19/06/2018

ĐỤC NƯỚC, NHƯNG KHÔNG BÉO CÒ

MÊNH MÔNG TH S Đ GIÓ CUN ĐI
S 42
           
Tương Lai


Trong những ngày vui buồn lẫn lộn này lòng đã trĩu nặng càng thêm nặng trĩu với câu “đục nước béo cò” của chàng kịch sĩ nọ trên VTV1. Ngày 16.6.2018 nhận được email của cô cháu tôi, chỉ mấy dòng : “Lo lắng cho hôm nay và ngày mai quá. Đã mấy hôm nay, công an dân phòng, xe đặc chủng tràn ngập từ sân bay, quanh công viên Hoàng Văn Thụ đến tận trung tâm. Đi trên đường Trường Sơn tận lúc 10h đêm họ vẫn đóng chốt đông nghẹt như thế. Lòng dân thì phẫn uất và quyết chiến nên thế nào cũng sẽ có đàn áp và rồi máu sẽ đổ”. Máu đổ ư? 



Cháu tôi là một người làm khoa học, hầu như toàn bộ thời gian là cặm cụi với phòng thí nghiệm, những cuộc đi điền dã, tham gia các hội thảo khoa học trong nước và nước ngoài. Thế nhưng tuần qua, khi thì gọi điện thoại, khi thì gửi email cho tôi : “Cháu không ngờ mình lại phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng và phẫn uất như thế này. Chẳng lẽ ba cháu và những người thân yêu dành toàn bộ cuộc đời cho cuộc đấu tranh giữ nước và đã ngã xuống trên mảnh đất này để hôm nay cháu phải chứng kiến cảnh ấy sao? Chú bảo cháu phải làm gì bây giờ? Phải nghĩ sao về sự hy sinh của ba cháu, của biết bao người vì sứ mệnh thiêng liêng đối với Tổ quốc, với nhân dân. Ba cháu là một người chỉ huy dồn tâm huyết để cuộc chiến đấu và chiến thắng với thương vong ít nhất, ông quý trọng và chắt chiu gìn giữ từng giọt máu của chiến sĩ như những người gần gụi ông kể lại”. Người kể là một người cầm súng dạn dày đã ân cần căn dặn: “các cháu phải khắc cốt ghi tâm, phải tự hào các cháu là con của một con người trung thực và tốt như thế”. Đọc những dòng ấy, tôi càng thấm thía nỗi bức xúc của cháu tôi.

Anh tôi là một người lính, một vị tướng cầm quân ra trận ngay từ những ngày “nam tiến” tháng 9.1945, để từ đấy có mặt tại những chiến trường nóng bỏng nhất nam Trung Bộ, Nam bộ, Tây Nguyên, Việt Bắc, đồng bằng Bắc bộ rồi trước khi nằm xuống là chiến trường biên giới phía bắc đánh quân xâm lược Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp mà cha ông từng phải đối mặt trong suốt mấy ngàn năm lịch sử. Trong thư gửi cho con trai dạo ấy, ông viết : “tình hình giằng co giữa ta và bọn Trung Quốc còn kéo dài hàng chục năm, dân ta còn khổ, quân ta còn phải chuẩn bị thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, phải tăng cường sức mạnh về mọi mặt”. Trả lời các nhà báo nước ngoài, ông tuyên bố dứt khoát: “đối với nhân dân Việt Nam, mỗi tấc đất của Tổ quốc là thiêng liêng…Kẻ thù sẽ không bao giờ có thể cướp được dù một mẩu đất của chúng tôi. Chúng tôi phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng đánh trả bọn xâm lược nếu chúng không từ bỏ các âm mưu bành trướng”.[Nước ngoài nói về chiến tranh biên giới 1979. Báo Đất Việt ngày 18.2.2016]

Những người từng cầm súng chiến đấu và đổ máu để bảo vệ tổ quốc biết dứt khoát và đanh thép với kẻ thù, nhưng lại không hề cao giọng để dạy dỗ dân phải biết yêu nước như thế nào! Bởi lẽ với họ, yêu nước là sôi sục máu trong tim, là dấn thân trong mưa bom bão đạn, là cay đắng ngọt bùi chia sẻ với dân, dám vì nhân dân quên mình.

Thế mà đây kia lại có kẻ ngạo mạn dám làm điều hỗn láo với dân. Dân biết rõ kẻ đó là ai, đã từng làm gì, tiến thân bằng cách nào, để hôm nay được chễm chệ trên cái ghế quyền lực ấy lại dám liều lĩnh buông lời khiếm nhã, trịch thượng với dân! Làm sao dân không phẫn nộ càng thêm phẫn nộ? Họ không hiểu rằng đó là đổ thêm dầu vào lửa! Những người làm chính trị khôn ngoan, nhất là những người biết tự sờ vào gáy mình để nhớ lại mình là ai, sẽ không làm điều khờ dại đó. Đừng giỡn mặt với lớp lớp người đã ngã xuống, đừng nhởn nhơ trên từng tấc đất thấm đẫm máu những thế hệ Việt Nam từ biên cương, hải đảo đến đất liền, tại các vị trí hiểm yếu Vân Đồn, Vân Phong Phú Quốc. Máu người không phải là nước lã.

Có lẽ vì thế mà lời của một ông tướng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh nói về sự phẫn nộ của dân và của hơn 4 triệu người đã từng cầm súng bảo vệ tổ quốc tại Quốc hội có sức nặng của một lời cảnh báo nghiêm túc. Cùng với vị cựu chiến binh, nỗi lo của đại biểu Trương Trọng Nghĩa : “Theo tôi, thời hạn này[cho thuê đất] ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa, mà hiện nay, chỉ có những đất nước nghèo đói, lạc hậu và hoang sơ mới cần đến. Bởi vì có những quốc gia không có nhu cầu về lãnh thổ, họ cần về lợi ích kinh tế, họ đến rồi họ đi. Còn có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ, tài nguyên của nước khác, thì cái họ cần không phải là lợi ích kinh tế, mà là lãnh thổ của nước khác. Họ sẽ di dân đến và tìm mọi cách ở lại, và thậm chí chi phối về chính trị, an ninh, quốc phòng. Đã có những ví dụ nhãn tiền về việc này. Cho nên luật pháp và chính sách của chúng ta phải thiết kế sao cho, chỉ mở cửa cho bạn bè, chứ không rước kẻ cướp vào nhà”. Người đại biểu của dân ấy rành rọt gọi đích danh Trung Quốc tại hội trường mang tên Diên Hồng, ngắn gọn và đanh thép lột trần những âm mưu và thủ đoạn thâm độc về kinh tế, chính trị của chúng để nói rõ rằng, quyết “không rước kẻ cướp vào nhà

Liệu hai vị đại biểu quốc hội nói trên có bị xem làkhông hiểu đúng bản chất sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu nhầm vấn đề, nên có hành động quá khích”, có bị quy kết để nhắc nhở là “hành động, phát ngôn” tạo ra thêm “ngộ nhận, hiểu nhầm” rồi “lan ra ngoài xã hội” là “yêu nước không đúng cách” mà từ đó dẫn đến biểu tình lan rộng, phải huy động thêm lực lượng để đàn áp không?

Vậy thì, ai đang đục nước béo cò đây? Chàng kịch sĩ đã trót bị đẩy lên tivi diễn câu nói ngạo mạn kia hãy trả lời công chúng đi. Trong cơn đục nước này, sẽ có biết bao nhiêu thế lực kình chống nhau, tìm mọi cách thanh toán lẫn nhau xoay quanh cái ghế quyền lực thì dù có tài năng châm biếm và giàu sức hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật cũng không biết hết được đâu. Độ phức tạp và lắt léo tàn nhẫn của của cuộc chiến tranh bá đồ vương trên chóp bu quyền lực với sự chi viện và giám sát của yếu tố nước ngoài vượt khỏi sức hư cấu của kịch bản hay ho để được trao giải thưởng. Ấy vậy mà ông “Nam Tào” sắm vai chốn thiên đình nọ vốn được mến mộ vì cái tài hài hước rất có duyên mà tôi rất hâm mộ bỗng giở giói ăn theo nói leo, trình diễn lắt léo câu tục ngữ  “đục nước béo cò” để khích bác những người biểu tình chống luật “đặc khu kinh tế” và luật “an ninh mạng”.

Nhìn vẻ mặt vốn đáng yêu của người nghệ sĩ ấy đang làm trò trên màn hình tivi khiến cho không sao xua được nỗi buồn về thân phận con cò trong buổi đục nước. Chập chờn hình ảnh con cò trong một vở kịch Hy Lạp đã trình diễn trên sân khấu qua lời một nhân vật nói với mẹ về chuyện cò mẹ luyện cho cò con bay bằng cách đẩy cho cò con xuống vực để cò con tự ráng sức bay lên nhưng, “đôi khi cò con chết thẳng”. Chàng kịch sĩ nọ, nghe đâu cũng đang kiêm thêm một chức quan nho nhỏ trong đám quan trường có thể sẽ như con cò nọ chết thẳng khi được đào luyện từng chặng bụi bặm theo phẩm trật, nếu anh ta  định béo lên trong dòng nước đục và chết đi trong lòng người. Khi người nghệ sĩ chết trong lòng công chúng thì mọi tài năng, kỹ xảo sẽ cũng tự cáo chung.

Người nghệ sĩ sống trong lòng công chúng vì họ được thụ hưởng cái phẩm cách của con cò mẹ trong câu ca dao quen thuộc được nhớ nằm lòng tự thuở trong nôi. Đó là lời nguyện cầu của cò mẹ nếu chẳng may phải chết trong nồi xáo măng thì được “xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con” trong câu ca dao thấm đẫm tính nhân bản truyền thống. Nếu định kiếm chác chút cạn trong nồi canh măng mà tự biến mình thành một con rối trong tay bộ máy tuyên truyền bịp bợm, thì rồi khi hiện ra trên sân khấu, người nghệ sĩ từng được mến mộ nọ liệu rồi sẽ nhận được gì từ công chúng nếu không là sự quay mặt đi của thay cho sự phỉ nhổ?

Khốn khổ thay, hình như không chỉ một nghệ sĩ tài năng như anh ta, nghe đâu cũng còn những gương mặt khả ái khác trở thành quá khả ố trước cái nhìn của công chúng. Một công chúng hiểu rõ chính tà, biết rõ ở đâu và lúc nào là họ đang phải diễn kịch, đâu và lúc nào họ sống thật với chính mình lúc trái tim họ không loạn nhịp theo áp lực của cây gậy quyền lực hung bạo hay sức ve vãn của chút lợi ích nhày nhụa để tự làm nhem nhuốc chính mình. Mà đâu chỉ có các “kịch sĩ”, nghệ sĩ!Đây đó đã chường ra những gương mặt luật sư, giáo sư, nghị sĩ, nhà báo… được huy động trong cả một chiến dịch quen thuộc nhằm ngoan cố chống trả sự phẫn nộ của lòng dân.

Chao ôi, sẽ có ý nghĩa biết bao nếu trong chiến dịch này, thay vì vu khống, thóa mạ dân, những “công bộc của dân” đang ngồi trên đầu dân kia dám hướng sự công kích vào âm mưu cực kỳ hiểm nguy của thế lực từng gây ra vụ bạo loạn đốt phá ở Bình Dương và một số khu công nghiệp khác hai năm trước đây để rồi hôm nay âm mưu ấy càng hiểm nguy gấp trăm ngàn lần. Thì đó, vừa có bài báo của Phạm Viết Đào viết rõ “chính tình báo Hoa Nam châm ngòi các vụ gây rối đốt phá… để chia rẽ chính quyền, cảnh sát với nhân dân… Những cuộc bạo loạn ở Bình Dương, Formosa Hà Tĩnh năm 2014. Nhiều bằng chứng, dấu hiệu cho thấy có bàn tay lông lá của Hoa Nam tình báo nhúng vào. Trung Quốc xưa nay vẫn nổi tiếng trong việc sử dụng kế địch làm kế của mình… Thế lực ấy, nói như ông tướng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an, Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân: “nó cài cắm, nó móc ngoặc, nó lôi kéo đó. Hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm rồi, đã chết rồi. Bây giờ …đã có con số đến hàng trăm, mà hàng trăm không chỉ là con số dừng lại, mà trăm này có thể cộng với trăm kia nữa”.



Cùng với linh mục Huỳnh Công Minh
biểu tình chống Trung Quốc xâm lược
ngày 11.5.2014.
Phải cực kỳ cảnh giác vì sẽ có thế lực tạo cho những con cò béo lên trong cơn đục nước này. Chúng sẽ càng quậy cho nước đục thêm lên, để rồi những chiếc áo giáp chống đỡ gạch đá của lòng phẫn nộ không thể chống lại được những chiêu võ cổ truyền xui nguyên dục bị cực kỳ thâm độc của “trăm này cộng với trăm kia” như tướng công an cảnh báo.

Ấy vậy mà, lại một giọng điệu quen thuộc xuất hiện trên màn hình tivi để quy tội cho dân biểu tỏ lòng phẫn nộ với những toan tính “rước kẻ cướp vào nhà” bằng dự luật có những điều khoản cho thấy nếu được thông qua thì “thực chất là hình thức nhượng địa” như tiếng nói thẳng thắn vang lên tại diễn đàn Quốc hội được truyền hình trực tiếp. Đã thế, lại lúng túng đưa ra một chất vấn ngây ngô “đã có quyết định dừng vào ngày 8 thế mà ngày 10,11 tháng 6 vẫn biểu tình chứng tỏ có thế lực xui giục”. Nghe mà quá chán nản, để tự trấn an khi nhớ đến lập luận dõng dạc đàng hoàng lại hết sức dễ hiểu cô học sinh phổ thông nói về quyền công dân đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng internet, không chỉ trong nước mà thế giới cũng nghe được.

Không có sức ép của lòng dân phẫn nộ, trong đó có tiếng nói của đại diện cho hơn 4 triệu cựu chiến binh ngay tại Quốc hội thì liệu Bộ Chính trị có phải họp để 3h sáng đưa ra quyết định nhằm kịp thời ngăn chặn ngòi nổ của lòng dân? Đã thế lại định mượn hơi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà rằng chuyện đặc khu đã có từ thời cụ Kiệt, mà không biết, không hiểu nổi tư duy về mở của và hội nhập của Võ Văn Kiệt. Để làm rõ chính danh và ngụy biện, hãy đọc một đoạn trong bài viết của Nguyễn Trung, trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thư ngỏ gửi Bộ Chính trị ngày 8.6.2018 về dự luật “đặc khu kinh tế” được giải thích là có quá trình soạn thảo công phu với quy trình chặt chẽ:

Đấy là các sản phẩm ra đời từ quá trình “sao chép – cắt – dán” từ những thứ đã thành văn và ra đời trong thập kỷ 1980s hoặc trước nữa tại một số quốc gia và lãnh thổ... Song những sản phẩm này không có khả năng lột tả những bối cảnh cụ thể của các quốc gia và lãnh thổ thời ấy khi những ĐKKT của họ ra đời – và đương nhiên bối cảnh của những nơi này lúc ấy hoàn toàn khác với bối cảnh của nước ta hôm nay. Cái mới và cái sáng tạo duy nhất sản phẩm “sao chép – cắt – dán” này có được so với nguyên bản là làm cho các ưu đãi ưu tiên nặng ký hơn so với nguyên bản, song lại không thể biện minh được, và vô cùng lạc hậu, rất bất cập so với hiện tại. Vô cùng đáng lo hơn nữa là những ưu tiên ưu đãi nặng ký này sẽ được thực hiện trong bối cảnh quyền lực rắn và quyền lực mềm TQ hôm nay đã can thiệp quá sâu vào đời sống mọi mặt của đất nước ở phạm vi cả nước”.

Quả thật,

“Quan ở trên cao hè, pháp luật lủng củng
Mỗi bước đi hè, là một bước lạc
Mỗi điệu nhạc hè, chỉ toàn bạc nhạc
                Túi đựng tấm gương hè, túi nào cũng thủng
           Quan nuốt ngon hè, không chê miếng nhục
              Dân húp cháo hè, lấy nhục làm vinh…”

…  “Ta cầm cày hè, ta hay con bò?
               Con bò cày hè, con bò hay ta?...”

Dẫn ra mấy câu trên trong câu chuyện về câu đối của Nguyễn Khuyến nhằm xua bớt cơn giận làm nóng đầu có thể quá lời, đành mạo muội mượn tạm chuyện này để mà “ý tại ngôn ngoại” vậy.

Chuyện rằng, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến về thăm quê, khi kiệu đi qua cánh đồng, nghe tiếng người làng hát những câu trên bèn cho dừng kiệu hỏi ông chủ một quán nước bên đường thì được ông ta trình rằng: “Ngày trước có ông thầy phong thủy đi qua, ngắm hình thể thấy cong như hai cái lưỡi liềm quay ngược chiều nhau, bèn bảo tổng này đời nào cũng sinh ra một người điên cụ ạ.” Nguyễn Khuyến nghe nói giật nảy mình. Vội vàng tò mò hỏi tiếp thì được trả lời  “Quả là đời nào cũng nảy nòi ra một người mắc chứng điên loạn, không nhà này thì nhà khác… Còn lại thì cả tổng bình thường cả”.

Nguyễn Khuyến nghe nói càng thấy thắc mắc. Lại hỏi tiếp: “Thế nghĩa là sao” thì được giải thích: “Bẩm, không có kẻ điên để mà nhìn vào, thì sẽ khó mà nhận ra mình là điên hay tỉnh cụ lớn ạ. Cho nên nếu vắng người điên thì cả tổng sẽ… điên. Hồi ấy một người điên vừa bị chết, cả tổng nháo nhác nhìn nhau, anh nọ cứ mong anh kia điên trước cho mình nhờ. Kéo dài mấy năm như thế, thành ra cả một tổng điên, loạn hết cả lên. May sau đó được quan trên điều một anh điên thật về. Lập tức mọi người tỉnh ra ngay, từ đó anh nào anh nấy mới nhận ra rằng mình… không điên”.

Nguyễn Khuyến nghe đến đây thì càng kinh ngạc. Nghĩ mình mất công đèn sách, đỗ đến tam nguyên mà đến tận bây giờ mới biết chuyện này. Chưa nghĩ xong thì lại nghe chủ quán nước nói tiếp:

Từ đó, các cụ ở tổng tôi trước khi chết đều dặn lại con cháu, rằng phải giữ gìn kẻ điên cho cẩn thận, chu đáo, như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nếu chẳng may vắng người điên thì phải tìm cách mà bán xới đi nơi khác, chớ có dại mà sống ở một tổng toàn điên. Về đến nhà, cụ Tam Nguyên lấy bút viết ngay một câu đối cho treo lên :

“Khiếm nhất phi nhân tổng phi nhân” [vắng một thằng điên, cả tổng điên].

Nguyễn Khuyến mà sống đến hôm nay chắc ông sẽ có câu đối còn thâm trầm và giàu chất triết lý hơn nữa, nhất là khi mà cái “điện toán đám mây” đang dịch chuyển về trên bầu trời đen tối của thế nước hôm nay!

Nhưng giả dụ có phép màu ấy thì cũng sẽ xin mạnh dạn mà trình với cụ Tam Nguyên rằng : chính vận nước xui ra sự dại dột quá vội vã dâng lên cho các “đại gia đầu tư” mà dân gọi là “tiền nhiều như quân Nguyên” cái “luật Đặc khu Kinh tế” soạn theo đúng quy trình đã được thỏa thuận từ lâu này. Càng dại dột hơn với lời biện hộ ngớ ngẩn của một ngài Bộ trưởng nọ - “tinh hoa của tinh hoa dân tộc”-  rằng : “Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc ở trong đó hết. Chỉ có những cái họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung QuốcChắc cụ Nguyễn Khuyến sẽ phải chữa chữ “nhất” trong câu đối đắc ý của mình.

 Vâng, nói là vận nước vì, với hành vi dại dột này, nhà cầm quyền, trước hết là nhóm thế lực chịu sức ép của chủ nợ đã ứng trước số tiền quá lớn để dọn bãi cho việc mở cửa “rước kẻ cướp vào nhà” đã chạm vào điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế Việt Nam. Đó là  lòng yêu nước và ý chí quật cường, thà chết không chịu làm nô lệ cho Tàu.


Mỗi người Việt Nam yêu nước hiểu rõ điều mà cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, vị lão tướng đã 13 năm làm Đại sứ Việt Nam tại Bắc kinh, nói một cách đơn giản:  “99 năm nữa thì những người quyết định cho thuê đất 99 năm đã chết từ lâu rồi , vậy ai là người chịu trách nhiệm nếu 3 đặc khu đó  vĩnh viễn rơi vào tay nước khác… Không biết ai đưa ra ý tưởng như vậy , kể cả những người đồng ý thì đều là những kẻ bán nước".

Cứ tưởng như qua lời của vị lão tướng đáng kính ấy có sức vang vọng lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách nay 77 năm “…lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Xin hãy nhớ, Hồ Chí Minh đặt “lũ bán nước” trước “lũ cướp nước”. Vì, từ xưa đến nay, mọi triều đại xâm lược ở phương Bắc luôn nuôi dưỡng một lũ tay sai bán nước làm chỗ dựa cho các đạo quân xâm lược. Chỗ dựa về danh nghĩa, chỗ dựa về nội gián, chỗ dựa về xáo trộn lòng dân. Hãy tỉnh táo nhìn vào thực trạng của thế nước hôm nay để biết phải hướng sức mạnh đấu tranh vào đâu nhằm nhấn chìm âm mưu và hành động xâm lược của kẻ thù truyền kiếp!



                        Sài Gòn ngày 17.6.2018                          

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire