21/07/2018

VÀI LỜI NHẮN GỬI


                                   Đinh Minh Đạo

Nguyễn Hải Long


Khi tôi viết những dòng này, Nguyễn Hải Long, một trong những người đã tham gia hỗ trợ mật vụ Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã nhận tội. Trong phiên xử ngày 17-07 của Tòa Thượng thẩm Berlin, sau những vòng khai báo quanh co, qua những lần đối diện với cơ quan điều tra của của Cộng Hòa Liên Bang Đức và hẳn có sự cố vấn của luật sư biện hộ, Nguyễn Hải Long đã phải nhận tội, đúng như những gì mà cơ quan công tố Đức đã điều tra thu thập. Đây có lẽ là vận may cuối cùng để Long được giảm nhẹ án, dựa theo pháp luật của Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Cùng là những người Việt Nam tha hương, đã trải qua những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản, biết rõ bộ mặt thật của các đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới, chúng ta tin vào chi tiết trong bản nhận tội của Long, anh mong được tòa ghi nhận, rằng chỉ riêng việc anh chấp nhận khai như vậy đã là điều gây nguy hiểm cho gia đình, thân nhân của mình tại Cộng Hòa Czech cũng như tại Việt Nam. Sau khi vụ bắt cóc xẩy ra, Long hoang mang, đã nghĩ đến chuyện chạy về Việt Nam, nhưng nghĩ đến gia đình, vợ con , cộng với sự động viên, trấn an của ông Oai, người đã giao công việc cho anh, nên đã không bay về Vỉệt Nam, Long mong được sớm trở về Việt Nam để chăm sóc bố mẹ già.

Chắc hẳn, gần một năm bị giam giữ, Nguyễn Hải Long đã có đủ thời gian suy ngẫm về thân phận của mình. Thời trai trẻ đi xuất khẩu lao động. Khi bức tường Bá Linh sụp đổ, trở về Việt Nam chứng kiến một xã hội xa lạ, lộn xộn, nghèo đói..., lại ba lô khăn gói vượt biên , lặn lội trở lại nơi đã sống qua những năm tuổi trẻ. Rồi bị từ chối đơn xin tị nạn, bơi trải buôn bán để kiếm sống, trôi dạt sang đất Czech. Nơi đây đã cưu mang, giúp đỡ Long sống và làm ăn hợp pháp, rồi trở thành công dân của nước Công Hòa Czech, một quốc gia tự do dân chủ và nhân đạo... và nay thì trong vòng lao lý.

Trong 4 bức tường của phòng giam, không biết Nguyễn Hải Long có ân hận về những việc mình đã làm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không, nhưng chắc chắn anh đã nghĩ nhiều đến cha mẹ già đang sống tại Lai Châu. Tuổi già như nắng chiều hôm, nếu cha mẹ anh ốm đau, bệnh tật ..., anh sẽ là đứa con bất hiếu và ân hận suốt đời.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã để lại hậu quả tồi tệ về nhiều mặt đối với Viêt Nam. Hiệp định thương mại tự do với Công Đồng Châu Âu đã bị trì hoãn trước sức ép của Đức, thế giới nhìn nhận Việt Nam như một quốc gia có hành động như các tổ chức mafia quốc tế, sẵn sàng vi phạm chủ quyền của một quốc gia khác, dùng vũ lực bắt bắt cóc một người, rồi dựng lên hình ảnh dối trá „tự nguyện”.

Để lừa dối những người nhẹ dạ cả tin, ông Nguyễn Phú Trọng và những người lãnh đạo Đảng CSVN muốn chứng tỏ mình triệt để chống tham nhũng, hành động bắt cóc của họ xuất phát từ quyền lợi của Đảng. Vì vậy hành động tham gia hỗ trợ cho mật vụ của Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Nguyễn Hải Long đã làm hại đất nước, đem lại những khó  khăn cho những cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống ở nước ngoài.

Nhìn hình ảnh Long ngồi một mình trong phòng kính chống đạn tại phiên xử ngày 17-07 tại tòa Thượng Thẩm Berlin khiến ta không khỏi đặt câu hỏi, đâu rồi những kẻ đồng phạm, những kẻ ra chỉ thị, kẻ cầm đầu cuộc bắt cóc.

Kẻ đề ra chủ trương „bắt cho bằng được” vẫn ung dung giao giảng đạo đức tại VN, những kẻ cầm đầu và trực tiếp thực hiện cuộc bắt cóc, trung tướng Đường Minh Hưng, „Bố già” Đào Quốc Oai...đều đã „cao chạy xa bay”. Ngay cả những kẻ đồng phạm đang ở cách nơi xử án không xa, được mời đến phiên tòa , dù chỉ là với tư cách nhân chứng như đại sứ Đoàn Minh Hưng và 3 nhân viên đại sứ quán VN tại Berlin cũng sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao để vắng mặt. Nguyễn Hải Long trở thành kẻ cô đơn và người duy nhất bị xét xử trong một đại án.

Nguyễn Hải Long là bài học nhớ đời cho những kẻ đã, đang và sẽ cộng tác với mật vụ cộng sản. Những hoạt động của mật vụ VN phần lớn tập trung vào mục đích duy trì chế độ độc tài toàn trị. Thông qua các sứ quán và các lãnh sự, họ lập ra mạng lưới theo dõi, giám sát hoạt động của cộng đồng người VN ở các nước trên thế giới. Họ tiến hành các hoạt động bí mật để chia rẽ, phân hóa các tổ chức cộng đồng không theo họ.Theo dõi các cá nhân, tổ chức ủng hộ tự do, dân chủ cho VN, mua chuộc, đe dọa những người trong gia đình họ để gây sức ép buộc họ phải từ bỏ các hoạt động ủng hộ tự do, dân chủ cho VN.

Một hành động vô nhân đạo mà họ thường sử dụng đối với những người viết báo, phát biểu công khai phê phán chế độ cộng sán là không cho nhập cảnh về VN, ngay cả những trường hợp bố mẹ hay anh chị em ruột ốm đau hay chết.

Ông cha ta đã khuyên nhủ :”Ăn cây nào rào cây ấy”, những người Việt Nam chúng ta đang sống, học tập, làm việc ở các nước sở tại, nhất là các nước có thể chế tự do dân chủ. Những quốc gia này đã cưu mang, giúp đỡ, tạo điều kiện để chúng ta được sống trong một xã hội hòa đồng, được hưởng đầy đủ các quyền con người như công dân của chính nước sở tại. Nhiều con em của người Việt của chúng ta đã học hành thành đạt, trở thành những công dân ưu tú. Các nước sở tại trở thành tổ quốc thứ hai của chúng ta, tuân thủ luật pháp của các sở tại là nghĩa vụ của mỗi người. Cộng tác với mật vụ của chế độ độc tài cộng sản VN là đồng lõa với những hành động đã nêu trên đây, trái luật pháp, trái đạo lý của các nước sở tại.

Những người đang cộng tác với mật vụ VN, qua vụ án Nguyễn Hải Long hãy suy nghĩ lại!

Những người đang có ý định cộng tác với mật vụ VN, qua vụ án Nguyễn Hải Long hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định!

Tất cả các mật vụ đều là các đảng viên trung thành của Đảng CSVN, những chiến sỹ „còn Đảng còn mình”.

Hãy nhớ câu những người dân thường VN  nói :”Bạc như cộng sản thời nay”.

Tòa Thượng thẩm Berlin xử Nguyễn Hải Long




                                     Warsaw 18-07-2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire