Nguyễn Thị
Hậu
Chúng ta,
những người Việt Nam, bao giờ vượt qua tất cả và thực sự nắm chặt tay nhau để
“nối vòng tay lớn”?
Một chiều tháng Ba. Sài Gòn đang mùa nóng cao điểm để qua tháng Tư là vào mùa mưa. Lâu rồi tôi mới ngồi ở quán cà phê quen thuộc. Máy lạnh mát rượi, một ly đen đá, chiếc máy tính nhỏ, viết và đọc linh tinh gì đấy, nhìn ra ngoài trời nắng chói chang bỗng nhớ đến người bạn ở xa. Bạn ra đi từ những năm 1990, đến nay gia đình và công việc đã ổn định ở Mỹ. Mươi năm trước vào khoảng tháng Ba bạn hay về Sài Gòn, nhưng vài năm nay không về nữa.
Đã mấy lần
tôi nhắn hỏi, bạn đều nói, mỗi lần về thấy buồn hơn... Trước đây bạn thường gọi
điện, nhắn nhe trò chuyện hỏi thăm có khi than thở nỗi nhớ Sài Gòn... Nhưng rồi
cũng không gọi nữa vì loanh quanh một hồi lại là những tiêu cực, những chuyện
“không thể hiểu nổi” xảy ra hàng ngày ở quê nhà. Nhiều khi tôi mệt mỏi vì nghe
bạn trách móc thậm chí chê bai “người trong nước” không dám làm điều này điều
khác; bạn thì luôn khó hiểu những hoàn cảnh “người trong nước” gặp phải mà tôi
giãi bày... Cứ vậy, tình bạn lợt lạt dần, nhưng không trách được ai.
Chúng tôi
đã thôi không cùng mơ ước về một ngày nào đó đất nước mình không còn tệ nạn,
không còn tiêu cực, phát triển như nước người ta... Vì ước mơ đó hình như quá
xa xỉ. Thôi thì việc ai nấy làm, miễn là tử tế và hiểu nhau cùng có cái tâm
nghĩ về đất nước.
* * *
Giải phóng đến, dân lại bỏ chạy ! |
Một người anh đồng nghiệp thân thiết, một hôm trong buổi cà phê chợt hỏi: ở tuổi anh có thể làm lại từ đầu không? Tôi ngạc nhiên vì vẫn biết anh có vợ là bác sĩ, hai con gái ngoan ngoãn học giỏi, anh chị đều là người giỏi nghề và sống khá giả bằng nghề của mình. Nay anh hỏi vậy, không biết là chuyện gì?
Tôi thăm dò
kiểu vui đùa: Làm lại là sao, bộ anh tính đổi nghề à? - Không, tuổi này ai thuê
nữa mà chuyển nghề. - Thế thì có chuyện gì vậy? Tôi vô cùng bất ngờ khi nghe
anh nói vợ chồng anh vừa ly dị, vợ anh cương quyết làm kết hôn “giả” để đi Mỹ.
Anh và hai con gái ở lại.
Qua câu
chuyện anh buồn bã kể, tôi hiểu chuyện ly dị của anh là thật và kết hôn ở Mỹ
của vợ anh cũng là thật! Bởi vì gần đây anh chị đã nhiều lần bàn chuyện này.
Chị muốn qua đó sống vì gia đình chị đã đi diện HO từ những năm 1990, lúc đó
anh chị đã kết hôn, tình yêu giữ chị ở lại. Rồi hai con ra đời, rồi công việc
làm ăn ngày càng khá giả... Anh đã ngỡ chị không bao giờ tính đến chuyện ra đi
vì thỉnh thoảng chị vẫn qua Mỹ thăm gia đình rồi trở về vui vẻ. Nhưng gần đây
trong một lần như vậy chị gặp lại người bạn trai thời đại học, anh ấy đã ly dị
và chu cấp cho vợ nuôi con.
Vậy là
chuyện kết hôn “giả” được chị đặt ra, lý do: qua đó để thoát khỏi tất cả những
ô nhiễm môi trường, thức ăn bẩn, tiêu cực xã hội... và để được gần gia đình
chị. Khi nào có thẻ xanh và ổn định rồi, chị sẽ đón anh và hai con.
Sau nhiều
lần thuyết phục không được, anh đồng ý để chị ra đi. Hai con anh đã du học về
và có nghề nghiệp đàng hoàng nhưng chúng từ chối đi với chị mà ở lại với anh.
Còn anh, ở tuổi này rồi anh không thể bắt đầu một cuộc sống khác lạ ở một nơi
xa lạ.
Nơi ấy anh
không có người thân, không có ký ức, và anh biết mình sẽ rất khó hòa nhập với
môi trường mới. Bao nhiêu năm nay gia đình anh - một cựu binh “Việt cộng” - và
chị - con gái một sĩ quan “đi học tập” - tưởng như ấm êm vì đã bỏ qua bao định
kiến và dư luận để đến với nhau, cùng nhau đi qua một thời gian khổ để được
thành đạt, cuộc sống chung hơn hai mươi năm anh chị đều chu toàn lễ nghĩa nhà
chồng nhà vợ và bạn bè hai bên.
Bây giờ thì
việc ra đi, định cư ở nước ngoài không còn quá khó khăn, nước Mỹ - “miền đất
hứa” ngày càng được nhiều người lựa chọn làm nơi để ra đi, thậm chí có người
được “hạ cánh an toàn” ở đó. Mặt khác, những chuyện phức tạp tiêu cực của xã
hội ngày càng hiện diện nhiều hơn trên bàn ăn, trong phòng ngủ của mỗi ngôi
nhà... Anh chị không có mâu thuẫn gì đến mức phải chia tay nhưng xung quanh từ
gia đình đến họ hàng, bạn bè... việc phải ra đi bằng mọi cách đã trở thành câu
chuyện thường ngày, rồi sự so sánh hơn kém, rồi thái độ khó chịu, lời nói nặng
nhẹ, từ chuyện xã hội lại vô tình xúc phạm làm tổn thương nhau, thế là gia đình
tan vỡ...
“Hơn 40 năm
nhưng nước Mỹ vẫn làm chia cắt những người Việt...”, anh cay đắng nói. “Không
chỉ vậy, mà do cả chúng ta nữa anh ạ!”. Chúng ta làm được quá ít ỏi những gì
cần làm để hàn gắn, để thuyết phục lòng người... Chúng ta đã “hòa bình” với
nước Mỹ nhưng chính nhiều người Việt không muốn hàn gắn những vết thương chiến
tranh vì chưa vượt qua được hận thù, uất ức, chưa vượt qua được sĩ diện và mặc
cảm “bên thắng bên thua”. Khi trong xã hội, người tử tế luôn bức xúc vì nạn
tham nhũng cường quyền, luôn xấu hổ khi đất nước mình “không chịu” phát triển
như nước khác... thì nước Mỹ hay nơi nào đó sẽ còn là nơi nhiều người Việt tìm
đến.
Cuộc chiến
nào cũng kết thúc nhưng hậu quả chiến tranh luôn còn lại lâu dài... Đó là nhiều
thế hệ con trẻ bị di truyền chất độc da cam, những bãi bom mìn gài lại khắp
nơi, là những cuộc chia ly sau khi hòa bình mà không mong ngày gặp lại, là số
phận bi thảm của bao thuyền nhân, là những cựu binh hai bên trở về với cuộc
sống nghèo khó vất vả... Đó là những quan chức thời hậu chiến với khối tài sản
kếch xù bòn rút từ tham nhũng, là những người nông dân mất đất lưu tán khắp
trong Nam ngoài Bắc và ra tận nước ngoài làm thuê kiếm sống, là biên giới phía
Bắc và biển Đông vẫn nóng mỗi ngày... Năm năm, mười năm, 40 năm đã qua, sự đổi
thay mang dáng vẻ hiện đại văn minh đã hiện diện ở nhiều nơi trên đất nước vẫn
không che khuất được những chuyện đau buồn như vậy.
Tất cả là
những quả mìn ẩn nấp đâu đó chỉ chờ một nguyên cớ là phát nổ. “Vĩ tuyến 17”
hình như vẫn còn qua những năm đã im tiếng súng!
* * *
Hồi đầu
tháng Ba có sự kiện tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng. Từ cách đón tiếp của chính
quyền và người dân Việt Nam, có thể nhận thấy vị thế người lính Mỹ đã khác xa
hồi tháng 3.1965, khi lần đầu Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam cũng tại quân
cảng Đà Nẵng. Bây giờ, sau 53 năm quân đội Mỹ đàng hoàng có mặt ở đây, đã cùng
nhiều người Việt hát vang lời ca Nối vòng tay lớn.
Sau hơn bốn
mươi năm, lẽ ra tháng Tư phải là những ngày chúng ta thấm thía hơn giá trị của
hòa bình, nhưng sao dấu ấn chiến tranh cứ còn mãi?
Còn chúng
ta, những người Việt Nam, bao giờ vượt qua tất cả và thực sự nắm chặt tay nhau
để “nối vòng tay lớn”? Khi tôi đặt câu hỏi như vậy trên facebook của mình thì
hầu hết những comment đều trả lời là “không bao giờ” hoặc “còn lâu lắm”! Mọi
người đều chỉ ra những nguyên nhân. Tất cả đều bức xúc do, vì, bởi, tại...
Nhưng bức xúc có làm chúng ta vô can? (*)
Khi phong
trào “dù vàng” ở Hồng Kông phát triển với các thủ lĩnh chỉ mới mười tám đôi
mươi, nhiều người đã đặt vấn đề vì sao lớp trẻ Hồng Kông - thậm chí có người
sinh ra sau khi nơi này “trở về” Trung Quốc - có thể trưởng thành, vững vàng và
kiên định đấu tranh cho lẽ phải như vậy? Tôi cũng tự hỏi điều đó và tìm thấy
cho mình một câu trả lời, đó là nhờ thế hệ cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội Hồng
Kông đã thực hiện dân chủ và truyền cho lớp trẻ tinh thần dân chủ, đã ủng hộ và
đứng bên cạnh lớp trẻ trong cuộc đấu tranh vì dân chủ. Mỗi người của thế hệ
trước làm tốt phần việc của mình để thế hệ sau nối tiếp phần việc của họ là xây
dựng tương lai.
Sau hơn bốn
mươi năm, lẽ ra tháng Tư phải là những ngày chúng ta thấm thía hơn giá trị của
hòa bình, nhưng sao dấu ấn chiến tranh cứ còn mãi? Tôi, cũng như rất nhiều
người thuộc thế hệ “hậu chiến”, đã cố gắng góp chút sức lực của mình cho sự
thay đổi tốt đẹp hơn của đất nước và mong muốn, qua đó tiến trình hòa giải hòa
hợp sẽ nhanh hơn. Nhưng càng ngày tôi càng nhận thấy việc đó khó khăn biết bao!
Khi thế hệ tham chiến và hậu chiến không thể tự tháo ngòi nổ “quả mìn” ngay
trong lòng mình, gia đình mình thì làm sao có thể trông chờ thế hệ con cháu sẽ
xóa bỏ “giới tuyến” giữa chúng ta và thực sự “nối vòng tay lớn”?
Trút cho
thế hệ sau những việc nặng nề mà lẽ ra thế hệ trước đã phải hoàn thành, đó là
sự vô trách nhiệm và hèn nhát của những “người lớn” chúng ta!
Nguyễn Thị
Hậu
__________________
(*) Dựa theo tên một cuốn sách
của TS . Đặng Hoàng Giang
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire