chiếc bẫy Thucydides
không?] (Houghton Mifflin Harcourt, 2017)
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc |
Khi người Mỹ thức tỉnh trước
một Trung Quốc đang trỗi dậy cạnh tranh với Hoa Kỳ trên mọi đấu trường, nhiều người
cố tìm an ủi bằng tin tưởng rằng một khi Trung Quốc trở nên giàu mạnh hơn, nước
này sẽ đi theo bước chân của Đức, Nhật, và nhiều nước khác từng trải qua những
chuyển đổi sâu rộng và dần dần trở thành các nền dân chủ tự do tiên tiến. Theo
quan điểm này, một hỗn hợp kỳ diệu gồm toàn cầu hóa, chủ nghĩa tiêu thụ đặt cơ
sở trên kinh tế thị trường, và việc hội nhập vào trật tự quốc tế dựa vào luật
pháp cuối cùng sẽ khiến Trung Quốc trở nên dân chủ trong lãnh vực đối nội và
phát triển để trở thành cái mà cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick có
lần mô tả là “một cường quốc thành viên có trách nhiệm” [a responsible
stakeholder] trong lãnh vực đối ngoại.
Samuel Huntington bất đồng với quan điểm trên. Trong tiểu
luận The Clash of Civilizations [Sự xung đột giữa các nền
văn minh?] xuất bản trên tạp chí này năm 1993, nhà nghiên cứu chính trị
Huntington tranh luận rằng các đường rạn nứt địa tầng văn hóa [cultural fault
lines] sẽ trở thành một đặc điểm xác định tính cách của thế giới hậu-Chiến
tranh Lạnh, chứ không biến mất trong một trật tự thế giới tự do toàn cầu [a
global liberal world order]. Ngày nay người ta còn nhớ đến lập luận của
Huntington chủ yếu vì tính tiên tri của nó trong việc soi rọi đường rạn nứt
giữa “văn minh Phương Tây và văn minh Hồi giáo” – một rạn nứt được phơi bày
mạnh mẽ nhất qua các cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín và hậu quả của chúng.
Nhưng Huntington đã thấy được cái hố sâu phân cách Phương Tây do Mỹ lãnh đạo
với văn minh Trung Hoa cũng sâu sắc, lâu bền, và quan trọng không kém. Ông viết:
“Chính quan niệm cho rằng có thể có một ‘nền văn minh phổ quát’ là một khái
niệm Phương Tây, trực tiếp xung khắc với tính cá biệt [particularism] của hầu
hết các xã hội Châu Á và với việc họ nhấn mạnh những gì phân biệt dân tộc này
với dân tộc khác.”
Lịch sử thế giới những năm tháng về sau đã biện hộ cho lập luận
của Huntington. Những thập niên tới sẽ chỉ củng cố thêm quan điểm này mà thôi.
Hoa Kỳ là hiện thân những gì Huntington coi là văn minh Phương Tây. Và những
căng thẳng giữa các giá trị, các truyền thống, triết lý của Mỹ và của Trung
Quốc sẽ làm tồi tệ thêm các sức ép cơ bản mang tính cấu trúc thường diễn ra mỗi
khi một cường quốc đang trỗi dậy, như Trung Quốc, đe dọa thay thế một cường
quốc cố hữu, như Hoa Kỳ chẳng hạn.
Lý do vì sao những chuyển đổi vị trí như thế thường dẫn đến chiến
tranh được lý giải bằng chiếc bẫy Thucydides, đặt tên theo sử gia Hi Lạp cổ
đại, người đã nhận xét có một tương tác nguy hiểm giữa một thành Athens đang
trỗi dậy và một thành Sparta đang thống trị. Theo Thucydides, “chính sự trỗi
dậy của Athens và sự sợ hãi mà sự kiện này gieo vào tâm lý người Sparta đã làm
cho chiến tranh trở thành khó tránh. Thật dễ hiểu, các cường quốc đang trỗi dậy
cảm thấy một ý thức gia tăng về quyền lợi, đòi hỏi ảnh hưởng và sự kính nể lớn hơn.
Các cường quốc đã có sẵn, đối diện các thế lực thách thức, có xu thế trở nên sợ
hãi, bất ổn tinh thần, và rơi vào thế phòng ngự. Trong một môi trường như thế,
các hiểu lầm bị phóng đại, sự đồng thuận hãy còn khó kiếm, trong khi các biến
cố và các hành động của nước thứ ba lẽ ra là không nghiêm trọng hoặc có thể
quản lý lại có thể châm ngòi những cuộc chiến mà các vai chính không bao giờ
muốn theo đuổi.
Trong trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, những rủi ro của chiếc bẫy
Thucydides tăng gấp bội do sự thiếu tương hợp giữa nền văn minh của hai nước,
điều này làm trầm trọng thêm sự ganh đua giữa hai đại cường và càng khiến họ
khó xích lại với nhau. Sự bất đồng này dễ được nhận ra trong những dị biệt sâu
sắc giữa quan niệm của người Mỹ và người Trung Quốc về nhà nước, kinh tế và vai
trò của cá nhân, quan hệ giữa các quốc gia, và thời gian tính.
Người Mỹ coi chính phủ như một một cái gì xấu xa nhưng đành phải
chấp nhận [a necessary evil] và họ tin rằng xu thế độc tài và lạm quyền của nhà
nước là đáng sợ và phải được kiềm chế. Đối với người Trung Quốc, chính phủ là
một cái gì tốt lành tất yếu [a necessary good], là cột trụ cơ bản đảm bảo trật
tự và ngăn ngừa rối loạn. Trong chủ nghĩa tư bản thị trường tự do kiểu Mỹ,
chính phủ đặt ra pháp luật và thi hành chúng; sở hữu nhà nước và sự can thiệp
của chính phủ vào nền kinh tế đôi khi diễn ra nhưng đấy là những ngoại lệ không
ai mong muốn. Trong nền kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc,
chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng, lựa chọn và bao cấp các công nghiệp cần
phát triển, thúc đẩy các công ty quán quân quốc gia [national champions], và
thực hiện các dự án dài hạn quan trọng để đẩy mạnh lợi ý quốc gia.
Văn hóa Trung Quốc không ca tụng chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ, một
chủ nghĩa đánh giá xã hội theo mức độ tốt đẹp mà nó cam kết bảo vệ các quyền cá
nhân và nuôi dưỡng tự do cá nhân. Trên thực tế, tiếng Hán gerenzhuyi,
chỉ “chủ nghĩa cá nhân”, gợi ý một quan tâm ích kỷ đặt bản thân lên trên cộng
đồng. Khẩu hiệu của Trung Quốc có giá trị tương đương với [câu nói của Patrick
Henry, một nhân vật Cách mạng Mỹ, ND] “cho tôi tự do hay cho tôi chết” sẽ là
“cho tôi một cộng đồng hài hòa hay cho tôi được hi sinh.” Đối với Trung Quốc,
trật tự là giá trị cao nhất, và sự hài hòa là kết quả của một tôn ti trật tự
[hierarchy] trong đó các thành viên phải tuân theo lệnh truyền đầu tiên của
Khổng Tử: Phải biết vị trí của mình.
Quan điểm này không chỉ áp dụng cho đời sống xã hội trong nước mà
còn áp dụng cho các vấn đề toàn cầu, trong đó người Trung Quốc quan niệm rằng
vị trí hợp lệ của Trung Quốc là ở trên đỉnh kim tự tháp; các quốc gia khác phải
được sắp xếp như những chư hầu [subordinate tributaries]. Quan điểm Mỹ có phần
khác. Chí ít từ khi Thế chiến II chấm dứt, Washington luôn luôn tìm cách ngăn
chặn sự xuất hiện của một “đối thủ ngang hàng” [peer competitor] thách thức địa
vị bá quyền quân sự Mỹ. Nhưng các khái niệm của Mỹ về trật tự quốc tế hậu chiến
cũng luôn nhấn mạnh nhu cầu đòi hỏi một hệ thống toàn cầu dựa vào luật lệ [a
rule-based global system] có thể kiềm chế thậm chí cả Hoa Kỳ.
Sau cùng, người Mỹ và người Trung Quốc quan niệm về thời gian và
trải nghiệm thời gian khác nhau. Người Mỹ thường tập trung vào hiện tại và
thường đếm thời gian bằng giờ hoặc bằng ngày. Người Trung Quốc, trái lại, có ý
thức lịch sử sâu sắc hơn và thường suy nghĩ dài hạn bằng thập kỷ và thậm chí
thế kỷ.
Dĩ nhiên, đây là những điểm khái quát, chung chung, chắc chắn giảm
thiểu và không phản ánh đầy đủ những khía cạnh phức tạp của xã hội Mỹ và xã hội
Trung Quốc. Nhưng chúng cũng đưa ra những nhắc nhở quan trọng mà các nhà làm
chính sách tại Hoa Kỳ và tại Trung Quốc cần phải quan tâm trong việc tìm cách
quản lý cuộc cạnh tranh giữa hai nước để khỏi gây chiến tranh.
CHÚNG TÔI LÀ SỐ MỘT
Những bất đồng văn hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên tồi tệ vì
một đặc điểm nổi cộm mà cả hai nước đều có: một mặc cảm tự tôn cực độ. Mỗi nước
tự coi mình là phi thường – nói trắng ra là không ai bằng. Nhưng trên đời chỉ
có thể có một số một mà thôi. Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, nghi ngờ
về khả năng thích nghi của Mỹ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. “Đối với Mỹ,
việc bị thay thế, đừng nói trên toàn thế giới mà chỉ nội Tây Thái Bình Dương
không mà thôi, bởi một dân tộc Châu Á lâu đời bị khinh miệt là suy đồi, yếu
hèn, thối nát, và trì trệ là một điều rất khó chấp nhận về mặt tâm lý,” ông nói
trong một cuộc phỏng vấn năm 1999. “Cảm thức ưu việt văn hóa của người Mỹ sẽ
làm cho việc thích nghi này cực kỳ khó khăn.”
Trong một số cung cách, chủ nghĩa phi thường của Trung Quốc
[Chinese exceptionalism] có ảnh hưởng sâu rộng hơn người Mỹ. “Đế chế Trung Hoa
coi mình là trung tâm của thế giới văn minh,” nhà sử học Harry Gelber viết
trong cuốn Nations Out of Empires[Những quốc gia phát xuất từ các
đế chế] xuất bản năm 2001. Trong thời đại đế chế, “quan lại Trung Quốc không
quan niệm về một “nước Trung Hoa” hay một “nền văn minh Trung Hoa” theo ý nghĩa
hiện đại. Đối với họ, trên thế giới chỉ có người Hán và phần còn lại là man rợ
[barbarism]. Theo định nghĩa, bất cứ những gì thiếu văn minh đều là man rợ.”
Mãi đến ngày ngay, người Trung Quốc vẫn rất tự hào về những thành
tựu văn minh của mình. “Dân tộc ta là một dân tộc vĩ đại,” Chủ tịch Tập Cận
Bình tuyên bố trong một diễn văn năm 2012. “Trong quá trình văn minh và phát
triển hơn 5.000 năm lịch sử, dân tộc Trung Hoa đã có những đóng góp trường cửu
cho văn minh và tiến bộ nhân loại.” Thật vậy, Tập tuyên bố trong tác phẩm xuất
bản năm 2014, The Governance of China [Việc điều hành quốc gia
tại Trung Quốc], rằng “nền văn minh liên tục của Trung Quốc không những không
có một hình thái tương đương nào trong thiên hạ, mà còn là một thành tựu độc
đáo trong lịch sử thế giới.”
Người Mỹ cũng thế. Họ coi mình là đội ngũ tiên phong của văn minh
nhân loại, đặc biệt về phát triển chính trị. Khát vọng tự do được trân trọng
ghi trong văn bản cốt lõi của tín điều chính trị Mỹ, bản Tuyên ngôn Độc lập,
công bố rằng “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và họ được “Tạo hóa ban cho
những quyền nhất định mà không ai có thể tước đoạt.” Bản tuyên ngôn xác định rõ
ràng những quyền này gồm có “quyền Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh
phúc” và quyết đoán rằng những quyền này không phải là các vấn đề cần tranh cãi
mà là những chân lý “hiển nhiên” [self-evident truths]. Đúng như nhà sử học Mỹ
Richard Hofstadter đã viết, “Định phận của chúng ta như một quốc gia là không
có các ý thức hệ, mà chỉ có đồng thuận [về các quyền con người].” Tương phản
với điều này, trật tự là nguyên tắc chính trị cốt lõi của người Trung Quốc – và
trật tự phát xuất từ tôn ti [hierarchy]. Tự do cá nhân kiểu Mỹ sẽ gây rối loạn
cho tôn ti trật tự; theo quan điểm Trung Quốc, tự do cá nhân sẽ chuốc lấy hỗn
loạn.
LÀM NHƯ TA NÓI … VÀ NHƯ TA LÀM?
Những khác biệt triết lý này được biểu hiện trong khái niệm của
mỗi nước về vai trò của chính phủ. Mặc dù rất lo lắng, vì thiếu tin tưởng vào
quyền hành nhà nước, các nhà lập quốc Hoa Kỳ cũng nhìn nhận rằng xã hội cần có
chính phủ. Nếu không thì lấy ai bảo vệ người công dân khỏi hiểm họa ngoại xâm
hoặc các vi phạm quyền sống do bọn tội phạm trong nước gây ra? Nhưng họ phải
vật lộn với một tình trạng khó xử: một chính phủ đủ mạnh để thể hiện các chức
năng cốt lõi sẽ có xu thế độc tài. Để quản lý thách đố này, họ thiết kế một
chính phủ gồm “các định chế phân lập chia sẻ quyền hành,” như nhà sử học
Richard Neustadt mô tả. Nỗ lực này cố tình tạo ra một cuộc đấu tranh thường
trực giữa các ngành hành pháp, lập pháp, và tư pháp [the executive,
legislative, and judicial branches], thường đưa đến trì hoãn, bế tắc và thậm
chí rối loạn chức năng. Song nó cũng cung ứng các biện pháp kiểm soát và quân
bình lẫn nhau chống lại lạm quyền.
Khái niệm của người Trung Quốc về chính phủ và vai trò của nó gần
như hoàn toàn khác. Đúng như Lý Quang Diệu nhận xét, “Lịch sử và các sử liệu
văn hóa của Trung Quốc cho thấy hễ khi nào có một trung tâm quyền lực vững mạnh
(Bắc Kinh hoặc Nam Kinh) thì Trung Quốc mới được thái bình và thịnh vượng. Hễ
khi nào trung tâm đó suy yếu thì các tỉnh và các quận huyện lại bị các sứ quân
điều khiển.” Do đó, cái thể loại chính quyền trung ương mạnh mà người Mỹ phản
đối thì với người Trung Quốc lại là tác nhân quan trọng thúc đẩy trật tự và lợi
ích chung ở trong và ngoài nước.
Trong một số phương diện, chủ nghĩa phi thường của Trung Quốc có
ảnh hưởng sâu rộng hơn phiên bản Mỹ.
Với người Mỹ, dân chủ là thể chế chính đáng duy nhất của nhân
loại: chính quyền nhận được tính hợp pháp của mình từ sự đồng thuận của người
được cai trị. Nhưng đấy không phải là quan niệm chủ đạo tại Trung Quốc, nơi
người dân tin rằng chính phủ hưởng được hoặc mất đi tính hợp pháp chính trị là
do thành tích của mình. Trong một cuộc bài nói chuyện có tính khiêu khích do Tổ
chức TED truyền đi năm 2013, nhà đầu tư mạo hiểm [venture capitialist] Eric Li,
có văn phòng tại Thượng Hải, đã thách thức tính ưu việt thường được gán cho thể
chế dân chủ. “Có lần người ta hỏi tôi, ‘Đảng không được dân bầu lên. Lấy đâu ra
tính chính đáng?” Li kể lại. “Tôi đáp, ‘Sao không nói đến tài ba lãnh đạo của
Đảng?’” Rồi ông tiếp tục nhắc nhở thính giả rằng năm 1949, khi Đảng Cộng sản
Trung Quốc lên nắm chính quyền, “Trung Quốc đang lún sâu vào nội chiến, bị
ngoại bang xâu xé, [và] tuổi thọ rung bình của người dân là 41 tuổi. Ngày nay
[Trung Quốc] là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, một cường quốc công
nghiệp, và nguời dân sống trong cảnh phồn vinh ngày càng tăng tiến.”
Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh còn có những đường lối khác nhau
rõ rệt trong việc thúc đẩy các nguyên tắc chính trị cơ bản trên trường quốc tế.
Người Mỹ tin tưởng rằng các quyền con người và thể chế dân chủ là những nguyện
vọng phổ quát [universal aspirations], chỉ cần đòi hỏi tấm gương của Hoa Kỳ (và
đôi khi một cú hích của chủ nghĩa đế quốc mới) được thể hiện khắp nơi. Như
Huntington đã viết trong tác phẩm tiếp nối của ông, The Clash of
Civilizations, Hoa Kỳ là một “quốc gia truyền giáo [a missionary nation],”
được thúc đẩy bằng niềm tin cho rằng “các dân tộc phi-Phương Tây phải theo đuổi
các giá trị Phương Tây … và phải thể hiện các giá trị này trong định chế của
họ.” Hầu hết người Mỹ tin rằng các quyền dân chủ sẽ mang lại lợi ích cho bất cứ
ai, bất cứ nơi nào trên thế giới.
Qua nhiều thập tiên, Washington liên tục theo đuổi một chính sách
đối ngoại tìm cách thúc đẩy chính nghĩa dân chủ – thậm chí đôi khi còn khi áp
đặt nó lên những người không chấp nhận thể chế dân chủ. Trái lại, mặc dù người
Trung Quốc tin rằng các dân tộc khác có thể ngưỡng mộ họ, khâm phục các đức
tính của họ, và thậm chí cố gắng bắt chước lối ứng xử của họ, nhưng lãnh đạo
Trung Quốc không tuyên truyền cổ vũ cho đường lối của mình. Như nhà ngoại giao
Mỹ Henry Kissinger nhận xét, đế chế Trung Hoa “không xuất khẩu tư tưởng của
mình mà chỉ để các dân tộc khác tự đến tìm kiếm học hỏi.” Và chẳng có gì đáng
ngạc nhiên, lãnh đạo Trung Quốc rất nghi ngờ các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm uốn nắn
họ đi theo tín điều của Mỹ. Vào những năm cuối của thập niên 1980, Đặng Tiểu
Bình, người lãnh lạo Trung Quốc từ 1978 đến 1989 và là người khởi động tiến
trình tự do hóa kinh tế của nước này, than phiền với một khách quí đến thăm
Trung Quốc rằng cuộc thảo luận của Phương Tây về “nhân quyền, tự do, và dân chủ
được thiết kế chỉ để đảm bảo lợi ích của những nước giàu mạnh cố lợi dụng sức
mạnh của mình để ức hiếp các nước nhỏ, theo đuổi địa vị bá quyền và thực hiện
đường lối chính trị đại cường.”
SUY NGHĨ NHANH VÀ SUY NGHĨ CHẬM
Cảm thức của người Mỹ và người Trung Quốc về quá khứ, hiện tại, và
tương lai trên cơ bản là khác nhau rõ rệt. Người Mỹ hãnh diện chào mừng nước
mình vừa tròn 241 tuổi vào tháng Bảy qua; người Trung Quốc muốn nhắc nhở rằng
lịch sử của họ trải dài đến năm thiên niên kỷ. Các lãnh đạo Mỹ thường nhắc đến
“thử nghiệm Mỹ” [the American experiment]; các chính sách đôi khi bừa bãi của
Mỹ phản ánh thái độ này. Trái lại, Trung Quốc tự coi mình là một bộ phận trường
tồn của nhân loại: Trung Quốc đã luôn luôn hiện hữu và sẽ luôn luôn hiện hữu.
Chính vì có ý thức rộng lớn về thời gian, các lãnh đạo Trung Quốc
cẩn thận phân biệt những gì cấp tính [the acute] với những gì mạn tính [the
chronic] và những gì khẩn cấp [the urgent] với những gì chỉ ở mức độ quan trọng
[the merely important]. Thật khó tưởng tượng ra một nhà lãnh đạo chính trị Mỹ
đề nghị rằng một vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nào đó cần phải được
gác lại cả một thế hệ. Nhưng đó chính là điều Đặng Tiểu Bình đã làm năm 1979,
khi ông dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc trong các đàm phán với Nhật Bản về Quần
đảo Điếu ngư/Senkaku và chấp nhận một giải pháp nhiên hậu, thay vì một giải
pháp tức thời, cho cuộc tranh chấp.
Luôn luôn nhạy cảm hơn người Trung Quốc, trước các đòi hỏi của
giới truyền thông và công luận, các nhà chính trị Mỹ thường nhảy vào Twitter
hay công bố các sách lược rổn rảng cường điệu, hứa hẹn các giải pháp tức thời.
Trái lại, lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra kiên trì hơn về mặt chiến lược: họ thoải
mái đợi cho vấn đề trôi qua, miễn là các xu thế vẫn nằm trong chiều hướng thuận
lợi cho họ. Người Mỹ tự coi mình là chuyên gia giải quyết vấn đề. Phản ánh chủ
nghĩa ngắn hạn [short-termism] của họ, người Mỹ nhìn các vấn đề có tính riêng
lẻ, cần phải giải quyết ngay vấn đề này để có thể bước qua các vấn đề tiếp
theo. Nhà tiểu thuyết và sử học Mỹ Gore Vida đã từng gọi nước ông “the United
States of Amnesia” [Hiệp Chúng Quên] – nơi mà mọi ý tưởng đều là sáng kiến và
mọi cuộc khủng hoảng đều không có tiền lệ. Điều này rất tương phản với ký ức
sâu sắc của người Trung Quốc về lịch sử và các định chế của họ. Họ cho rằng
không có điều gì mới mẻ dưới ánh sáng mặt trời.
Thật vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường tin rằng có nhiều vấn
đề không thể giải quyết được và thay vì vậy phải quản lý chúng mà thôi. Họ coi
các thách đố có tính dài hạn và thường lặp đi lặp lại; các vấn đề họ đương đầu
hôm nay là hậu quả của các tiến trình đã diễn biến từ năm trước, thập kỷ trước,
hay thế kỷ trước. Các hành động chính sách họ thực hiện ngày nay giản dị sẽ
đóng góp vào diễn biến đó. Chẳng hạn, từ năm 1949, Đài Loan được cai trị bởi
cái mà Bắc Kinh gọi là Quốc Dân Đảng ác ôn [rogue Chinese nationalists]. Mặc dù
lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng Đài Loan vẫn là một phần ruột thịt của Trung
Quốc, nhưng họ theo đuổi một chiến lược trường kỳ bằng cách thắt chặt các quan
hệ kinh tế và xã hội để dần dần dùng sức hút đặt đảo quốc này dưới trướng của
mình.
AI LÀ ÔNG CHỦ?
Cuộc xung đột giữa các nền văn minh mà nó sẽ làm cho Washington và
Bắc Kinh rất khó thoát khỏi chiếc bẫy Thucydides dần dần xuất hiện từ các quan
niệm xung khắc nhau về trật tự thế giới. Cách đối xử của Trung Quốc với công
dân của mình tạo kịch bản cho các quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng nhỏ
bé. Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì trật tự trong nước bằng cách thực thi một
hệ thống tôn ti chuyên chế [authoritarian hierarchy] đòi hỏi sự kính nể và phục
tòng của người dân. Lối ứng xử của Trung Quốc trên trường quốc tế phản ánh
những kỳ vọng tương tự về trật tự thế giới: trong lúc ứng khẩu tại một cuộc họp
năm 2010 của ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ Dương Khiết Trì
đã phản ứng trước các than phiền về quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Hoa Nam
[Biển Đông Việt Nam] bằng cách tuyên bố với các đồng nhiệm khu vực và với Bộ
trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các
quốc gia khác là nước nhỏ, và đấy chỉ là một sự thật.”
Trái lại, các nhà lãnh đạo Mỹ muốn thấy một chế độ pháp trị quốc
tế, mà trên cơ bản đó là chế độ pháp trị của nước Mỹ phóng lớn. Đồng thời, họ
cũng nhìn nhận thực tế quyền lực trong rừng rú ích kỷ toàn cầu, nơi làm sư tử
vẫn lợi hơn làm cừu. Washington thường cố gắng hoà giải tình trạng căng thẳng
này bằng cách mô tả một thế giới trong đó Hoa Kỳ là một bá quyền lương thiện,
đóng vai nhà lập pháp, viên cảnh sát, ông quan toà, và ban hội thẩm.
Washington thúc đẩy các cường quốc khác chấp nhận trật tự quốc tế
dựa trên luật pháp do Mỹ lãnh đạo. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, việc
này giống như người Mỹ đặt ra luật lệ và các nước khác phải tuân theo mệnh lệnh
của Washington. Tướng Martin Dempsey, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên
quân Hoa Kỳ, trở nên quen thuộc với nỗi bất bình có thể thấy trước do quan điểm
của Trung Quốc gây ra. “Một trong những điều làm tôi đặc biệt chú ý về các quan
chức Trung Quốc là, bất cứ khi nào tôi muốn nói chuyện với họ về các chuẩn mực
quốc tế hoặc các qui tắc ứng xử quốc tế, họ đều vạch ra rằng những luật lệ đó
được làm ra khi họ còn vắng mặt trên sân khấu thế giới,” Dempsey bình luận
trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí này [Foreign Affairs] năm ngoái.
ĐƯỜNG AI NẤY ĐI
Qua gần ba thập niên, Hoa Kỳ là nước giàu mạnh nhất thế giới.
Trong thời gian đó, ảnh hưởng to lớn của Washington trên các vấn đề thế giới đã
khiến giới chóp bu và lãnh đạo các nước khác nhận thấy việc tìm hiểu văn hóa Mỹ
và đường lối chiến lược của Mỹ là thiết yếu. Nhưng trái lại, người Mỹ thường
cảm thấy mình có cái xa xỉ là không cần phải động não tìm hiểu thế giới quan
của dân nước khác – một sự thiếu quan tâm do nhiều tầng lớp quyền lực Mỹ tin
tưởng rằng đằng nào thì phần còn lại của thế giới cũng đang dần dà song chắc
chắn trở thành như Mỹ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã
thách thức thái độ thờ ơ này. Các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ bắt đầu nhận
ra rằng họ cần phải cải thiện sự hiểu biết của mình về Trung Quốc – nhất là về
tư duy chiến lược của Trung Quốc. Đặc biệt là, các nhà làm chính sách Mỹ bắt
đầu nhận ra những đặc điểm riêng trong cung cách tư duy của các người đồng
nhiệm Trung Quốc về việc sử dụng quân lực. Trong việc quyết định có nên tấn
công đối phương hay không, tấn công lúc nào và bằng cách nào, các lãnh đạo
Trung Quốc trong hầu hết các trường hợp đã tỏ ra hợp lý và thực tiễn. Nhưng hơn
thế nữa, các nhà làm chính sách Mỹ còn nhận ra năm cơ sở giả định
[presumptions] và sở thích [predilections] của phía Trung Quốc; những điều này
có thể cung ứng thêm các chỉ dấu về hành vi chiến lược Trung Quốc có khả năng
thể hiện trong các cuộc đối đầu.
Trước hết, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, chiến lược
của Trung Quốc được thúc đẩy một cách không ngại ngùng bởi chính sách thực dụng
[realpolitik] và không hề bị vướng víu vì bất cứ một yêu cầu nghiêm chỉnh nào
để biện minh cho hành vi của Trung Quốc dựa trên luật pháp quốc tế và chuẩn mực
đạo đức. Thái độ này cho phép chính phủ Trung Quốc linh hoạt một cách tàn nhẫn
[ruthlessly flexible], vì Bắc Kinh ít cảm thấy bị ràng buộc bởi các cơ sở lý
luận trước đó [prior rationales] và gần như miễn dịch [immune] đối với những
chỉ trích về sự thiếu nhất quán của mình. Vì thế, chẳng hạn, khi Kissinger đến
Trung Quốc năm 1971 để bắt đầu các cuộc mật đàm về việc nối tình hữu nghị
Mỹ-Hoa, ông nhận thấy các người đối thoại với ông không hề mù quáng vì ý thức
hệ mà thẳng thắn đến mức thô bạo về lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Trong khi
Kissinger và Tổng thống Mỹ Richard Nixon cảm thấy một điều cần thiết là phải
biện minh cho sự thỏa hiệp mà cuối cùng họ đã đạt được [với Trung Quốc] để chấm
dứt Chiến tranh Việt Nam như một “hòa bình trong danh dự,” thì Mao Trạch Đông
thấy không cần phải giả vờ, chẳng hạn nói rằng trong việc thiết lập quan hệ với
tư bản Mỹ để tăng cường địa vị của Trung Quốc trước mắt Liên Xô, một cách nào
đó ông đang đẩy mạnh một phong trào quốc tế xã hội chủ nghĩa rộng lớn hơn.
Ta có thể nói rằng, cũng như đường lối thực tiễn của Trung Quốc
đối với chính trị thế giới giúp cho Trung Quốc có một lợi thế hơn Mỹ, thế giới
quan chiến lược cực kỳ tổng thể [obsessively holistic strategic worldview] của
Trung Quốc cũng cho Trung Quốc một lợi thế không kém. Các nhà hoạch định chính
sách Trung Quốc nhận thấy mọi biến cố có liên hệ mật thiết với nhau. Bối cảnh
đang mở ra, trong đó một tình hình chiến lược xuất hiện, xác định điều mà người
Trung Quốc gọi là shi [thế]. Từ này không thể dịch thẳng ra
tiếng Anh nhưng có thể giải nghĩa là “tiềm năng” [potential energy] hoặc “đà,
trớn” [momentum], nội tại trong bất cứ tình huống nào ở bất cứ thời điểm nào.
Nó gồm có “thiên thời, địa lợi”, cán cân lực lượng, yếu tố bất ngờ, tinh thần
quân dân, và nhiều yếu tố khác. “Mỗi một yếu tố đều ảnh hưởng lên các yếu tố
kia, tạo ra các chuyển biến tế nhị về tiềm năng và lợi thế tương đối,” như
Kissinger đã viết trong cuốn sách xuất bản năm 2011, On China [Bàn
về Trung Quốc]. Như vậy, một nhà chiến lược khôn khéo của Trung Quốc sẽ kiên
nhẫn dành hết thì giờ để “quan sát và nuôi dưỡng những chuyển biến thuận lợi
trong bối cảnh chiến lược này” và chỉ đi nước cờ của mình khi nào mọi việc ở
vào thế liên kết thuận lợi nhất. Rồi sau đó ông mới đánh chớp nhoáng. Nếu theo
dõi, ta sẽ thấy kết quả gần như tất yếu.
Chiến tranh đối với các nhà chiến lược Trung Quốc chủ yếu có tính
cách tâm lý và chính trị. Người Trung Quốc cho rằng nhận thức của một địch thủ
về tình hình thực tế trên trận địa có thể cũng quan trọng như chính thực tế ấy
vậy. Đối với Trung Quốc thời đế chế, việc tạo ra và duy trì hình ảnh một nền
văn minh ưu việt đến nỗi chính hình ảnh này tượng trưng cho “trung tâm của
thiên hạ” đã giúp ngăn chặn các nước thù địch thách thức lại bá quyền Trung
Quốc. Ngày nay, một luận cứ về sự trỗi dậy tất yếu của Trung Quốc và sự xuống
dốc không thể đảo ngược của Hoa Kỳ đang đóng một vai trò tương tự.
Theo truyền thống, người Trung Quốc giành chiến thắng không bằng
một trận đánh quyết định mà thông qua các động thái gia tăng từng bước nhằm dần
dần cải thiện thế trận của mình. David Lai, một chuyên gia về các vấn đề quân
sự, đã minh họa đường lối này bằng cách so sánh môn cờ vua của Phương Tây với
môn cờ vây, weiqi, của Trung Quốc (thường được gọi là go).
Trong cờ Tây, người chơi tìm cách khống chế trung tâm bàn cờ và thắng địch thủ.
Trong cờ vây, người chơi tìm cách bao vây địch thủ. Nếu một cao thủ cờ Tây thấy
trước được năm hoặc sáu nước đi, thì cao thủ cờ vây thấy trước được cả 20 hoặc
30 nước. Chăm chú theo dõi mọi chiều hướng trong quan hệ rộng lớn với một địch
thủ, nhà chiến lược Trung Quốc cưỡng lại việc xông tới giành chiến thắng quá
sớm, thay vào đó nhắm vào xây dựng lợi thế từ từ. “Trong truyền thống Phương
Tây, người ta đặt nặng việc sử dụng vũ lực; binh pháp gần như giới hạn vào các
chiến trường; và cách chiến đấu là dùng vũ lực để đè bẹp vũ lực,” Lai viết
trong một bài phân tích năm 2004 cho Viện Nghiên cứu Chiến lược của Đại học
Chiến tranh Lục quân Hoa Kỳ. Trái lại, “triết lý nằm sau cờ vây … là tranh
giành lợi thế tương đối chứ không tìm cách tiêu diệt hoàn toàn lực lượng của
địch.” Bằng một lời nhắc nhở khôn ngoan, Lai cảnh báo rằng “chơi cờ vây với não
trạng cờ Tây là rất nguy hiểm.”
CHÚNG TA CÙNG ĐI TỚI THỎA HIỆP
Washington sẽ vì lợi ích của mình mà lưu ý cảnh báo nói trên.
Trong những năm tới, bất cứ một số điểm nóng nào cũng có thể tạo ra một cuộc
khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Hoa, kể cả có thêm những cuộc tranh chấp lãnh thổ
trên Biển Hoa Nam và các căng thẳng về chương trình vũ khích hạt nhân đang tiến
triển nhanh của Bắc Triều Tiên. Vì phải mất thêm một thập niên hay lâu hơn nữa,
Trung Quốc mới sánh kịp Mỹ về các khả năng quân sự, người Trung Quốc sẽ rất dè
dặt và thận trọng về bất cứ việc sử dụng vũ lực sát thương nào chống lại người
Mỹ. Bắc Kinh sẽ coi vũ lực quân sự như công cụ thứ yếu trong chính sách đối ngoại
của mình, không tìm chiến thắng trên chiến trường mà cố thực hiện các mục tiêu
quốc gia. Trung Quốc sẽ tăng cường các quan hệ ngoại giao và kinh tế với các
nước láng giềng, thúc đẩy sự lệ thuộc của họ vào Trung Quốc, và dùng đòn bẩy
kinh tế để khuyến khích (hay o ép) họ hợp tác trên các vấn đề khác. Mặc dù từ
trước đến nay Trung Quốc coi chiến tranh là phương án lựa chọn sau cùng, nhưng
nếu họ kết luận rằng những đường biểu thị xu thế dài hạn [long-term trend
lines] không còn đi theo hướng thuận lợi cho họ và rằng họ đang mất sức mạnh
mặc cả, Trung Quốc sẽ khởi động một cuộc chiến giới hạn để cố gắng đảo ngược xu
thế.
Lần sau cùng mà Hoa Kỳ đối mặt với những rủi ro cao độ của chiếc
bẫy Thucydides là trong cuộc Chiến tranh Lạnh – nhất là trong cuộc khủng hoảng
tên lửa Cuba. Suy niệm về cuộc khủng hoảng này, vài tháng sau khi giải quyết
vấn đề, Tổng thống John F. Kennedy nhận ra một bài học trường cửu: “Trên hết,
trong khi bảo vệ lợi ích sinh tử của mình, các cường quốc nguyên tử phải tránh
các cuộc đối đầu mà chúng đưa một địch thủ đến chỗ phải lựa chọn hoặc là nhục
nhã rút lui hoặc là chiến tranh nguyên tử.” Bất chấp luận điệu cứng rắn của
Moscow, Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev cuối cùng kết luận rằng ông có thể
nhượng bộ về vũ khí hạt nhân tại Cuba. Tương tự như thế, về sau Kissinger và
Nixon khám phá ra rằng lý thuyết gia Mao Trạch Đông của Trung Quốc rất khéo léo
nhượng bộ khi việc này phục vụ lợi ích của Trung Quốc.
Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump cả hai đều đưa ra những
đòi hỏi tối đa, nhất là về vấn đề Biển Hoa Nam. Nhưng cả hai cũng là những
chuyên gia về hợp đồng [dealmakers]. Chính quyền Trump càng thấu hiểu quan điểm
của Bắc Kinh về vai trò của Trung Quốc trên thế giới và về lợi ích cốt lõi của
Trung Quốc bao nhiêu, thì họ sẽ càng được chuẩn bị tốt để thương thuyết với Bắc
Kinh bấy nhiêu. Vấn đề còn lại vẫn là sự phóng chiếu tâm lý [lấy bụng ta suy ra
bụng người]: thậm chí các quan chức lão luyện của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thường
giả định sai lầm rằng lợi ích sinh tử của Trung Quốc phản chiếu lợi ích của Hoa
Kỳ. Các quan chức đang soạn thảo đường lối của chính quyền Trump đối với Trung
Quốc sẽ khôn ngoan nếu chịu đọc Tôn Tử, một triết gia cổ đại của Trung Quốc:
“Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Nếu chỉ biết ta mà không biết địch,
thì cho mỗi chiến thắng, sẽ có một thất bại. Nếu vừa không biết địch vừa không
biết ta, thì trăm trận đều thua.”
G. A.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire