31/12/2017

Mỗi lá phiếu đều quan trọng

Ngô Nhân Dụng


Khi kêu gọi các cử tri đi bầu các nhà chính trị thường hô hào “Mỗi lá phiếu đều quan trọng!” Tất nhiên, họ thường hô khẩu hiệu này khi đứng trước các cử tri “phe mình!” Nhưng ít cử tri nào tin rằng một lá phiếu của mình lại quyết định kết quả cuộc bỏ phiếu.

Vậy mà chuyện hãn hữu đó mới xảy ra! Tháng trước, dân Virginia bầu một đại biểu vào nghị viện tiểu bang cho Đơn Vị 94. Đếm đi đếm lại, có lần hai bên chỉ hơn thua nhau đúng một lá phiếu!


Khi người thắng hơn kẻ bại một số phiếu quá nhỏ, phía thua thế nào cũng nghi ngờ là việc đếm phiếu phạm sai lầm. Họ sẽ yêu cầu đếm lại, và theo luật họ có quyền đó, nếu số chênh lệch quá nhỏ so với tổng số phiếu. Năm 2,000, hai ông Al Gore và George W. Bush chênh nhau quá ít ở tiểu bang Florida, đem nhau ra tòa đòi đếm lại. Đếm đi đếm lại, nhiều lá phiếu được bấm máy đã chiếu lên ti vi cho cả nước coi nó hợp lệ không, và cử tri định bầu cho ai? Cuối cùng, Tối Cao Pháp Viện phán ông Bush hơn ông Gore dưới 500 phiếu, do đó, thắng tất cả 26 phiếu cử tri đoàn của Florida, lên làm tổng thống.

Kinh nghiệm Florida năm 2010 khiến tiểu bang Virginia soạn ra một “cẩm nang kiểm phiếu,” trong đó xác định lá phiếu như thế nào thì hợp lệ và đoán trúng được cử tri muốn bầu ai. Quý vị thử tưởng tượng, một lá phiếu mà cử tri không tô đen hay đánh dấu vào cái vòng tròn bên cạnh tên ứng cử viên như lời dặn dò, mà lại chỉ viết một chữ như “Người của tôi!” “My Guy!” Như vậy có hợp lệ không? Nếu ở Florida năm 2010, người ta cãi nhau suốt sáng vẫn không đồng ý được. Bây giờ Virginia có cách giải quyết, ghi trong cẩm nang rồi!

Nhưng dù cuốn cẩm nang viết kỹ đến đâu cũng không tránh được chuyện các người kiểm phiếu trông lầm, đếm lầm, dù rằng trong lúc họ làm việc, đại diện của các ứng cử viên lúc nào cũng kiểm soát. Năm 2012, một cuộc nghiên cứu các cuộc bầu cử ở Mỹ đã kết luận rằng các cuộc đếm phiếu đều có thể sai từ 1% đến 2%! Bất cứ lần đếm nào. Có thể tưởng tượng ra cảnh này: Đếm phiếu lần thứ nhất, ông Cam thắng bà Quýt trên 1% số phiếu, đếm lần thứ hai, bà Quýt có thể vượt lên, hơn ông Cam gần 1% số phiếu! Hoặc bà có thể thua đậm hơn, tức là lên hay xuống 1% đều có thể xảy ra.

Quả nhiên, vụ này diễn ra ở Đơn Vị 94, Virginia trong tháng trước. Lần đầu kiểm phiếu, ông David Yancey thắng cử, hơn bà Shelly Simonds mười phiếu! Phải đếm lại. Lần này, bà Simonds qua mặt ông Yancey, thắng với đúng một phiếu! Một phiếu chẵn, không hơn không kém!

Năm 2002, hai giáo sư kinh tế Casey B. Mulligan và Charles G. Hunter, đã tẩn mẩn theo dõi 16,577 cuộc bỏ phiếu các đại biểu Hạ Viện Mỹ (cấp liên bang), từ năm 1898 đến năm 1992. Hai ông thấy chỉ có một (MỘT) lần với mức chênh lệch một phiếu. Cuộc bỏ phiếu tại Virginia vừa qua là bầu nghị viện của tiểu bang thôi. Mulligan và Hunter đã mở rộng phạm vi, nghiên cứu đến các cuộc bỏ phiếu cấp tiểu bang, và tìm ra thêm chín lần khác mà kết quả được quyết định bởi một lá phiếu!

Tại Virginia, ngày 19 Tháng Mười Hai, 2017, bà Simonds được tuyên bố thắng với một lá phiếu. Đến lượt ông Yancey khiếu nại. Ông không yêu cầu đếm phiếu lại. Ông chỉ trình trước tòa án một lá phiếu bị coi là “không hợp lệ” để xin một tòa án quyết định xem có hợp lệ hay không. Ngày 20, ba vị thẩm phán xem xét lá phiếu rồi tuyên án: Phiếu hợp lệ, và bầu cho ông Yancey!

Tới đây thì câu chuyện càng hấp dẫn hơn. Vì sau kết quả phiên tòa, hai ứng cử viên bằng phiếu nhau, nỗi người được 11,608 phiếu!

Theo luật tiểu bang Virginia, khi hai ứng cử viên có số phiếu bằng nhau thì kết quả sẽ quyết định bằng… xổ số! Nếu quý vị nghĩ rằng bốc thăm, xổ số, hay thảy xí ngầu là… phi dân chủ, thì xin quý vị nghĩ lại! Ai cũng đồng ý Athens là một thành thị áp dụng thể thức bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử thế giới – nếu không kể tăng đoàn theo học Phật Thích Ca. Nhưng tại Athens, một trong những cách chọn người cai trị là bốc thăm! Ai hên thì đắc cử! Ai cũng có hy vọng đứng đầu cả thành phố trong một năm! Dân chủ không nào?

Tại Virginia, ngày 26 Tháng Mười Hai, người ta tổ chức một cuộc bốc thắm. Tên mỗi ứng cử viên đựng trong một cái hộp đựng phim ảnh giống hệt nhau (Bây giờ vẫn còn người dùng phim ảnh thì hiếm thật!) Các đài truyền hình mang đại đội chuyên viên đến trực tiếp thâu cảnh tượng cho cả nước Mỹ coi. Nói cả nước Mỹ, vì câu chuyện hấp dẫn quá, dân các tiểu bang khác, như ký giả tò mò này, cũng muốn theo dõi.

Đến phút chót, cuộc trình diễn ngưng lại. Vì luật sư của bà Simonds cho biết bà đã nộp đơn kiện, xin tòa án xét lại, coi phiên xử ngày 20 Tháng Mười Hai là không hợp lệ. Năm hết Tết đến, cả hai ứng cử viên không thể bình tâm “ăn Tết Tây!”

Từ đầu bài tới đây, ký giả không cho biết hai ứng cử viên trong vụ này ai thuộc đảng nào. Cốt để quý vị theo dõi câu chuyện hoàn toàn khách quan, vô tư, không để tính tự yêu, ghét xâm nhập trong lòng. Ông Yancey đảng Cộng Hòa, bà Simonds, Dân Chủ. Vụ đếm phiếu này quan trọng, không chỉ đối với hai người, mà còn ảnh hưởng đến cả hai đảng.

Trong 17 năm qua, đảng Cộng Hòa chiếm đa số, kiểm soát nghị viện tiểu bang Virginia (Chúng tôi dùng chữ “nghị viện tiểu bang,” để dành chữ “quốc hội” cho cơ quan dân cử liên bang). Năm nay, Cộng Hòa vẫn kiểm soát nhưng chỉ hơn Dân chủ đúng hai phiếu: 51/49. Nếu bà Simonds thắng ông Yancey, dù với một lá phiếu hay bốc thăm trúng, thì hai đảng 50/50, đảng Cộng Hòa sẽ không hoàn toàn làm chủ được nghị trình nữa, khó ảnh hưởng tới việc tổ chức cuộc bầu cử quốc hội liên bang năm 2018.

Đó là lý do cuộc kiểm phiếu ở Đơn Vị 94, Virginia được cả nước Mỹ hồi hộp theo dõi.

Đối với một người quan sát không thiên vị đảng nào, thì câu chuyện này rất hứng thú. Thứ nhất, nó xác nhận một nguyên tắc của chế độ dân chủ tự do, là mỗi lá phiếu đều quan trọng. Nhiều người ở Đơn Vị 94, thuộc cả hai đảng, đang vò đầu bứt tai! Vì họ đã lười không đi bỏ phiếu! Nếu rủ cả gia đình mình đi bầu, thì phe mình đã thắng rồi! Lần sau, mình phải làm bổn phận công dân!

Bọn độc tài sẽ kể câu chuyện trên đây để chỉ trích lối sống dân chủ tự do. Họ sẽ mỉa mai: Hơn nhau có một lá phiếu! Như vậy mà cũng tự xưng là đại biểu của cả một đơn vị! Như vậy mà cũng gọi là dân chủ! Toàn là trò, tào lao, giả dối!

Nhưng bây giờ chúng ta thử hỏi người dân các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, xem họ có muốn xóa bỏ thể thức bỏ phiếu chọn người đại diện cho mình hay không, thì họ sẽ trả lời sao? Họ có chịu bãi bỏ chế độ dân chủ, để chuyển qua sống trong một xã hội mà đảng cầm quyền bao giờ cũng thắng với 95%, 99% số phiếu hay không?

Chúng tôi tin tưởng rằng thể thức bỏ phiếu vẫn là tốt nhất, dù xảy ra trường hợp hơn nhau một phiếu cũng đủ thắng. Chế độ Dân Chủ không phải là một thể thức chính trị hoàn hảo. Nhưng so với tất cả các thể chế đã thử dùng trên trái đất này thì Dân Chủ đỡ hại nhất. Đó là ý kiến của ông Winston Churchill.

Nhiều người có thể thất vọng khi thấy phe đảng mình thua, nhất là ở những nơi mình thua hoài. Chẳng hạn, đảng Dân Chủ ở Alabama hay đảng Cộng Hòa ở California. Cứ như vậy thì một lá phiếu của mình còn có giá trị gì hay không?

Mỗi lá phiếu đều nặng ký. Dù trong một tiểu bang mà một đảng kiểm soát lâu năm, chỉ cần một số nhỏ các đại biểu đối lập cũng đủ kiểm chế, cầm chân không cho đảng nắm quyền làm bậy. Không có lá phiếu của mình thì không có cơ chế kiểm soát đó. Hơn nữa, những đại biểu đắc cử năm nay không có gì bảo đảm là mấy năm sau sẽ còn được đảng của họ đưa ra. Chỉ cần lo ngại trước viễn tượng đó cũng khiến người làm chính trị phải tự kiềm chế hơn.

Trong tháng rồi, nước Mỹ còn một cuộc bỏ phiếu nhiều người theo dõi, ở tiểu bang Alabama. Hôm rồi, ủy ban bầu cử tại đó đã xác nhận ứng cử viên Doug Jones thắng, hơn ông Roy Moore  21,924 lá phiếu. Mức chênh lệch là 1.63%. Ông Moore vẫn không chấp nhận mình đã thua.

Năm ngoái, ở tiểu bang New Hampshire, Nghị Sĩ Kelly Ayotte, đảng Cộng Hòa thua ứng cử viên đối lập Maggie Hassan; nhưng chỉ thua dưới 0.1%, tức là dưới một phần ngàn. Nhưng bà Ayotte đã đứng ra công nhận bà Hassan thắng, không đòi kiểm phiếu lại, dù ai cũng nghĩ bà có quyền và nên đòi đếm lại. Đó là một người làm cho chúng ta tin tưởng hơn vào chế độ tự do dân chủ.
Ngô Nhân Dụng

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/moi-la-phieu-deu-quan-trong/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire