Phạm Chí Dũng
Ảnh: RFA |
Việt Nam – Cali Today News – Một sự trùng hợp
ngẫu nhiên của lịch sử vừa diễn ra: tháng Tư năm 2018, tròn một năm ngày nổ ra
vụ Đồng Tâm ở Hà Nội và trùng với thời điểm người dân Đồng Tâm hân hoan tổ chức
kỷ niệm cái ngày mà Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải ký sống và lăn tay
vào bản cam kết không “hồi tố” dân Đồng Tâm, người dân ở hai xã Mỹ Thọ và Mỹ
An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã tái hiện thắng lợi “đổi người” mà Đồng Tâm
đã giành được một năm trước.
Vào ngày 18/4/2018, khoảng một chục người dân xã Mỹ Thọ và Mỹ
An tập trung phản đối Tổng công ty cổ phần thương mại và xây dựng
(Viettracimex) lắp đặt cột quan trắc gió phục vụ dự án điện gió vì nghi ngờ
chính quyền lấy đây là cớ để cho công ty bên ngoài khai thác quặng titan, chặt
phá rừng dương, gây ô nhiễm môi trường.
Người dân địa phương cho biết chính quyền địa phương cho công
ty đưa xe vào thi công, lắp đặt cột quan trắc gió mà không báo cho người dân biết.
Người dân muốn bảo vệ nguồn nước đầu nguồn và bảo vệ rừng dương. Người này cũng
cho biết đã có nhiều doanh nghiệp trước kia vào rừng dương khảo sát rồi chặt
dương trơ gốc. Người dân lo ngại rừng dương bị đốn ngã sẽ không có gì để chắn
cát, gió, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khi trời có bão và gió.
Ngay cả báo Công an TP.HCM ngày 19/4 cũng thừa nhận rằng
phóng viên của tờ báo này đã chứng kiến nhiều diện tích rừng dương tại hai xã
đã bị chặt phá, bị đốt để tạo thành đường đi và mặt bằng. Các phóng viên báo
này cho biết khu rừng bị chặt nằm sâu bên trong và rất khó tiếp cận nếu không
có người dân dẫn đường vì bất cứ ai lạ vào khu vực này đều bị cấm.
Nhưng bất chấp báo chí đã lên tiếng cảnh báo về nạn khai thác
tràn lan titan ở Bình Định khiến môi trường bị tàn phá, nguồn nước ngầm cạn kiệt,
bệnh tật do ô nhiễm gieo rắc chết chóc khắp các làng quê ven biển, hàng trăm
hecta rừng dương phòng hộ ven biển có tuổi đời từ 50 đến 60 năm đã bị triệt hạ
hoàn toàn…, giới quan chức địa phương lại tỏ ra cực kỳ vô trách nhiệm cùng biểu
hiện mờ ám mang tính cấu kết với nhóm lợi ích của các doanh nghiệp khai thác.
Trước con sóng biểu tình phản đối Viettracimex của người dân
hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch huyện Phù Mỹ – lại nói với
báo Công an TP.HCM rằng “chưa có thông tin về dự án nào làm tại rừng dương” và
ông ta “sẽ kiểm tra lại thông tin”.
“Kiểm tra lại” như thế nào?
Không những không có biện pháp nào chế tài Viettracimex,
chính quyền Phù Mỹ và Bình Định mà còn điều hàng trăm cảnh sát cơ động với súng
ống và dùi cui đến hiện trường biểu tình để đàn áp dân theo truyền thống độc trị
và lấy đông hiếp yếu. Công an đã thẳng tay bắt giữ đến 18 người bị vu là quá
khích, chống người thi hành công vụ.
Nhưng trong hai ngày 19 và 20/4, hàng trăm người dân xã Mỹ An
và Mỹ Thọ tiếp tục đổ ra đường phản đối, kéo đến Ủy ban nhân dân xã Mỹ Thọ đòi
người.
Cùng lúc, người dân bắt giữ 4 cán bộ địa phương gồm Bí thư,
Chủ tịch xã Mỹ Thọ cùng hai cán bộ công an đang làm con tin trong trụ sở xã Mỹ
Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để đòi thả 18 người dân bị bắt trước đó.
Trước áp lực liên tục và gia tăng của người dân, đến tối
21/4, chính quyền Bình Đĩnh đã phải thả những người dân bị họ xem là “quá
khích” để đổi lấy việc người dân hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An thả 4 cán bộ.
(https://baomoi.com/vu-500-nguoi-vay-tru-so-xa-tha-14-nguoi-qua-khich-bi-tam-giu/c/25756402.epi)
Đồng Tâm 2 đã hiện ra như thế!
Một năm trước vào ngày 22 tháng Tư năm 2017, 6 ngàn người dân
Đồng Tâm thượng tôn tinh thần đồng tâm cùng kỷ luật tổ chức cao đến mức kinh ngạc
trong đấu tranh phản kháng đã giành được thắng lợi lớn chưa từng có trong lịch
sử tranh đấu của dân oan Việt Nam: để đổi lấy việc người dân thả toàn bộ 37 cảnh
sát cơ động bị bắt giữ, chính quyền phải cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm
hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm vì tội “bắt giữ người trái pháp
luật”.
Vụ nông dân Đồng Tâm đặt dấu ấn trong lịch sử phản kháng chế
độ bằng hành động bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động cùng một số quan chức
vừa công an vừa chính quyền đã chính thức chấm dứt thời hoàng kim công an trị.
Khác hẳn với cảnh trước đây công an gần như muốn bắt ai thì bắt và không hề
nương tay với dân oan đất đai, vài giai đoạn này hầu như toàn miền Bắc, một phần
miền Trung và có thể cả một số địa phương ở miền Nam, đều tràn ngập “điểm nóng
đất đai” mà có thể phát sinh việc bắt giữ cá nhân công an hay đơn vị công an
vào bất kỳ lúc nào nếu bị đàn áp.
Không hề dễ dàng để một cộng đồng nông dân đưa chính quyền
vào thế buộc phải đàm phán và phải cam kết sẽ không truy tố họ. Sau chuỗi tranh
đâu gian khổ của nhiều cộng đồng dân oan đất đai trước đây mà nhiều người trong
số họ đã bị công an tống vào nhà giam từ năm này sang năm khác, khủng hoảng xã
hội Việt Nam đã tiệm cận giới hạn bùng nổ và người dân, điển hình là ngư dân Hà
Tĩnh, nông dân Đồng Tâm và người dân Mỹ Thọ – Mỹ An đã vượt qua ranh giới sợ
hãi trong lòng.
Tính chính nghĩa đương nhiên của họ trong việc bảo vệ môi trường
sống và quyền được sống, tính hợp pháp của họ trong hành động phòng vệ chính
đáng trước các lực lượng đàn áp của chính quyền càng vươn lên bao nhiêu, nỗi sợ
hãi của giới quan chức chính quyền, công an cùng công cụ cảnh sát, an ninh càng
run rẩy bấy nhiêu.
Nhưng phía trước người dân Mỹ Thọ – Mỹ An vẫn còn nhiều việc
phải làm và phải kiên tâm tranh đấu.
Hãy đừng bao giờ quên những bài học đau đớn trong lịch sử. Thọ
Ngọc, Thanh Hóa năm 1989 và Quỳnh Phụ, Thái Bình năm 1997 – những cuộc “khởi
nghĩa” của người nông dân cũng bước đầu giành thắng lợi, nhưng sau đó không lâu
đã bị những đòn chơi bẩn của chính quyền và công an nhấn chìm trong lao tù.
Thông thường, công an sẽ chờ vài ba tháng sau vụ việc để xoa
dịu sự phẫn nộ dân chúng và khiến bầu không khí lắng lại, rồi tổ chức khởi tố vụ
án, khởi tố bị can, kể cả “bắt nguội”. Kinh nghiệm xương máu đã là quá nhiều ở
Dương Nội, Văn Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận… và nhiều tỉnh
miền Tây Nam Bộ. Gần đây nhất là Đồng Tâm.
Nhưng sau một năm bền bỉ và quật cường tranh đấu, người dân Đồng
Tâm vừa giành được thắng lợi thứ hai: đầu tháng Tư năm 2018, Tiểu đoàn 31 – một
đơn vị quân đội được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý đất quốc phòng ở khu vực
Đồng Sênh, đã triển khai lực lượng đào hào xây tường rào dọc theo mốc giới cũ
phân chia đất quốc phòng (sân bay Miếu Môn) và đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng
Sênh) – theo đúng nguyện vọng và cũng là một yêu sách của người dân Đồng Tâm.
Động tác “đào hào xây tường” trên – dù mới chỉ đáp ứng một phần
nhỏ yêu sách của phong trào Đồng Tâm – nhưng mang một ý nghĩa rất quan trọng:
sau một thời gian dài tổ chức chiến dịch tấn công phong trào Đồng Tâm trên nhiều
mặt cùng nhiều thủ đoạn nhưng không những không mang lại kết quả khả dĩ nào mà
còn bị thất bại cùng quá nhiều tai tiếng, thậm chí một số quan chức quân đội và
công an còn phải chịu nguy cơ bị tống vào “lò” của Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh
dầu sôi lửa bỏng trong nội bộ đảng năm 2018, giới quan chức Bộ Quốc phòng, Cơ
quan điều tra hình sự thuộc bộ này và Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội,
doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp nếu “đánh chiếm” thành công 59 ha đất Đồng
Sênh của xã Đồng Tâm) đã phải “buông” một phần mục tiêu “chiếm đất”, phải thừa
nhận phần đất “tranh chấp” là của người dân Đồng Tâm chứ không phải của phía
quân đội như đã từng nhận vơ.
Động tác “đào hào xây tường” trên cũng là một bằng chứng trực
tiếp phủ nhận hoàn toàn quan điểm “toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông
nghiệp” của Thanh tra Hà Nội – được chỉ đạo bởi Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch
thành phố Hà Nội và cũng là “chính khách cộng sản” đã trở mặt với nhân dân Đồng
Tâm dù đã phải ký sống và lăn tay vào bản cam kết với Đồng Tâm vào tháng Tư năm
2017.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire