Một bộ luật, Luật biểu tình, nhằm thực hiện một trong
những quyền cơ bản của công dân đã được hiến định, đồng thời là công cụ duy trì
và bảo vệ trật tự xã hội của Nhà nước, lại có vẻ luôn trong thế tiến thoái
lưỡng nan, không thể thành luật được!
Gần 11g đêm
11/6, chúng tôi đến địa phận Phan Thiết. Cánh taxi cảnh báo, coi kiếm đường nào
không có biểu tình mà đi. Đêm, thành phố biển cửa đóng then cài nhưng không một
chút bình yên. Từ xa, dưới hàng đèn, cầu Trần Hưng Đạo đã lố nhố người, vẳng
lại tiếng gầm, hú, hét.
Nhóm thanh niên tụ tập, ném đá lực lượng CSCĐ trên cầu Trần Hưng Đạo, TP.Phan Thiết |
Phía bên này
cầu, đám thanh niên ngoài 20 tuổi thi nhau chửi rủa, lăm le gậy gộc;
một nhóm khác lôi xềnh xệch mấy bao tải chứa đá, miểng kính chuyền cho đồng bọn
“ném chết tụi nó”; một nhóm nữa thì mặc sức rồ ga, nẹt pô, gầm rú… tất cả như
thi triển trước đám đông người lớn, trẻ nhỏ hiếu kỳ đang thỏa thuê quay phim,
chụp ảnh, cổ vũ.
Phía bên kia
cầu, lực lượng cảnh sát vừa duy trì đội hình bảo vệ đường vào các cơ sở công
quyền vừa tìm cách tiếp cận giải tán đám đông.
Nếu tính từ
tháng 6/2015, khi Quốc hội khóa XIII ra Nghị quyết số 89 quyết định trình dự án
Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng 3/2016 (đáng nhẽ ra phải
trình từ kỳ họp thứ 9), thì đến nay, dự luật này đã lùi những 3 lần; kể cả việc
đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.
Một bộ luật
nhằm thực hiện một trong những quyền cơ bản của công dân đã được hiến định,
đồng thời là công cụ duy trì và bảo vệ trật tự xã hội của Nhà nước, lại có vẻ
luôn trong thế tiến thoái lưỡng nan, trong sự trù trừ, lần khân của các cơ quan
có trách nhiệm soạn thảo, phản biện.
Đến độ,
nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng thốt lên tại phiên làm việc
ngày 17/2/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: “Tại sao cứ xin lùi?
Chính phủ ý kiến thế nào, không làm được hay không chịu làm? Quốc hội đã quyết
định đưa vào chương trình rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi?”.
Sự “lùi mãi”
ấy, phần nào đã đặt tất cả chúng ta vào cái thế lận đận, khốn khó trong những
ngày vừa qua. Nhân dân, trong các đặc quyền của con người, của dân sự, của
chính trị, muốn được bày tỏ thái độ trước những vấn đề có liên quan đến đời
sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia, cộng đồng không thể bày tỏ được.
Nên nhớ,
quyền biểu tình là một quyền có giới hạn, có thể bị đình chỉ nên Luật Biểu tình
là để định chế hóa các điều kiện nhằm điều chỉnh quyền biểu tình.
Nhìn lại
diễn biến của những ngày qua, ngay cả khi người dân bỏ quên (hay bỏ qua) các
kênh bày tỏ ý kiến, thái độ của mình (qua hệ thống mặt trận và các đoàn thể -
chính trị, qua các phiên tiếp xúc cử tri, qua các cấp chính quyền địa phương,
cơ sở, báo chí…) thì chủ đích và phương thức biểu thị ôn hòa, phi vũ trang lại
bị lấn át bởi những hành vi bạo lực.
Tâm huyết, ưu tư, bức xúc, ức chế của nhân dân là có thật. Sự
lắng nghe, điều chỉnh, kể cả sự nhìn nhận những nguyên do tạo ức chế, bức xúc
cho dân của lãnh đạo chính quyền là có thật. Và sự hung hăng, hiếu sát, hả hê
giữa những màn ném đá, tung gậy kia cũng có thật. Tôi hoang mang, ngờ vực cái
sự thật sau cùng…
Trong Thiên
hạ đại thế luận, được chấp bút vào năm Tự Đức 16 (1863-1866), nhà canh tân
Nguyễn Trường Tộ đã dốc lòng: “Nước mình trước hết không biết tự giữ thể diện
thì người ta mới khinh mình; dân loạn bên trong, rồi kẻ địch mới nhân đó mà
vào. Như thế loạn không phải chỉ từ bên ngoài mà ở ngay trong nước vậy”.
Lẽ nào, hơn
150 năm sau…
Trong công
trình nghiên cứu về “Khái niệm nghệ thuật quản lý nhà nước ở Việt Nam”, giáo
sư, tiến sĩ David G. Marr (Đại học Quốc gia Australia) đã có một nhận định khá
sâu sắc: “Trong nhiều cách thức khác nhau, những văn bản này (tức nhiều bộ luật
của Việt Nam qua các thời kỳ trung đại) mang nhiều tính tư tưởng chứ không phải
là bộ luật dùng để thực thi trong thực tế”.
Phải chăng,
từ “tập quán” này mà đôi khi, đứng trước những vấn đề xã hội, cái tâm lý “phép
vua thua lệ làng” lại bó chân, trói tay; lâu dần là lực cản để chúng ta chần
chừ trong việc hình thành, xây dựng và hoàn thiện một thiết chế pháp luật khoa
học, tiến bộ, văn minh nhằm phục vụ cho một xã hội pháp quyền, văn hóa.
Để “phép
vua” và “lệ làng” không còn là chuyện hơn thua, đấu chọi mà là tịnh tiến của
những nguyên tắc luật pháp, văn hóa hành xử.
Để cái màn
rượt đuổi, ném đá nửa đêm nơi thành phố bình yên kia sẽ không còn là cuộc thi
triển của một xã hội vô pháp.
Lê Huyền Ái Mỹ
http://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/lui-luat-bieu-tinh-la-khong-the-tien-130721/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire