Hầu như người Việt ở đâu cũng chống Trung Quốc. Một ví dụ: Sinh viên Việt Nam biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, Philippines, ngày 25/02/2016.REUTERS/Romeo Ranoco |
Mới đây, vào
thượng tuần tháng 7/2018, biểu tình chống dự luật Đặc Khu đã đồng loạt nổ ra
nhiều nơi tại Việt Nam, với những khẩu hiệu chống Trung Quốc xuất hiện rộng
khắp, bất chấp việc chính quyền liên tục biện minh rằng từ Trung Quốc không hề
có trong dự luật. Trong một bài phân tích công bố ngày 07/07/2018, giáo sư Carl
Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New
South Wales), đã điểm qua một loạt nhân tố tạo nên tâm lý chống Trung Quốc rất
mạnh nơi người Việt Nam ngày nay.
Theo giáo sư
Thayer, ngoài các nhân tố khách quan mang tính chất địa lý lịch sử, một loạt
động thái chèn ép của Trung Quốc đối với Việt Nam trong thời kỳ hiên đại cũng
duy trì tâm lý ghét Trung Quốc nơi người Việt Nam, từ việc không muốn Việt Nam
thống nhất sau khi chiến tranh kết thúc, ủng hộ Khơme Đỏ đánh phá Việt Nam,
trực tiếp xua quân đánh vào miền Bắc năm 1979, cho đến tranh chấp Biển Đông,
đánh Việt Nam giành đảo, đem giàn khoan vào khiêu khích trong vùng thềm lục địa
của Việt Nam, gây sức ép cấm Việt Nam khoan dầu trong khu vực mà Bắc Kinh cho
là của Trung Quốc…
Trong bài phân
tích, giáo sư Carl Thayer trước tiên nhắc lại :
Tôi đã từng viết một bài với tựa đề « Sự khắc nghiệt của địa lý: Chiến lược
của Việt Nam đề ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông » để mô tả quan hệ Việt Nam -
Trung Quốc. Tôi đã chơi chữ dựa theo tựa đề một quyển sách về lịch sử Úc của
Geoffrey Blainey « Sự khắc nghiệt của khoảng cách ». Tác giả muốn nói – đây là
tôi nói thay ông ấy - là Úc sẽ dễ chịu hơn nếu là một lục địa ở giữa Đại Tây
Dương, giữa Anh Quốc và Hoa Kỳ, giữa tuyến đường vòng quanh trên thế giới từ
đất mẹ Anh Quốc. Đấy là tôi chơi chữ với ngụ ý châm biếm.
Việt Nam có đường biên giới chung với Trung Quốc, nhưng dân số của Việt Nam
chỉ ở tầm cỡ một tỉnh trung bình của Trung Quốc. Như Brantly Womack từng viết,
đó là một quan hệ thật bất cân xứng. Việt Nam đã phải rất cảnh giác, đến mức bị
ám ảnh, trước những gì Trung Quốc nói và làm, trong khi Trung Quốc có những lợi
ích lớn hơn nhiều.
Một học giả Việt Nam đã có lần nhẹ nhàng chỉ trích tôi về tựa của bài viết
vì soi rọi quan hệ Việt-Trung một cách tiêu cực. Ông lập luận rằng có một khía
cạnh tích cực trong việc Việt Nam ở gần Trung Quốc. Việt Nam đã rút tỉa được
cái hay trong văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc và điều này đã giúp cho việc hình
thành nhà nước Việt Nam.
Giáo sư Thayer đã
ghi nhận quá trình chống Trung Quốc xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam, từ thời
Hai Bà Trưng cho đến gần đây:
Sử sách đã ghi nhận là nhiều triều đại Trung Quôc đã xâm lăng Việt Nam ít
nhất là 11 lần. Việt Nam đã thành công trong việc đánh bật kẻ xâm lược. Chuyện
Hai Bà Trưng chống lại Trung Quốc đã trở thành huyền thoại của Việt Nam qua bao
nhiêu thế hệ. Dù không thành công, nhưng Hai Bà Trưng đã cho thấy tình thần bất
khuất của người Việt Nam, muốn độc lập và chống lại sự xâm lược của ngoại bang.
Tất cả người Việt Nam ngày nay đều biết về lịch sử các mối quan hệ giữa
Việt Nam với các triều đại Trung Quốc, và đó là nền tảng cơ bản của tâm lý bài
Trung Quốc ngày nay.
Đối với giáo sư
Thayer, cách giải thích đó chưa đầy đủ:
Người Việt Nam có cảm nhận là Trung Quốc đã bán rẻ ước nguyện thống nhất
của Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Trung Quốc tìm hỗ trợ của Mỹ để chống lại
« chủ nghĩa đế quốc xã hội chủ nghĩa » của Liên Xô và đã khuyên Việt Nam đặt
việc thống nhất đất nước là một mục tiêu lâu dài, giống như trường hợp của
Trung Quốc đối với Đài Loan. Và ngay tháng Giêng 1973, khi Hiệp Định Paris về
chấm dứt cuộc chiến và vãn hồi hòa bình ở Việt Nam dược ký kết, Trung Quốc đã
giảm ngay trợ giúp quân sự cho Việt Nam. Việt Nam đã phải dựa vào hỗ trợ quân
sự của Liên Xô để thống nhất đất nước khi lệnh ngưng bắn trong Hiệp Định Paris
bị phá vỡ.
Ít lâu sau khi chiến tranh với Mỹ kết thúc, Việt Nam lại phải đối phó với
mối đe dọa Khờme Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn. Lực lượng này đã nhiều lần tràn
qua Việt Nam, tàn sát nhiều dân làng Việt Nam. Việt Nam thoạt đầu đã trả đũa
bằng một số chiến dịch đột kích qua biên giới, nhưng sau cùng đã mất kiên nhẫn
và tràn qua chiếm đóng Cam Bốt trong một thập niên. Các lãnh đạo Việt Nam mà
tôi có dịp phỏng vấn vào năm 1981, đã giải thích là chiến lược của Trung Quốc
là muốn Việt Nam sa lầy ở Cam Bốt và bị kiệt quệ.
Từ tháng Giêng đến tháng 3/1979, Trung Quốc trả đũa bằng cách đưa quân đánh
chiếm vùng phía bắc của Việt Nam với lý do bình định vùng biên giới và « dậy
cho Việt Nam một bài học ». Tranh chấp biên giới Trung Quốc Việt Nam kéo dài
cho đến năm 1987. Hai năm sau thì Việt Nam ổn định tình hình Cam Bốt, rút quân
khỏi nước láng giềng.
Biển Đông trở thành điểm nóng, dân chúng biểu tình chống Trung Quốc
Quan hệ Việt Nam Trung Quốc được bình thường hóa vào tháng 11/1991. Một năm
sau đó, Trung Quốc thông qua một đạo luật tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông bao
gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó lại đẩy Bắc Kinh vào thế
tranh chấp với Hà Nội.
Bối cảnh là Trung Quốc đã có kế hoạch trước, tấn công vào lực lượng của
Việt Nam Cộng Hòa ở Hoàng Sa (để chiếm toàn bộ quần đảo này) vào tháng Giêng
năm 1974, và sau đó lại tấn công vào quân đội của nước Việt Nam thống nhất ở
Gạc Ma (Johnson Reef – quần đảo Trường Sa) vào tháng 3/1988.
Cuộc biểu tình công khai chống Trung Quốc đầu tiên diễn ra tại Hà Nội vào
cuối năm 2007 sau khi có tin tức được loan truyền là quy chế thị trấn Tam Sa
(Sansha) trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được nâng
lên thành địa cấp thị (thành phố cấp địa khu). Một năm sau, các cuộc biểu tình
chống Trung Quốc lại diễn ra khi các vận động viên rước đuốc Olympic Bắc Kinh
trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Biển Đông đã nổi lên thành điểm nóng ở Việt Nam vào năm 2009 khi các quốc
gia ven biển đến hạn đệ trình lên Liên Hiệp Quốc các đề xuất kéo dài thềm lục
địa của mình. Việt Nam và Malaysia đã có một đề nghị chung, và Việt Nam cũng
đồng thời đưa ra một đề nghị riêng. Trung Quốc, lần đầu tiên, đã công bố bản đồ
9 đường gián đoạn để yêu sách toàn bộ Biển Đông. Điều đó dẫn đến các vụ va chạm
trên biển thường xuyên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) khi
Trung Quốc tìm cách ngăn không cho Việt Nam thăm dò dầu khí.
Trung Quốc cũng áp dụng các biện pháp thô bạo đối với ngư dân Việt Nam
trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, tịch thu cá họ đánh bắt được,
tước đoạt các thiết bị vô tuyến điện, các công cụ hải hành và mọi tài sản có
giá trị. Nhiều ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt giữ (thực ra là bị bắt làm
con tin) để đòi tiền chuộc.
Năm 2013, Việt Nam đã hủy bỏ chính sách có từ trước đó là xem Trung Quốc là
môt nước xã hội chủ nghĩa thân hữu. Hiện nay, Việt Nam đánh giá quan hệ với
Trung Quốc trên lợi ích quốc gia chứ không còn là trên cơ sở ý thức hệ. Việt
Nam đã thông qua một chiến lược vừa hợp tác và vừa đấu tranh với Trung Quốc.
Các hạn chế trên các phương tiện truyền thông đã được nới lỏng để cho phép một
cái nhìn ít tô hồng hơn về người hàng xóm phương bắc.
Bước ngoặt của vụ giàn khoan HD-981
Một bước ngoặt xuất hiện vào năm 2014 khi Trung Quốc mang một giàn khoan
dầu khổng lồ vào cắm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kèm theo một hạm
đội gồm 100 con tàu đủ loại, bao gồm tàu chiến, tàu hải giám, tàu kéo và tàu
đánh cá có vũ trang. Nhiều chiếc đã cố ý đâm vào tàu Việt Nam và dùng vòi rồng
công suất mạnh tấn công tàu Việt Nam.
Sự cố này đã làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc khắp nơi ở
Việt Nam, với một số vụ biến thành bạo động làm người Trung Quốc tử vong. Ở
đỉnh điểm cuộc khủng hoảng đó, một nhóm cán bộ hồi hưu đã lưu hành một bản kiến
nghị kêu gọi Việt Nam « thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc ».
Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay xem hành vi xâm lăng của Trung Quốc ở Biển
Đông là một mối đe dọa trên sự tồn tại của chủ quyền Việt Nam. Việc Trung Quốc
xây dựng và quân sự hoá 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa gần các thực
thể do Việt Nam kiểm soát được xem như là bằng chứng về mối đe dọa này.
Tâm lý chống Trung Quốc còn dựa trên suy nghĩ cho rằng chế độ hiện tại
không tích cực bảo vệ sự toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Chính
quyền Việt Nam có thể là đã chiến thắng trước tòa án công luận thế giới vào năm
2014, nhưng sau đó lại lùi bước trước áp lực của Trung Quốc trong hai năm 2017
và 2018, khi đình chỉ thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh Bãi Tư Chính
(Vanguard Bank).
Những yếu tố khác
Nếu thêm vào « nồi súp Biển Đông » các gia vị khác như là chính sách Trung
Quốc sử dụng lao động Trung Quốc trong các dự án viện trợ và phát triển ở Việt
Nam, và nghi vấn rộng khắp về sự thông đồng giữa các doanh nhân Trung Quốc với
giới lãnh đạo Việt Nam ở địa phương và trung ương, ta sẽ có một hợp chất bài
Trung Quốc tai hại.
Điều đó đã được thấy rõ qua các cuộc biểu tình khắp nơi chống lại dự luật
Đặc Khu Hành Chính và Kinh Tế trong tháng này. Trên cơ sở an ninh quốc gia,
những người biểu tình phản đối hợp đồng cho thuê trong 99 năm đối với các doanh
nghiệp Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180727-vi-sao-tam-ly-chong-trung-quoc-rat-manh-noi-nguoi-viet-nam
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire