15/08/2018

Trung Quốc yêu cầu giới trí thức tuân phục đường lối của đảng


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), vào lúc đang có làn sóng bất mãn gia tăng trong giới học giả, đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu phải khuyến khích các học giả thể hiện “tinh thần yêu ước cao độ”.

Tờ báo Hồng Kông nói trên ngày 8.8 đưa tin vào ngày 31.7 Ban Tuyên giáo trung ương và Ban Tổ chức trung ương của CPC công bố cuộc vận động “tinh thần yêu nước cao độ” ở giới trí thức, đặc biệt các học giả trẻ và trung niên ở những trường đại học và cơ quan nghiên cứu, một số công ty và các cơ quan công quyền. 


Theo tài liệu tổ chức cuộc vận động, các cơ sở trên phải tổ chức hội thảo, để các học giả học tập, thảo luận về tinh thần yêu nước. Họ cũng phải xem cuộc vận động là “phần cốt tử” trong công tác nghiên cứu, đào tạo chuyên môn.

Các học giả cũng được khuyến khích về thăm những vùng nghèo và hẻo lánh, các cộng đồng dân thiểu số và căn cứ cách mạng cũ “để nghiên cứu xã hội học và đóng góp ý kiến”. Họ cũng phải viết sách, báo về tinh thần yêu nước, giới truyền thông nhà nước phải liên tục đưa tin về các cơ quan ban ngành, tổ chức và cá nhân tham gia và tiến độ của cuộc vận động “phục vụ chính trị” này.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc còn dẫn lời một cán bộ phụ trách cuộc vận động này: “Mục đích chính là củng cố “đường lối chính trị” của các nhà trí thức, xây dựng “nhận thức chính trị và tư tưởng” của họ theo đúng các mục tiêu mà đảng và nhà nước đã đề ra”.

Theo SCMP, giới học giả nhận định cuộc vận động này giống như chỉ đạo họ tuân thủ triệt để đường lối của CPC. Ông Chương Lập Phàm, nhà sử học Trung Quốc hiện đại ở Bắc Kinh, nói: “Nhìn chung, tinh thần yêu nước được vận động, khi trung ương đảng không nhận được đủ sự ủng hộ hoặc không đủ sự gắn kết”.

Thông điệp trên là rõ ràng, trong bài xã luận đăng trang nhất Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của CPC) hôm 2.8: “Trọng tâm của cuộc vận động là kêu gọi đại bộ phận trí thức quyết tâm theo đảng”.

Giáo sư Cố Túc dạy triết học và luật ở Đại học Nam Kinh, cho rằng cuộc vận động này sẽ không hiệu quả, vì “trong quá khứ đã có những cuộc vận động tuyên truyền tương tự, giới trí thức đã quá rành và họ sẽ chờ xem kết quả có được như mong muốn hay không”.


Hoạt động giáo dục lòng yêu nước rất mờ nhạt


SCMP viết dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, việc kiểm soát nhận thức chính trị và tư tưởng được siết chặt ,buộc nhiều học giả có tư tưởng tự do đã giữ im lặng, không còn thẳng thắn lên tiếng như trước đây.

Nay Bắc Kinh đang đối mặt với một sự phản đối đáng kể. Hoàn cầu thời báo, phụ san của Nhân dân nhật báo, dẫn lời Giáo sư Tô Vệ thuộc Trường Đảng Trùng Khánh: “Vài năm gần đây, hoạt động giáo dục yêu nước của ta đã mờ nhạt hẳn, dẫn đến nhiều hiện tượng bất thường”.

Giáo sư Tô và tờ báo không nêu chi tiết về “hiện tượng bất thường”, nhưng các nhà phân tích về Trung Quốc nói ngày càng có nhiều sự thầm thì bất mãn nơi giới trí thức Trung Quốc, những lời lẽ bất mãn ấy đã được đưa lên mạng xã hội vốn bị kiểm soát chặt.

Giáo sư Cố Túc nói: “Trong hai tháng qua, giới trí thức rất phấn khích, sôi động. Các tư tưởng mà họ từng không dám nói công khai nay đã được đăng tải. Nhiều người lo ngại cho các chính sách và đường lối mà đất nước đang theo, và vài người đã kêu gọi quay trở lại với các chủ trương của Đặng Tiểu Bình”.

Ý vị giảng viên nói về cố lãnh đạo Đặng, người có công mở ra thời đại cải cách kinh tế và mở cửa cho Trung Quốc. Giới lãnh đạo CPC vẫn kính trọng ông Đặng, còn các cựu quan chức có tư tưởng tự do thì xem ông là thần tượng, ca ngợi ông là một nhà lãnh đạo ôn hòa.

Một số người nói ông Tập đã rời xa nguyên tắc tập thể lãnh đạo và công cuộc cải cách của ông Đặng, sau khi Quốc hội Trung Quốc hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, mở đường cho ông Tập làm lãnh đạo cho đến bất kỳ khi nào ông muốn.

Dưới thời ông Tập, người đã ra “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc cũng bị nhận xét là rời xa cách hành xử “giấu che sự sắc bén, nuôi dưỡng sức mạnh” của ông Đặng.

Học giả Julian Gewirtz thuộc Trung tâm các vấn đề quốc tế Weatherhead Center (Đại học Harvard, Mỹ) nói: “Ngày nay, ông Tập đã rời xa những tư tưởng của ông Đặng, như giới học giả cần được tranh luận công khai, tách bạch giữa đảng với nhà nước, và chủ trương “ẩn mình khiêm hạ” trong quan hệ quốc tế”.


Bài xã luận “đanh thép và nhạy cảm” của giáo sư luật 


Tuần qua, Giáo sư luật học Hứa Chương Nhuận của Đại học Thanh Hoa nổi tiếng uy tín ở Bắc Kinh đã có sự chỉ trích mạnh mẽ nhất. Trong một bài xã luận lan truyền trên mạng xã hội, ông viết: “Toàn thể nhân dân, kể cả tầng lớp cán bộ, đang cảm thấy một sự bất an đối với đường lối của đất nước cũng như lo ngại cho sự an toàn cá nhân của họ. Sự lo lắng này đã hình thành nên một sự hoảng loạn cấp toàn quốc”.

Bài xã luận mang tên “Nỗi kinh sợ rõ ràng, những hy vọng rõ ràng”, trong đó ông Hứa nêu 8 nguyên nhân lớn gây ra sự lo sợ và hoảng loạn: Sự lo sợ về quyền sở hữu nhà đất; sự siết chặt khâu kiểm soát tư tưởng; phục hồi cuộc đấu tranh giai cấp; giới trí thức bị đàn áp; “chính sách đóng cửa”; quá mê mải giúp đỡ quốc tế; tái chạy đua vũ trang và quay trở lại chủ nghĩa toàn trị.

Bài xã luận đã được đánh giá là một bài viết táo bạo, trực tiếp chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc dưới quyền ông Tập. Giáo sư Hứa chỉ gọi ông Tập là “người đảng viên ấy”, trách ông Tập phá bỏ toàn bộ công cuộc cải tổ và đổi mới của ông Đặng, để đưa toàn Trung Quốc quay trở lại thời kỳ lãnh đạo kiểu Mao Trạch Đông.

Vị học giả viết: “Sau 40 năm cải cách, chỉ trong một đêm, chúng ta lại quay trở về thời của chế độ cũ”, ông Hứa kêu gọi các đại biểu quốc hội Trung Quốc xóa bỏ quyền làm lãnh đạo tuyệt đối của ông Tập, quay trở lại việc chỉ cho làm chủ tịch nước và phó chủ tịch nước không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (mỗi nhiệm kỳ 5 năm): “Sự sửa đổi đầu năm nay khiến thế giới bị sốc, và khiến dân ta quan ngại. Đó là sự phủ nhận quá trình cải cách và chính sách mở cửa. Nó gieo rắc nỗi sợ phải quay trở lại thời đại dưới trướng Mao”.

Giáo sư Hứa còn kêu gọi dẹp bỏ kiểu tôn sùng cá nhân ông Tập: “Đảng đang tích cực xây dựng một thần tượng mới, và đang trên đường giới thiệu với thế giới một hình ảnh Trung Quốc trong thời đại toàn trị hiện đại”.

Bài xã luận của Giáo sư Hứa được các đồng nghiệp chia sẻ, bất chấp sự kiểm duyệt. Nhà phân tích chính trị Trần Đạo Ấn thuộc Học viện Chính pháp Thượng Hải, mô tả bài viết là “tiếng nói phê phán của một học giả thuộc hệ thống. Cuộc vận động tinh thần yêu nước cao độ chính là lời đáp của chính quyền trước những chỉ trích của các học giả như ông Hứa”.
Giáo sư Hứa Chương Nhuận - Ảnh: SCMP




Không tuân thủ đường lối của ông Tập là không yêu nước


Ông Steve Tsang, chủ nhiệm Viện SOAS China (ở Hồng Kông) nói cuộc vận động này đã được lập từ lâu, không vì từ bài xã luận “đanh thép và nhạy cảm” của ông Hứa. Ông Tsang cũng nói theo ý nghĩa cuộc vận động, thì “sẽ không có ai được xét là công dân yêu nước hoặc hành động vì quyền lợi quốc gia, nếu như người đó không ủng hộ đường lối của đảng do Tổng bí thư Tập đã đề ra”.

Như thế có nghĩa Giáo sư Hứa không phải là “học giả yêu nước”. Ông là một trong nhiều học giả lên tiếng bất mãn với ông Tập. Trong một bài báo hồi tháng 6, bà Tư Trung Quân, một nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, đã đổ lỗi chính quyền ông Tập không theo đuổi chương trình cải cách, nên xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, trong lúc kinh tế Trung Quốc suy thoái.

Willy Lam, chuyên gia chính trị ở Quỹ Jamestown và là giáo sư trợ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Trung Quốc Hồng Kông, nói: “Lần đầu tiên kể từ khi ông Tập giành được quyền lực vào năm 2012, ông ấy đang phải đối mặt với sự phản kháng từ bên trong, từ trí thức tự do và các tầng lớp khác”.

Sự bất mãn cũng được thể hiện theo các cách khác. Ngày 1.8, một nhóm cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa gửi một thư ngỏ, kêu gọi sa thải một vị giáo sư của trường đã tuyên bố Trung Quốc đã nổi lên như một siêu cường hàng đầu thế giới.

Đó là Giáo sư kinh tế học Hồ Yên Cương. Trong một loạt bài phát biểu, ông cũng nhắc lại các tuyên bố của ông Tập, rằng Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên quyền lực mới trên thế giới, trong khi những tiền nhiệm của ông Tập thường kín miệng, không tuyên bố ầm ĩ về các tham vọng của Trung Quốc.

Trong thư ngỏ, các cựu sinh viên viết: “Ông Hồ Yên Cương đánh lừa chính sách của chính phủ, khiến nhân dân hoang mang, và khiến các quốc gia khác phải cực kỳ cảnh giác với Trung Quốc, các nước láng giềng sợTrung Quốc. Nói chung, nó gây hại cho đất nước và nhân dân Trung Quốc”.

Theo Guardian dẫn lời các nhà phân tích, các phê phán này chính là sự gián tiếp phản đối chính sách đối ngoại hung hăng của ông Tập.

Ông Willy Lam nói: “Sự bất mãn này, dù không thể bật ông Tập khỏi ngôi quyền lực, nhưng có thể cản trở sự lãnh đạo tuyệt đối giả định của ông ấy đối với đảng CPC và chính phủ Trung Quốc. Vị thế của ông ấy an toàn, chỉ có quyền lực của ông ấy bị mờ xỉn ở vài cấp độ. Quyền lực của ông ấy đã bị tổn thương”.

Richard McGregor, nhà báo tại Trung Quốc và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lowy (ở Úc) nhận định: “Trong những tuần gần đây, các dấu hiệu cho thấy tâm lý phản đối quyền lực tuyệt đối của ông Tập đã bắt đầu xuất hiện. Nếu như xảy ra chuyện đấu đá lớn trong giới quyền thế, thì có thể hậu quả là tê liệt chính trị và xảy ra bất ổn, thay vì một cuộc tranh luận công khai và tự do hơn”.


Vĩnh Thụy (theo SCMP, Guardian)


http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/trung-quoc-yeu-cau-gioi-tri-thuc-tuan-phuc-duong-loi-cua-dang-94179.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire