Ngô Nhân Dụng
Các
cuộc biểu tình trên toàn quốc từ ngày Thứ Bảy, 9 Tháng Sáu, tuy nhắm vào các dự
luật Đặc Khu và luật An Ninh Mạng, nhưng động cơ chính khiến hàng vạn người
xuống đường là mối uất hận đối với âm mưu xâm lấn của Cộng Sản Trung Quốc mà
Cộng Sản Việt Nam cúi đầu chấp nhận.
Nhật báo
South China Morning Post ở Hồng Kông công nhận tinh thần chống Trung Quốc
(anti-Chinese sentiment) đã dâng lên mạnh nhất, kể từ năm 2014 khi giàn khoan
Tàu vào đậu ở vùng biển đang tranh chấp. Báo Post dẫn lời cô Đỗ Thị Minh Hạnh,
được giới thiệu là chủ tịch Phong Trào Lao Động Việt Nam, nói rằng, “Mối quan
hệ giữa chính quyền Việt Nam và Trung Quốc càng ngày càng lộ rõ, làm người dân
tức giận.” Sứ quán Trung Cộng ở Hà Nội, khi báo động các kiều dân của họ phải
coi chừng, cũng thú nhận rằng các cuộc biểu tình “bất hợp pháp” này có “nội
dung chống Trung Quốc” (anti-China content).
Nhà tranh đấu
dân chủ Hà Sĩ Phu nhắc nhở mọi người hai sự kiện nổi bật trong mấy ngày tranh
đấu: “Dân Bình Thuận tay không đã đánh khiến cho hàng trăm cảnh sát cơ động vũ
trang tận răng phải cởi giáp quy hàng,” và, trước đó, “Dân Nha Trang đánh du
khách ngỗ ngược Trung Quốc khiến hàng ngàn du khách Trung Quốc phải lên máy bay
tháo chạy về nước!”
Hai hiện
tượng trên bắt nguồn từ một lý do chung: Lòng Dân.
Dân Việt Nam
đang thù ghét Cộng Sản Trung Quốc. Họ chiếm đất, chiếm biển, mua chuộc, lũng
đoạn để sử dụng một chính quyền Cộng Sản đàn em làm tay sai! Vì không biết nỗi
uất hận của người Việt, các du khách Trung Hoa chuốc họa vào thân. Cũng vì lòng
thù hận đó thúc đẩy, người dân Bình Thuận đã khuất phục được đám cảnh sát công
an đang tan rã tinh thần.
Cộng Sản Việt
Nam đã trấn áp, bắt bớ mấy trăm người. Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn lên giọng dọa
nạt, “Xử lý nghiêm các phần tử chống đối phá hoại.”
Nhưng không
cách nào có thể dập tắt Lòng Dân!
Dân Việt đã
khốn khổ vì bị ức chế: Nông dân mất ruộng đất; công nhân bị bóc lột mà không
được lập công đoàn để tự vệ; các nhà kinh doanh phải đút lót; giới trí thức bị
bịt miệng; nhà báo phải cúi đầu nghe lệnh như đám nô lệ. Nhưng nỗi đau đớn chung,
nỗi đau nhất, là cảm thấy mình đã “mất nước” rồi!
Lòng Dân chất
chứa “anti-China content,” chữ của sứ quán Trung Quốc, từ ngàn năm Bắc thuộc,
từ các cuộc xâm lăng của quân Tống, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, tới đám
“giải phóng quân” của Đặng Tiểu Bình.
Lòng Dân đã
sôi sục, cho nên hàng vạn người đã xuống đường. Không ai bảo ai, không cần kêu
gọi hay tổ chức, không ai điều động, chỉ huy. Mỗi uất hận là ngọn lửa sẽ âm ỉ
mãi mãi, một biến cố nhỏ cũng có thể thổi bùng lên. Ở những nơi có các công ty
Trung Quốc và công nhân Trung Quốc sinh sống, không khí đang ngột ngạt, không
biết bao giờ xung đột sẽ bùng nổ. Sứ quán Trung Cộng cảnh báo kiều dân của họ
là đúng lúc.
Ông Nguyễn
Phú Trọng có “nghiêm trị” hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người, cũng không dập
tắt được Lòng Dân! Trong những ngày, tháng sắp tới đảng Cộng Sản sẽ phải ngồi
trên một núi lửa chỉ chờ giờ bộc phát.
Như nhà văn
Aleksandr Solzhenitsyn nhận xét, Dối Trá và Bạo Lực là nền tảng của chế độ Cộng
Sản. Dối trá bắt đầu bị phơi bày từ năm 1975, hoàn toàn mất hiệu lực từ năm
1989; vì dân Việt đã nhìn thấy sự thật. Bạo lực đang lung lay; đám công an cũng
“cởi giáp quy hàng,” họ còn thấy đồng bào sẵn sàng tha thứ nếu biết quay đầu.
Cả hai nền tảng đó biến mất, chế độ phải tan rã.
Từ năm 1990,
ai cũng thấy chế độ Cộng Sản ở nước ta phải sụp đổ. Nó chưa bị lật nhào vì
nhiều người còn thắc mắc: Cái gì sẽ thay thế nó? Có lo xã hội hỗn loạn hay
không? Sẽ xây dựng dân chủ tự do như thế nào? Ai có khả năng làm cho đất nước
sạch sẽ hơn, trong khi vẫn phải lo đối phó với quân thù đang đe dọa?
Chế độ Cộng
Sản vẫn khai thác những nỗi băn khoăn trên để kéo dài ách cai trị. Đảng Cộng
Sản không cho ai lên tiếng, không cho dân Việt được thảo luận để trả lời cho
những thắc mắc trên. Những nhà tranh đấu dân chủ bị bắt giam, bị lưu đày, bị
đánh đập, bịt miệng, để người dân không thể tìm giải đáp cho những câu hỏi
trên.
Chính các
đảng viên Cộng Sản và đám lãnh đạo đảng cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho
chính họ nếu chế độ sụp đổ. Phản ứng tự nhiên của họ là co cụm lại, chúi đầu
xuống cát như những con đà điểu, không dám nhìn sự thật trước cảnh Lòng Dân sôi
lên nỗi nhục nhã, uất hận.
Nhưng có một
câu trả lời giản dị, một giải pháp có thể thực hiện được. Là đảng Cộng Sản Việt
Nam hãy trao quyền cho quân đội. Quân đội sẽ quản lý quốc gia một thời gian, để
có thời giờ xây dựng một thể chế dân chủ tự do hợp với khát vọng của toàn dân
và xu hướng của thế giới văn minh.
Hiện nay
trong nước ta, ngoài đảng Cộng Sản chỉ còn một định chế có tổ chức, có kỷ luật,
là quân đội. Người dân phấn khởi nghe những tướng lãnh về hưu lên tiếng chống
các chính sách gian tham và bán nước của đảng Cộng Sản. Ngoài đám tướng lãnh
tham nhũng đã hoàn toàn bị nhúng chàm và những kẻ mở miệng ca ngợi 16 chữ vàng;
quân đội vẫn có thể dần dần lấy lại lòng tin của người dân nếu chứng tỏ biết
đặt quyền lợi tổ quốc trên lợi ích cá nhân và bè đảng.
Khi thoát
khỏi ách khống chế của đảng Cộng Sản, quân đội có thể trở về với vị trí đúng
của mình. Họ sẽ tuyên thệ trung thành với tổ quốc, với đồng bào, không chấp
nhận làm chân tay cho một đám người hèn với giặc, ác với dân nữa.
Việc đầu tiên
phải làm khi quân đội nắm quyền là ấn định việc tổ chức bàu cử quốc hội lập
hiến trong 12 hoặc 18 tháng, cuộc bỏ phiếu hoàn toàn tự do, để các đại biểu
đích thực của người dân thiết lập thể chế tương lai. Tiếp theo, phải xác định
sẽ tổ chức bàu quốc hội lập pháp, trong vòng sáu tháng tới một năm sau khi hiến
pháp mới ra đời. Có thể bầu tổng thống nếu bản hiến pháp mới chọn theo thể chế
đó. Sau công việc đó, quân đội hứa trước sẽ trở về vị trí hoàn toàn độc lập với
chính trị, chỉ lo bảo vệ an ninh cho tổ quốc.
Thời gian hai
tới ba năm là cơ hội cho dân Việt Nam tập sống trong tự do dân chủ. Sau đó
người Việt sẵn sàng sử dụng các quyền công dân của mình.
Vì vậy, từ
ngày đầu tiên chính quyền quân đội phải công bố rằng các quyền tự do căn bản
của mọi công dân sẽ được tôn trọng: Tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp và
lập hội, lập công đoàn, lập đảng, vân vân. Chính quyền quân đội có thể tạm thời
nắm quyền hành pháp và lập pháp nhưng sẽ phải làm gương tôn trọng một quyền tư
pháp độc lập.
Sống tự do là
một quyền thiêng liêng của con người. Dân chủ là một cách sắp xếp cuộc sống xã
hội, là thể chế thuận tiện nhất để bảo vệ tự do. Không tự do thì không thể xây
dựng dân chủ. Khi được tự do, người ta sẽ biết thiết lập nền tảng dân chủ như
thế nào.
Khi quân đội
nắm quyền, chúng ta có sợ chế độ quân phiệt sẽ lên thay chế độ Cộng Sản hay
không?
Mối lo đó lúc
nào cũng có, vì ai cũng biết “quyền hành sinh nhũng lạm.” Nhưng từ cuối thế kỷ
20 đến nay, các chế độ quân phiệt không còn đất dụng võ nữa. Trong thế kỷ 21
này, hai sức mạnh trong xã hội sẽ ngăn ngừa không cho chế độ quân phiệt thành
hình. Thứ nhất là ý thức tự do dân chủ đã lên cao, người ta biết tự do cần
thiết để phát triển kinh tế như thế nào. Thứ hai là cuộc cách mạng thông tin
giúp cho các ý kiến truyền tỏa rộng rãi và nhanh chóng.
Trong thời
gian chuẩn bị sống dân chủ các quyền tự do ngôn luận và hội họp sẽ giúp xã hội
công dân (civil society) phát triển. Xã hội chính trị (political society) phát
triển theo khi các đảng phái được tự do hoạt động. Một chế độ dân chủ không thể
nào thiếu các đảng chính trị, là nơi kết tụ những người có quyền lợi kinh tế,
xã hội giống nhau. Chính quyền phải thể hiện tinh thần trọng pháp (the rule of law).
Mọi người dân biết rằng sinh mạng, tài sản của mình pháp luật được bảo đảm và
mọi người bình đẳng trước công lý. Khi đó xã hội kinh tế (economic society)
theo nền nếp thị trường thật sự, cạnh tranh tự do trong luật lệ, không ai cần
hối lộ, không ai được lạm quyền.
Còn đảng Cộng
Sản thì sao? Nếu đảng Cộng Sản tự ý trao quyền cho quân đội thì các đảng viên
sẽ không lo bị trả thù, bị người dân trừng phạt bất kể luật lệ. Ở Ba Lan, năm
1981 đảng Cộng Sản đã đưa Tướng Jaruzelski lên cầm quyền, mang giới quân nhân
vào guồng máy cai trị, dần dần đưa tới cuộc cách mạng không đổ máu năm 1989. Ở
nước ta, chính quyền quân đội có thể xóa bỏ ngay điều 4 trong hiến pháp, nhưng
tốt nhất là thay thế bản hiến pháp Cộng Sản bằng một hiến chương lâm thời trong
khi chờ quốc hội lập hiến ấn định một thể chế mới.
Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam không có ai nhìn xa trông rộng
để nhường chính quyền cho quân đội thì có thể diễn ra tình trạng như ở Bồ Đào
Nha năm 1974. Năm đó, một số sĩ quan cấp tá và cấp úy đã tự lập Phong Trào Quân
Lực Chiếm Chính Quyền, đưa ra một Hội Đồng Cức Quốc bảy người làm việc quản trị
đất nước. Chính quyền độc tài cũ tự rút lui trước khí thế mạnh mẽ của Lòng Dân.
Tại nhiều quốc gia, sau khi chế độ độc tài chuyên chế bị
xóa sổ, chính quyền mới đã thành lập những Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải (truth
and reconciliation commission) để giải quyết các vụ phạm tội trong chế độ cũ,
dựa trên tinh thần bao dung, đức công bằng, và luôn luôn tôn trọng các quy tắc
pháp lý. Các nước đã theo chính sách này là Uganda năm 1974, Bolivia năm 1982,
Argentina 1983, Chile 1990, Nepal 1990, El Salvador 1992, Guatemala 1994 và
Cộng Hòa Nam Phi, năm 1995.
Người dân Việt Nam biết rằng có những giải pháp để trả lời
cho câu hỏi: “Sau Cộng Sản sẽ là cái gì?” Chính các đảng viên Cộng Sản cũng
biết rằng họ sẽ không lo bị trả thù trong cơn hỗn loạn. Họ không cần bám víu
khẩu hiệu ích kỷ, bần tiện “Còn đảng, còn mình” nữa. Khi đó, nước Việt Nam sẽ
lật trang sử mới.
(Ngô Nhân Dụng)
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lam-gi-khi-che-cong-san-sap/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire