31/12/2017

Dân về Hà Nội khiếu kiện, Chủ tịch tỉnh phải lên nhận về

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Quang Hiếu


Tiếp tục Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra chiều 28/12, phát biểu gợi ý các bộ, ngành, địa phương thảo luận về các báo cáo của các bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là người dân các địa phương kéo về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều.

Do đó, Thủ tướng nêu rõ, sắp tới địa phương nào để dân kéo ra Hà Nội, Thủ tướng sẽ mời chủ tịch tỉnh lên nhận về để giải quyết chứ không để đẩy lên Trung ương. 


Thủ tướng cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do chính quyền các địa phương không chịu đối thoại với dân, không đặt người khiếu nại vào nhiệm vụ giải quyết của mình. Đặt câu hỏi chính quyền cấp huyện, xã có đối thoại với dân không, Thủ tướng cho rằng, các địa phương chưa giải quyết triệt để mà đẩy lên Trung ương. Thủ tướng nêu rõ, các việc khiếu nại chủ yếu là vấn đề về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng.

“Cơ bản có nhiều việc chúng ta sai, chúng ta không chịu sửa. Chúng ta phó mặc chuyện đó đi khiếu nại thành đám đông rất lớn. Gọi là Chính phủ do dân, vì dân nhưng dân đi khiếu nại quá trời đất là làm sao? Chính quyền các cấp phải bố trí theo dõi, nhất là ở huyện, xã, tỉnh phải làm việc này. Tôi năm nay cũng thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo ra Hà Nội tôi mời đồng chí chủ tịch tỉnh lên nhận dân về để giải quyết chuyện này, chứ không phải đẩy lên Trung ương không đâu. Phải dứt khoát chuyện này”, Thủ tướng quả quyết.

Trong vấn đề phòng chống tham nhũng, Thủ tướng nêu thực tế, các ngành, địa phương thường nói tham nhũng ở đâu chứ ngành tôi không có và báo cáo chỉ có thành tích. Trong khi đó, nguồn lực, vốn liếng đầu tư, đất đai lại nằm ở các địa phương. Do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống tham nhũng, bởi nhận thức tốt thì mới thực hiện công tác này hiệu quả.

“Nhân dịp này tôi nói để các đồng chí rõ, Chỉ thị của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng sắp ban hành sẽ yêu cầu không được biếu quà tết. Bí thư, Chủ tịch, lãnh đạo, các địa phương không phải lên Trung ương đi biếu xén lãnh đạo, không cần thiết đặt vấn đề đó cho tốn kém. Bây giờ chúng ta nói việc này cho rõ ràng. Chúng ta phải đặt chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở thì mới chuyển biến từ cơ sở. Mà đây là nội dung rất quan trọng để các đồng chí thảo luận, để ngăn chặn việc này”, Thủ tướng nói.

Về vấn đề thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0, Thủ tướng cho biết, vấn đề đặt ra đối với cả cấp trung ương và địa phương là phải thực hiện 4.0 từ đâu. Thủ tướng đặt vấn đề, liệu đó có phải là hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực, một chiến lược quốc gia mà từng địa phương phải làm trong việc thực hiện công nghiệp 4.0. 

Thủ tướng nêu rõ: “Thế giới đang chuyển động rất nhanh về công nghệ mà chúng ta không biết bắt đầu từ đâu để làm việc này thì rất khó khăn cho phát triển bền vững. Đây chính là khâu để năng suất lao động tốt hơn, người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Tôi mong rằng các Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, các Bộ trưởng tiếp tục đẩy mạnh một câu hỏi đặt ra cho công nghiệp 4.0 ở bộ mình, địa phương mình là cái gì và bắt đầu tư đâu? Phải bàn chuyên đề này ra Hội đồng nhân dân. Cũng như thành phố thông minh phải bắt đầu từ đâu, chứ không phải thành phong trào làm không hiệu quả”.

Cũng trong chiều nay, gần 30 địa phương đăng ký phát biểu tại hội nghị, trong đó các tỉnh phát biểu đã nêu tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương và đóng góp vào các báo cáo mà các bộ, ngành nêu ra./.


TỘI CỦA LS NGUYỄN VĂN ĐÀI VÀ HỘI ANH EM DÂN CHỦ: PHỔ BIẾN QUYỀN LÀM NGƯỜI
Huỳnh Ngọc Chênh
 


Nguyễn Văn Đài
Như nhiều lần tôi đã viết, "tội" của luật sư Nguyễn Văn Đài là tích cực tuyên truyền phổ biến kiến thức về nhân quyền. Tôi đoan chắc rằng, khi bắt và khám xét văn phòng của LS Nguyễn Văn Đài, an ninh chỉ tịch thu được những tài liệu về nhân quyền là hết, không còn thứ chi khác.
Công an gán cho Nguyễn Văn Đài và thư ký văn phòng luật Lê Thu Hà tội danh theo điều 88 tuyên truyền chống nhà nước, nhưng qua điều tra vẫn không tìm ra bằng chứng để khép tội ngoài một số tài liệu về kiến thức nhân quyền và thậm chí về tự do dân chủ. Chính vì vậy mà việc điều tra cứ kéo dài đến gần hai năm, đạt kỷ lục thời gian điều tra lâu nhất.
Thay vì đình chỉ điều tra, kết thúc vụ bắt bớ sai trái, cơ quan điều tra kéo dài thời gian tạm giam để nhằm tìm mọi cách khuất phục ý chí của Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà. Tôi đoan chắc rằng chuyện đó đã thất bại vì Đài và Hà chẳng có tội gì phải nhận ngoài cái gọi là tội tàng trữ tài liệu và phổ biến kiến thức về quyền làm người.
Trong tâm thế "đã lỡ cán bị thương thì cán lại cho chết luôn", cơ quan điều tra sau hai năm, bất ngờ mở rộng vụ án, bắt tạm giam hàng loạt các thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ (AEDC) để có lý do nâng vụ án từ điều 88 lên điều 79 "âm mưu lật đổ chính quyền". Bởi lẽ muốn khép Nguyễn Văn Đài vào tội âm mưu lật đổ chính quyền thì phải bắt thật nhiều người để chứng tỏ rằng Đài đứng đầu một tổ chức nguy hiểm, chứ mỗi mình Đài với cô thư ký Thu Hà và một nhúm tài liệu về nhân quyền thì làm sao mà lật đổ chính quyền.
Hội AEDC là gì? Đó là hội nhóm công khai thành lập trên Facebook với trên 2000 thành viên với mục đích ghi công khai và rõ ràng như sau: "Hội Anh Em Dân Chủ là tập hợp của những anh em có cùng chí hướng, cùng quan điểm, cùng niềm tin, cùng có mục tiêu chung gắn bó với nhau để thực hiện những mục tiêu chung đó. Cùng nhau chia sẻ những khó khăn, gian khổ cũng như cùng nhau chia sẻ những niềm vui, hạnh phúc. Giúp nhau cùng tiến bộ trong việc đấu tranh bảo vệ các quyền con người và vận động xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng và văn minh" - Hội Anh Em Dân Chủ - Brotherhood For Democracy
Tôi nghĩ ngoài một số chứng cứ mơ hồ gượng gạo, hoặc vài lời khai có thể do bị ép cung của cá nhân nào đó, cơ quan điều tra chẳng có gì để khép tội Nguyễn Văn Đài cũng như những người khác trong hội AEDC.
Chính vì lẽ đó mà cơ quan điều tra đã dùng khá nhiều tiểu xảo để ngăn cản luật sư của Nguyễn Văn Đài tiếp cận được kết luận điều tra. Trong khi lẽ ra luật sư phải được tiếp cận hồ sơ vụ án ngay trong thời gian điều tra.

Theo lời kể của chị Vũ Minh Khánh, vợ anh Nguyễn Văn Đài thì:
- Ngày 12/12 kết thúc giai đoạn điều tra, đến ngày 19/12 công an mới cho anh Đài viết thư về nhà thông báo với gia đình để thuê luật sư, chiều ngày 28/12 (thứ năm) gia đình mới nhận được thư, chưa kịp phản ứng gì thì hai tiếng sau đã có điện thoại của người tự nhận là luật sư chỉ định bào chữa cho anh Đài vì gia đình không thuê luật sư.

- Thực tế từ lâu gia đình đã thuê ba luật sư bào chữa, cả gia đình và 3 luật sư đều nhiều lần viết công văn cho cơ quan chức năng yêu cầu cấp phép bào chữa, được tiếp cận hồ sơ và gặp gỡ nghi can, nhưng đều bị bỏ lơ hoặc trả lời "do đang trong giai đoạn điều tra nên không được tiếp xúc"
- Chiều thứ năm (28) chị Khánh mới nhận thư, sáng thứ sáu (29) mới làm lại thủ tục mời luật sư, rồi sau đó luật sư lại làm thủ tục gởi thư đi xin cấp phép bào chữa, ngày thứ 7, chủ nhật (31) và thứ hai (1/1) nghĩ lễ, mọi chuyện bị ngưng lại, thư đi thư lại phải kéo dài ra khá lâu thì luật sư mới nhận được giấy phép bào chữa. Như vậy thời điểm được tiếp xúc kết luận điều tra và làm việc với nghi can sẽ còn bị kéo lâu ra và thời gian tiếp cận vì thế sẽ thu rất ngắn lại.
Tại sao cơ quan điều tra phải dùng tiểu xảo như vậy? Tại sao lại không muốn gia đình thuê luật sư theo ý mình? Tại sao lại vội vã chỉ định luật sư ? Tại sao không muốn cho luật sư nhanh chóng tiếp cận hồ sơ vụ án và kết luận điều tra?
Tất cả điều đó chỉ có thể giải thích rằng: Vì kết luận điều tra về tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền" gán cho Nguyễn Văn Đài còn quá yếu.
Nguyễn Văn Đài và bạn bè anh trong hội AEDC chỉ có tội tuyên truyền và phổ biết kiến thức về QUYỀN LÀM NGƯỜI.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire