29/04/2018

Đôi điều về các loại “Lực” trong cuộc chiến chống nội xâm (1)


Xuân Dương 


(GDVN) - Lịch sử đã chứng minh, kẻ yếu không thể duy trì quyền lực lâu dài, có chăng chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi trước khi bị lực lượng mạnh hơn giành mất.

Ảnh minh họa: Quantri.vn
Có nhiều loại loại “lực” ảnh hưởng đến công cuộc chống giặc nội xâm mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành, chẳng hạn: Quyền lực, Năng lực, Nội lực, Động lực, Hấp lực, Ma lực…

Mỗi loại lực có ảnh hưởng và tầm tác động khác nhau và người viết không có tham vọng cũng như không đủ kiến thức để đi sâu phân tích.

Trong loạt bài này chỉ là những điều nhiều người đã nói, đã viết, thêm vào đôi chút thiển kiến để ai muốn đọc thì đọc, ai không muốn thì thôi.

Lãnh đạo (hay cai trị) một quốc gia, trước hết phải nói đến Quyền lực.

Quyền lực thể hiện ở hai đặc điểm: “Tầm ảnh hưởng và khả năng điều khiển”.


Việc thâu tóm quyền lực không thể đạt được chỉ bằng năng lực mà còn phụ thuộc vào thời vận, tương quan sức mạnh giữa các lực lượng chính trị,…

Trường hợp người ta có được quyền lực nhờ sự trợ giúp về kinh tế, quân sự từ các thế lực nước ngoài hoặc sự thỏa hiệp của các phe nhóm trong nước thì người nắm quyền nói chung không thể có “tầm ảnh hưởng” cũng như khả năng “điều khiển”.

Quyền lực vốn tự do nhưng sẽ mất tự do khi bị chiếm dụng.

Một khi “Quyền lực trong tay kẻ mạnh” thì bản thân quyền lực cũng trở thành tù binh, cũng bị mất tự do như chính thể chế mà quyền lực đó chi phối.

Trường hợp bị chiếm dụng một cách bất hợp pháp, quyền lực bị biến thành công cụ đàn áp dân chúng, nếu được ủy thác hợp pháp, quyền lực giúp lực lượng lãnh đạo quản lý đất nước.

Lịch sử đã chứng minh, kẻ yếu không thể duy trì quyền lực lâu dài, có chăng chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi trước khi bị lực lượng mạnh hơn giành mất.

“Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, câu nói này cho thấy để duy trì quyền lực không cách nào hơn là dựa vào dân, hợp lòng dân thì tồn tại, trái ý dân thì sớm muộn cũng bị lật đổ.

Tại các quốc gia - trừ các nước theo thể chế quân chủ kiểu cũ - quyền lực nằm trong tay một hoặc một liên minh các đảng phái chính trị, dẫu có thế thì quyền lực cuối cùng cũng được trao vào tay một cá nhân được lựa chọn qua bầu cử hoặc được các phe phái hiệp thương đưa lên vị trí lãnh đạo.

Sự hiệp thương, nói theo ngôn ngữ thông thường là “mặc cả” giữa các thế lực chính trị là nguyên nhân khiến không ít trường hợp, người trở thành lãnh đạo không phải là nhân vật kiệt xuất.

Những người tài năng “thường thường bậc trung” được hiệp thương lựa chọn, đặt vào vị trí cao nhất thường không được trao quyền lực trọn vẹn.

Phần lớn trường hợp chỉ là để các phe phái dễ thao túng, những người như thế không mấy khi mang lại ích lợi gì cho quốc gia, dân tộc.

Mang danh nghĩa người đứng đầu, thực chất họ không có quyền để quyết bất kỳ vấn đề trọng đại nào.

Một khi đi đây, đi đó, phát biểu này nọ đều phải dựa vào tờ giấy đã được chuẩn bị sẵn, người ta dễ nhận thấy hình hài một con rối trong bộ vest lịch lãm.

Với mỗi quốc gia, quyền lực phụ thuộc vào điều gì?

Lấy ví dụ bốn siêu cường đứng đầu thế giới về sức mạnh tổng hợp quân sự - kinh tế là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.

Mỹ và Nhật có sự cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, Nga và Trung Quốc dường như quyền lực tập trung vào Tổng thống hoặc Chủ tịch mặc dù vẫn có hai nhánh quyền lực khác là Lập pháp và Tư pháp.

Mỹ theo thể chế tam quyền phân lập trong khi Nhật lại theo chế độ quân chủ lập hiến, tại các quốc gia theo thể chế này vua được coi là nguyên thủ nhưng chỉ đóng vai trò danh dự, quyền hành pháp trong tay Thủ tướng.

Tại Mỹ, ông Donal Trump giành được 306 phiếu đại cử tri (bà Clinton được 232 phiếu), tính ra tỷ lệ phiếu đại cử tri bầu cho ông Trump chỉ là 56,87%.

Tại Nhật Bản, có 312/465 hạ nghị sĩ bầu cho ông Shinzo Abe, còn tại thượng viện ông Abe nhận được 151 trên 242 phiếu ủng hộ để trở thành Thủ tướng.

Tỷ lệ bầu cho ông Shinzo Abe lần lượt là 67% và 62,4%.

Liên bang Nga là một hình mẫu có thể xem là hơi đặc biệt.

Đầu năm 2018, ông Putin trúng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư với tỷ lệ phiếu là 76,7%.

Tại quốc gia này, thể chế “tam quyền phân lập” không thật sự rõ ràng, Tổng thống không gặp nhiều khó khăn từ Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện), quyền lực của Tổng thống gần như bao trùm mọi lĩnh vực và đôi khi có vẻ lấn sang cả lập pháp và tư pháp.

So về tiềm lực kinh tế, Nga chỉ mấp mé top 10 thế giới nhưng tiềm lực quốc phòng của họ lại đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được 100% đại biểu Quốc hội bầu là Chủ tịch nước.

Như thế, ở Trung Quốc, người đứng đầu đảng cũng là nguyên thủ quốc gia.

Với thể chế chính trị khác người như vậy, Trung Quốc lại chiếm vị trí thứ hai thế giới về kinh tế, thứ ba thế giới về quân sự và đang đe dọa vị thế số 1 của Mỹ.

Dù thể chế chính trị có khác nhau song có một thực tế không thể phủ nhận là bốn quốc gia nêu trên đều là những quốc gia hùng cường với sức mạnh kinh tế, quân sự lấn át nhiều nước nếu không nói là phần còn lại của thế giới.

Vậy vị thế quốc gia được quyết định bởi thể chế chính trị hay tài năng người đứng đầu?

Các dẫn chứng nêu trên cho thấy, vị thế một quốc gia không hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế chính trị.

Bằng vào chủ trương, quyết sách hợp lý, với tài năng của người đứng đầu, sự nhanh nhạy của ekip lãnh đạo, cả bốn quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật dù khác nhau về thể chế song đều là những quốc gia mạnh nhất thế giới cả về quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm.

Lấy Trung Quốc để so sánh, thể chế chính trị Việt Nam và Trung Quốc là tương đồng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, bốn năm sau - vào năm 1949 - nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa mới ra đời.

Cho đến nay thu nhập bình quân của Việt Nam khoảng hơn 2.300 USD còn Trung Quốc đã là 8.000 USD.

Việt Nam tương đương Nhật Bản, Đức về diện tích và dân số: Nhật rộng 379.067 km2, dân số khoảng 120 triệu người; Đức rộng là 357.021 km², dân số khoảng 82 triệu người; Việt Nam diện tích 331.210 km², dân số gần 100 triệu người.

Thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau, tiềm lực kinh tế, quốc phòng hai nước này vượt hơn hẳn Việt Nam.

Bằng vài phân tích nêu trên, có thể thấy bộ máy lãnh đạo, năng lực người đứng đầu, quyền lực mà họ (và bộ tham mưu của họ) có được đóng vai trò không hề kém so với thể chế chính trị.

Vậy nên Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng yếu kém về kinh tế, tham nhũng tràn lan, lòng dân bất an thì trước hết phải có một đội ngũ lãnh đạo sáng suốt, một người đứng đầu đủ mưu lược và dũng khí đương đầu với các tập đoàn tội phạm mà chúng ta quen gọi là “nhóm lợi ích”.

Bên cạnh đó cần những cải cách thể chế để có một nhà nước minh bạch, thượng tôn pháp luật.

Điều mà dân chúng mong muốn không phải là ai lãnh đạo mà là họ lãnh đạo như thế nào.

Để duy trì vị thế lãnh đạo, trước mắt phải làm trong sạch lực lượng lãnh đạo tức là đảng viên và các tổ chức của đảng.  

Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ cho đến trước Đại hội Đảng lần thứ 12, dường như các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều ngại chỉ đích danh những phần tử “nằm vùng” trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, chẳng hạn mấy viên tướng Công an, một số lãnh đạo tỉnh, trung ương mới bị khởi tố hoặc bị các hình thức kỷ luật đảng.

Muốn công phá các “nhóm lợi ích” khi mà chúng đã bén rễ rất sâu vào cơ quan công quyền, đặc biệt là cơ quan bảo vệ pháp luật thì người đứng đầu phải nắm trong tay vũ khí đủ mạnh.

Nói cách khác, đây là giai đoạn phải tập trung quyền lực, tất cả công cụ chuyên chính phải được trao vào tay người dũng cảm, chấp nhận hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không phải chỉ vì sự sống còn của tổ chức.

Hiện thời, vẫn có một độ trễ nhất định về thời gian giữa kỷ luật của Đảng và xử lý của các cơ quan chính quyền, Quốc hội, giữa mức độ kỷ luật Đảng với việc xử lý sai phạm theo Bộ Luật Hình sự, ngược lại cũng có những vấn đề mà Chính phủ chỉ đạo, được dư luận ủng hộ nhưng lại chưa được áp dụng bên cơ quan Đảng.

Xin nêu hai ví dụ minh họa cho nhận định này:

Thứ nhất, tại phiên họp thứ 15 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cuối tháng 6/2017, Phó Bí thư Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh bị đánh giá là mắc khuyết điểm nghiêm trọng.

Do bà Thanh khiếu nại, tháng 11/2017 Ban Bí thư y án kỷ luật cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh (Vietnamnet.vn 24/11/2017).

Đến phiên họp thứ 23 (12-12/3/2018) Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục xem xét và kết luận vi phạm của bà Thanh là “rất nghiêm trọng”.

Vậy là qua 9 tháng, mức độ sai phạm tăng từ “nghiêm trọng” lên “rất nghiêm trọng” vì sao bà Thanh vẫn chưa bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội, vẫn còn là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai?

Sự chậm trễ tới gần 1 năm của Quốc hội có phải là vướng những quy định pháp luật hay còn phải chờ quyết định cuối cùng từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương?

Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm “Chính phủ không bán bia, không bán sữa” nhằm tập trung vào công tác quản lý vĩ mô.

Nhiều đơn vị 100% vốn nhà nước đã được chào bán cho tư nhân trong và ngoài nước theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, vậy thì Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có nên duy trì việc kinh doanh đất đai, bất động sản?

Vụ bán 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà công ty Tân Thuận (trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện gây xôn xao dư luận vừa qua có phải chỉ là cá biệt, đặc thù của thành phố này hay cũng còn những vụ việc tương tự ở nơi khác?

Và một câu hỏi cần phải đặt ra, để tránh xuất hiện thêm những “Út trọc”, “Vũ nhôm” hay Tân Thuận trong tương lai, các cơ quan liên quan có nên xem xét lại chủ trương tham gia làm ăn kinh tế thuần túy (ngoại trừ sản xuất phục vụ nhu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang)?

Có thể thấy, để đạt thắng lợi trong cuộc chiến chống nội xâm, trước hết phải làm trong sạch tổ chức, nếu nội bộ trong chưa thông suốt, vẫn còn ai đó chưa chịu “dẹp sang bên” hoặc chưa bị bắt buộc “dẹp sang bên” thì rất khó chỉ đạo bên ngoài.

Trở lại vấn đề tập trung quyền lực, sẽ có những nghi ngại nếu quyền lực tập trung quá lớn dễ dẫn tới độc quyền, nghi ngại như vậy không sai nhưng cần đặt trong bối cảnh hiện tại.

Thay đổi một nền kinh tế lạc hậu nhiều thập niên so với thế giới (năng suất lao động trì trệ đến mức chỉ bằng 1/20 Singapore); một không gian văn hóa, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng; kỷ cương phép nước bị xem thường, một đội ngũ cán bộ công chức “đông như quân Nguyên” nhưng không ít “cắp ô”, hoặc “tham nhũng vặt” thì có cần một bàn tay sắt?

Nếu cứ để diễn ra tình trạng xem xét kỷ luật một lãnh đạo cấp tỉnh mất gần một năm như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh thì thời gian đâu để lo việc quốc gia đại sự?

Một khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm của đảng viên là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì cần phải xem tương đương với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà Bộ Luật Hình sự quy định.

Dân chúng sẽ không phục nếu một đảng viên mắc sai phạm “rất nghiêm trọng” nhưng lại không bị xử lý về mặt pháp luật, nhiều trường hợp chỉ là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Nhiều ý kiến cả trong và ngoài nước cho thấy chiến dịch chống tham nhũng từ sau Đại hội 12 đã thể hiện không có vùng cấm, đã động chạm đến những “nhóm lợi ích” mạnh về kinh tế và lực lượng, những vùng đất vốn được xem là địa bàn “nhạy cảm” như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,…

Quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Trung ương thể hiện qua cảnh báo: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.

Không phải là không có trường hợp người ta không “dẹp sang bên” mà còn ngáng đường, còn lợi dụng số đông để cản trở tiến trình chống tham nhũng trong khi số đông không phải lúc nào cũng đúng, điều này có thể thấy trong thông báo kết thúc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 11:

Bộ Chính trị đã thống nhất cao tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có hình thức kỷ luật khiển trách về trách nhiệm chính trị đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị…

Sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”.

“Không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị” là trái với tinh thần “thống nhất cao tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách” của Bộ Chính trị.

Chống nội xâm nếu có một bàn tay “sắt và sạch” thì có nên trao toàn quyền hành động?

Ý của người viết là “trao quyền” chứ không phải là “giành quyền”.

Năng lực có nổi trội đến mấy mà không được trao quyền lực thì cũng bó tay trước căn bệnh đã trở thành kinh niên trong xã hội Việt Nam hiện tại.

Trao quyền là danh chính ngôn thuận, là biểu hiện sự tin tưởng của dân đối với người được lựa chọn, và đương nhiên dân sẽ không nhầm lẫn trao quyền cho người nhụt ý chí, cho kẻ đầu cơ chính trị, nhất là những kẻ “nằm vùng” trong bộ máy.

Và Nhân Dân, tin vào chủ trương, đường lối cũng như người lãnh đạo nhưng sẽ vẫn luôn nhớ lời người chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc G. Phuxích trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ”:

“Hỡi nhân loại, ta yêu người nhưng hãy cảnh giác”.

(còn nữa)


Xuân Dương






Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire