25/09/2018

ÔNG TRƯỞNG TỘC





(Tôi thấy cần phải viết thêm cho rõ: Đây không phải sáng tác văn học. Nó chỉ là một khúc trong hồi ký Chuyện Nhà).



Trình giấy thăm tù xong, tôi ngồi ngơ ngẩn trong nhà tiếp đón. Ngoài tôi ra không có người nào khác.

Ngồi buồn, tôi tỉ mỉ quan sát ngôi nhà. Nó quen thuộc với tôi. Tôi dựng nên nó. Tôi nhìn và nhớ từng cây thượng lương, từng cái đòn tay, từng cái chống chéo. Mới đấy, có dễ chưa tới dăm năm kể từ khi tôi rời khỏi nơi này lên trại Phong Quang rồi ra tù, thế mà nó đã xộc xệch, rệu rã, tường vữa loang lổ rêu phong. Thoang thoảng trong không khí là mùi mốc. Chắc nhà tiếp tế ít được dùng. Cuộc sống khó khăn, người thăm tù ngày một thưa thớt. Hồi ở đây, tôi biết có người cả chục năm không có ai thăm hỏi. 


Tôi bồi hồi nhớ lại toán mộc. Tù nhân trong toán đều là tù chính trị. Ngoài toán mộc còn có toán rau xanh, toán xẻ. Tù chính trị, hay còn gọi là tù số lẻ, phần nhiều là viên chức hoặc sĩ quan chế độ cũ. Lác đác có vài tu sĩ Thiên Chúa giáo và các chánh trương, trùm trưởng các xứ đạo. Tất cả đều bị bắt theo đợt, thường là trước những ngày lễ lớn. Vào tù rồi, họ cứ thế ở miết, hết lệnh này đến lệnh khác, mỗi lệnh là ba năm. Người ít nhất cũng tròm trèm chục năm. Lệnh là cách gọi thứ tù tập trung cải tạo dành riêng cho những công dân bị coi là có hại cho an ninh xã hội do lãnh tụ Trường Chinh ký, giao cho Bộ Công an thực hiện.

Không thể hiểu được vì sao người ta giam tù lâu thế, vì tính đa nghi bệnh hoạn của nhà cầm quyền hay vì bị bỏ quên. Mà có thể bị bỏ quên lắm – trại giam mỗi năm một nhiều, tù mỗi ngày một đông, hồ sơ thì chất đống đến tận trần trong các kho lưu trữ, hồ sơ tù lâu năm nằm mốc meo ở tít dưới đáy chẳng được ai ngó đến thì quên là chuyện thường.

Tân Lập là một trong những trại giam lớn, ngoài trại A là trại chính, nơi tôi đang ngồi, còn có bốn phân trại nhỏ cách nhau vài cây số. Không như Cổng Trời hay Phong Quang có những hình thức kỷ luật tàn bạo, hoặc những trại ở nơi quá hẻo lánh nhiều đói và rét, Tân Lập không nổi tiếng vì bất cứ cái gì, những người tù thâm niên đã ở qua nhiều trại nhận xét nó không đến nỗi nào, tù sống được.

Những người chưa bao giờ biết đến cái đục, cái tràng chẳng bao lâu đã trở thành những phó mộc thực thụ. Giờ không biết có ai còn lại ở đây?

Tôi giở sách ra đọc trong tiếng chim sẻ ríu rít trên mái nứa. Tôi chờ một tiếng chim gáy, nhưng không thấy. Khi tôi mới tới trại này, năm 1971 thì phải, chim gáy có nhiều. Nghe chúng gù nhau mà nhớ da diết những ngày xưa khi tôi còn nhỏ. Ở đồng bằng sông Hồng tiếng chim gáy gù nhau quen thuộc không kém tiếng cối xay lúa, tiếng chày giã gạo. Lũ chim gáy chỉ biến mất cùng với sự xuất hiện mấy khẩu súng hơi nhãn hiệu Slavia. Mấy viên quản giáo, chủ nhân chúng không chỉ bắn chim gáy. Chào mào, sáo đen, sáo sậu, chim sẻ, thậm chí vành khuyên, chim sâu… không giống nào thoát. Chim lớn thì bắn để ăn, gọi là cải thiện, nhưng những con chim nhỏ xíu cũng bị dùng làm bia tập bắn.

Đợi chán chê mê mỏi tôi mới thấy một anh tù gày còm, đội nón mê rách, lững thững đi vào sân. Một anh tù tự giác, tôi nghĩ. Thời tôi ở đây, khi tù ra gặp người nhà thể nào cũng có cán bộ áp giải.

Tôi bước xuống thềm, tính hỏi anh tù nọ có biết anh tôi không. Đến gần, nhìn tận mặt dưới cái nón rách tôi mới nhận ra người tù đó chính là anh mình.

Xa cách nhau hơn ba mươi năm, vật đổi sao dời, có không nhận ra nhau cũng phải. Anh Mai trong trí nhớ của tôi là một thanh niên cao lớn, điển trai, với mái tóc chải bồng, đi đứng hùng dũng trong bộ đồng phục kaki tự vệ thành. Giờ trước mặt tôi là một con người thấp bé, gày quắt, đen đủi, với chòm râu thưa đã lẫn nhiều sợi bạc.

- Chú Hiên hả?

Anh ngạc nhiên thốt lên.

- Em đây!

Tôi ôm chầm lấy anh.

Anh khẽ đẩy tôi ra, như để ngắm tôi kỹ hơn. Nhưng cũng có thể anh không muốn tôi ngửi thấy mùi hôi trên áo anh.

“Thế sự thăng trầm quân mạc vấn”, Cao Bá Quát nói sao mà đúng. Việc đời lên xuống anh hỏi làm gì.

Tôi nhớ những ngày cuối năm 1945, tôi theo anh đi mua súng chuẩn bị cho cuộc chiến không biết sẽ xảy ra lúc nào. Anh dẫn tôi vào một tiệm hút tối thui sặc mùi thuốc phiện lờ lợ ở ngõ Chân Cầm. Anh bảo tôi ra chờ ở ngoài cửa, rồi sà vào một cái giường rất rộng với những hình người nằm san sát bên những ngọn đèn chai leo lét.

Tôi đợi rất lâu mới thấy anh trở ra, nhét vào tay tôi một gói nặng:

- Nhét vào cạp quần. Đi đi!

Không cần giở ra tôi cũng biết là một khẩu pạc-hoọc.

Những ngày ấy, phố nào cũng tự động lập một đội tự vệ. Gộp lại, nó có tên là tự vệ thành. Trên mũ ca-lô của bộ đội có phù hiệu sao vàng hình tròn, trên mũ tự vệ là sao vuông. Nhà nước mới không có tiền, các đội tự vệ phải tự sắm vũ khí cho mình. Để mua được một khẩu pạc-hoọc phải đeo một túi dết nặng trĩu tiền quan kim[1]. Các sĩ quan quân đội Tàu đều nghiện oặt. Họ bán tuốt tuột mọi thứ có thể bán.

Ngồi vào bàn trong nhà tiếp tế, anh chăm chăm nhìn tôi :

- Làm sao chú biết anh ở đây?

- Không khó lắm – tôi nói – Chả là em có thời làm báo, quen biết nhiều, hỏi không khó. Em cũng đã từng ở trại này.

Anh còn ngạc nhiên hơn. mở to mắt.

- Sao? Chú đã từng ở đây?

- Vâng, ở tù. Như anh – tôi cười - Mọi sự đều có thể. Nó không khó hiểu. Dần dà rồi anh sẽ biết.

Tôi đặt lên bàn những thứ mẹ tôi sửa soạn mang lên cho anh. Việc này bà sành - bà từng tiếp tế cho chồng và các đồng chí của ông bà thời thuộc Pháp, thời Nhật, rồi thời ta. Không phải chỉ tiếp tế cho chồng cho con, mà cả cho cháu từ miền Nam bị đưa ra Bắc.

Tôi ngần ngừ báo cho anh tin buồn.

Nhà anh Mai góp vào nhà tù hai người – anh và con rể anh, cháu Hoàng. Nhìn thấy bà lặn lội vào tận trại tập trung Cẩm Thủy nằm ở vùng cao Thanh Hóa thăm đứa cháu không biết mặt, Hoàng quỳ xuống trước mặt bà, nức nở:

- Cháu thật hạnh phúc được làm rể họ Vũ.

Mẹ tôi hôn lên trán cháu:

- Ai có con cháu lâm vào cảnh này thì cũng làm như bà thôi.

Cháu Hoàng không trở về. Nó vĩnh viễn nằm lại trại Cẩm Thủy. Mẹ tôi và chúng tôi không một lần lên đấy để thắp cho cháu một nén hương. Đường thì xa, người nhà thì còn lo kiếm sống.

Được tin cháu mất, mẹ tôi ngồi lặng, lẩm bẩm đọc mấy câu thơ trong bài Le Tombeau Sans Maitre (Nấm Mồ Vô Chủ), tôi không nhớ của tác giả nào.

Gia đình cháu Hoàng là một bi kịch điển hình cho một thời tao loạn. Hai đứa yêu nhau, lấy nhau, đang sống trong hạnh phúc thì tai họa ập đến.

Hoàng chết trong tù vì đau ruột thừa. Vợ Hoàng vượt biên, thuyền chìm, chết trên biển cùng một đứa con nhỏ.

Anh nghe, mặt bất động. Không một giọt nước mắt.

Rồi cười méo xệch:

- Thằng Hoàng được lắm, chú ạ. Nó là thằng chồng tốt, là đứa con rể ngoan. Anh coi nó như con ruột. Nó làm việc văn phòng ở Phủ Đầu Rồng, chẳng phải sĩ quan sĩ kiếc gì đâu.

- Phủ Đầu Rồng là cơ quan gì?

- Là tên gọi Phủ Tổng thống.

Tôi hiểu.

- Cứ làm việc ở Phủ Đầu Rồng là bị bắt – anh Mai nói – Dù là đánh máy, dù là tạp dịch, tuốt tuột.

Anh Mai bị bắt là phải, không có gì lạ. Anh là phó ty cảnh sát Lâm Đồng. Khi ở trại Phong Quang tôi có quen mấy anh tù từ trong Nam ra. Có anh chỉ là lính trơn, nhưng ở trong một thứ quân gọi là “biệt cách”. Ở miền Bắc không có thứ tương tự.

- Người ta có nói bao giờ anh về không? – tôi hỏi

Anh lắc:

– Anh không hỏi. Với ai họ cũng nói: phải yên tâm cải tạo, cải tạo tốt thì về.

Tôi cười mình. Tôi hỏi thừa. Tôi cũng đã từng nghe thế. Nhiều lần.

Khi tôi hỏi vì sao anh lại chọn ngành cảnh sát, anh cười:

- Anh không chọn. Cảnh sát cũng là một nghề. Khi cần phải sống người ta nhận bất kỳ cái gì cuộc sống mang lại, dù muốn dù không. Anh đang không có việc làm thì gặp một anh bạn làm ở bộ tư lệnh cảnh sát. Anh ta giới thiệu anh.

- Ở đây anh làm công việc gì?

- Đủ thứ. Nay ở đội này, mai sang đội khác. Lao động chân tay, nhưng cũng không quá vất vả. Cũng không bị hành hạ. Mấy năm đầu thì cực lắm, bị đối xử rất tệ. Nhưng cái khó chịu nhất là khai báo. Khai thế nào họ cũng cho là gian dối, là chưa đủ, bắt khai đi khai lại không biết bao nhiêu lần.

Chúng tôi được trò chuyện thoải mái không có sự giám sát của công an, thời gian gặp cũng không bị hạn chế. Một hiện tượng mới khi chiến tranh đã kết thúc, có lẽ thế. Hoặc anh được liệt vào loại tù ngoan, đã yên tâm cải tạo, hoặc anh được làm tù “tự giác”[2]. Tôi hỏi thăm về mấy người bạn thân của anh mà tôi quen trong hai năm 1945-1946. Nhiều người khi chiến tranh nổ ra đã nhập vào Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội lên rừng. Anh bị mất liên lạc, ở lại, rồi vào Nam.

- Chú còn nhớ anh Thành không?

- Nhớ.

- Nó cũng vào Nam, làm báo, hóa ra vẫn hoạt động.

- Sao anh biết?

- Nó bị lộ, phải trốn. Thế là nó chạy lên Đà Lạt, trốn ở nhà anh.

- Anh Thành không sợ anh bắt anh ấy à?

Anh cười:

- Anh mà lại đi bắt bạn ư? Chú nghĩ anh là người thế nào.

- Em có tình cờ gặp anh Thành. Anh ấy vẫn nhớ em. Nghe đâu giờ làm công tác tuyên giáo.

- Tuyên giáo là cái gì?

Dịp may đây, tôi nghĩ. Anh Mai chứa bạn trong cơn hoạn nạn, đơn thuần vì tình bạn, nhưng mặt khác cũng có thể gọi là một hành động giúp đỡ cách mạng – một công lao, dù anh chẳng nghĩ tới.

Trở về, tôi đi Sài Gòn tìm anh Thành.

Tôi nghĩ cách để nói với anh. Tôi sẽ không nhờ cậy, không xin xỏ. Với những người có quyền lực, quen với cung cách khúm núm của người xin gặp, phải có cách khác.

Nghe thư ký báo cáo, anh bằng lòng cho tôi gặp.

- Anh không phải là bạn tốt của anh Mai – tôi không ngồi khi anh mời, tôi đứng, nói bằng giọng gay gắt – Anh Mai giúp anh tránh bị địch bắt, nguy hiểm cho anh ấy biết bao nhiêu anh ấy cũng không ngại. Thế mà giờ anh ấy nằm trong tù, anh không hề đoái hoài. Như thế có thể gọi là bạn sao? Em đến đây chỉ để nói mấy câu ấy thôi, rồi về.

Anh Thành đỏ mặt:

- Chú không hiểu anh rồi. Anh có biết anh Mai bị bắt, nhưng không biết phải giúp anh ấy cách nào đây? Chú biết ở ta mọi sự rắc rối thế nào? Có khi người ta lại điều tra chính anh về chuyện liên quan với người trong hàng ngũ địch. Việc đời lôi thôi lắm, chú ơi!

- Anh ngại? Anh lo cho anh? Vậy anh có ngại khi trốn ở nhà anh Mai và anh Mai sẽ bị liên luỵ nếu việc vỡ lở không?

Anh Thành thở dài.

- Vậy chú bảo anh phải làm gì?

- Anh không cần làm nhiều. Một cái giấy xác nhận anh Mai đã cho anh trốn ở nhà anh ấy khi anh bị vỡ cơ sở là đủ. Có thế nào viết thế ấy.

Có tờ giấy xác nhận của anh Thành, tôi chạy tới ông Lê Giản, người từng giữ chức tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Ông mất chức khi Lê Đức Thọ nại cớ Trung Quốc không hài lòng thấy Việt Nam dùng người được đế quốc đào tạo để đặt đàn em Trần Quốc Hoàn thay thế. Ông Lê Giản phải ngồi chơi xơi nước một thời gian dài rồi mới về hưu, nhưng những người làm cùng ông còn đó, ông có thể nhờ cậy họ. Ông lập tức chuyển giấy xác nhận của anh Thành cho ông Lê Hữu Qua, cục trưởng Cục Quản lý Trại giam.

Anh Mai được thả.

Tôi gặp anh Mai lần cuối ở Boston, bang Massachuset (Hoa Kỳ). Đón tôi, anh trịnh trọng diện com-lê ca-vát.

Anh cùng với vợ con được sang Mỹ theo diện sĩ quan Việt Nam Cộng hòa bị bắt tù. Ôm anh, tôi hỏi:

- Ở đây thế nào?

- Tốt lắm. Tốt đến không ngờ, chú ạ. Nhưng nếu không có ba cái thứ khốn nạn để phải tha hương thì ở quê nhà vẫn sướng hơn. Là nói về cảm nhận của anh thôi, chứ với các cháu thì đây là một chân trời mới.

Không khí Boston trong lành, về đêm hơi se lạnh. Bầu trời thu đầy sao. Chúng tôi ngồi ngoài vườn trò chuyện cho tới khuya. Có biết bao nhiêu chuyện để nói với nhau sau ngần ấy thời gian xa cách. Chị Mai cũng không ngủ, cũng không giục hai anh em vào nhà, chỉ mang áo khoác ra choàng lên vai chúng tôi.

Tôi nhớ đám cưới hai người ở làng Kiên Lao, huyện Xuân Trường, nơi có chợ Cầu đầy cá tôm tươi rói còn nguyên mùi sóng biển, có gạo tám thơm lừng, trong nhà nấu ngoài ngõ thấy.

Bữa cơm đoàn tụ buổi tối có đầy đủ các cháu đã trưởng thành, đã ở riêng, mừng mừng tủi tủi, các cháu vui được gặp ông chú chưa từng biết mặt.

Tin ông trưởng tộc của chúng tôi mất ở xứ người tôi biết chậm. Anh là con đầu của bác Cả trong gia đình lớn mà cha tôi là con trai thứ tư. Chị Mai và các cháu không ghi, không nhớ số điện thoại của tôi, chỉ mình anh Mai là thường liên lạc với tôi thôi. Mấy ông anh con bác Thung là bác thứ hai sau bác Cả ở Hà Nội đã già, lại không biết dùng máy tính, không biết internet là gì, tôi gọi điện thoại về mới biết anh Mai đã không còn.

Thôi thì cứ ghi lại vài dòng về một kiếp người. Một kiếp người tương tự muôn vàn kiếp khác của một thời.

Người ta nói: sống ở, chết về. Nhưng không ở không về chắc tốt hơn.

Khỏi phải chịu những tang thương của một cuộc chiến đầy máu và nước mắt,

Để cuối cùng mới thấy nó chẳng cần cho bất cứ ai. 



[1] Quan kim là tiền do ngân hàng trung ương Trung Quốc phát hành. Nạn lạm phát phi mã làm cho nó xuống giá thê thảm tuy còn có giá hơn nhiều so với thứ tiền gọi là quốc tệ, do các chính phủ địa phương in ra. Người Việt Nam buộc phải tiêu hai thứ tiền đó nếu không muốn bị lôi thôi với quân tiếp phòng Trung Hoa. Số tiền quốc tệ trả cho một bát phở to bằng một cục gạch. Hàng phở ném bó tiềndùng tiền ấy vào bếp lò cùng với củi.

[2] Tù được đi lại trong trại không bị công an áp giải.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire