Xuân Dương : "Cách xử lý bức xúc của dân tại các trạm thu phí BOT
giao thông từ Hà Nội đến Tiền Giang đã cho thấy dân “thua” nhiều hơn thắng.
Một khi dân bị “thua” nhiều quá thì lòng dân có thuận,
và điều gì sẽ xảy ra nếu dân tiếp tục “thua” các ông chủ?
Các vị công bộc “nhiệm kỳ” của dân có cần phải để ý
đến phát biểu của Tổng Bí thư “lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc” hay chỉ
cần “cù cưa” cho đến lúc quay về “tổ ấm” theo chiến lược mà người đời gọi là
“dọn ổ sân sau”!
Vậy nên câu hỏi “BOT Cai Lậy bao giờ thắng dân?”
của tác giả Lại Cường liệu có cần thiết đặt ra, và nếu đặt ra, liệu có cần phải
bỏ công đi tìm lời giải?"
Hình ảnh trạm BOT Cai Lậy ngày 30/11/2017 (Ảnh: Vov.vn) |
(GDVN) - Những hình ảnh và lời bình của truyền thông
quốc tế rõ ràng đã làm tổn hại đến nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh
bạch của Thủ tướng.
Câu ngạn ngữ “Trái đất ngày xưa không có đường, do
người đi mà thành đường” áp dụng với nước Việt những năm đầu thiên niên kỷ thứ
ba hóa ra sai bét.
Ở Việt Nam, có những con đường “do người đi mà không
thành đường”, do người đi mà lúc thông, lúc tắc, một ngày thông - tắc vài lần
khiến có lúc xe cộ xếp hàng dài cả vài cây số, khiến mong ước tạo nên con đường
thông thoáng cho quốc kế dân sinh bỗng biến thành nỗi bức xúc cho hàng nghìn
lái xe, hành khách và dân chúng qua lại tuyến đường này.
Đường mà hóa ra không hẳn là đường, đường gì mà chỉ có
ba ngày thu phí (tính từ 30/11/2017 đến 2/12/2017), trạm thu phí BOT Cai Lậy buộc
phải 8 lần xả trạm để giải phóng lượng xe ùn ứ kéo dài có lúc tới 05 cây số.
|
||
|
Trên thế giới, nông dân Pháp từng đưa ô tô, máy kéo
phong tỏa đường cao tốc phản đối giá nông sản xuống thấp.
Còn Thị trưởng thành phố Vilnius (Lithuania) đã đích
thân đứng trên xe bọc thép cán bẹp một chiếc đỗ vào làn đường dành cho người đi
xe đạp, như tin đã đưa của Daily Mail. [1]
|
Hai ví dụ trên cho thấy ở nước ngoài, mà cụ thể là
Liên minh Châu Âu, lãnh đạo chính quyền chọn đường phố làm nơi thực thi luật
pháp, cảnh báo cái giá phải trả đối với người dân vi phạm.
Ngược lại người
dân cũng chọn quốc lộ làm nơi thể hiện sự bất bình với chính sách của nhà
nước.
|
Trong các bức ảnh nước ngoài, không biết tình cờ hay
thực tế là không có sự hiện diện dày đặc của lực lượng cảnh sát, thanh tra giao
thông tại hiện trường.
Phải chăng ở châu Âu, giải quyết các vấn đề dân sự
không cần đến lực lượng vũ trang mà phải là những cách thức đối thoại khác?
Có gì đó trái ngược nhau trong cách thức xử lý nếu
nhìn kỹ hai bức ảnh minh họa trong bài “Hình ảnh hỗn loạn tại trạm thu
phí BOT Cai Lậy ngày thu phí trở lại” mà báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam
Vov.vn đăng tải ngày 30/11/2017.
Trên thế giới, làm sai thì xin lỗi, xin lỗi rồi phải
sửa sai, nếu gây thiệt hại thì phải đền bù, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm
hình sự.
Ở nước mình, “xin lỗi” hình như không có trong từ vựng
của không ít quan chức và cơ quan công quyền.
Cứ tưởng mình đang sống trong thế kỷ thứ 21, hóa ra
một bộ phận không hề nhỏ những con người đang mang trọng trách tại cơ quan công
quyền lại chưa thạo tiếng mẹ đẻ, chưa học xong cách nói từ “xin lỗi” dù rằng
“Lời nói chẳng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Muốn “vừa lòng
nhau” giữa người dân và doanh nghiệp thì chính quyền phải là trung gian hòa
giải chứ không thể nặng bên này nhẹ bên kia, đặc biệt khi Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc yêu cầu phải xây dựng “một Chính phủ kiến tạo, minh bạch”.
|
Muốn có một Chính phủ kiến tạo, minh bạch thì các Bộ
trưởng phải là người quán triệt đầu tiên.
Bộ là cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải là cơ
quan kinh doanh, là cầu nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng chứ không
phải chỉ có nhiệm vụ giúp doanh nghiệp kiếm lời từ tiền túi của người dân.
Mặt khác, các cơ quan thuộc chính phủ nhiều khi còn
phải đảm nhận vai trò “trung gian hòa giải” khi có tranh chấp dân sự.
Theo hướng đó ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nên
đăng đàn chính thức công bố quan điểm của Bộ về việc đặt Trạm BOT Cai Lậy là
đúng hay sai, đúng chỗ nào, sai chỗ nào, chỉ khi phân định rõ đúng - sai thì
mới có hướng giải quyết triệt để.
Nếu xác định trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí thì lỗi
là do chính quyền, cụ thể là Bộ Giao thông và Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang,
người dân không phải gánh lỗi thay chính quyền.
Trường hợp này cần chuyển trạm thu phí về đúng vị trí
mà nó đáng ra phải được xây dựng.
Nếu ông Bộ trưởng khẳng định vị trí đặt trạm không sai
thì đương nhiên sự phản ứng ôn hòa của người dân (lái xe) là sai và lúc đó hãy
tính đến khả năng hình sự hóa vụ việc.
Vấn đề là ông Bộ trưởng nên tham khảo “quân sư” thật
cẩn thận bởi “một lời của quan nặng tựa chín cái đỉnh”, buông ra rồi không nhấc
lên được đâu.
Xin nói nhỏ với ông Bộ trưởng thế này, ở thủ đô, nơi
ông đang sống và làm việc, có câu nói thế này:
“Nguyên tắc của
tôi là không đổ lỗi cho thế hệ trước” thế nhưng người ta vẫn xem xét lại việc
cắt cỏ, biên chế lái xe hay việc “băm nát thủ đô”,… mà “thế hệ trước” để lại.
|
Ông Bộ trưởng Giao thông cũng nên công bố thế này:
“Nguyên tắc của tôi là hết sức tôn trọng và không đổ lỗi cho thế hệ trước” rồi
sau đó hãy bàn đến các trạm thu phí BOT cả nước, không riêng trạm Cai Lậy.
Nếu vì “thế hệ trước” hay “phần còn lại của thế hệ
trước” mà ông không thể di dời trạm Cai Lậy thì xin mách ông Bộ trưởng câu
thành ngữ: “Tiền nào của nấy”.
Ý nghĩa của câu này là giá trị của hàng hóa phải tương
xứng với đồng tiền bỏ ra, nghĩa là ông hãy “nói nhỏ” với ông chủ BOT, thay vì
vé đồng loạt 25.000 đồng cho xe con hãy chuẩn bị hai loại vé, ai đi theo đường
thẳng qua thị xã Cai Lậy (đoạn đường chỉ trải thảm nâng cấp) thì bỏ ra 10.000
đồng, ai đi tuyến tránh (BOT chính hiệu) thì nhiều hơn một chút, có thể là
15.000 đồng.
Gợi ý thế chẳng qua cũng chỉ là “múa rìu qua mắt thợ”
bởi đã là Bộ trưởng chắc ông không thiếu kinh nghiệm, chỉ có điều ông có muốn
thực hiện chủ trương của Đảng:
“Xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân”
hay không?
Dư luận hẳn chưa quên câu chuyện mà báo Anninhthudo.vn
viết, rằng “Trạm thu phí đặt nhầm chỗ nhưng kiên quyết không di dời” để nói về
trạm thu phí tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Với vốn đầu tư
chỉ 530 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư được thu phí tới 16 năm, 10 tháng.
|
Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có ý kiến đề nghị
di chuyển, quá trình trao đổi giữa Bộ Giao thông Vận tải với chủ đầu tư diễn ra
từ tháng 3/2013 nhưng “từ
đó đến nay, trạm thu phí này vẫn tồn tại bất chấp bức xúc của người dân lưu
thông qua trạm”. [2]
Những gì đã, đang xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy
được nhiều báo chí nước ngoài đăng tải kèm theo ý kiến một số lãnh đạo liên
quan.
Những hình ảnh và lời bình của truyền thông quốc tế rõ
ràng đã làm tổn hại đến nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch của
Thủ tướng.
Vốn xây dựng tuyến BOT Cai Lậy, Bắc Thăng Long - Nội
Bài,… không phải “của dân” mà của nhà đầu tư, không phải “do dân” đề xuất và
với kiểu đặt trạm thu tiền như vậy thì chắc chắn không phải “vì dân” rồi thưa
ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Từ kết luận của báo An ninh thủ đô, có thể thấy chủ
đầu tư trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài không chỉ thắng dân mà còn thắng
cả Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa phát biểu khi tiếp
xúc cử tri Hà Nội:
“Chúng
tôi nhiều lần nói việc xử lý tham nhũng không thể không làm.
Muốn thế thì lòng
dân phải thuận, tất cả đồng lòng, lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc, chúng
ta phải đi từng bước vững chắc”. [3]
Cách xử lý bức xúc của dân tại các trạm thu phí BOT
giao thông từ Hà Nội đến Tiền Giang đã cho thấy dân “thua” nhiều hơn thắng.
Một khi dân bị “thua” nhiều quá thì lòng dân có thuận,
và điều gì sẽ xảy ra nếu dân tiếp tục “thua” các ông chủ?
Các vị công bộc “nhiệm kỳ” của dân có cần phải để ý
đến phát biểu của Tổng Bí thư “lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc” hay chỉ
cần “cù cưa” cho đến lúc quay về “tổ ấm” theo chiến lược mà người đời gọi là
“dọn ổ sân sau”!
Vậy nên câu hỏi “BOT Cai Lậy bao giờ thắng dân?”
của tác giả Lại Cường liệu có cần thiết đặt ra, và nếu đặt ra, liệu có cần phải
bỏ công đi tìm lời giải?
Tài liệu tham khảo:
[2] http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/tram-thu-phi-dat-nham-cho-nhung-kien-quyet-khong-di-doi/739070.antd
Xuân
Dương
Nguồn: Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire