Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") |
Chuyện các đại gia, quan chức đào tẩu khỏi vòng
pháp luật kiểu như Trịnh Xuân Thanh, như Vũ Đình Duy, như Phan Văn Anh Vũ (Vũ
"nhôm") trong khoảng hơn một năm qua đã cho thấy khá nhiều bất ổn
trong hoạt động của các cơ quan giám sát và thực thi pháp luật.
Nếu như sau vụ đào tẩu của Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ
tịch Hậu Giang, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), khi ngửi
thấy khí lạnh của nhà giam, đã làm đơn xin nghỉ phép đi nước ngoài chữa bệnh mà
thực chất là đi trót lọt rồi mới chuyển đơn), các cơ quan tố tụng điều tra
rút ngay kinh nghiệm thì đâu còn chuyện Vũ Đình Duy (Tổng giám đốc Nhà máy xơ
sợi Đình Vũ (PVTex)) tiếp bước đàn anh đào thoát theo lối xin nghỉ phép...
để chạy ra nước ngoài trốn tội dễ dàng vậy?
Thế rồi thật không thể ngờ được rằng lại thêm một nhân vật
thứ 3, Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79,
nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79 – nay là Công ty CP đầu tư
và phát triển Chấn Phong) cũng đào tẩu ngay khi pháp luật sờ đến. Vũ
"nhôm" (tên quen gọi) từng là thượng tá Công an, trên danh nghĩa
là lãnh đạo một doanh nghiệp bình phong của Tổng cục 5, bộ Công an. Ông ta đã
đào tẩu như trong một bộ phim tình báo ly kỳ trước khi có lệnh khám xét nhà và
lệnh truy nã thì không thể xem đây là "bỗng nhiên trốn
thoát".
Tôi cứ thấy cay cay nơi sống mũi, thậm chí mất ngủ cũng chỉ
vì cái “cục tức" này nó to quá, không chịu nổi. Phải chăng vì điều gì
không thể ở đời vẫn cứ là có thể, nếu ...
Nhiều năm qua, đội ngũ đảng viên và cán bộ công viên chức kể
cả đương chức lẫn nghỉ hưu ở thành phố Đà Nẵng này không mấy ai còn nói không
biết Vũ "nhôm" là ai. Ngay cả đến dân đi du lịch bình thường nếu đã
hơn một lần đến Đà Nẵng, nếu có dịp ngồi vài lần tại quán nhậu nào đó là đã có
thể hình dung ra một bức chân dung về Vũ "nhôm" khá kỳ bí. Đẹp trai,
lịch lãm, giang hồ, có mối "quan hệ khủng", tiền nhiều, đất dự án
nhiều, lại là người của bộ Công an... thì còn gì hơn nữa! Anh ta có thể khiến
biết bao quan chức Đà Nẵng ngán ngẩm và không muốn đụng đến anh ta, thậm chí
làm theo anh ta khi được lĩnh hội chỉ đạo hoặc có gợi ý từ đâu đó xuống. Họ
ngại trở thành "vật tế thần" nếu không thực hiện như ý anh ta. Nhiều
khi dễ..." toi" như chơi!
Người ta nhắc đến sự nghênh ngang và lộng quyền đến kỳ lạ của
ông Vũ "nhôm", một người xuất thân từ nghề lắp đặt khung nhôm kính
cho ngành xây dựng rồi trở nên giàu có nhờ có nhiều hợp đồng ngon ăn khi trở
thành con rể của ông giám đốc sở Xây Dựng Đà Nẵng. Và trong hơn chục năm qua,
không hiểu sao cơ quan chủ quản của ông ta lại không bao giờ cho gọi hỏi, cho
điều tra để chấn chỉnh những đồn đại ghê gớm, cực kỳ khó tin về Vũ “nhôm".
Phải đến khi chuyện đó có liên quan đến quan chức của địa phương, Uỷ ban Kiểm
tra Trung ương vào cuộc, làm rõ thêm thì Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra
mới có văn bản yêu cầu chính quyền Đà Nẵng phối hợp hợp tác (?!).
Người ta tự suy đoán, một doanh nghiệp, dù là của ngành công
an và có thể có hoạt động nghiệp vụ đi chăng nữa thì cũng không thể nào lại có
thể bất chấp kỷ cương phép nước mắng mỏ cán bộ lãnh đạo chính quyền địa phương
đến mức các cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu trong quân đội phải nêu câu hỏi chất vấn
tân bí thư Thành uỷ Trương Quang Nghĩa nặng nề đến thế.
Thậm chí ông ta còn điều khiển được quan chức công quyền dằn
mặt một nữ nhà báo thường trú tại Đà Nẵng bằng việc ban hành một thông báo cấm
chị xuất cảnh ra nước ngoài vì đã viết loạt bài về Vũ “nhôm" với những sai
phạm và cả nghi vấn tiêu cực của anh ta thì quả là hãi hùng thật sự.
Phải chăng, bằng thứ quyền lực vô hình dựa vào đâu đó,
bằng" lợi ích nhóm" khá tinh vi, lại nhờ có vỏ bọc công an nên
Vũ “nhôm" đã có thể chi phối chính quyền và nhiều quan chức địa
phương đã vin vào đấy để quan hệ với Vũ "nhôm" rất công khai. Người
dân Đà Nẵng từng nói với tôi trong những lần tôi vào Đà Nẵng về những chuyện
khó có thể tin nổi. Giờ thì một phần sự thật về nhân vật quyền uy ngầm này đã
cho thấy không hề xoàng chút nào.
Dư luận tỏ ra băn khoăn, việc tiến hành điều tra những sai
phạm của Phan Văn Anh Vũ đã diễn ra khá lâu. Được biết, ông Vũ “nhôm" cư
trú tại TP.Đà Nẵng, quá trình ông Vũ vắng mặt tại nơi cư trú đặt ra câu hỏi về
trách nhiệm quản lý của Công an TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo đại tá Trần Đình
Liên, Phó Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng thì chủ trì vụ án này là bộ Công an. Cho
nên Công an TP.Đà Nẵng chỉ là đơn vị phối hợp. Sau khi bộ Công an có quyết định
truy nã thì theo nghiệp vụ lực lượng Công an TP.Đà Nẵng phải thực hiện.
Luật sư Nguyễn Lê Vũ (Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng theo
bộ Luật tố tụng hình sự, từ khi có quyết định khởi tố bị can mới áp dụng các
biện pháp ngăn chặn như cấm rời khỏi nơi cư trú hoặc tạm giam, còn trước đó đối
tượng vẫn được đảm bảo đầy đủ các quyền tự do cư trú, đi lại, không bị quản lý.
Cho nên, cần hiểu cho khách quan câu chuyện này. Việc các đơn
vị nghiệp vụ có theo dõi, giám sát đối tượng hay không thì đó là biện pháp nội
bộ của cơ quan điều tra chứ cũng không thể công khai được như ta tưởng. Cứ cho
rằng các cơ quan pháp luật làm việc công minh, thực sự "pháp bất vị
thân" đi nữa, và không có chuyện vì là người cùng ngành nên ai đó đã để lộ
thông tin theo dõi, giám sát để Vũ trốn thoát thì có lẽ chúng ta cũng nên xem
đây là một bài học về nghiệp vụ rất đắt giá. Nhất là đối tượng giám sát nói
trên lại là một sỹ quan cao cấp trong ngành tình báo. Cũng không loại trừ
nghiệp vụ của anh ta từng có được đã giúp anh ta đào thoát như trong phim...
tình báo vậy.
Rút cục thì, nếu không từ những bài học thực tiễn xương máu
này mà rút ra những điều bổ ích cho nghiệp vụ điều tra, giám sát đối tượng phạm
pháp nhưng chưa đủ yếu tố tống đạt quyết định bắt giam thì trong tương lai,
chuyện đào thoát qua mặt các trinh sát như Vũ "nhôm" vẫn có thể chưa
phải là trường hợp cuối cùng.
Theo báo Thanh Niên, Cơ quan ANĐT (bộ Công an) đã có văn bản
đề nghị Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng phối hợp điều tra, xác minh, làm rõ những sai
phạm trong việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất thuộc sở
hữu nhà nước tại TP theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Phần nhiều số nhà
này được chuyển nhượng cho Vũ “nhôm”. Trong đó, nhà 11 Phạm Hồng Thái được bán
vào năm 2001 khi ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch UBND TP. Còn lại 30/31 căn
nhà trong số trên được chuyển nhượng từ năm 2004 đến nay.
Từ năm 2004 đến nay, TP.Đà Nẵng đã trải qua 4 đời chủ tịch
TP: ông Hoàng Tuấn Anh (từ tháng 6.2004 - 4.2006), ông Trần Văn Minh (từ tháng
7.2006 - 8.2011), ông Văn Hữu Chiến (từ tháng 10.2011 - 1.2015), ông Huỳnh Đức
Thơ (từ tháng 1.2015 đến nay).
Quốc Phong
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire