Nguyễn
Trần Sâm
Sau những động thái giao lưu giữa
hai miền Cao Ly, và đặc biệt là sau cuộc gặp Kim Jong Un – Moon Jae In cuối
tháng 4 vừa qua, với những cái ôm hôn, những nụ cười hồ hởi mãn nguyện, những
lời gan ruột, …, nhiều người đã hình dung ra một quá trình thống nhất chóng
vánh và cảnh dân hai miền nắm chặt tay nhau cùng xây dựng một quốc gia hùng
mạnh kiểu như CHLB Đức trên bán đảo xinh đẹp này.
Nhưng rõ ràng, trong những
phút phấn khích người ta đã vội quên đi những khác biệt không thể xóa nhòa thậm
chí trong mấy thập niên giữa hai miền giống như một ‘trời’ với một ‘vực’ đó.
Có thể nghĩ đến một vài kịch bản
cho tương lai gần của bán đảo Cao Ly, nhưng trong số đó không thể có kịch bản
giống như thống nhất hai miền Đông và Tây Đức. Lý do chủ yếu là vì Đông Đức
khác xa Bắc Cao Ly (tức CHDCND Triều Tiên). Sự khác biệt đó có nguồn gốc sâu xa
ở chỗ Đức là một dân tộc có truyền thống văn minh được vun đắp từ nhiều thế kỷ.
Đặc biệt, từ thế kỷ XVIII đến nay, Đức luôn ở trong nhóm các dân tộc văn minh
nhất thế giới. Điều đó dẫn đến hai hệ quả chính yếu: thứ nhất, người dân Đức,
kể cả ở Đông Đức dưới thời XHCN, có tinh thần tự giác rất cao trong lao động,
và thứ hai, họ không chấp nhận tệ sùng bái cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào,
không để cho một nhân vật hay gia tộc nào tùy tiện dắt mũi họ. Trong khi đó,
cho đến khi Cao Ly bị chia cắt thành hai miền, dân tộc Cao Ly còn khá lạc hậu
và mang nặng ý thức phong kiến. Trong bối cảnh đó, cha con ông cháu họ Kim vốn
gian xảo và bạo tàn, đã tự biến mình thành những ‘ông trời’ trong mắt dân
chúng, với sự giúp sức của chính đám người này.
Trước khi nước Đức thống nhất,
Đông Đức tuy không sánh được với miền Tây, nhưng cũng đã ở trình độ phát triển
cao (cao nhất trong hệ thống các nước XHCN và cao hơn hầu hết các quốc gia Nam
Âu). Trong khi đó, Triều Tiên trong hàng chục năm qua luôn ở trong tình trạng
đói kém, nền sản xuất lạc hậu, dân chúng thiếu ý thức tự giác và hầu hết chỉ
biết lao động chân tay thô sơ như trước thế kỷ XX. Trong mấy năm gần đây, hàng
triệu người đã chết vì đói. Nhiều nơi, người dân phải ăn cả những loại cây cỏ
chưa từng làm thức ăn bao giờ. Họ chỉ thể hiện sự đồng lòng trong việc tung hô
‘lãnh tụ’ một cách điên rồ và kệch cỡm. Cho dù tệ sùng bái lãnh tụ có thể đến
60% là giả dối thì nó cũng rất nguy hiểm ở chỗ làm tê liệt khả năng tư duy độc
lập của con người và tạo ra tâm lý trông chờ mọi thứ ở ‘lãnh tụ’, cho rằng cả
dân tộc chỉ có nhân vật đó mới có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Một đám dân
như vậy khi chuyển sang một chế độ tự do sẽ hoàn toàn mất phương hướng và không
biết làm gì để có ăn. Thậm chí, vài chục phần trăm trong số đó sẽ lưu manh hóa,
trở thành những kẻ quấy rối và phá phách, nếu hai miền Cao Ly thực sự thống
nhất dưới cùng một chế độ tự do hơn Triều Tiên hiện nay. Khi đó, mức sống của
dân miền Nam sẽ giảm đi rõ rệt vì phải san sẻ cho dân miền Bắc. Không những
thế, xã hội sẽ rối loạn và sẽ nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa những tầng lớp và
vùng miền khác nhau.
Như vậy, chỉ trên bình diện kinh
tế và xã hội, một tương lai gần theo hình mẫu CHLB Đức thống nhất cũng đã bị
loại trừ.
Mô hình này càng không thể được
áp dụng nếu xem xét trên bình diện chính trị. Khi hai miền nước Đức tiến hành
thống nhất với nhau thì Đảng Công Nhân Thống Nhất Đức đứng đầu là Erich
Honecker cầm quyền ở Đông Đức đã mất quyền kiểm soát xã hội, và tiến trình
thống nhất với Tây Đức được xúc tiến bởi các lực lượng phi cộng sản hiện đang
hướng đến một xã hội như đã có ở Tây Đức. Trong khi đó, Họ Kim với công cụ là
Đảng Lao Động Triều Tiên vẫn đang nắm chắc vận mệnh của hơn hai chục triệu dân
trong tay. Kim Jong Un sẽ không bao giờ chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trong
các cuộc bầu cử tự do dưới chế độ đa đảng. Nếu điều đó xảy ra thì khi bầu bán,
sẽ hoàn toàn có nguy cơ là ông ta chỉ được giữ một ghế không quan trọng trong
chính quyền, thậm chí có thể bị xóa tên khỏi vũ đài chính trị. Do đó, khi đàm
phán với phía Hàn Quốc, chắc chắn ông ta sẽ đòi làm tổng thống hoặc đồng tổng
thống trong một mô hình nhà nước ‘lưỡng tổng’. Hơn thế, ông ta sẽ yêu cầu rằng
mọi cuộc bầu cử đều không đụng đến cái ghế này. Ông ta cũng sẽ đòi duy trì quân
đội hiện nay ở Bắc Cao Ly dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông ta, để nếu xảy
ra tình trạng nguy hiểm đến sinh mệnh chính trị của mình thì ông ta sẽ dùng đội
quân đó tiêu diệt các kẻ thù chính trị, giữ vững ngôi vị của bản thân.
Có thể dự đoán rằng việc thống
nhất Cao Ly sẽ là một quá trình kéo dài nhiều năm, thậm chí vài thập niên. Nó
sẽ bị các đảng đối lập ở Hàn Quốc tìm mọi cách cản trở, và thậm chí có thể hoàn
toàn đổ vỡ khi xuất hiện những vấn đề không thể thỏa thuận. Khi đó, nguy cơ hai
miền trở lại tình trạng thù địch cũng không bị loại trừ. Và cho dù Kim cùng
Moon hay thêm cả Trump có được trao giải Nobel hòa bình đi nữa thì bán đảo này
vẫn có thể trở lại tình trạng chiến tranh. (Hãy xem tình hình Trung Cận Đông từ
khi Yasser Arafat và Yitzack Rabin nhận giải này!)
Để Kim Jong Un có thể giữ nguyên
được vị thế của mình (mà lại chở được của cải từ miền Nam giàu có ra Bắc), và
để miền Nam đỡ bị rối loạn vì sự xâm nhập của dân Bắc, hoàn toàn có khả năng
hai bên sẽ thỏa thuận một mô hình nhà nước Cao Ly kiểu liên bang, với hai bang
là hai miền, và mỗi miền đều giữ nguyên chế độ như hiện nay (ít nhất là cho
5-10 năm tới). Mỗi bang sẽ đầu tư làm ăn ở bang kia, và cùng lập ra những khu
kinh tế chung như kiểu như Kaesong. Họ Kim cũng sẽ yêu cầu miền Nam hỗ trợ miền
Bắc về thu nhập dưới nhiều hình thức khác nhau.
Chắc chắn, trong thâm tâm, Kim
Jong Un đang nuôi hy vọng là đến một lúc nào đó sự vĩ đại của mình sẽ chinh
phục dân miền Nam, và ông ta sẽ trở thành lãnh tụ vĩnh viễn của một nước Cao Ly
thống nhất, sau đó loại bỏ các đảng khác và thiết lập lại chế độ XHCN trên toàn
bán đảo. Cao Ly XHCN sẽ là một cường quốc, và sẽ xây dựng được thiên đường cộng
sản theo di nguyện của ông nội Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) và người cha Kim
Jong Il (Kim Chính Nhật).
NGUYỄN TRẦN SÂM
https://daohieu.wordpress.com/2018/05/02/nguye%cc%83n-tran-sam-nhu%cc%83ng-ki%cc%a3ch-ba%cc%89n-cho-tuong-lai-cao-ly/#more-15670
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire