27/05/2018

CON NGƯỜI CHỚ ĐÂU PHẢI CỤC BỘT… !


Thiện Tùng

Minh họa của BBT


Đọc qua Quy định 90 và Quy định 99 của Trung ương – Quy định 90 của Bộ Chính trị Đảng CSVN (Đảng) do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký về “Tiêu chuẩn cán bộ chiến lược”; Quy định 99 của Ban Bí thư Đảng do Trần Quốc Vượng ký về “Công khai 27 biểu hiện suy thoái….trong cán bộ đảng viên”. Và qua theo dõi diễn tiến Hội nghị lần 7/khóa 12 của Đảng phần nói về Tiêu chí xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược”, cho thấy Đảng dốc sức chỉnh đốn đội ngũ cán bộ cầm quyền, quyết vượt qua “giông bão” để giữ cho kỳ được sư thống trị miên trường của mình.



QUY ĐỊNH 90/QĐTW – ẤN ĐỊNH TIÊU CHUẨN CÁN BỘ CHIẾN LƯỢC 

 5 tiêu chuẩn chung:

1/ Trung thành với Đảng, với nước, với dân; kiên định chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh…

2/ Mẫu mực về phẩm chất, đạo đức; “cần, kiệm,  liêm,  chính, chí công vô tư”…

3/ Tốt nghiệp Đại học trở lên; lý luận chính trị Cử nhân hoặc Cao cấp; quản lý Nhà nước Chuyên viên Cao cấp; trình độ ngoại ngữ và tin học phù hợp…

4/ Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của Hệ thống Chính trị (Đảng, Nhà nước, Đoàn thể); được  cán bộ, đảng viên, quần chúng tin tưởng tín nhiệm cao.

5/ Có đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm độ tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng…  

20 tiêu chuẩn cho những chức danh cụ thể (riêng):

Quy định 90 ấn định tiêu chuẩn cho 600 cán bộ “chiến lược” bố trí vào 20 chức danh cấpTrung ương và cấp Tỉnh, Thành trực thuộc Trung ương:

1/ Ủy viên Ban chấp hành Trung ương (UVBCHTW), ngoài tiêu chuẩn chung, phải “vừa Hồng vừa Chuyên”, có bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và năng lực công tác…

2/ Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT) và Ủy viên Ban Bí thư (UVBBT), ngoài hội đủ chuẩn chất UVBCHTW + có ý chí chiến đấu + có năng lực lãnh đạo và quản lý + có ý thức tổ chức kỷ luật + không bị sức ép từ bên ngoài và không lợi ích nhóm…

3/ Tổng Bí thư, ngoài hội đủ chuẩn UVBCT và UVBBT + có uy tín trong BCH + trung tâm đoàn kết hệ thống chính trị  + có trình độ cao về lý luận chính trị, Văn hóa, Xã hội, Quốc phòng, An ninh và Ngoại giao…

4/ Chủ tịch nước, ngoài tiêu chuẩn UVBCT và UVBBT + có năng lực đối nội, đối ngoại + có tầm nhìn tổng thể chiến lược mọi mặt của quốc gia + giám sát hành pháp và tư pháp…

5/ Thủ tướng Chính phủ, ngoài tiêu chuẩn UVBCT và UVBBT + có khả năng nổi trội trong hoạch định chiến lược + có khả năng xử lý khó khăn phức tạp thuộc lĩnh vực hành pháp…

6/ Chủ tịch Quốc hội, ngoài tiêu chuẩn UVBCT, UVBBT + đoàn kết trong hệ thống chính trị + chỉ đạo cụ thể hóa, pháp luật hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng + Đại diện cho ý chí, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân + đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch mọi mặt đời sống xã hội…

7/ Thường trục Ban Bí thư, ngoài tiêu chuẩn UVBCT, UVBBT + có uy tin cao, hạt nhân đoàn kết trong Đảng nói chung, BCH, BCT, BBT nói riêng….

8/ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, ngoài tiêu chuẩn UVBCT, UVBBT + có hiểu biết toàn diện về công tác Mặt trận + đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân + có khả năng cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

Mười hai (12) chức danh còn lại gồm Ban, Bộ cấp Trung ương và 3 chức danh chủ chốt các Tỉnh, Thành trực thuộc Trung ương như Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, ngoài phải có chuẩn chất như UVBCHTW + công việc chuyên sâu.

Hội nghị 7/khóa 12 – phần nói về đội ngũ cán bộ chiến lược

 Vào Hội nghị, tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét về đội ngũ can bộ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi” (hết trích).

Kết thúc Hội nghi, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp” (hết trích).



 Nhiều thành viên của Đảng cầm quyền hư đốn, Đảng trưởng ra quy định, mở hội nghị bàn việc “Chỉnh đốn, xây dựng” Đảng trong sạch, vững mạnh ai lại không mừng. Nhưng đối với tôi mừng hụt nhiều lần rồi, giờ đây dầu muốn mừng, cũng không tin nổi. Bởi vì trong thực tế, việc thoái hóa giảm chất người trở thành bịnh kinh niên dưới thể chế chính trị độc tài, trong đó có Việt Nam. Xin dẫn chứng:

Năm 1986 – 31 trước đây (1955-1986), cán bộ đảng viên hư đốn, tham nhũng “trăm hoa đua nở”, Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh hò hét “đẩy lùi”  tiêu cực, tham nhũng. Đẩy hoài mà nó không lùi, Ông kêu gọi “chặn đứng” mà nó không đứng cứ rấn tời mãi. Không còn cách nào khác, Ông kêu gọi những người ít nhiều có tham gia kháng chiến thành lập “Hội những người kháng chiến” tấn công vào bọn thoái hóa biến chất; đồng thời ông chủ trương “Đổi mới Báo Chí”, và hàng ngày ông có 1 bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân dân và báo Sài gòn Giải phóng cũng nhằm tấn công vào tham nhũng. Trước áp lực bị tấn công nhiều hướng, nhiều mặt, bọn tham nhũng rút vào cố thủ. Khi các Đảng Cộng sản Đông Âu lần lượt sụp đổ, ông Linh hốt hoảng, có lẽ sợ mất Đảng, Ông sang Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) mật nghị với lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc về việc gì đó đố trời mà biết. Không biết hà cớ gì, sau khi dự mật nghị Thành Đô về, ông Linh gởi mật thư cho lãnh đạo các tỉnh, thành giải tán Hội những người kháng chiến“Đổi cũ Báo Chí; đồng thời Ông ngưng viết “Những việc cần làm ngay” - người ta châm biếm “ Những việc cần làm ngơ”. Thế là bọn tiêu cực, tham nhũng “lợi d…” từ đó.



Sau ông Đỗ Mười, ông Lê Khả Phiêu lên thay làm Tổng Bí thư. Trước cảnh cán bộ thoái hóa biến chất ngày một lan tràn, ông Phiêu than:“Mất cán bộ rất đau”. Thế rồi Ông ra nghị quyết:“Về những vấn đề cơ bản, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng”.



Khi ông Nông Đức Mạnh lên làm Tổng Bí thư, nạn thoái hóa, tham nhũng tiếp tục lộng hành, Ông ra nghị quyết số 12/NQTW vế “Một số vấn đế cấp bách về   chính đốn, xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết nầy theo gió thoảng mây bay, tham nhũng, biến chất trong Đảng không hề suy giảm.



Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011, ông Trọng đắc cử Tổng Bí thư. Dường như ông Trọng đặt lợi ích Đảng, chủ thuyết Mác Lê-nin lên trên hết. Khi lên làm Tổng Bí thư, ngày lại ngày, ông chú tâm công tác “chỉnh đốn và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng”. Hội nghi Đảng lần 4/khóa 11, Ông phát động phong trào “Phê bình và tự phê bình” trong Đảng. Có lẽ thấy ”phê, tự phê” như gãy ghẽ, Đại hội 12 đầu năm 2016, khi tái đắc cử Tổng Bí thư, Ông tổ chức “đốt lò” thiêu tham nhũng. Thế mà bọn tham nhũng vẫn khinh khỉnh. Qua mấy kỳ hội nghi, đến hội nghị Đảng lần 7/khoa 12, đứng trước BCHTW ông than: “Nạn chạy chức, chạy quyền,chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy cấp bằng, chạy tội,… chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.



Cách đây 71 năm (1947-2018), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ra đời tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”. Tác phẩm nầy Cụ Hồ kê ra những khuyết tật cán bộ đang mắc phải: “tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, óc địa phương, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, chủ nghĩa cá nhân…”. Đến năm 1955, khi miền Bắc khởi đầu xây dựng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), Người lại nói: “Muốn xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) phải có con người mới XHCN”. Để cán bộ đảng viên quán triệt, Người nêu tiêu chuẩn con người mới XHCN: “Cần, kiệm, liên, chính, chí công vô tư”. Tiêu chuẩn “thần thánh” nầy cao quá, người phàm nuốt mãi không trôi. Giờ đây, tại Hội nghị 7/khóa 12, trước BCHTW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại phải than phiền về cán bộ thoái hóa biến chất, thi nhau “chạy” có trình độ về hướng tiêu cực nghe sao não nuột quá!. Vậy là sau 71 năm từ năm 1947 tới nay, qua nhiều đời Tổng Bí thư Đảng mà việc “Xây dựng, chỉnh đốn” Đảng nếu không nói thụt lùi thì cũng phải nói dậm chân tại chỗ.



Dựa theo tiêu chuẩn con người mới XHCN Cụ Hồ nêu ra, trước cảnh thoái hóa biến chất của cán bộ đảng viên trong hiện tại, cách đây không lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra phỏng đoán thuyết phục: “Không biết đến hết thế kỷ (21) nầy ta có xây dựng hoàn thành CNXH hay chưa!”



Có lẽ nóng lòng trước sự hư đốn của cán bộ đảng viên, phó giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, cựu viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đề xuất mở thêm “Viện đạo đức học”, lấy tư cách, đạo đức Hồ Chí Minh… đào luyện cán bộ. Ôi trời, thôi đi ông Trọng Phúc ơi: từ thời Ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư đến nay tốn biết bao tiền của, công sức học tập làm theo Cụ Hồ, thử hỏi có bao nhiêu cán bộ đạt dầu một chuẩn trong “Cần, kiệm, liêm, chính” đâu, họ làm ngược lại thì có? 



Vật chất luôn vận động để chuyển hóa, con người là một dạng vật chất, con người cũng vận động để chuyển hóa, cán bộ đảng viên cũng là con người, cũng phải cho họ vận động để chuyển hóa chớ?. Không biết tại sao Đảng tối kỵ đảng viên “tư diễn biến”, “tự chuyển hóa”? Dĩ nhiên là phải có phương/biện pháp thúc đẩy họ diễn biến, chuyển hóa theo hướng tích cực – ai chuyển hóa theo hướng tiêu cực thì loại bỏ ngay. Cấm tự diễn biến, tự chuyển hóa là vi phạm quy luật tự nhiên, không khéo người ta liệt mình vào nhóm người bảo thủ?. Đừng xem con người như cục bột tùy ý nắn nhỏ nắn to, đừng dùng biện pháp hành chính trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.



Người viết cảm nghĩ: Đảng ra quy định, nghị quyết nêu tiêu chuẩn cán bộ, dầu là cán bô chiến lược, như thế là áp đặt, xa rời thực tế, thậm chí siêu phàm, rơi vào hoang tưởng, không có tính khả thi. Phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể, giải quyết khó bằng cái đầu tỉnh táo chớ không phải cái đầu điên loạn. 



Nếu không phải là thánh sống, một cán bộ lãnh đạo, quản lý… chỉ cần 3 tiêu chuẩn Tài, liêm, chính:



         Tài là giỏi một công việc, một lãnh vực nhứt định gì đó, làm được trả lương theo kết quả lao động chớ không phải “chí công vô tư”.



         Liêm là không sử dụng, tiêu xài… những thứ không thuộc của mình.



         Chính là thấy đúng bảo vệ, thấy sai đấu tranh (phản biện); bám sát chân lý -    nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, không quanh co, ngụy biện.



Phải dựa vào khả năng cán bộ mà phân công. Chung quy chỉ có 4 dạng cán bộ:



1/ Biết làm gì và biết làm thế nào – Biết chủ trương và biết tổ chức thực hiện – đây là loại cán bộ toàn diện nên bố trí vào hàng ngũ lãnh đạo.



2/ Biết làm gì nhưng không biết làm thế nào – chỉ bằng 1/2 cán bộ loại 1 – nên bố trí họ vào diện cán bộ nghiên cứu theo dạng chuyên viên.



3/ Biết làm thế nào nhưng không biết làm gì – cũng chỉ bằng 1/2 cán bộ loại 1 – nên bố trí họ vào diện cán bộ thực hiện, chỉ được làm cấp phó trở xuống.



4/ Không biết làm gì và chẳng biết làm thế nào – thuộc loại bất tài – d…ẹp!.



 QUY ĐỊNH 99/QĐTW



Quy định 99 do trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ngày 03/10/2017 về “Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…



Nghiên cứu  văn kiện, người viết thấy không cần nêu ra hàng hà sa số như vậy, chỉ cần kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ theo diện quy định thì rõ “ngô khoai”.



Dưới chế độ Đảng quyền, Tổng Bí thư Đảng là nhân vật tối cao, quyền hành tối thượng, chỉ cần Tổng Bí thư Đảng (cả đương nhiệm và hưu trí) kê khai và công khai tài sản, thu nhập trước thì “đố cha” thằng cha con mẹ nào dám “lách”. Cũng xin nói nhỏ nghe: người ta trầm trồ rát tai về cơ ngơi của 2 cụ Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh. Người viết nghĩ: Hai ông nên kê… và công… để tránh búa rìu dư luận, ảnh hưởng xấu đối với uy tín Đảng.



Đau lòng trước cảnh tình, người viết thấy và nghĩ sao nói vậy, không hề có dụng ý xiên xỏ chế độ hay bất kỳ ai. Nghe được thì nghe, không được thì cứ chửi rủa cho đã miệng.“Trâu già nào nệ dao phay”.



26/05/2018

   T.T


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire