(GDVN) - Câu nói của ông Triệu
Tài Vinh: “Con gái tôi nằm
trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng
việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?” [1] cho thấy ông có
“láng máng” biết đến cái gọi là “danh sách bị nâng 2 điểm” có tên con gái mình,
còn phần sau của câu nói thì hình như không phải lẽ cho lắm.
Vấn đề là ở Hà Giang những ai sẽ
chung tay cùng Tổng Bí thư nhóm lò đốt “củi tươi” chứ không chỉ “củi khô” hay
“củi vừa vừa”...
Thứ hai, cấp thực thi:
Trong bốn nhiệm vụ của
Cục Quản lý chất lượng được quy định trong Quyết định số
2077/QĐ-BGDĐT ngày 19/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mục
a nhiệm vụ thứ 2 ghi:
“Xây dựng các quy chế thi và hướng dẫn
tổ chức các kỳ thi, cuộc thi các môn văn hóa cấp quốc gia, quốc tế dành cho học
sinh, sinh viên;
Kiểm tra,
đánh giá việc thực hiện các kỳ thi, cuộc thi các môn văn hóa dành cho học sinh
ở các địa phương;
Tổ chức
các đội tuyển quốc gia, các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế và khu vực”.
Việc xây dựng quy chế
thi và hướng dẫn tổ chức các kỳ thi là nhiệm vụ đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo giao cho Cục Quản lý chất lượng.
Rõ ràng là quy trình
tổ chức chấm thi có vấn đề nên mới bị lợi dụng để nâng
điểm cho thí sinh, trách nhiệm này thuộc về Cục Quản lý chất lượng.
Có lẽ nổi cộm trong
quy trình là giao cho địa phương thực hiện từ khâu tổ chức thi đến chấm thi,
các đại học chỉ phối hợp ở một vài công đoạn.
Thí sinh xem điểm thi. Ảnh mang tính minh họa: VTV |
Cách thức tổ chức thi
quốc gia “2 trong 1” hiện nay cho thấy một tình trạng trái khoáy là các địa
phương thực hiện phần lớn công việc tuyển sinh cho các đại học, cao đẳng.
Các cơ sở giáo dục đại
học chỉ cần ngồi chờ kết quả là bắt tay vào tuyển chọn, điều đáng lẽ các trường
này phải làm ngay từ đầu là tổ chức thi tuyển.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp
Trung học phổ thông thường “ổn định” ở mức trên 95% trong đó điểm học bạ đóng
góp vai trò quan trọng.
Thế nên có cần xem lại
quy chế thi và xét tốt nghiệp hiện hành?
Để khắc phục tình
trạng như Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung bài thi về Bộ xử lý
hoặc chia ra ba địa điểm: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, làm được việc
này tình trạng nâng điểm cho các đối tượng “đặc biệt” chắc
chắn sẽ hạn chế đáng kể.
Thứ ba: Về xử lý thí sinh
Sau Hà Giang, Bộ Giáo
dục và Đào tạo đang chỉ đạo thẩm tra trên cả nước.
Ban chỉ đạo thi quốc
gia có nên xem xét lại ít nhất là kết quả thi năm 2017, nếu có thể thì mở rộng
thêm vài năm trước?
Với các thí sinh gian
lận trong phòng thi, chế tài xử lý khá nghiêm khắc, khoản 6 điều 49 Thông tư 04
(2018) quy định:
“Huỷ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ
quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí
sinh vi phạm một trong các lỗi:
Giả mạo hồ
sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp
pháp;
Để người
khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại
kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác;
Sử dụng
giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp”…
Một số ý kiến cho rằng
ở Hà Giang, thí sinh không có lỗi, lỗi do người lớn gây ra.
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà
Giang trả lời phóng viên báo Dân trí:
“Các cháu không có lỗi gì cả. Con tôi
năm nay thi tốt nghiệp như thế này không phải lỗi của cháu, không phải lỗi của
tôi”. [1]
Vì “không phải lỗi của
cháu, không phải lỗi của tôi” nên hướng xử lý là lấy kết quả chấm thẩm định
thay thế cho kết quả đã được nâng trước đó.
Cách thức xử lý này rõ
ràng là không công bằng so với các thí sinh phạm lỗi trong phòng thi bị bắt quả
tang.
Có thể do ai đó “tự nguyện”
giúp chứ các ông/bà có con được nâng điểm không biết, cũng giống như ở Hà Nội
có người thi hộ ông Phó Giám đốc Sở ở trường Bồi dưỡng Chính trị thành phố mà
ông không biết, không hề nhờ vả.
Nói gì thì nói, việc
nhờ có tác động của “người
tự nguyện” khiến cho bài thi được nâng điểm và thí sinh chấp nhận
sự nâng điểm đó có thể coi tương đương với chuyện “Để người khác thi thay, làm bài thay”.
Bởi mục đích cuối cùng
của cả hai cách thức này đều là đạt điểm cao hơn so với trình độ bản thân.
Mặt khác, sau khi làm
bài, tự đối chiếu với đáp án, thí sinh có thể dự đoán gần chính xác kết quả bài
thi của mình.
Bài làm được 6 nâng
lên thành 9,4 điểm mà im lặng chấp nhận, đó chỉ có thể là hành động gian dối,
không trung thực của học trò chứ không phải của người lớn.
Những thí sinh gian
dối này đã hội đủ yếu tố để “Tước
quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong
hai năm tiếp theo” (Thông tư 04 cũ).
Thứ tư, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền địa phương
Sự kiện nâng điểm tại
Hà Giang là “đặc biệt nghiêm trọng” chứ không phải là “rất nghiêm trọng” như ý
kiến của một số người bởi nó ảnh hưởng đến kết quả “thi quốc gia” chứ không
riêng Hà Giang.
Sự bất công không chỉ
thể hiện qua sự giàu có bất thường của một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa,
biến chất, sự bất công còn đến ngay từ những điểm số thi cử.
Vậy nên câu chuyện “con ông cháu cha”, “cả họ làm quan” có lẽ vẫn chưa có
điểm dừng.
Câu trả lời phỏng vấn
của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên:
Hỏi:“Ngoài trường hợp con gái ông thì dư
luận cũng đang quan tâm tới nhiều trường hợp khác được cho là con cháu của lãnh
đạo tỉnh Hà Giang được nâng điểm trong kỳ thi này.
Quan điểm
chỉ đạo xử lý vụ việc của Hà Giang trong sự việc này như thế nào, thưa ông?”.
Trả lời: “Quan điểm của tôi, thứ nhất là danh
sách có những ai tôi không biết.
Thứ hai,
có con cái lãnh đạo hay không thì còn phải xem xét có việc lãnh đạo đi chạy
điểm hay không? Thế thôi”.[1]
Hệ thống chính trị
tỉnh Hà Giang nằm dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy trong đó có cơ quan Công an
tỉnh, vậy những gì mà Công an nắm được cho đến nay (và báo chí cũng nắm được
đôi chút) vì sao không báo cáo khiến Bí thư Tỉnh ủy “không biết”, Giám đốc Công
an Hà Giang có nên xem lại thiếu sót này?
Câu nói của ông Triệu
Tài Vinh: “Con gái tôi nằm
trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng
việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?” [1] cho thấy ông có
“láng máng” biết đến cái gọi là “danh sách bị nâng 2 điểm” có tên con gái mình,
còn phần sau của câu nói thì hình như không phải lẽ cho lắm.
|
“Đưa con lãnh đạo vào tròng”chỉ
có thể là những kẻ táng tận lương tâm bởi các cháu như “búp trên cành”, như tờ
giấy trắng.
Nếu quả thật có kẻ làm
chuyện đó thì cũng chưa hẳn là chúng muốn đưa “các cháu” vào tròng mà có thể là
đối tượng khác?
Nói thêm, nếu lời ông
Triệu Tài Vinh là đúng, nghĩa là ông biết con gái chỉ được nâng 2 điểm thì tác
giả M.Hà báo Dantri.com.vn có nên cải chính vì thông tin trên báo biết như
sau:
“Con gái Bí thư tỉnh Hà Giang, có số báo
danh 0530027xxx trong chấm thẩm định đợt vừa qua có 2 môn bị sụt giảm điểm.
Cụ thể,
môn Toán công bố 9,4 nhưng sau chấm thẩm định giảm xuống còn 6 điểm. Môn Ngoại
ngữ giảm từ 10 xuống 8,0 điểm.
Trước khi
chấm thẩm định, thí sinh này có tổng điểm xét tuyển theo khối D1 (Toán, Văn,
Tiếng Anh) là 26,9.
Sau khi
chấm thẩm định, tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5. Tổng điểm
đã sụt giảm đến 5,4 điểm”.
Trường hợp có kẻ nào
đó không nhằm vào “các cháu” mà chủ đích “gài bẫy” ông Triệu Tài Vinh bằng cách
nâng điểm con gái ông, nhằm hạ uy tín của Bí thư Tỉnh ủy thì càng phải điều tra
làm rõ động cơ của việc này là gì, chuyện riêng tư, nhóm lợi ích hay còn mục đích
khác?
Việc xem xét “có lãnh
đạo đi chạy điểm hay không” theo lời ông Bí thư Hà Giang đương nhiên là phải
làm, làm đến nơi đến chốn để những cán bộ trong sạch không vấy bẩn danh dự,
không bị hiểu nhầm là “cùng hội, cùng thuyền”.
Nếu quả thật con gái
ông Vinh được nâng 5,4 điểm [1] mà ông không biết thì ông nên vui vẻ cộng tác
với báo chí để chứng minh sự trong sạch của mình, và cũng là để con ông không
bị ấm ức vì mang tiếng với bạn bè, việc ông “thế thôi” với truyền thông hình
như có pha chút bực mình?
Không ít trường hợp,
dân chúng không nghĩ như người không phải là “dân chúng”.
Sự kiện Hà Giang cho
thấy hiện tượng hàng chục bài báo viết “dân ghét cán bộ” không phải là không có
cơ sở.
Nhận quà biếu hay nhận
sự nâng đỡ không “trong sáng” của người khác đều là tham nhũng.
Vấn đề là ở Hà Giang
những ai sẽ chung tay cùng Tổng Bí thư nhóm lò đốt “củi tươi” chứ không chỉ “củi khô” hay “củi vừa vừa”
bởi hình như nơi đây - qua vụ thi cử này - lò vẫn hơi bị … nguội!
Phó Phòng Khảo thí Sở
Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương chắc chắn không
thiếu hiểu biết đến mức tự mình nâng điểm hơn 300 bài thi mà không có sự nhờ vả
(hay chỉ đạo?).
Tuy nhiên việc nâng
điểm bài thi từ 1 lên 9 thì không thể nói là “thiếu hiểu biết”, vị Phó Phòng
Khảo thí này hoặc là bị áp lực quá mức nên không thể tự chủ hoặc là mất nhận
thức, không còn biết mình đang làm gì và sẽ mang lại hậu quả ra sao.
Người như thế được đề
bạt chức Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở Giáo dục và Đào tạo một
tỉnh có phải là cá biệt?
Thứ năm, Công tác thanh tra, hậu kiểm
Theo quy định tại điều
5 Thông tư 04 (2017) mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức một cụm
thi, với 63 tỉnh, thành phố sẽ có 63 cụm thi.
Thanh tra Bộ trưng tập
126 cán bộ từ các trường đại học làm nhiệm vụ thanh tra chấm thi tại 63 Hội
đồng thi trong cả nước, bình quân mỗi cụm thi có 2 thanh tra.
Hà Giang là tỉnh nhỏ
chỉ có trên 5.000 thí sinh được bố trí 02 thanh tra, trong khi Hà Nội có hơn 74.000
thí sinh, Thành phố Hồ Chí Minh trên 78.000 thí sinh, vậy Ban Chỉ đạo thi quốc
gia bố trí bao nhiêu thanh tra tại các tỉnh thành phố lớn?
Vì sao chỉ sau khi vụ
việc Hà Giang vỡ lở thì Thanh tra Bộ mới biết 2 thanh tra tại Hà Giang bỏ nhiệm
vụ và đề nghị kỷ luật họ?
Mặt khác, kỳ thi Trung
học phổ thông quốc gia bao gồm hai công đoạn, thi và chấm thi, vì sao chỉ cử
thanh tra quá trình chấm thi mà không giám sát toàn bộ quá trình coi thi?
Thanh tra Bộ Giáo dục
và Đào tạo không cử người giám sát quá trình coi thi có phải vì tin thanh tra
địa phương hay vì cho rằng quá trình coi thi không thể xảy ra sự cố?
Thanh tra Bộ không đủ
người giám sát 63 cụm thi là thực tế, điều cán bộ các đại học giám sát đã xảy
ra sự cố, vậy những năm tới có nên nhờ Bộ Công an giám sát?
Việc điều hơn 100 cán
bộ, chiến sĩ Công an có nghiệp vụ theo dõi hiện trường, lại là lực lượng vũ
trang từ Bộ Công an về địa phương chắc chắn không khó.
Để lấy lại niềm tin
của người dân, thiết nghĩ trước khi pháp luật lên tiếng, bản thân những cán bộ,
đảng viên liên quan đến vụ việc (cả trung ương và cấp tỉnh) cần trung thực với
đồng bào mình, với đồng chí mình và trước hết với lương tâm của chính mình.
Nhân dân đã “chấm thẩm
định” các vị rồi, mong rằng quý vị đừng để cơ quan chức năng phải hạ điểm chính
các vị chứ không phải con trẻ.
Hy vọng vụ việc sẽ
được xử lý nghiêm khắc, đúng pháp luật để câu thành ngữ “Con vua thì lại làm
vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” không còn được nhắc đến như một câu chuyện
buồn của giáo dục nước nhà.
Với Hà Giang, hy vọng
câu hát “Đây Hà Giang quê chúng tôi” vẫn là câu hát mà đồng bào các dân tộc
trong tỉnh luôn tự hào cất lên chào đón du khách.
Tài liệu
tham khảo:
[1] http://dantri.com.vn/xa-hoi/bi-thu-ha-giang-trieu-tai-vinh-noi-gi-ve-viec-con-gai-duoc-nang-diem-20180719102644601.htm
Xuân
Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire