Xuân Dương: "Người dân yêu cầu được biết danh tính các vị “Hội đồng” đã ký vào biên bản
nghiệm thu chất lượng các công trình có vấn đề chứ không chỉ đoạn cao tốc Quảng
Ngãi - Đà Nẵng.
Cả về học thuật lẫn đạo đức đều cho thấy không cần thiết một Hội đồng như
vậy.
Liệu đã đến lúc khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm những người/cơ quan
liên quan?
Chừng nào các loại Hội đồng còn được xem là những lâu đài quyền lực, bất
khả xâm phạm trong lĩnh vực học thuật, chừng nào sự sáng tạo của người Việt còn
bị kìm hãm thì chừng đó, không chỉ là những con đường cao tốc mà cả tương lai
dân tộc vẫn có thể bị các loại “ổ gà” làm hỏng."
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng) do Thủ
tướng Chính phủ quyết định thành lập, quyết định mới nhất công khai tìm thấy
được (số 310/QĐ-TTg) đề ngày 27/2/2014.
Xin trích dẫn một số điều trong Quyết định số 310/QĐ-TTg:
Điều 3. Nhiệm vụ của Hội đồng
1. Trình Thủ tướng Chính phủ thông qua
danh mục công trình dự kiến tổ chức kiểm tra, nghiệm thu hàng năm.
2. Kiểm tra công tác quản lý chất lượng
và chất lượng công trình xây dựng.
3. Kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ
đầu tư và các nhà thầu.
4. Tổ chức nghiệm thu đánh giá sự tuân
thủ các điều kiện để đưa công trình vào sử dụng theo quy định của pháp luật đối
với các công trình quan trọng quốc gia và một số công trình quan trọng khác khi
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
5. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ
hàng năm hoặc đột xuất về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng
các công trình.
6. Ban hành quy chế hoạt động làm cơ sở
để triển khai các công việc của Hội đồng và của các tổ chức, cá nhân giúp việc
cho Hội đồng.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ
tướng Chính phủ giao.
Điều 9. Chi phí hoạt động của Hội đồng
2. Chi phí cho hoạt động của Hội đồng
được lấy từ kinh phí ngân sách chi thường xuyên và kinh phí dự trù trong tổng
mức đầu tư xây dựng công trình.
Chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí kinh
phí, phê duyệt dự toán, quyết toán và thanh toán chi phí của Hội đồng.
Cơ quan thường trực có trách nhiệm lập
dự toán và thanh quyết toán cho các hoạt động của Hội đồng đối với từng công
trình.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước
phê duyệt dự toán, quyết toán các khoản chi cho các hoạt động chung của Hội
đồng bố trí từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách theo quy định hiện hành của
Luật ngân sách nhà nước.
Có thể thấy Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ nhiệm vụ,
quyền hạn của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, theo đó
không chỉ là “Kiểm tra công tác quản lý chất lượng,
công tác nghiệm thu” của chủ đầu tư và các nhà thầu mà còn là
“kiểm tra chất lượng công trình xây dựng
(khoản 2 điều 3)”.
Vậy phải hiểu thế nào về phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng
- Phó chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng:
"Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công
trình xây dựng chỉ kiểm tra công tác nghiệm thu, đánh giá, chứ không phải quản
lý chất lượng".
Ông Thứ trưởng Hùng không biết đến Quyết định số 310/QĐ-TTg hay có vấn đề
về tiếng Việt khi nói Hội đồng không quản lý chất lượng các công trình.
Nếu “không quản lý chất lượng” thì Thủ tướng giao Hội đồng “kiểm tra chất lượng công trình xây dựng” đề làm gì?
Phải chăng đây là cách “chơi chữ” của Thứ trưởng Hùng để trốn tránh trách
nhiệm vì quả thật ngôn ngữ dùng trong Quyết định 310/QĐ-TTg là “kiểm tra” chứ
không phải là “quản lý”!
Về danh sách thành viên (chuyên gia) của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các
công trình xây dựng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phê duyệt ngày
5/9/2016 (Quyết định số 22/QĐ-HĐNTNN), có thể thấy nhóm thành viên Hội đồng
nghiệm thu các công trình giao thông gồm 22 người (Hội đồng năm 2015 có 27
người), trong số này chỉ “lọt” một người là thạc sĩ, một người là kỹ sư chính,
còn lại đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.
Đại học Xây Dựng đóng góp 7 thành viên, Đại học Giao thông vận tải đóng góp
9 thành viên, Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải góp 3 thành viên,…
Xin nói thêm trong 10 thành viên có chuyên môn “đường” trong nhóm 22 chuyên
gia nêu trên, 3 vị là giáo sư, 5 vị là phó giáo sư, 2 vị là tiến sĩ. [1]
Một ổ gà rộng 50 cm, sâu gần 10cm trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trước khi được sửa chữa. Ảnh: Hiếu Thanh/ VnExpress.net |
Về chất lượng đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc, tám năm trước một bài
viết trên Baotintuc.vn có đoạn:
“Không khỏi lo lắng về tuổi thọ và sự
xuống cấp quá nhanh của không ít các công trình, tiêu biểu như tuyến cao tốc
Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 91 (Cần Thơ),
quốc lộ 53 (Vĩnh Long), quốc lộ 48 (Nghệ An), một số đoạn trên quốc lộ 1A, quốc
lộ 27B, tuyến tránh Phú Yên...”. [2]
Gần nhất là chất lượng thi công dự án đường cao tốc đoạn Đà Nẵng - Quảng
Ngãi được Giám đốc Ban quản lý dự án Nguyễn Tiến Thành đánh giá là chỉ đạt điểm
6, nói cách khác chỉ đạt 60% chất lượng? [3]
Các ông “Hội đồng” đa phần là thày giáo nên tham gia Hội đồng chỉ là công
việc thời vụ, nói theo kiểu dân dã là “tay ngang”, tất nhiên chẳng ông nào làm
không công vì quyết định của Thủ tướng đã ghi rõ một phần chi phí cho hoạt động
của Hội đồng lấy từ “ngân sách chi thường xuyên”, phần còn lại thì “Chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí kinh phí, phê duyệt dự toán, quyết toán và
thanh toán chi phí của Hội đồng”.
Đến đây liệu dân chúng đã thấy phần chìm của “tảng băng cao tốc”?
Một khi chủ đầu tư phải chi tiền để “thanh toán chi phí của Hội đồng” thì chuyện chủ đầu tư
chi tiền cho các thành viên Hội đồng trở nên hợp pháp (?) và ai dám đảm bảo các
khoản thanh toán đó không hề có “tí” cảm ơn, thông cảm đi kèm?
Khi ngân sách phải chi tiền, chủ đầu tư cũng phải chi tiền cho hoạt động
của Hội đồng mà chất lượng công trình vẫn chỉ “đạt 6 điểm” thì số tiền chi đó
có trở nên vô nghĩa?
Xử lý hư hỏng cục bộ trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Baoxaydung.vn |
Và thực sự có cần sự tồn tại của những Hội đồng như vậy?
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải bắt đầu từ câu chuyện khó tin về Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước năm 2018 đã “sơ
ý” để lọt mấy chục vị chưa đạt chuẩn.
Nếu không có sự vào cuộc rầm rộ của truyền thông liệu 41 vị suýt được được
công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư ấy có bao nhiêu sẽ ngồi ở các “Hội
đồng” khác?
Hai câu hỏi chưa có câu trả lời nêu trên xuất phát từ sự kiện trong số 10
chuyên gia chuyên ngành “Đường” thuộc Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công
trình xây dựng (giao thông) có tới 8 vị là giáo sư, phó giáo sư.
Khắc phục tình trạng chất lượng kém trên mặt đường cao tốc không chỉ là bóc
lớp cũ lên thảm lại, vấn đề nằm ở chỗ như báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
nêu nghi vấn:
“Nhà thầu Trung Quốc bị tố dùng bùn đắp cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải nói
gì”? [4]
Không ít doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu với giá thấp rồi dùng chiêu trò
đòi tăng vốn như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Khu liên hợp gang thép
Thái Nguyên,…nếu không tăng được vốn thì bớt xén trong quá trình thi công làm
giảm chất lượng công trình, điều này đã được rất nhiều tờ báo đề cập, chẳng
hạn:
“Ôm hận vì nhà thầu Trung Quốc”. [6]
…
Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc vẫn luôn thắng thầu?
Câu hỏi này không chỉ đơn thuần về khía cạnh kinh tế dành cho chủ đầu tư,
các cơ quan tổ chức đấu thầu mà còn dành cho những cơ quan chịu trách nhiệm an
toàn tính mạng người tham gia giao thông, các cơ quan bảo vệ môi trường, bảo vệ
pháp luật,…
Vấn đề còn nằm ở khía cạnh khác là một “Hội đồng nghiệm thu” đầy giáo sư,
phó giáo sư nhưng lại thẳng thừng tuyên bố “không quản lý chất lượng” công
trình mà họ “nghiệm thu”, phải chăng họ đang phủi tay chối bỏ trách nhiệm nếu
không may xảy ra các vụ tai nạn trên đoạn cao tốc này?
Chuyện mặt cầu Thăng Long lún, nứt cũng phải mời chuyên gia Nga sang tư
vấn, vậy 100 chuyên gia có tên trong danh sách Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các
công trình xây dựng mà phần lớn là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chẳng lẽ không
ai có thể đưa ra giải pháp sửa chữa?
Họ không được cơ quan có trách nhiệm mời hay được mời nhưng … ngại?
Người dân yêu cầu được biết danh tính các vị “Hội đồng” đã ký vào biên bản
nghiệm thu chất lượng các công trình có vấn đề chứ không chỉ đoạn cao tốc Quảng
Ngãi - Đà Nẵng.
Cả về học thuật lẫn đạo đức đều cho thấy không cần thiết một Hội đồng như
vậy.
Liệu đã đến lúc khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm những người/cơ quan
liên quan?
Chừng nào các loại Hội đồng còn được xem là những lâu đài quyền lực, bất
khả xâm phạm trong lĩnh vực học thuật, chừng nào sự sáng tạo của người Việt còn
bị kìm hãm thì chừng đó, không chỉ là những con đường cao tốc mà cả tương lai
dân tộc vẫn có thể bị các loại “ổ gà” làm hỏng.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://cucgiamdinh.gov.vn/Portals/1/Quyet%20dinh%2022-Q%C4%90-H%C4%90NTNN%20Danh%20sach%20chuyen%20gia%20H%C4%90NTNN%20nam%202016.PDF
[2]
https://baotintuc.vn/goc-nhin/chat-luong-duong-cao-toc-20111126004904306.htm
[3]
https://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/chat-luong-cao-toc-da-nang-quang-ngai-chi-dat-o-muc-diem-6-1259867.html
[4] http://plo.vn/do-thi/nha-thau-trung-quoc-bi-to-dung-bun-dap-cao-toc-bo-gtvt-noi-gi-797535.html
[5]
http://www.bacgiang.gov.vn/ves-portal/40570/Xu-phat-Cong-ty-TNHH-Khai-Than-Viet-Nam-vi-pham-hanh-chinh-ve-bao-ve-moi-truong.html
[6]
https://nld.com.vn/kinh-te/om-han-vi-nha-thau-trung-quoc-20180322210657072.htm
[7]
http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/doanh-nghiep/cac-du-an-nhiet-dien-tq-lam-tong-thau-ti-le-noi-dia-gan-bang0-a72790.html
Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Hoi-dong-la-cai-gi-gi-tien-an-thi-co-viec-lam-thi-dau-post191910.gd
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire