Hương khê
Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương |
Mấy hôm nay, báo chí lề đảng đồng loạt đưa tin về việc Thanh tra Chính
phủ(TTCP) đề nghị Bộ Công an(BCA) chỉ đạo điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi
phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (KVN) và một số doanh nghiệp trực
thuộc, kiến nghị xử lý gần 15.000 tỉ đồng sai phạm.
Hầu hết các báo đều đăng ý kiến của TTCP kiến nghị BCA điều tra và xử lý
trách nhiệm Bộ Công Thương và UBND 4 tỉnh liên quan.
“Bên cạnh xử lý trách nhiệm lãnh đạo TKV và doanh nghiệp trực thuộc, TTCP
đề nghị Bộ Công an xem xét, chỉ đạo và thực hiện xử lý trách nhiệm đối với Bộ
Công Thương, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.
Theo đó: “Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra
việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh
tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và một số đơn vị thành viên
thời kỳ năm 2010 đến ngày 30-6-2015.
Trên cơ sở kiến nghị của TTCP, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt
ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có những ý kiến về các kết luận thanh
tra”(1).
Giai đoạn 2010-2015 mà TTCP nói đến trên đây, là thời kỳ ông Vũ Huy
Hoàng(VHH) còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương(BCT).
Chúng ta đều biết, với hơn một ngàn cơ quan báo chí và đài
phát thanh, truyền hình trên cả nước hiện nay, hàng năm tiêu tốn hàng trăm ngàn
tỉ tiền thuế của dân, chỉ là công cụ của ĐCSVN. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền bịp
bợm, đầu độc và nhồi sọ nhân dân với chức năng “định hướng dư luận”,
thì báo chí lề đảng còn kiêm thêm nhiệm vụ là chuẩn bị “bãi chiến trường” cho
những trận “đổ bộ” để thực hiện những đánh sắp tới của một phe nhóm nào đó,
nhằm giành giật quyền lợi của nhóm khác đang “chiếm giữ trái phép”
bấy lâu nay.
Với những dấu hiệu như trên, xem ra đã đến lúc ông cựu Bộ trưởng Bộ Công
thương không còn những ngày “huy hoàng” được nữa(2).
Ông Vũ Huy Hoàng(VHH), cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong 2 nhiệm kỳ liên
tiếp(2007 - 2016), làm bộ trưởng một trong những bộ quyến lực nhất của Việt
Nam.
Bộ Công Thương như tên gọi hiện nay, là kết quả của một quá trình sát nhập,
chia tách nhì nhằng của rất nhiều bộ ngành, với rất nhiều cái tên
gọi khác nhau qua nhiều thời kỳ. Tiền thân của nó là các bộ: Bộ
Năng lượng, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Thương nghiệp, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ
Thương mại, Bộ Công nghiệp. Và cuối cùng, vào ngày 31/7/2007, hợp nhất giữa Bộ
Công nghiệp và Thương mại thành Bộ Công Thương.
Ngoài ra ông Vũ Huy Hoàng từng là Ủy viên BCHTƯ ĐCSVN Việt Nam khóa 10, 11,
Đại biểu Quốc hội khóa 13. Sau gần 10 năm làm bộ trưởng, ông VHH đã
để lại một “di sản” rất đồ sộ, góp phần rất lớn trong việc làm tan
nát nền kinh tế nước ta hiện nay, góp phần to lớn vào việc đưa nền kinh tế VN
tiến tới “thiên đường XHCN”, với hàng loạt công trình thua lỗ hàng chục ngàn
tỷ. Hàng loạt nhà máy được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, làm ăn thua
lỗ, đang “đắp chiếu” chờ ngày khai tử.
Vì vậy, ông VHH đã bị UBKTTƯ và Ban bí thư ĐCSVN kỷ luật bằng hình thức
cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016.
“Đồng thời với việc cách chức, Ban cán sự đảng Chính phủ Việt Nam đã giao Đảng
đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với
ông Hoàng. Vụ việc này gây lúng túng và đau đầu cho các cơ quan lập pháp và
hành pháp tại Việt Nam vì trước đây chưa từng có quy định của pháp luật hay
tiền lệ việc xử lý kỷ luật một cán bộ cấp cao của Đảng khi đã về hưu(4).
Nội dung kết luận của UBKTTƯ nói chung chung và dài dòng văn tự. Nhưng tóm
lại,ông VHH bị kết 3 tội:
1: Bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu,
nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc
Sabeco khi mới 28 tuổi.
2: Luân chuyển Trịnh Xuân Thanh về làm phó CT tỉnh Hậu Giang theo đường “tiểu
ngạch”, hay nói cách khác là luân chuyển “chui”
3: Sai lầm của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong công tác
quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp thuộc bộ này.
Mặc dù bị kết tội làm thất thoát tài sản rất lớn, và bổ nhiệm con trai không
đúng quy trình, nhưng xem ra, đảng chỉ tập trung nhấn mạnh “tội” của ông VHH là
đã ưu ái trong việc “cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ
chức Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng Ban
cán sự đảng, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp”.
Nên nhớ là ông VHH chỉ bị kết tội sau khi Trịnh Xuân Thanh viết đơn xin ra
khỏi ĐCSVN do "không còn tin vào sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí
thư", và bỏ trốn sang Đức xin tị nạn.
Phải chăng vì quá cay cú vụ này, nên phe ông Trọng đã “giận cá bằm thớt”?
Và vì vậy ông VHH đã bị lột một phần chức vụ trước đây, sau khi đã “hạ cánh”:
“Do những vi phạm trong công tác cán bộ, ông Vũ Huy Hoàng bị Ủy ban
thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương.
Chính phủ xin thêm thời gian nghiên cứu việc kỷ luật cán bộ về hưu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ra Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật với ông
Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương(5).
Dư luận cho rằng, UBTVQH không đủ tư cách để cách chức bộ trưởng của ông
VHH. Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói
với BBC rằng về luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội không có chức năng, quyền hạn
cách chức bộ trưởng: "Chức bộ trưởng là do Quốc hội phê chuẩn, bây giờ lại
giao cho Ủy ban thường vụ xóa, nó nhập nhằng về pháp lý."(6).
Báo Calitoday cho là, "Dư luận coi đây là trò hề, một màn tấu
hài. Vì khi bị cách chức, ông Vũ Huy Hoàng đã không còn giữ bất cứ nhiệm vụ nào
trong bộ máy chính phủ. Thứ nữa, ông Hoàng có 2 nhiệm kỳ làm Bộ
trưởng(2007-2016), nếu cách chức một nhiệm kỳ(2011-2016), thì ông vẫn còn một
nhiệm kỳ trước đó(2007-2011), nên tất cả quyền lợi được hưởng sau khi về hưu
vẫn như cũ”.
Trong khi chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đang loay hoay tìm cách
để cách chức cựu bộ trưởng của ông VHH, thì ông Mai Tiến Dũng, Bộ
trưởng, Chủ nhiệm VPCP, khi trao đổi với báo chí bên lề QH sáng ngày
15/11/2016, về việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng cho rằng “rất thiếu khả thi”.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đang bàn. Người phát ngôn của
Chính phủ cho biết, Bộ Nội vụ đã có báo cáo đề xuất nhưng có nhiều phương án
cần phải bàn thêm nên chưa quyết được.
“Chính phủ đang thảo luận để thống nhất phương án báo cáo Ban Bí thư, Bộ
Chính trị chứ không thể nói cách chức nguyên Bộ trưởng được, rất thiếu khả
thi”(7).
Sau khi bị đảng mà ông đã gắn bó mấy chục năm nay,
đã “xuống tay” đối với ông, người ta không nghe ông VHH lên tiếng.
Nhưng cũng có một ông Chủ tịch tỉnh Gia Lai, sau khi bị đảng cách chức “cựu”,
đã lên tiếng thách thức và coi thường về hành động của đảng qua việc này. Trả
lời báo chí, khi được hỏi ông có ý kiến gì về việc UBKTTƯ đề nghị xử lý kỷ luật
mình? ông Phạm Thế Dũng cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai đã trả lời thẳng băng: “Tôi
nghỉ hưu hai năm rồi, giờ họ muốn xử sao thì xử”(8).
Câu hỏi đặt ra là tại sao phe ông Trọng lấy danh nghĩa “chống tham nhũng”,
để thanh trừng phe phái một cách khốc liệt nhằm mục đích gì?
Nên nhớ, sau Hội nghị BCHTƯ lần thứ 6, vào tháng 10/2012 của khóa XI, ông
Trọng trong bài diễn văn bế mạc hội nghị, đã “mếu máo” thừa nhận thất bại khi
không kỷ luật được đương kim TT Nguyễn Tấn Dũng. Vì phe ông Trọng lúc đó đang
yếu thế so với phe ông Dũng. Thế là ông Trọng đã đề ra một kế hoạch lâu dài để
“rửa hận”. Và kế hoạch phục thù đã được dàn dựng.
Muốn vậy, trước hết, ông Trọng bằng mọi cách phải giữ cho bằng được chiếc
ghế Tổng Bí thư ĐCSVN tại Đại hội XII, sẽ diễn ra vào tháng 1/2016. Vậy là ngay
từ năm 2013, ông Trọng đã cài cắm người của mình trong kế hoạch gọi là “luân
chuyển cán bộ” từ trung ương về các địa phương, để làm nòng cốt trong
việc “lãnh đạo” các đoàn Đại biểu các địa phương đi dự ĐH XII. Đương
nhiên các vị này sẽ là những đại biểu chính thức đi dự đại hội, và sẽ là trưởng
hoặc phó của các đoàn này.
“Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tổng số 44 cán bộ Trung ương
luân chuyển về các địa phương. Trong đó 25 đồng chí sẽ giữ chức Phó Bí thư tỉnh
ủy, thành ủy; 19 đồng chí giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố. Trong số cán bộ luân chuyển đợt này có hai đồng chí là Ủy viên Trung ương
Ðảng, 19 đồng chí thứ trưởng và tương đương, 25 đồng chí cục trưởng, vụ trưởng
và tương đương, có ba cán bộ nữ. Toàn bộ số cán bộ luân chuyển đợt này đều
trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị ở Trung ương,
trong đó có 22 đồng chí được quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung
ương Ðảng nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo(9).
Như vậy cái gọi là Đại hội khóa XII của BCHTƯ ĐCSVN, cũng như tất cả các
đại hội khác, việc bầu bán chỉ là trò hề. Vì ngay từ trước ngày đại hội đảng
hơn 2 năm, đảng đã sắp xết ai trúng ai không, và những người sau khi trúng sẽ
đảm nhận chức vụ gì.
Không những thực hiện kế hoạch “cơm độn khoai”, mà theo cách nói của dân VN
thời bao cấp, là “mỗi hạt gạo lãnh đạo năm bảy miếng khoai”, ông Trọng còn loại
trừ Nguyễn Tấn Dũng đang lăm le tranh giành chức TBT, bằng cách đưa
ra “Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung
ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng”.
Theo đó: “Điều 13. Việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường
vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư:
“Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính
trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính
trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề
cử của Bộ Chính trị”(10).
Nghĩa là BCT khóa XI đề cử nhân sự BCHTƯ cho khóa XII. Mà BCT lúc này do
phe ông Trọng khống chế đã không đề cử ông Dũng. Vì vậy, tuy
tại ĐH XII, có một số đoàn các địa phương đã đề cử ông Dũng vào BCHTƯ, nhưng
ông Dũng đã phải cay đắng “tự nguyện xin rút” để về “làm người tử tế”.
Trước đó, vào năm 2015, ông Trọng đã dùng đòn đánh “dưới thắt lưng” ông
Dũng, là phải lạy lục nhờ đến sự viện trợ của ba ông GS-TS đã hết “đát” và cùng
lò bảo thủ, là Lưu Văn Sùng, Nguyễn Thế Tùng và Nguyễn Đình Kháng, tố cáo ông
Dũng những nội dung sau:
“ Thứ nhất là người tiếp sức cho “thế lực thù địch” vu cáo cho “đảng ta lệ
thuộc vào Trung Cộng”. Thứ hai: ông Dũng chính là người đã “kích động sự đối
đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Thứ ba: ông Dũng đang kêu phe cánh vận động
để ông trở thành tổng bí thư, nếu ông ta lọt vào BCHTU khoá XII thì đó là “thảm
hoạ của đảng và dân tộc”.
Ngoài ra, ba ông già ngáo đá này còn tố cáo ông Dũng gả con gái là Nguyễn
Thị Thanh Phượng cho con của đại tá tình báo CIA Nguyễn Bá Bảng(11).
Chưa hết. Ông Trọng con nhờ đến người đồng chí cũ là cựu Thường trực Ban Bí
thư Phan Diễn, viết đơn gửi BCT và BBT về việc “ đồng chí Nguyễn Tấn Dũng là
cán bộ lãnh đạo chủ chốt của đảng, nên việc đồng chí Dũng có quan hệ thân tình,
gắn bó với một gia đình có lịch sử chính trị phức tạp, không rõ ràng như thế là
việc quá hệ trọng, không thể xem thường. Hiện nay con gái đồng chí Dũng có quốc
tịch Mỹ”(12).
Với những đòn hiểm ác này, cha con ông Dũng đã phải lao đao gỡ mớ bòng bong
này. Ông Dũng phải viết 14 trang giấy A4 để“giải trình”, và Thanh
Phượng phải “thanh minh thanh nga” là “cháu không có quốc tịch Mỹ”,
và vẫn giữ quốc tịch VN và vẫn sinh hoạt đảng tại VN.
Và kết quả là “gỡ cho ra nỡ còn gì là duyên”(kiều). Nguyễn Tấn
Dũng phải ôm hận về ‘làm người tử tế”.
Nhưng vì sau 10 năm làm Thủ tướng, ông Dũng đã rải biết bao "ơn huệ mưa
móc” xuống cho lớp đàn em tại các bộ, ngành và địa phương khắp cả nước, nên tuy
thất thế, nhưng phe ông Dũng vẫn còn rất mạnh. Vì vậy để phòng xa, phe ông
Trọng đã thỏa thuận ngầm với phe ông Dũng là sẽ đưa hai đệ tử đắc lực nhất của
ông Dũng là Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình vào Bộ Chính trị khóa XII. Đây là
kế “lùi một bước để tiến ba bước” của ông Trọng.
Nhưng có vẻ như ông Trọng vẫn bất an cho những kế hoạch nói trên, vì lúc
này ông Trọng đã 72 tuổi, là cái tuổi “xưa nay hiếm", nên lẽ ra ông phải về
“vui thú đoàn viên”. Nay nếu ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nữa thì chẳng khác nào
ông còn “tham vọng quyền lực”, điều mà lâu nay ông Trọng vẫn thường “rao giảng”
và quyết chống đối. Vì vậy ông Trọng hứa chỉ làm nửa nhiệm kỳ vì “sự
ổn định” trong đảng, vì ông là “trường hợp đặc biệt”.
Như thế vẫn chưa ổn. Ông Trọng còn sai ông CTQH Nguyễn Sinh Hùng đi Trung
Quốc (từ ngày23-27/12/2015), chỉ trước đại hội XII một tháng, nhằm báo cáo tình
hình chuẩn bị đại hội, và đề nghị phía Trung Quốc đưa lực lượng chi viện, đề
phòng ĐH XII “có biến”.
Ngay khi ông Hùng về nước, báo chí Trung Quốc loan tin Trung Quốc
tính đến việc đưa quân đội sang nước khác để chống khủng bố theo ký kết giữa
quốc vụ viện hai nước. Điều lạ lùng là sau bản tin này của báo chí Trung Quốc, ngay lập tức các tướng công an, quan chức Việt Nam đăng đàn xác nhận Việt Nam
vừa phát hiện nhiều khủng bố.
Đồng thời phe ông Trọng đã chuẩn bị lực lượng rất hùng hậu, huy động xe
tăng, thiết giáp và nhiều sư đoàn, với đầy đủ trang thiết bị, dàn quân khắp thủ
đô nhằm bảo vệ ĐH XII. Dư luận cho rằng, trong lúc đất nước đang bình yên, thì
việc bố trí lực lượng hùng hậu như vậy để bảo vệ đại hội là điều chưa từng có
tại VN. Phải chăng ông Trọng muốn “dằn mặt” ông Dũng đừng có mà í ớ gây sự?
Sau khi đã thành công và giữ được ghế TBT tại ĐH XII, công việc tiếp theo
của ông Trọng là phải làm hết nhiệm kỳ, và phải sắp xếp đưa người phe mình kế
nghiệp tại ĐH XIII sẽ diễn ra vào năm 2021.
Muốn vậy, ông Trọng phải thực hiện các việc sau: Một là làm suy yếu nhóm
Nam Định trong Bộ Chính trị, gồm Phạm Bình Minh, Đinh La Thăng, Đinh Thế Huynh
và Trần Đại Quang (ông Quang tuy người Ninh Bình, nhưng gốc Nam Định). Vì nhóm
này mà ngồi lại với nhau là một nguy cơ cho ông Trọng.
Hai là “ phục thù” Ba X được ngụy trang bằng chiến dịch chống
tham nhũng và “đốt lò”.
Hai nhân vật ngăm nghe thay thế ông Trọng nếu ông Trọng làm nửa nhiệm kỳ,
là Thường trực BBT Đinh Thế Huynh, và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Với Đinh Thế Huynh, như chúng ta đã thấy, “bỗng dưng mất tích” hơn cả năm
nay mà đảng không một lời giải thích. Người ta chỉ biết đảng đưa ông Trần Quốc
Vượng tham gia Thường trực Ban Bí thư từ ngày 01/8/2016, một việc làm mà từ khi
ĐCSVN có chức Thường trực Ban Bí thư do ông Nguyễn Duy Trinh giữ từ tháng
2/1980 đến nay chưa lúc nào ban này có 2 người.
Ông Đinh Thế Huynh khi làm Thường trực BBT, đồng thời kiêm chức Chủ tịch
Hội đồng Lý luận Trung ương. Như vậy là “sinh mạng chính trị” ông Huynh được
nuôi bởi 2 ống dẫn, là Thường trực BBT và CTHĐLLTƯ. Khi bổ sung ông Trần Quốc
Vượng vào Thường trực BBT, có nghĩa là đã kẹp cái ống dẫn này của ông Huynh còn
một nửa. Thế nhưng, “Chiều 14/12, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức công bố
Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công phụ trách cơ quan này cho ông
Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương”. Nghĩa là ngươi cắt
nốt sợi dây còn lại nuôi dưỡng ông Huynh. Vậy là sự nghiệp của ông Đinh Thế
Huynh coi như đã kết thúc từ đây(13).
Về ông Trần Đại Quang, thì sau một thời gian “mất tích”, sau khi tái xuất
hiện, thấy ông này phờ phạc và đờ đẫn như người mất hồn. Mặc dù đảng giấu biệt
bệnh tình của ông Quang, nhưng dư luận thừa biết ông Quang đã suýt chết như thế
nào.
Nhưng để kết liễu ông Quang, phe ông Trọng đã đánh vào 2 điểm: Một là
ra “Kết luận số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 về xác định tuổi của đảng
viên”. Theo đó: “Kể từ ngày 18-8-2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng
viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ Lý
lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để
các cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới
thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với
cán bộ là đảng viên”(14).
Vì vào năm 2004, ông Quang, đã sửa tuổi từ 1950 thành 1956. Nhờ vậy ông ấy
mới vào được BCT tại ĐHXI.
Hai là ra Quy định số 90-QĐ/TW. Theo đó: “ Sức khỏe, độ tuổi và kinh
nghiệm: Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu
ứng cử theo quy định của Đảng. Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm
vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh
nghiệm thực tiễn”(15).
Báo Giáo Dục còn cứa thêm một nhát dao vào vết thương của 2 ông này khi
viết: “ Những cán bộ sau khi được bổ nhiệm vì những lý do cụ thể như sức khỏe
không bảo đảm sẽ được thay thế kịp thời không chờ hết thời hạn giữ chức vụ bổ
nhiệm”.
Với chiến dịch diệt Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Đà Nẵng, thực chất là nhắm
vào Vũ Nhôm, mà ông Trọng cho là “sân sau” của Trân Đại Quang, cho
thấy thế bao vây của ông Trọng chặt chẽ biết chừng nào.
Như vậy là với cú ra đòn này, ông Trọng đồng thời loại được hai đối thủ
nặng ký ra khỏi nguy cơ tranh giành chức TBT nửa nhiệm kỳ còn lại của ông
Trọng. Đồng thời loại hẳn 2 ông này ra khỏi ứng viên cho chức TBT nhiệm kỳ tới.
Với Đinh La Thăng thì kết quả chúng ta đã biết rồi. Chiến thuật “rút củi
đáy nồi” được phe ông Trọng thực hiện từng bước từ từ theo kiểu “tằm ăn dâu”.
Như vậy là ông Trọng đã vô hiệu hóa được nhóm Nam Định. Nay nhóm này chỉ
còn một mình Phạm Bình Minh thì chẳng làm nên cơm cháo gì.
Mục tiêu cuối cùng trước khi siết vào cổ Ba Dũng chỉ còn 2 người. Một là Vũ
Huy Hoàng, hai là Nguyễn Văn Bình.
Không những KVN tham nhũng, mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng
chẳng sạch sẽ gì. Báo chí lề đảng cũng đã vạch trần gian lận tại EVN. Theo đó:
“Bộ Tài chính mới đây đã có kết luận thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam
(EVN). Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản
hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016
giảm”(16).
Nhưng vì ông Trọng còn lo siết chặt vòng vây vào VHH, nên việc EVN đang tạm
gác lại tính sau.
Nay với kiến nghị của TTCP về quy kết trách nhiệm cho Bộ công
thương trong việc làm thất thoát gần 15.000 tỉ tại KVN từ năm 2010 đến 2015,
đồng nghĩa với việc “hơi lạnh chiếc còng” đã “chạm” vào da tay của
VHH. Vấn đề là ông Trọng sẽ “đập con chuột” này bằng cách nào cho đỡ
ồn ào mà thôi.
Có lẽ cựu Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình đã biết “nhả” bớt những gì đã
nuốt trước đây, mà phải nhả nặng ký, cho nên đến nay chưa thấy ông Trọng động
đến chăng?
Nếu như ông Trọng có đủ can đảm đập chết tất cả những con chuột ăn tàn phá
hoại của dân mấy chục năm nay, thì ông ấy sẽ là một Mikhail Sergeyevich
Gorbachyov của Việt Nam. Và như vậy là tan cả bình lẫn chuột.
Nhưng vì ông ấy sợ “mất đảng là mất tất cả”, do đó công cuộc thanh
trừng phe phái lần này bề ngoài tuy có vẻ nóng bỏng. Nhưng thực chất cái “lò
tôn” của ông Trọng sẽ không đụng vào những con chuột đã biết nhả bớt ra và quy
phục ông ấy đâu. Vì vậy những Nguyễn Thị Kim Tiến, Trịnh Văn Chiến, Phạm Sĩ
Quý, Võ Kim Cự..vv.. tuy dư luận và nhân dân rất căm phẫn. Nhưng rồi bọn chúng
vẫn sẽ “bình chân như vại”.
Qua sự kiện Vũ Nhôm và hàng loạt cán bộ từ cao cấp trở xuống đều bị tra tay
vào còng vì tham nhũng tàn bạo và có hệ thống, và khi có dấu hiệu sắp
bị “lên thớt” thì tìm mọi cách chạy ra nước ngoài lẩn trốn, chứng tỏ
cái bộ máy cầm quyền từ trung ương đến địa phương của đảng hiện nay, chỉ là một
tập đoàn tham nhũng có tổ chức, tìm mọi cách vơ vét để làm giàu. Và tất cả đều
chuẩn bị “phương án 2”, là tìm cách “lót ổ” tại nước ngoài, để khi
có biến là “bay”.
Và với việc thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ, người của Tổng cục 5 BCA,
sau một thời ‘làm mưa làm gió”, làm bình phong để vơ vét làm giàu cho nhóm của
ông ta. Nay ôm theo nhiều “bí mật quốc gia” tìm đường đào tẩu ra
nước ngoài, đã làm cho ông Trọng ăn ngủ không yên, như ngồi trên đống lửa.
Nếu Vũ Nhôm mà lọt được sang Đức tị nạn, thì có khi ông Trọng phải đi cấp
cứu vì “lên máu”. Âu đó cùng là quả báo cho hành động bất chấp luật lệ, dám
xông thẳng vào nhà người ta để “cướp người”.
Và màn “đầu thú” của Trịnh Xuân Thanh được ông Trọng mất công dàn dựng bấy
lâu nay, sẽ tan biến như bọt xà phòng. Và sự “tài tình và sáng suốt” của giới
“đỉnh cao trí tuệ” chỉ là màn “tự sướng”, làm trò cười cho thiên hạ.
Chúng ta hãy hồi hộp chờ xem màn hài kịch này sẽ diễn tiến ra
sao và kết thúc như thế nào.
Nhưng dù sao, thì "mua vui cũng được một hồi trống canh”.
Chú thích:
(8): (https://tintaynguyen.com/nguyen-chu-tich-ubnd-tinh-gia-lai-toi-ve-huu-roi-xu-sao-thi-xu/414404/).
(10): (http://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/daihoidaibieu/Pages/van-ban-cua-dang-cap-tren.aspx?ItemID=15).
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire