Nguyễn Quang Duy
Ở các nước tự do, vai trò chính phủ giới hạn trong
việc lập chiến lược, đề ra chính sách và chương trình hoạt động.
Chính phủ không giữ vai trò con buôn cạnh tranh sản
xuất, mua, bán và phục vụ.
Nhưng Nhà nước Việt Nam thì khác, độc quyền ngay cả
việc kinh doanh sách giáo khoa.
Nhà nước lo từ việc ra luật bảo vệ độc quyền, đầu tư,
xây dựng, đến lập chương trình, soạn, thẩm định, in ấn
và bán sách giáo khoa. Nói theo cách bình dân là lo từ A tới Z.
Điều đáng nói là các giới chức có thẩm quyền luôn đánh
tráo các khái niệm về lợi nhuận, nhóm trục lợi và lợi ích nhóm, nhằm định hướng
dư luận bảo vệ độc quyền kinh doanh.
Vì thế, khi được báo Lao Động phỏng vấn ông Nguyễn Đức
Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà xuất bản Giáo dục cho biết làm sách giáo
khoa là một nhiệm vụ chính trị quan trọng được cấp trên giao, không mang lại
lợi nhuận.
Ông cho biết dư luận đã hiểu nhầm là có nhóm lợi ích
trong độc quyền sách giáo khoa nhưng thật ra mỗi năm nhà xuất bản Giáo dục còn
bị lỗ trên dưới 40 tỷ từ việc in và phát hành sách giáo khoa.
Kinh doanh chịu lỗ…
Dưới chiêu bài nhiệm vụ chính trị các doanh nghiệp nhà
nước thường hoạt động chỉ nhằm đạt được mục tiêu và mục đích nhà nước đưa ra.
Còn phẩm chất phục vụ và kết quả thường không đạt.
Các doanh nghiệp tư nhân ngược lại luôn tìm cách giảm
chi phí, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao phẩm chất phục vụ,
… để có thể đạt mức lợi nhuận cao nhất.
Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước vì thế lọt vào
trường hợp liên tục thua lỗ, được nhà nước bù lỗ nhưng xã hội phải chịu thiệt
thòi.
Chưa kể việc độc quyền sản xuất, độc quyền kiểm soát
giá mua nguyên liệu, độc quyền quy định giá bán thành phẩm,… được ưu đãi về
vốn, về ngoại tệ, về cơ sở vật chất, về chính trị…
Các ưu đãi nói trên làm méo mó thị trường tự do gây
thiệt hại khủng khiếp cho xã hội.
Các thiệt hại kinh tế do độc quyền nhà nước gây ra rất
khó có thể ước tính mức lỗ bằng hiện kim.
Như trường hợp độc quyền sách giáo khoa có thể lỗ kinh
tế lên tới hằng trăm tỷ đồng không chừng.
Lợi nhuận từ đâu ra?
Ông Nguyễn Đức Thái cho báo Lao Động biết phần lỗ từ
sách giáo khoa mỗi năm trên dưới 40 tỷ đồng được bù đắp bằng các nguồn thu
khác, như bán sách tham khảo, sách hổ trợ, cho thuê bất động sản…
Ông Nguyễn Đức Thái cho biết doanh thu sách giáo khoa
năm 2017 là 703,9 tỷ đồng, chịu lỗ 38,14 tỷ đồng.
Trước đó ít hôm thông tin về tổng doanh thu nhà xuất
bản Giáo Dục là 1.203 tỷ đồng với lợi nhuận đạt 150,8 tỷ đồng.
Như vậy ước tính doanh thu ngoài sách giáo khoa chỉ
499,1 tỷ đồng trong khi đó lợi nhuận lại lên tới 188,94 tỷ đồng.
Khủng khiếp chừng 38 % lợi nhuận.
Lợi nhuận cao khủng khiếp này là từ tiền bóc lột học
sinh qua những phương cách như dạy “thí điểm” Tiếng Việt 1 Công Nghệ Giáo Dục
cho trên 800.000 học sinh vào lớp 1.
Hiện tượng độc quyền bóc lột học sinh đã liên tục xảy
ra trong nhiều năm qua bởi thế dư luận mới đặt vấn đề về nhóm thao túng trục
lợi trong nhà xuất bản Giáo Dục.
Nhà xuất bản Giáo Dục
Được thành lập từ năm 1957 nhà xuất bản Giáo Dục đã
xây dựng một đội ngũ quản trị và một cách điều hành riêng biệt, để một mặt thực
hiện nhiệm vụ chính trị đảng Cộng sản giao cho, mặt khác để bảo vệ độc quyền
kinh doanh.
Theo báo cáo lương thưởng năm 2017 của nhà xuất bản
Giáo Dục, thì mức thu nhập bình quân của người lao động hàng tháng là 21 triệu
đồng, còn của viên chức quản lý ở mức 45,5 triệu đồng.
Trong khi lương cố Chủ tịch nhà nước Trần Đại Quang
chỉ vỏn vẹn 18 triệu đồng mỗi tháng.
Theo báo chí trong nước nhà xuất bản Giáo dục hiện có 10 công ty con và 22
công ty liên kết. Các công ty này có nhiệm vụ mua, bán hàng hóa và dịch vụ cho
nhà xuất bản.
Một số công ty con và công ty liên kết còn có nhiệm vụ nhận nợ vay, lãi vay
cho nhà xuất bản Giáo dục. Thật khó hiểu chuyện này.
Cũng theo báo chí trong nước trong 3 năm từ 2015-2017, nhà xuất bản Giáo
dục đã rút toàn bộ vốn từ 5 công ty với tổng giá trị đầu tư rút về là 58,15 tỷ
đồng.
Điều đáng nói là nhà xuất bản Giáo dục không công bố cụ thể các đơn vị đã
được họ rút vốn ra.
Vì mọi hoạt động của nhà xuất bản Giáo dục đều ảnh hưởng trực tiếp lên xã
hội, nên dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi chung quanh hoạt động kinh doanh của
công ty nhưng hầu như chưa có câu trả lời.
Nhóm trục lợi…
Độc quyền kinh doanh gắn với đặc lợi để tạo ra nhóm
trục lợi trong việc sử dụng ngân sách và kinh doanh.
Từ năm 1981 đến nay ngành giáo dục đã trải qua 3 lần
sử dụng ngân sách để soạn sách giáo khoa lần nào cũng tốn kém hằng trăm triệu
Mỹ kim mà phẩm chất sách giáo khoa và do đó giáo dục càng ngày càng suy thoái.
Riêng cho sách giáo khoa bắt đầu năm 2019, chính giáo
sư Hồ Ngọc Đại đã tố cáo "Tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền",
giáo sư cho biết:
“…nhiều lần biến động về con số, từ 70 nghìn tỷ đồng
năm 2011 xuống 34 nghìn tỷ đồng tháng Tư 2014, xuống 462 tỷ đồng tháng Mười
2014 và hiện nay (2018) đang triển khai với 80 triệu Mỹ Kim.”
Con số ước tính ban đầu 3 tỷ rưỡi Mỹ Kim xuống chỉ còn
80 triệu Mỹ Kim, khoảng chênh lệch hết sức to lớn phần nào nói lên tầm vóc việc
trục lợi.
Với lợi nhuận khủng khiếp và ngân sách để bòn rút các
nhóm trục lợi tìm cách thao túng thị trường, gây lãng phí, tham nhũng và luôn
tìm mọi cách để bảo vệ độc quyền kinh doanh.
Nhiệm kỳ Bộ Trưởng chỉ 4 năm trong khi nhóm thao túng
trục lợi có thể đã bám rễ rất sâu vào ngành giáo dục và nhà xuất bản Giáo Dục
nên không dễ gì có thể dứt ra được.
Bởi thế cải cách giáo dục và cải cách hành chính trong
ngành giáo dục đều chỉ xảy ra trên mặt báo hay qua những lời tuyên bố. Trên
thực tế ngành giáo dục càng cải cách càng khủng hoảng.
Cải cách giáo dục may ra có thể thành công khi nhà
nước xóa bỏ hoàn toàn vai trò nhà xuất bản Giáo Dục, nhưng làm như thế lại mâu
thuẫn với nhiệm vụ chính trị đã được đảng Cộng sản giao cho.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay việc soạn
và phát hành sách giáo khoa là vai trò của tư nhân nhà nước không hề xen vào.
Ngay đến việc thẩm định sách giáo khoa cũng thường
được giao cho các nhóm dân sự độc lập với Bộ Giáo Dục đảm trách.
Khoản ngân sách phải chi cho soạn sách giáo khoa chính
là tiền thuế của dân, vì thế cần được sử dụng cho ích lợi giáo dục thay vì để
nuôi dưỡng độc quyền kinh doanh.
Nhóm Lợi Ích là gì?
Cụm từ nhóm lợi ích được dùng
rất phổ biến tại Việt Nam nhưng lại không được giải thích một cách rõ ràng. Bởi
thế đến nay dường như vẫn chưa xác định được nhóm nào là nhóm lợi ích.
Ở các quốc gia tự do mọi thay đổi chính sách đều dẫn
đến những nhóm được hưởng lợi ích và những nhóm chịu thiệt thòi.
Nếu chính quyền biết lấy bớt lợi ích của nhóm được
hưởng lợi để chia sẻ cho nhóm chịu thiệt thòi thì sẽ tối ưu được việc hoạch
định chính sách.
Bằng không các nhóm hưởng lợi sẽ vận động để chính
sách được thông qua, còn nhóm chịu thiệt thòi sẽ vận động ngược lại hay vận
động để được đền bù thỏa đáng.
Cách tổ chức và hoạt động của các nhóm lợi ích đều
được luật pháp quy định một cách rõ ràng và mọi hoạt động đều công khai minh
bạch.
Các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức vận động hành
lang hay tổ chức dân sự đều giữ vai trò vận động lợi ích nhóm.
Nói tóm lại các nhóm hoạt động vì lợi ích nhóm luôn
tạo sự dung hòa trong chính sách, giảm thiểu bất công xã hội và là động năng
phát triển xã hội dân chủ.
Nhóm lợi ích sách giáo khoa…
Trong bài viết trước “Giáo Dục Việt Nam Thời ‘Buôn Chữ
Bán Sách’ ” tôi đã nêu rõ nhận xét phương cách Công nghệ giáo dục của giáo sư
Hồ Ngọc Đại không có gì mới lạ và không hiệu quả như giáo sư Đại và nhiều người
ủng hộ đề cao.
Tuy nhiên, điểm tích cực cần nhìn nhận là bấy lâu nay
giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn vận động để thay thế độc quyền trong ngành giáo dục.
Điểm tiêu cực vì các nhóm trục lợi quá mạnh giáo sư
Đại không thể thay đổi được tình thế nên mới trao quyền cho Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ
Luận "lách luật", cho phép dạy "thí điểm" các tài liệu Công
nghệ Giáo dục.
Đồng thời giáo sư Đại cho
quyền nhà xuất bản Giáo Dục in và bán các tài liệu Công nghệ Giáo dục.
Chỉ riêng năm học 2018-19 có 800.000 học sinh được dạy thí điểm. Mỗi bộ
sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục giá 340.000 đồng nếu 800.000 phụ huynh
phải bỏ ra mua sách thì đã lên đến 272 tỷ đồng.
Số tiền không phải là nhỏ vì thế xã hội cần được biết rõ ai là người hưởng
lợi về tiền bạc từ các quyết định “thí điểm” này.
Nghiệp đoàn giáo chức hay các Hội phụ huynh học sinh đúng nghĩa là những tổ
chức dân sự bảo vệ và đấu tranh cho quyền lợi của thầy cô và của học sinh. Họ
cần biết và đa số cần đồng ý với quyết định “thí điểm”.
Điều đáng tiếc Nghiệp đoàn giáo chức chỉ là cánh tay nối dài của đảng Cộng
sản, còn Hội phụ huynh học sinh là cánh tay nối dài của Hiệu trưởng các trường.
Thầy cô, cha mẹ học sinh, học sinh hoàn toàn không có tiếng nói về “thí
điểm” tài liệu Công nghệ giáo dục.
Vì thế không ít cha mẹ học sinh sử dụng không gian mạng để “chửi” để “xả”
nỗi bực tức.
Điều họ làm không có gì phải trách. Đáng trách là nếu họ biết mà im lặng
không có phản ứng. Và đáng trách là những kẻ thờ ơ hay trục lợi từ học sinh và
từ việc giáo dục.
Nói rõ hơn khi luật Hội Đoàn chưa có, hoạt động chưa công khai minh bạch
thì hầu hết các nhóm khi mới mở ra còn mang mục đích công nhưng khi đã bị nhóm
trục lợi lèo lái thì khó có thể đóng góp được nhiều cho xã hội.
Tình trạng độc quyền
Không chỉ riêng sách giáo khoa hiện nay nhà cầm quyền
Hà Nội vẫn độc quyền nhiều ngành như điện, nước, cảng, phi trường, xuất cảng
gạo, xăng dầu, khí đốt, khai thác tài nguyên… và đặc biệt là đất đai.
Hiểu được các khái niệm kinh tế bao gồm lợi nhuận kế
toán, lợi nhuận kinh tế, nhóm thao túng và nhóm lợi ích, sẽ giúp chúng ta hiểu
được hiện tình đất nước.
Độc quyền chính trị tạo ra đặc quyền, đặc lợi, các nhóm trục lợi và hậu quả
là tham nhũng tràn lan.
Các nhóm trục lợi bảo vệ quyền lợi nên bằng cách ngăn cản mọi nỗ lực thay
đổi xã hội.
Bởi thế muốn phát triển xã hội trước tiên là phải thay thế độc quyền mà
chính yếu là thay thế độc quyền chính trị bằng dân chủ tự do.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
25/09/2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire