Trung Nguyễn
Ngày 30/4/2018 trôi qua cũng đã lâu, tuy
nhiên đến giờ này tôi mới đọc được bài viết của một “học giả” xã hội chủ nghĩa
khá nổi tiếng là ông Nguyễn Trần Bạt bàn về “hòa hợp hòa giải” dân tộc. Một chủ đề rất hay và cũng rất khó, và cũng chưa bao giờ lỗi thời.
Tôi phải thú nhận là thời sinh viên tôi
rất hâm mộ ông Nguyễn Trần Bạt. Tôi còn nhớ tôi từng tần ngần đứng trước chồng
sách dày cộp của ông Bạt trong nhà sách bàn về mọi chủ đề triết học, chính trị,
xã hội,… Lý do là tôi muốn mua sách về đọc nhưng tôi không có đủ tiền. Tôi vẫn
tin là ông Bạt luôn nỗ lực thúc đẩy các lãnh đạo cộng sản cải cách theo hướng
dân chủ.
Vậy mà sau khi đọc bài phỏng vấn của báo
Tiền Phong với ông Bạt, thần tượng một thời trong tôi sụp đổ hoàn toàn. Những
câu trả lời của ông Bạt đầy rẫy ngụy biện, và thậm chí tàn nhẫn mất nhân tính,
nịnh bợ chế độ độc đảng toàn trị. Đó là lý do thôi thúc tôi phải viết bài viết
dài này để trao đổi với ông Bạt, cũng như là để góp thêm một cái nhìn về “hòa
hợp, hòa giải”.
Vừa ngăn cấm lập hội, vừa than không có
ai tập hợp?
Ông Nguyễn Trần Bạt viết: “Hòa
giải là phải có hai bên, bên thắng trận đã được khẳng định và vẫn còn nguyên
đó, còn bên bại trận thì ai tập hợp để đặt ra vấn đề hòa giải?”
Thực sự nếu ông Bạt theo dõi thời sự
Việt Nam nói về dân chủ, ông sẽ thấy là an ninh Việt Nam luôn hạch hỏi, sách
nhiễu những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế
trên đường Kỳ Đồng ở Sài Gòn để được khám chữa bệnh. Các linh mục đứng ra tổ
chức việc giúp đỡ những người cùng khổ này cũng bị đe dọa.
Ngoài ra, người dân tổ chức đi thăm
viếng nghĩa trang của các liệt sỹ Việt Nam Cộng Hòa cũng bị những người quản lý
nghĩa trang dằn mặt, đe dọa, thậm chí xua đuổi.
Những việc nhân đạo bình thường trong
một xã hội nhân bản đã trở thành cái gai trong mắt của nhà cầm quyền, nắm trong
tay hàng trăm ngàn quân đội, công an. Liệu có cần phải có ai đó đứng ra tập hợp
để đặt vấn đề hòa giải không? Tại sao cùng là người Việt Nam mà đối xử tàn nhẫn
với nhau như vậy? Rõ ràng những người lãnh đạo đảng cộng sản không hề muốn hòa
giải dân tộc.
Nếu các thương phế binh Việt Nam Cộng
Hòa lập một hội tương tế và bầu ra hội trưởng, ông Bạt có biết số phận cái hội
đó và người được bầu ra để tập hợp mọi người sẽ bị đàn áp thế nào không? Một
mặt thì giới lãnh đạo cộng sản không cho người dân có quyền tự do hội họp và
lập hội như trong Hiến pháp cộng sản quy định, một mặt thì đi đặt câu hỏi “ai
tập hợp”. Ông Bạt có thấy ông và các lãnh đạo cộng sản là thứ đạo đức giả thế
nào không?
Thắng thì không cần hòa giải?
Ông Bạt lại viết: “Do cuộc cách mạng lâu dài cho nên vấn
đề ấy được giải quyết trong từng giai đoạn một, đến năm 1975 chúng ta chiến
thắng và không còn phải giải quyết vấn đề hòa giải nữa.
…Tôi không nghĩ những người cộng
sản Việt Nam vô tâm trong vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, nếu không hòa hợp
dân tộc trước năm 1975 chúng ta không thể giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước.”
Ở đây ông Bạt lại tiếp tục ngụy biện khi
cho rằng đảng cộng sản đã thắng thì không phải giải quyết vấn đề hòa giải. Chắc
ông không biết sau năm 1975 có bao nhiêu người dân miền Nam phải đi kinh tế
mới, bỏ mình nơi rừng thiêng nước độc, bao nhiêu người phải liều mình trên
những con tàu ọp ẹp để vượt biển tìm tự do, bao nhiêu người mất nhà mất tài
sản?
Ông Bạt có biết lịch sử nước Mỹ không?
Phe miền Bắc dù chiến thắng nhưng đã “hòa giải” ngay lập tức với phe miền Nam,
tôn trọng phe miền Nam. Nếu phe miền Bắc không “hòa giải” thì liệu nước Mỹ có
“hòa hợp” dân tộc để tiếp tục xây dựng quốc gia của họ thành siêu cường?
Ông Bạt có biết lịch sử Nam Phi không? Khi
đảng ANC và Nelson Mandela lên nắm quyền, họ đã lập ra Ủy ban Sự thật và Hòa
giải. Người da đen, đảng ANC đã thắng nhưng họ muốn hòa giải với người da trắng
để cùng nhau xây dựng đất nước. Sao ông Bạt lại dám nói là người thắng thì
không cần hòa giải? Người da đen còn văn minh và nhân đạo hơn giới lãnh đạo
cộng sản rất nhiều.
Cách đây 10 năm, năm 2008, Thủ tướng Úc
đã chính thức xin lỗi thổ dân Úc vì những việc làm không đúng trong quá khứ với
thổ dân. Người da trắng đi chiếm đất đã thắng thổ dân. Và sau hàng trăm năm họ
vẫn phải xin lỗi thổ dân để bắt đầu “hòa giải” với nhau.
Hoặc nếu nói như kiểu ông Bạt, Trung
Quốc đã “hòa hợp” với Việt Nam nên họ mới có thể đô hộ Việt Nam một ngàn năm?
Trở lại Việt Nam, sau khi đã gây ra tang
tóc cho bao nhiêu gia đình người dân miền Nam và cả người dân miền Bắc vì đã
xua con em người dân miền Bắc vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nếu ông
Bạt thấy không cần thiết phải hòa giải, đảng cộng sản Việt Nam không cần phải
xin lỗi thì rõ ràng ông Bạt và giới lãnh đạo cộng sản tiếp tục nhắm mắt bịt tai
phủ nhận sự thật. Và sự thật không được công nhận thì làm sao mà hòa giải chứ
đừng nói tới hòa hợp dân tộc.
Cách mạng là không còn nhân tính?
Ông Bạt lại viết: “Mấy năm cuối đời của Thủ tướng Võ Văn
Kiệt, tôi có mối quan hệ với ông cụ. Chúng tôi có vài ba buổi nói chuyện với
nhau, tôi không nghĩ ở trong ông có vấn đề hòa giải mà là sự áy náy của một
người thắng trận. Một vài nhà lãnh đạo có tình cảm có thể có sự áy náy, lăn tăn
về cái gì đó thái quá của người thắng trận, thí dụ như mình có thô lỗ, có kiêu
ngạo, có quyết liệt quá chăng? Thế nhưng, đấy là tình cảm không phải là vấn đề
chính trị, nên không thể đặt ra vấn đề hòa giải. Nhiều khi những tình cảm như
vậy phải giấu đi vì tính dứt khoát tiến công, tính nhất quán của tâm lý cách
mạng.”
Tôi rất thắc mắc câu khẳng định của ông
Bạt là “tình cảm không phải là vấn đề chính trị”? Có người nào làm chính trị mà
không phải giành được tình cảm của người dân hay không? Đảng cộng sản đã gây ra
tình cảm chán ghét, thậm chí căm thù chế độ khi thẳng tay trả thù quân dân cán
chính Việt Nam Cộng Hòa và người dân miền Nam sau năm 1975. Mối căm thù đó còn
kéo dài tới tận bây giờ, gây trở ngại rất lớn cho việc phát triển đất nước vì
không tập hợp được người tài, nhất là các tài năng Việt kiều.
Nói theo kiểu ông Bạt, ra chiến trường
thì dù là đồng bào với nhau cũng nên nhắm mắt lao vào bắn giết nhau để thỏa mãn
thú tính là “tính dứt khoát tiến công”, “tính nhất quán của tâm lý cách mạng”
của giới lãnh đạo? Nhưng thật ra loài thú cũng hiếm khi nào giết đồng loại của
chúng. Những thứ lý tưởng có bề ngoài cao đẹp như “cách mạng” lại trở thành cái
cớ để giết người. Đó là thứ lý tưởng, ý thức hệ bệnh hoạn, là lý do để giết
người không gớm tay.
Ông Bạt cứ thử tưởng tượng ra cảnh ông
đang đi dạo phố thì ông bị một người có ý thức hệ căm ghét cộng sản nhận ra ông
và lao vào chém chết ông. Ông Bạt có vui lòng tha thứ cho người đó vì người đó
đã “dứt khoát tiến công” ông hay không?
Yêu nước không có nghĩa là “hòa
hợp, hòa giải” với chế độ cộng sản
Ông Nguyễn Trần Bạt lại viết: “Một Phạm Duy tham gia kháng chiến từ
những ngày đầu và một trong những người đầu tiên thẩm định và hát Tiến quân ca
của Văn Cao. Một Phạm Duy dinh tê, chống cộng quyết liệt. Một Phạm Duy cùng
hàng trăm ca khúc cổ vũ lính tráng Việt Nam Cộng hòa. Rồi Phạm Duy bùng sang
Mỹ, cuối đời lại về xứ Việt ở và chết ở Sài Gòn.”
Ở đây ông Bạt lại phạm vào lỗi ngụy biện
khi cho rằng cuối đời nhạc sỹ Phạm Duy từ Mỹ về sinh sống và chết ở Sài Gòn
nghĩa là Phạm Duy đã “hòa hợp, hòa giải” với chế độ cộng sản? Ông Bạt cần nhận
thức rằng tình cảm yêu nước, muốn sống và chết ở quê cha đất tổ là một tình cảm
rất tự nhiên, hoàn toàn không liên quan đến chế độ đang cai trị tổ quốc. Phạm
Duy về sống và chết ở Sài Gòn không có nghĩa là Phạm Duy ủng hộ hay hòa hợp với
chế độ cộng sản. Cũng tương tự như vậy đối với hàng ngàn Việt kiều trở về nước
sinh sống hay thành lập công ty làm ăn.
Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè, người
thân của tôi đang sống và chết ở Việt Nam. Điều này không có nghĩa là chúng tôi
“hòa hợp, hòa giải” với chế độ cộng sản vì quyền công dân, quyền con người của
chúng tôi hoàn toàn không được tôn trọng.
Chế độ tư bản thân hữu hoang dã là
hòa hợp dân
tộc?
Ông Nguyễn Trần Bạt lại hùng hồn tuyên
bố rất “triết học”: “Đến giai
đoạn hiện nay thì mở cửa và hội nhập, tham gia quá trình toàn cầu hóa về bản
chất cũng là hòa hợp dân tộc. Những người cộng sản Việt Nam đã thay đổi bản
thân mình từ Đại hội VI để tạo ra năng lực hội nhập, đấy là dấu hiệu triết học
của quá trình hòa hợp dân tộc…
…Trước năm 1986 chúng ta không có
kinh tế thị trường. Việc thừa nhận tồn tại kinh tế thị trường trong khuôn khổ
không gian chính trị của người Việt là một bước hòa giải về mặt tư tưởng, đấy
là bước tiến khổng lồ của những người cộng sản.”
Thực chất của việc khởi động quá trình
Đổi mới ở Việt Nam vào năm 1986 là do nền kinh tế tập trung, quan lieu, bao cấp
theo học thuyết Mác Lênin đã tỏ ra bất hợp lý, gây nghèo đói bất mãn rộng khắp.
Không có tiền thì chế độ cộng sản phải sụp đổ. Để tự cứu mình thì giới lãnh đạo
cộng sản bắt buộc phải mở cửa nền kinh tế, “cởi trói” cho người dân làm ăn bình
thường, và qua đó có tiền thu thuế để duy trì chế độ.
Việc “cởi trói” về kinh tế nhưng tiếp
tục “trói buộc” về chính trị chỉ là thủ thuật để cứu vãn chế độ đang trên bờ
vực sụp đổ. Một nền kinh tế vận hành theo đường lối tư bản thân hữu hoang dã đã
tiếp tục gây thêm khổ nạn cho người dân Việt Nam như vụ xả thải của tư bản nước
ngoài Formosa, vụ chính quyền cấu kết với doanh nghiệp sân sau để cướp đất dân
Thủ Thiêm,…
Ông Bạt có bao giờ nói chuyện với ngư
dân của các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi chất độc của Formosa chưa? Ông có
biết bao nhiêu người đã bị tù vì muốn giúp đỡ ngư dân miền Trung hay không? Ông
có biết bao nhiêu gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất, tan cửa nát nhà
để giới lãnh đạo cộng sản “giàu, giàu nữa, giàu mãi” nhờ cướp đất hay không? Đó
là tôi chỉ mới kể hai trường hợp trong vô số trường hợp bất công trên đất nước
này. Đó là lý do tại sao giới lãnh đạo cộng sản lại không thể sống “hòa hợp”
với người dân Việt Nam hiện nay chứ chưa cần nói đến với những người thuộc Việt
Nam Cộng Hòa trước đây?
Thắng cuộc là nắm chân lý?
Ông Nguyễn Trần Bạt lại viết: “Còn việc đặt ra vấn đề hòa giải hòa
hợp, đâu đó trên truyền thông và mạng xã hội là chủ ý của một số lực lượng muốn
những người cộng sản Việt Nam phải chính thức thừa nhận từ bỏ chủ nghĩa Mác –
Lênin, từ bỏ con đường chủ nghĩa xã hội. Tôi tin chắc rằng những người cộng sản
không bao giờ chấp nhận điều ấy, không chấp nhận đòi hỏi ấy, vì họ là lực lượng
duy nhất thắng trong một cuộc cách mạng và chiến tranh lâu dài hơn nửa thế kỷ.
…Không có kẻ thắng nào trên đời
này từ bỏ các ưu thế của mình để hòa giải và hòa hợp với các lực lượng thua
trận.”
Ở đây, ông Bạt không tranh luận chủ
nghĩa Mác Lênin đúng sai chỗ nào mà nói với một giọng rất kẻ cả như những tên
du đãng ngoài đường, đó là kẻ mạnh nắm chân lý.
Lập luận của ông Bạt rất phù hợp với
Trung Cộng. Trung Cộng đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Trung
Cộng cũng ngăn cấm đàn em Việt Cộng khai thác dầu khí ngay trong thềm lục địa
Việt Nam. Trung Cộng cũng trưng ra các bằng chứng ngụy tạo để khẳng định chủ
quyền với Hoàng Sa, Trường Sa. Thế thì chúng ta vì Trung Cộng đã thắng và đã
chiếm đảo mà từ bỏ chính nghĩa của mình, từ bỏ việc đấu tranh lấy lại Hoàng Sa
– Trường Sa, từ bỏ quyền khai thác dầu khí, đánh bắt cá trong thềm lục địa của
mình?
Tôi còn nhớ ông Võ Văn Thưởng – Ủy
viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – tuyên bố là đảng cộng sản
“không sợ đối
thoại, không sợ tranh luận”. Thế nhưng,
những ai đòi đối thoại, tranh luận với giới học giả cộng sản thì bị bỏ tù hoặc
bị đàn áp, sách nhiễu. Người cộng sản duy trì “chân lý” bằng bạo lực chứ không
phải bằng lý lẽ, cũng y như ý của ông Bạt.
Tôi đố ông Bạt kiếm trong số quan chức
cộng sản hiện tại còn ai đã từng tham gia “cách mạng” thời “chiến tranh”. Tổng
bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã tham gia trận đánh nào chưa? Cộng sản
con, cộng sản cháu lại có quyền nói là cộng sản ông, cộng sản cha đã giành được
quyền lực thì con cháu cũng có quyền tiếp tục nắm quyền lực mà không cần dân
bầu?
Lời nói trên của ông Bạt càng khẳng định
là giới lãnh đạo cộng sản rất giáo điều, bảo thủ, không chấp nhận chân lý và sự
thật. Thế thì việc đảng cộng sản tiêu vong là tất yếu vì xã hội luôn thay đổi
và đảng cộng sản sẽ bị đào thải.
Hồ Chí Minh “đoàn kết dân tộc”?
Ông Nguyễn Trần Bạt lại đi ca ngợi “tư
tưởng Hồ Chí Minh”: “Quá trình
học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đừng nên bỏ sót việc tổng kết những kinh nghiệm
của ông Cụ trong việc sử dụng khái niệm hòa giải và hòa hợp dân tộc để tổ chức
ra lực lượng làm cách mạng.”
Ông Hồ viết Tuyên ngôn độc lập đọc ngày
2/9/1945 không hề có dòng nào nhắc đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản.
Nếu ông Hồ dám viết ra thì ai sẽ ủng hộ Việt Minh?
Ông Hồ kêu gọi tư sản dân tộc đóng góp
tiền nuôi cách mạng. Báo Nhà nước đưa tin, “chính quyền cách mạng” đã từng cướp
luôn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của gia
đình ông Trịnh Văn Bô, một ân nhân của đảng Cộng sản, đã từng hiến
tặng hơn 5000 lượng vàng cho cái
đảng này. Lực lượng cộng sản dưới sự chỉ đạo của ông Hồ đã gây ra Cải cách
ruộng đất, tàn sát người vô tội cho đủ chỉ tiêu, giết cả những người đã đóng
góp tiền cho “cách mạng”, giết cả những người có con cái đang làm bộ đội, sỹ
quan chống Pháp.
Ông Hồ lập ra đảng Dân Chủ và đảng Xã
Hội để cho người dân và thế giới thấy chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là chế
độ dân chủ, đa nguyên đa đảng. Để rồi sau khi chiếm toàn bộ miền Nam thì xóa sổ
hai đảng trên. Đó là thứ thủ đoạn chính trị đê tiện lừa mị dân để đạt mục đích
nắm quyền chứ không phải là thực tâm xây dựng một thể chế chính trị “của dân,
do dân, vì dân”.
Thế mà ông Bạt vẫn ca ngợi những hành
động trên của ông Hồ là “hòa giải và hòa hợp dân tộc để tổ chức ra lực lượng
làm cách mạng”?
Hãy định nghĩa các khái niệm do
đảng cộng sản đưa ra
Ông Bạt tiếp tục dạy đời: “Thế giới dạy chúng ta rằng nếu không
minh bạch về mặt khái niệm, mọi quá trình chính trị đều bế tắc. Việt Nam chúng
ta càng phải dứt khoát về mặt khái niệm, không thể lơ mơ, ề à. Còn thực tế thì
luôn có mẫu số chung là sinh động.”
Ở đây tôi rất đồng ý với ông Nguyễn Trần
Bạt, tôi xin mời ông Bạt định nghĩa cho tôi các khái niệm mà đảng cộng sản Việt
Nam đưa ra như “dân chủ”, “công bằng”, “văn minh”, hay “kinh tế thị trường định
hướng chủ nghĩa xã hội”, “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”?
Tại sao người dân muốn thực sự được làm
chủ đất nước, được bỏ phiếu bầu ra cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia lại là
“phản động”?
Tại sao người dân muốn một xã hội công
bằng, không còn sự phân biệt giữa “đảng viên cộng sản” và “dân thường” thì cũng
bị coi là “phản động”?
Tại sao người dân muốn được ra báo chí
tư nhân, muốn tòa án độc lập, muốn tự do lập hội và hội họp như các xã hội văn
minh khác thì cũng bị dán nhãn “phản động”?
Tiền không phải là tất cả
Ông Nguyễn Trần Bạt lại có một “danh
ngôn” rất hùng hồn: “…quan hệ vĩ
mô là quan hệ của chính trị, quan hệ vi mô là quan hệ của tiền bạc. Đất nước
chúng ta chắc là không đủ tiền bạc để thu xếp các quan hệ vi mô, cho nên đừng
hy vọng vào chuyện ấy.”
Không đâu ông Bạt. Chỉ những doanh nhân
vô lương tâm dựa hơi nhà cầm quyền để làm giàu như ông mới coi tiền là tất cả.
Với người dân bình thường như chúng tôi, điều đáng quý nhất của cuộc sống là Tự
Do, là quyền con người – quyền công dân của mình được tôn trọng. Tiền bạc chân
chính phải được làm ra trên cơ sở nhân phẩm con người được tôn trọng.
Ngay cả một số doanh nhân bạn tôi có rất
nhiều tiền nhưng họ vẫn bỏ nước ra đi đến những xứ “tư bản giãy chết”. Ở nước
ngoài các bạn tôi không kiếm được nhiều tiền như trong nước nhưng họ hài lòng
vì đó là nơi mà họ được tự do, được tôn trọng nhân phẩm, không phải luồn cúi
đút lót cho quan chức để được yên ổn làm ăn, không phải ăn thực phẩm độc hại,
không phải để con cái bị nhồi sọ những thứ giáo điều sai lầm như chủ nghĩa Mác
Lênin.
Có một thứ quan trọng hơn ý chí là
chính nghĩa
Ông Nguyễn Trần Bạt còn bình luận về
việc thống nhất Hàn Quốc – Bắc Triều Tiên: “Tôi cười và nói rằng từ xưa đến nay tôi chưa thấy ở đâu trên thế
giới này mà sự thống nhất bắt đầu từ miền Nam. Bây giờ anh thấy đấy, sự thống
nhất bán đảo Triều Tiên nếu có xảy ra là bắt đầu từ miền Bắc. Ý chí để thống
nhất là yếu tố mạnh nhất chứ không phải vũ khí và lực lượng.
…Trong đấu tranh chính trị, chưa
chắc người giàu đã là người mạnh. Gặp phải những đối tượng ghê gớm và liều lĩnh
thì càng giàu càng yếu.”
Ở đây, ông Bạt ngụ ý so sánh Hàn Quốc
giống Việt Nam Cộng Hòa trước đây, còn Bắc Triều Tiên giống Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa trước đây. Và ông khẳng định là Bắc Triều Tiên sẽ thống nhất đất nước,
nghĩa là tiến chiếm được Hàn Quốc, áp đặt sự cai trị của dòng họ Kim lên toàn
bán đảo Triều Tiên, nhờ vào “ý chí” và sự “ghê gớm”, “liều lĩnh” của Kim Jong
Un.
Trong thế chiến thứ hai, phe Đồng minh
Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô đã thắng được phát xít Đức, Ý, Nhật trong khi phát xít
rõ ràng “ghê gớm” và “liều lĩnh” hơn. Thử nhìn độ tàn bạo của phát xít Đức hay
độ liều lĩnh của đội bay Thần Phong Nhật Bản thì biết.
Hay như trong thời chiến tranh lạnh,
Liên Xô là phe có ý chí rất mạnh là nhuộm đỏ toàn thế giới (thế giới đại đồng),
Hoa Kỳ lại giàu có hơn Liên Xô nhiều. Tuy nhiên, cuối cùng thì Liên Xô lại sụp
đổ vì không hợp lòng dân.
Do đó, có một thứ quan trọng để quyết
định ý chí, đó là chính nghĩa. Chính chính nghĩa mới quyết định. Không có người
lính nào đồng ý hi sinh cho những chuyện phi nghĩa. Việc đảng cộng sản chiếm
toàn bộ đất nước là do đã thành công trong việc tuyên truyền cho thanh niên,
nhất là thanh niên miền Bắc rằng việc gây chiến tranh với đồng bào miền Nam là
chính nghĩa.
Trong hoàn cảnh hai miền Triều Tiên hiện
nay, một Hàn Quốc dân chủ, tự do, kinh tế tư bản năng động rõ ràng là quốc gia
có chính nghĩa. Do đó ông Bạt đừng nghĩ thanh niên Hàn Quốc sung sướng quá nên
không biết và không muốn đánh nhau. Người Hàn Quốc đề cao văn hóa nước họ, ví
dụ như họ phát triển rất mạnh môn võ Taekwondo để thanh niên Hàn Quốc khỏe
mạnh, dũng cảm, yêu nước. Do đó niềm tin của tôi ngược với ông Bạt, đó là hai
miền Triều Tiên sẽ thống nhất và theo chế độ chính trị dân chủ của Hàn Quốc,
cũng như Đông Đức và Tây Đức trước đây. Sự thật là, chính nghĩa cuối cùng sẽ
chiến thắng phi nghĩa, dân chủ cuối cùng sẽ chiến thắng độc tài.
Dân yêu nước nhưng nhà cầm quyền
thì không
Ông Nguyễn Trần Bạt cũng trấn an những
lo lắng về lòng yêu nước của người Việt xuống thấp: “Ví dụ, nhiều người lo lắng về
hiện tượng người dân Việt cõng thuê hàng lậu qua biên giới đông kìn kìn, cho
rằng như vậy là người ta không có lòng yêu nước! Nếu xem xét lòng yêu nước bằng
những chuyện như vậy thì chúng ta sẽ mua lấy những nỗi buồn không đáng có.
Khuân hàng thì vẫn cứ phải làm để kiếm tiền, nhưng trước họa xâm lăng thì những
người sẵn sàng cầm súng chắc chắn là sẽ đông hơn những người đi khuân hàng. Hãy
để cho cuộc sống tự thu xếp và đừng sợ dân mình chểnh mảng đánh mất đi lòng yêu
nước.”
Đúng như ông Bạt nói, khi đất nước đứng
trước hiểm họa bị xâm lược, lòng yêu nước của người dân lại bùng lên. Khi Trung
Quốc kéo giàn khoan HD981 vào vùng biển của Việt Nam, người dân Việt Nam đã
xuống đường biểu tình phản đối quân xâm lược.
Tuy nhiên, chính an ninh, dân quân tự
vệ, thanh niên xung phong của nhà cầm quyền lại đi đàn áp, đánh đập dã man
những công dân Việt Nam yêu nước.
Kết quả của lòng “yêu nước” [Trung Quốc]
của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam là hiện tại, khi Trung Cộng đã đưa vũ khí
lên Hoàng Sa, Trường Sa, khi Trung Cộng ngăn cản Việt Nam khai thác dầu trên
vùng biển của mình, thì không còn có cuộc biểu tình nào của người dân Việt Nam
nổ ra nữa.
Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hẳn rất
hài lòng khi lòng yêu nước của người dân đã bị chùng xuống. Tôi cũng như ông
Bạt là không sợ người dân mất đi lòng yêu nước, mà tôi sợ chính giới lãnh đạo
cộng sản Việt Nam đã bán nước, thể hiện bước đầu là đi đàn áp những người yêu
nước chống ngoại xâm.
Nguyễn Trần Bạt xứng đáng làm Tổng
bí thư đảng cộng sản
Để kết thúc bài, tôi xin có lời khen ông
Nguyễn Trần Bạt. Ông xứng đáng lên làm Tổng bí thư đảng cộng sản vì ông là
người miền Bắc và ông có … lý luận. Chỉ có điều những lý luận của ông toàn là
lý luận… cùn. Tôi rất vui vì thời sinh viên tôi đã không có đủ tiền để mua sách
của ông. Nếu không bây giờ chắc chắn tôi rất tiếc tiền.
Các cụ đã dạy “Mua danh ba vạn, bán danh
ba đồng”. Uy tín của một trí thức nổi tiếng như ông Nguyễn Trần Bạt sau bài
phỏng vấn này coi như mất hết, và ông rơi xuống ngang hàng với các bạn dư luận
viên cao cấp. Tôi rất mong có ai đó quen biết ông Bạt sẽ gửi cho ông bài viết
này của tôi. Và tôi cũng mong chờ ông sẽ phản hồi ý kiến của tôi trong bài viết
này.
Nguồn:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire