30/07/2018

Nhà thơ Hoàng Hưng: Xã hội dân sự VN trong mắt tôi




Phong trào xã hội dân sự Việt Nam với 'mầm mống' từ trước đã 'hình thành' mạnh mẽ trong thời gian vài năm gần đây và một trong những nhân tố giúp thiết chế này cất cánh chính là nhờ 'truyền thông mạng', nhà thơ Hoàng Hưng nói với BBC trong một phỏng vấn từ Warsaw, Ba Lan vào trung tuần tháng Bảy 2018.
Các tổ chức xã hội dân sự đa dạng về hình thức tổ chức và hoạt động, trong lúc một số thiên về phản biện chính sách, quan sát, giám sát quyền lực, hành vi nhà nước, chính quyền, thì số khác đáp ứng những nhu cầu của xã hội và cộng đồng từ khoa học, nghệ thuật, giải trí, cho tới kinh doanh v.v..., vẫn theo ý kiến này.


Về mặt chính thức, nhà nước Việt Nam vẫn không công nhận xã hội dân sự và trong phát biểu của những người lãnh đạo, họ vẫn coi xã hội dân sự là cái gì như là rất xấu, là công cụ phá hoại của thế lực thù địch.
Nhà thơ Hoàng Hưng
Tuy nhiên, dường như chính quyền Việt Nam vẫn còn nhiều biểu hiện 'lo sợ, quan ngại và dị ứng' với thiết chế và không gian xã hội này, như nhà văn Hoàng Hưng chia sẻ với BBC Tiếng Việt dưới đây, khi ông bình luận về thực trạng và tiền đồ của xã hội dân sự ở quốc gia Đông Nam Á với trên dưới 95 triệu dân.
"Tôi thấy phong trào xã hội dân sự Việt Nam mà mầm mống từ mười mấy năm nay rồi, nhưng đến vài năm gần đây thì nó mới thật sự có thể coi đã bắt đầu một xã hội dân sự hình thành với rất nhiều những nhóm, các tổ chức nhỏ và điều quan trọng tôi cho đó là chính nhờ truyền thông mạng.

"Truyền thông mạng đã giúp lan truyền tất cả những tin tức, cũng như những ý kiến, kể cả những bài viết đầu tiên của những cá nhân, của những người có tinh thần tự do, cấp tiến và muốn phản biện lại những vấn đề của chính quyền.

Nhà thơ Hoàng Hưng 
cho rằng xã hội dân sự 
Việt Nam có ích cho 
đất nước và có lợi cho 
một nhà nước đứng 
đắn, đàng hoàng.
"Từ cái đó, bắt đầu tập hợp nhau lại và tập hợp nhau chủ yếu là trên mạng bằng những hình thức thí dụ như những nhóm email như là Diễn đàn Xã hội Dân sự chẳng hạn, do anh Nguyễn Quang A khởi xướng, rồi từ đó thành những tổ chức nhỏ như Ban Vận động Văn đoàn độc lập, hay sau đó là Việt Nam Thời Báo, tức là của tổ chức Hội nhà báo Độc lập".
Theo nhà thơ Hoàng Hưng đây rõ ràng là các tổ chức được hình thành rõ ràng và có tính chất phản biện. Còn về các tổ chức, dạng thức khác, ông cho biết thêm:
"Các tổ chức, các nhóm khác, đặc biệt của các bạn trẻ, thì họ không chuyên sâu vào những chuyện phản biện chính sách, mà họ đi vào những vấn đề của đời sống rất phong phú, về khoa học, về nghệ thuật, về giải trí, về kinh doanh, nhiều thứ lắm. Và hiện giờ những tổ chức gọi là xã hội dân sự như thế rất đông đảo và nhờ truyền thông Internet."

Tương tác hai bên?


Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Việt Nam chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, xuống đường và các phong trào của dân chúng thời gian gần đây.


Trước câu hỏi về tương tác giữa xã hội dân sự Việt Nam với chính quyền hiện nay ở trong nước ra sao, nhà thơ Hoàng Hưng đáp:
"Về mặt chính thức, nhà nước Việt Nam vẫn không công nhận xã hội dân sự và trong phát biểu của những người lãnh đạo, họ vẫn coi xã hội dân sự là cái gì như là rất xấu, là công cụ phá hoại của thế lực thù địch, ngôn ngữ mà ta quen thấy trong những chỉ thị mới đây của Trung ương Đảng, của Ban Bí thư... cũng cấm Đảng viên không được bàn đến xã hội dân sự, không được nhắc đến xã hội dân sự,

Những phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam bây giờ chỉ muốn gây áp lực để cho chính quyền cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải có một sự thay đổi, mà thay đổi rất căn bảnNhà thơ Hoàng Hưng
"Tôi cho đó là một điều rất kỳ quặc, bởi vì họ quá dị ứng với vấn đề xã hội dân sự, chứ trong quan sát của tôi, thực sự trong những nhóm mà gọi là xã hội dân sự bây giờ, những cái cực đoan để mà chống, âm mưu lật đổ, tôi thấy không có. Tôi có thể nói thẳng là không có. Không có xã hội dân sự nào chủ trương lật đổ nhà nước Việt Nam cả. Mà nhiều nhất cũng chỉ là phê phán đường lối, chính sách.
"Tất nhiên cũng có những nhóm phê phán rất triệt để, rất căn bản, nhưng trên cơ sở nhận thức rất đúng đắn và tôi nghĩ rằng nói chung những phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam bây giờ chỉ muốn gây áp lực để cho chính quyền cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải có một sự thay đổi, mà thay đổi rất căn bản. Thí dụ như Luật về Đất đai chẳng hạn là phải thay đổi. Rồi Tam quyền phân lập chẳng hạn là buộc phải đi đến chỗ đó.
"Tất nhiên người ta không yêu cầu anh phải làm ngay, mà phải cũng có một lộ trình an toàn, đương nhiên chẳng ai muốn xã hội rối loạn cả, cho nên tôi không thể hiểu được suy nghĩ của những người đang cầm trịch của chính quyền họ lại lo sợ và họ lại dị ứng với xã hội dân sự như thế."

Mạnh, yếu thế nào?


Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Nạn tin giả hay tin thất thiệt có thể làm suy yếu mạng xã hội, một nhân tố giúp xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển mạnh thời gian gần đây, theo nhà quan sát.

Khi được hỏi về điểm mạnh và điểm yếu nổi bật nhất của xã hội dân sự Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Hưng nói:
"Điểm mạnh của nó là nhờ môi trường Internet và nhất là Facebook, nó đã dần trở thành như tôi dùng danh từ là một hệ thống 'báo công dân', tức là mỗi một Facebooker mà Việt Nam hiện giờ có thống kê cho là có đến 50 triệu hoặc 55 - 58 triệu Facebooker, thì họ đều có thể trở thành một nhà báo, họ ghi lại tất cả những gì họ thấy trong thực tế, tất cả cái đó, thông tin lan truyền rất nhanh chóng và có cái đã phát huy tác dụng rất tốt như họ tố cáo cái xấu, cái ác, mà có thể nhà nước vì lý do nào đó muốn che dấu hoặc bịt đi, hoặc biện minh cho những người được coi là tội phạm.

Cái yếu của xã hội dân sự Việt Nam là không có tổ chức, tức là chính quyền chỉ cho phép những tổ chức rất nhỏ mà họ thấy là không phải là nguy hiểm trực tiếpNhà thơ Hoàng Hưng
"Nhưng trên thực tế, với những clip mà họ đưa lên ngay lập tức và truyền rất rộng, thấy rằng không phải như thế [không phải vô can] và cũng đã có những thông tin mà hệ thống báo chí chính thống phải dựa vào để đưa lên, thì cái đó rất là hay.
"Thế nhưng mặt dở của nó là có hai cái, thứ nhất là sự lan truyền những cái Fake News (tin thất thiệt) cũng rất là tệ, kể cả của những lực lượng chống đối [xã hội dân sự] cực đoan mà tôi nghi có thể là lực lượng AK47, những dư luận viên, họ cũng tung ra để làm nhiễu thông tin, những người nhẹ dạ là rất đông, kể cả những trí thức, nhân sỹ tin vào những tin tức giả như thế, rồi lan truyền đi một cách vô tội vạ, thì cái đó là cái dở thứ nhất.
"Và cái thứ hai, cái yếu của xã hội dân sự Việt Nam là không có tổ chức, tức là chính quyền chỉ cho phép những tổ chức rất nhỏ mà họ thấy là không phải là nguy hiểm trực tiếp, thì họ còn để cho gọi là 'mắt nhắm, mắt mở' để hoạt động, thế nhưng nếu hình thành một tổ chức mà có vẻ phiền phức thì họ sẽ đập vỡ ngay từ trong chứng, cái họ sợ nhất là có tổ chức. Gần đây họ khủng bố cô Đỗ Thị Minh Hạnh, người lập ra công đoàn [Phong trào Lao động Việt] thì cái đấy thể hiện là họ rất sợ vấn đề tổ chức."

Tiền đồ, triển vọng?


Bản quyền hình ảnh BBC News Tiếng Việt Image caption BBC đặt câu hỏi với nhà thơ Hoàng Hưng (phải) về thực trạng và tiền đồ, triển vọng của xã hội dân sự tại Việt Nam.
Về tiền đồ và triển vọng của xã hội dân sự Việt Nam tới đây, nhà thơ Hoàng Hưng nêu quan điểm:
"Khó mà nói rõ ràng điều gì bởi vì mọi việc có quá nhiều yếu tố tác động, lấy ví dụ như tôi vừa nói là truyền thông mạng là yếu tố giúp hình thành xã hội nhân sự, thì gần đây nhà nước đã thông qua Luật An ninh mạng mà chính là để đối phó cái đó.

Kiểm soát bằng những biện pháp nhân văn và có văn hóa và đúng với thực tế khách quan, đúng với quy luật phát triển, thì tôi tin rằng xã hội dân sự lại chính là chỗ tốt, có lợi cho một nhà nước đàng hoàng, đứng đắnNhà thơ Hoàng Hưng
"Với sự đối phó gắt gao như thế, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng, thậm chí những công ty như là Facebook, có thể là vì quyền lợi làm ăn của họ, họ sẽ thỏa hiệp với nhà nước để ngăn chặn, gỡ bỏ những bài viết bị nhà nước, an ninh coi là có hại.
"Thế thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nhưng bao giờ tôi cũng tin vào quy luật, quy luật phát triển người ta nói là cách gì thì cách, 'vỏ quýt dày có móng tay nhọn', và quy luật tất yếu là phải có một xã hội dân sự mạnh, và cái đó đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh và chính cũng là sự ổn định của đất nước.
"Tôi nghĩ rằng người sáng suốt ở trong cầm quyền cũng phải nhận thức được điều đó để càng ngày càng có một cách để đối xử với xã hội dân sự đúng đắn hơn.
"Và nếu họ đối xử đứng đắn, tất nhiên vẫn có kiểm soát, không có cái gì là không có kiểm soát, cái gì cũng phải kiểm soát đương nhiên, nhưng kiểm soát bằng những biện pháp nhân văn và có văn hóa và đúng với thực tế khách quan, đúng với quy luật phát triển, thì tôi tin rằng xã hội dân sự lại chính là chỗ tốt, có lợi cho một nhà nước đàng hoàng, đứng đắn," nhà thơ Hoàng Hưng nói với BBC.

Nhà thơ Hoàng Hưng, người trả lời phỏng vấn với quan điểm riêng, là thành viên sáng lập và hội đồng biên tập Tạp chí Văn Việt, thành viên sáng lập Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, cuộc trao đổi được BBC Tiếng Việt thực hiện hôm 14/7/2018, bên lề một cuộc Hội thảo tư về Việt Nam học được tổ chức tại Đại học Warsaw Banacha 2, Ba Lan.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire