Xuân Dương
(GDVN) - Muốn thành phố phát triển thì phải xóa được việc dân phải “nhúc
nhích”; cán bộ phải từ bỏ thói “rúc rích” mỗi khi lấy ngân sách đầu tư xây dựng
cơ bản.
Thành phố Hồ Chí Minh đang có chủ trương chi ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng
xây nhà hát giao hưởng nhạc và vũ kịch (nhà hát giao
hưởng) tại khu đô thị Thủ Thiêm.
Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, kinh phí thực hiện dự án lấy từ
nguồn thu bán đấu giá khu đất ở số 23, Lê Duẩn, quận 1.
Hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh có 3 nhà hát: Nhà hát thành phố xây dựng từ
thời Pháp thuộc với 476 chỗ ngồi; Nhà hát Hòa Bình khai trương năm 1985 với
2.500 chỗ ngồi; Nhà hát Bến Thành có sức chứa 1.041 chỗ ngồi, gồm 2 tầng: Dưới
nhà 753 ghế, trên lầu 288 ghế.
Theo giới thiệu thì “Nhà hát Bến Thành tọa
lạc tại vị trí trung tâm Thành phố, với sức chứa 1.041 chỗ ngồi là nơi lý tưởng
để tổ chức các chương trình Ca - Múa - Nhạc; Thời trang; hội nghị, hội diễn,
hội thi... vừa được đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị hiện đại...”. [1]
Sân khấu nhà hát Bến Thành kích thước 12,5m x 13m, cao 8m (nguồn [1]) |
Nếu nhà hát Bến Thành hiện đại như thế thì vì sao ông Giám đốc Nhà hát giao
hưởng lại cho rằng “Nhà hát Bến Thành thì không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của một
nhà hát mà chỉ là rạp để biểu diễn”? [2]
Cũng xin nói thêm với ông Giám đốc Nhà hát giao hưởng Thành phố Hồ Chí
Minh, Nhà hát lớn Hà Nội được xây vào năm 1901, phòng khán giả chính chỉ có
diện tích 24x24m và chứa được khoảng gần 900 chỗ ngồi trước khi cải tạo nâng
cấp vào năm 1995. [3]
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: “Dự báo dân số Thành phố đến năm 2025 là 10 triệu người, nhưng
thực tế năm 2017 đã đạt đến con số 13 triệu người đang sinh sống trên địa bàn
(con số thống kê hơn 8 triệu)”. [4]
Giả sử Nhà hát được xây dựng và “chạy” hết công suất, nghĩa là mỗi ngày có
3 sô diễn thì với sức chứa 1.700 chỗ ngồi, mỗi ngày chỉ phục vụ được khoảng
0,04% cư dân thành phố.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh xe còn nhúc nhích nên không gọi là ùn tắc! (ảnh: Plo.vn) |
Vậy đó có phải là nhu cầu bức thiết của người dân Thành phố Hồ Chí Minh?
Câu trả lời là không.
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh cần gì, và cần chính quyền thành phố làm gì
tại thời điểm này?
Thứ nhất, tình trạng ùn tắc giao thông
Năm 2015, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ
Chí Minh giải thích:
“Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên
tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các
vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển
nhúc nhích được”.
Ba năm sau phát biểu của ông Cường, nhất là sau khi vụ việc khu đô thị Thủ
Thiêm bị dư luận mổ xẻ và Thanh tra chính phủ vào cuộc, văn hóa “nhúc nhích” hình
như đã được cải thiện đáng kể qua câu chuyện “rúc rích” về nhà hát nhạc giao
hưởng thành phố.
Người cần đầu tiên có lẽ là vị Giám đốc nhà hát này bởi theo lời ông “Tới thời điểm hiện tại, trụ sở làm việc HBSO (nhà hát giao hưởng - NV) vẫn
đang là ở tầng hầm Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài việc không có trụ sở làm việc ổn
định thì khi chuẩn bị những vở lớn hay các chương trình đều phải đi thuê, mượn
điểm tập”. [4]
Vẫn biết giao hưởng nhạc vũ kịch là loại hình “văn hóa cao siêu”, cả người
biểu diễn lẫn người thưởng thức đều phải có sự “thẩm thấu văn hóa” khác người.
Tuy nhiên giá như ông Giám đốc Nhà hát giao hưởng biết rằng phía dưới tầng
hầm Nhà hát thành phố vẫn còn hệ thống cống ngầm mà các “Đại biểu Hội đồng nhân
dân thành phố phải khóc khi thấy công nhân ngâm mình dưới cống rác” [5] thì ông
có nên chê “tầng hầm Nhà hát Thành phố”?
Thứ hai, tình trạng ngập úng
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tức là thời kỳ người ở độ tuổi lao
động chiếm khoảng 70%. Với 13 triệu người sinh sống trên địa bàn, mỗi ngày có
khoảng 9 triệu người phải rời nhà đến nơi làm việc.
Khi Trịnh Công Sơn sáng tác câu hát “Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng”, Sài
Gòn đâu đến nỗi cứ mưa là ngập?
Đường ngập như sông là sản phẩm mà chính quyền và người dân thành phố tạo
ra suốt mấy chục năm sau ngày giải phóng.
“Sông” trên đường phố Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh cắt từ clip trên Vietnamnet.vn) |
Vậy nhu cầu của những người dân “lội sông” trên đường phố có phải là muốn
một nhà hát giao hưởng hay đơn giản chỉ là những con đường khô ráo?
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của thành phố từ tháng 4/2018 đến nay đắp
chiếu vì mâu thuẫn giữa các đơn vị tham gia, vậy đây có phải là việc cần ưu
tiên hay chỉ là thứ yếu?
Thứ ba, tình trạng tội phạm xã hội
Tình trạng nghiện hút, cướp giật trên đường phố, các băng nhóm tội phạm
thanh toán công khai bao năm qua đã được cải thiện?
Báo Nhân dân điện tử trong bài “Người dân thành phố lo tội phạm lộng hành”
viết:
“Tình hình tội phạm tại thành phố còn
diễn biến phức tạp. Số vụ cướp giật giảm xuống nhưng tính chất và mức độ nguy
hiểm lại gia tăng. Bọn tội phạm sẵn sàng dùng hung khí chống trả quyết liệt.
Vụ trộm xe SH mới đây hay vụ chặt tay
nạn nhân ở cầu Phú Mỹ (quận 7), cướp ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) là những
thí dụ điển hình”. [4]
Thư tư, tình trạng thiếu lớp học
Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam viết:
“Dù Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng số
phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, nhiều khu đô thị mới
xây dựng không có quy hoạch trường học…
Nhiều khu đô thị mới mọc lên ngay nội
thành quy tụ cả ngàn hộ dân nhưng trường học không có”.
Những người chịu trách nhiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh có biết thiếu trường
học cho thế hệ tương lai của đất nước mang lại hậu quả tai hại thế nào?
Nếu đem 1.500 tỷ đồng xây nhà hát để xây dựng trường học thì được bao nhiêu
ngôi trường?
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ cấp thiết hơn hay nhà hát giao hưởng cấp thiết
hơn?
Khi đời sống vật chất khấm khá, khi mặt bằng dân trí được nâng cao, nhu cầu
hưởng thụ, giải trí thay đổi thì việc xây dựng nhà hát giao hưởng là tất yếu.
Khi những nhu cầu tối thiểu là học tập, đi lại, trật tự xã hội,… của người
dân còn chưa được cải thiện thì vội gì nghĩ đến nhà hát giao hưởng?
Đối với người dân Thủ Thiêm nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung,
đòi hỏi cấp thiết lúc này là công khai cho nhân dân biết những ai đã góp phần
tạo nên oan trái cho người dân suốt 20 năm kể từ khi bắt đầu giải tỏa xây dựng
khu đô thị này.
Công khai tên tuổi và công khai biện pháp xử lý chứ không phải chỉ là những
lời hứa khi tiếp xúc cử tri.
Có một ý kiến lan truyền trên mạng xã hội trích dẫn lời cố Thủ tướng Phan
Văn Khải về vai trò quản lý nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
“Thành tựu kinh tế của Sài Gòn là hiệu số
giữa sự phát triển tự thân mà lẽ ra nó phải có trừ đi những tổn thất do sự quản
lý mà chính quyền gây ra”.
Tuy chưa có nguồn kiểm chứng chính xác lời nói của cố Thủ tướng Phan Văn
Khải song thực tế cho thấy những gì nêu trong bài viết này chính là kết quả của
sự quản lý, điều hành mà chính quyền thành phố mang lại từ 1975 đến nay.
Muốn thành phố phát triển thì phải xóa được việc dân mỗi khi ra đường phải
“nhúc nhích”; cán bộ, dân biểu phải từ bỏ thói “rúc rích” mỗi khi lấy ngân sách
đầu tư xây dựng cơ bản.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.nhahatbenthanh.com.vn/Nha-hat-Ben-Thanh/testing/Gioi-thieu-Nha-hat-Ben-Thanh.aspx
[2]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/du-an-xay-nha-hat-giao-huong-1-500-ty-o-thu-thiem-co-tu-khi-nao-482321.html
[3] http://www.hanoioperahouse.org.vn/vi/hanoi-opera-house-history
[4]http://plo.vn/thoi-su/tphcm-hien-nay-co-bao-nhieu-nguoi-bao-nhieu-xe-co-721690.html
[5]http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/36419202-nguoi-dan-thanh-pho-lo-toi-pham-long-hanh.html
Xuân Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire