23/10/2018

VỞ DIỄN NHẠT NHÒA

MÊNH MÔNG TH S Đ GIÓ CUN ĐI
SỐ 54

Tương Lai
 
Ngồi trên xe quay về từ một đám tang, HTM nhắc chuyện ký vào thư gửi Quốc hội sẽ họp ngày 22.10.2018 đòi ứng viên chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cần công khai tài sản trước khi quốc hội bỏ phiếu. Pha chút hài hước, HKB nhắc lại câu chuyện đã kể nhiều lần: “nghệ sĩ BT có lần vừa cười vừa nói với tôi, các vị ấy cứ diễn kịch hoài nhưng chúng tôi đâu có lạ, họ diễn đâu bằng chúng tôi được, họ định thay nghề của chúng tôi sao? Làm chi chuyện ấy cho mệt”! Cũng là chuyện tầm phào như bao chuyện tào lao khác xoay quanh nhân vật có quá nhiều điều tiếng với bao đồn thổi, từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực, chiếm lĩnh quá nhiều thời lượng phát hình trên màn tivi sáng trưa chiều tối, đệm thêm loa phường, loa xóm… Ấy vậy mà rồi “điều đâu bay buộc ai làm”, tin đồn vẫn cứ khuấy động lên ngày càng lan rộng, bao xôn xao, đàm tiếu quanh màn kịch mà ông ta vừa “diễn”!


Chắc phải có nguồn cơn gì đây chứ đâu phải “này ai đan dậm giật giàm bỗng dưng”?

Thế rồi câu chuyện có thêm tình tiết mới. Vở diễn tăng thêm kịch tính, sân khấu chính trị nhộn nhạo hẳn lên. Chỉ là vì, đã có biểu quyết “trăm phần trăm” ở nơi chóp bu, ngay lập tức các nhân vật nhẵn mặt với nghề tung hứng đã ồn ả đánh tiếng trên tivi. Rồi hùng hồn những câu trả lời phỏng vấn đài nước ngoài. Rồi các bài viết được rải đều lên mặt báo nhà nước để quảng bá cho “quyết định sáng suốt và kịp thời” về “nhất thể hóa”, một “chủ trương lớn” đã từng được “làm thử” ở tỉnh Quảng Ninh , nhiều huyện, nhiều xã…Thế rồi, đợi đúng thời điểm trời cho, vị Chủ tịch đương nhiệm mà ai đó muốn thay “đang sống…chuyển sang từ trần” như cách nói của Bút Tre. Vậy là, phông màn đã sẵn, kịch bản đã duyệt, kéo màn lên, trống kèn tùng tùng xòe, diễn!

Quả là “hay không bằng may”, dù “mười chưa cầm thì cứ năm nắm chắc” vẫn hơn, các cụ chẳng từng có nhời răn như vậy, chớ có sai. Phải quyết ngay tắp lự cho chắc ăn, dùng dằng có khi “đêm dài lắm mộng” thêm mệt đầu. Lại phải thỉnh thị báo cáo, trao đi đổi lại nhỡ rồi “nhất dạ bá kế” thì lôi thôi! Hơn nữa chuyện “chuẩn bị” thì chẳng phải ngày một ngày hai mà đã hàng năm.

Nghề chơi cũng lắm công phu” bao ngón nghề đã phơi ra trước mắt bàn dân thiên hạ, chiêu hiểm, chiêu độc đều đã lộ diện. Thì chẳng phải David Hutt, ký giả sành sỏi về tình hình Việt Nam và Đông Nam Á của tờ Asia Times trích lời ông Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam của đại học New South Wales: “Từ khi có tin Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang bệnh nặng, ông Trọng đã bắt đầu vận động hành lang cho việc nhất thể hóa” như BBC dẫn ra ngày 4.10.2018 đó sao.

Một cây bút lý luận của Việt Nam thì tỏ vẻ kiêu sang, đắc chí gọt giũa một phẩm bình chắc nịch được pha thêm vào chút gia vị triết lý: “Lịch sử đã chuẩn bị, đã mở đường đi cho nó, chỉ có điều chúng ta chưa cảm nhận thấy hết và không hình dung nó nhanh như chúng ta…mong đợi thôi!” để Vietnamnet trang trọng đăng lên ngày 4.10.2018! Nên nhớ cho là “Lịch sử đã chuẩn bị” và lịch sử “đã mở đường đi cho nó” rồi đấy nhé. Tức là “mở đường”cho chuyện ông Chủ tịch Nước Trần Đại Quang “không may mất đi rất đột ngột mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay” mà ông Trọng lấy làm đau đớn nhắc lại trong cuộc gặp cử tri Hà Nội ! Thì ra kịch bản của vở diễn này đâu phải do ai đó biên soạn mà là do chính “lịch sử đã chuẩn bị”, “lịch sử đã ở đường đi cho nó”. Một đấng minh quân xuất hiện thì phải vậy mới xôm trò chứ! Lý luận và văn tài tụng ca đến cỡ ấy thì chẳng còn gì để nói nữa. Tùng tùng xòe, bắt đầu đi!

Thôi thì khỏi rạch ròi thêm “chúng ta” đây là những ai, và “mong đợi” là mong đợi cái gì từ câu chuyện “đục nước béo cò, đắm đò giặt mẹt” quá ư ê chệ và đáng tủi hổ này.Tưởng vậy là đã có thể hạ màn cho một đoạn công diễn mùi mẩn kéo dài để còn chuẩn bị cho một màn bi hùng mới. Tuy đào kép cũ song với công nghệ 4.0 được vận dụng một cách hào phóng, chắc cũng đủ sức huy động khán giả, quyến rũ người xem. Thế mà lại vẫn chưa xong, kịch bản phải được bổ sung, đạo diễn phải được tập huấn lại, phông màn phải hiện đại hơn. Chả là chẳng hiểu nội tình cắc cớ làm sao, trong buổi gặp cử tri Hà Nội hôm 8.10.2018 như BBC đưa tin: “ ông Trọng cho hay việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước "Không phải nhất thể hóa" mà chỉ là giải pháp "tình huống". Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang - nguyên Chủ tịch nước mất đi, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay. Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay; Bộ Chính trị, Trung ương chuẩn bị nhiều phương án, quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm và nhất trí cao giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Đây là ý kiến của Trung ương còn ra Quốc hội sẽ bầu".

Ông Trọng còn cẩn thận lưu ý bà con rằng: “không nên nói là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì được nhưng không đúng nghĩa”. Tổng Bí thư giải thích:  “Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ thì sẽ không chuẩn; đồng thời cũng không nói nhất thể hoá, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này”.

Lại chuyện gì đây? Sao đấng minh quân lại ấp a ấp úng lúng túng như gà mắc tóc làm vậy?

Đột ngột” kiểu gì khi mà “bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay”! Mà sao lại cần giải pháp tình huống khiến ông Trọng phải mất công vạch ra? Chẳng phải Hiến pháp đã chuẩn bị sẵn cho tình huống này rồi sao. Thì đó, điều 93 Hiến pháp 2013 ghi rành rọt :“Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước”, cũng tức là “giải pháp tình huốngđã có sẵn trong Hiến pháp! Mà thực tế thì bà Phó Chủ tịch Nước Đặng thị Ngọc Thịnh đã vào vai rồi. Chỉ có điều, trong danh sách Ban Lễ tang, tên và chức danh Quyền Chủ tịch Nước của bà xếp thứ 17, khiến cho một cụ về hưu ở Hà Nội gọi điện đòi tôi phải giải thích, mà cái thằng tôi này thì chẳng biết mô tê gì ngoài chuyện thưa với cụ là vì “Đảng trên hết”, nên dù là quyền Chủ tịch Nước thì cứ phải đứng sau các Ủy viên Bộ Chính trị khi mà bà chỉ là Ủy viên TƯ! Chẳng thế mà nhiều khán giả vô tâm không lưu ý rằng, ngay trong sự lúng túng, ông Trọng vẫn nhập tâm về vai trò của mình: “đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ thì sẽ không chuẩn.

Chớ có nghĩ bậy rằng đấng minh quân đang nói về vai diễn chính phụ trong vở kịch ngài đang phải nhập vai. Là người đã quyết liệt phản đối tam quyền phân lập nên ông Trọng rất “chuẩn” trong xác định “vai chính”, “vai phụ” nơi triều chính! Một khi mà ai nói đến “tam quyền phân lập” bị ông Trọng quy chụp là “thoái hóa chính trị, tư tưởng, đạo đức”, một khi ông đã khẳng định Hiến pháp phải đứng sau Cương lĩnh của Đảng thì Tổng Bí thư đương nhiên phải đứng trên Chủ tịch Nước! Vì thế ngay trong câu chuyện tự miệng ông nói ra “bầu cho một người để làm hai công việc này”, ông vẫn không chút lơ là về vai trò độc tôn của mình. Người xưa thật thâm trầm và chí lý khi đưa một đúc kết : “quân tử ẩn hình, tiểu nhân lộ tướng” còn Nguyễn Du thì đòi “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”! Mà thật ra, “trên trần ai, ai dễ biết ai”.

Nhưng nếu chỉ thế thì cũng chẳng nên chuyện. Dân tình vẫn còn nhớ rõ, không ai khác, chính ông ta từng phê phán việc “nhất thể hóa”. Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm dạo tháng 5 năm 2015, ông nhận xét về "nhất thể  hóa": “Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông? Trên Asia Times, David Hutt đặt ra câu hỏi: “dường như ông Trọng đã thay đổi suy nghĩ. Bởi trước đây ông Trọng từng tỏ ý lo ngại về quyền lực tập trung không thể kiểm soát”. David Hutt đưa ra 2 khả năng: Một là ông Trọng muốn tăng cường quyền lực chính trị cho bản thân mình. Hai là việc kết hợp hai chức danh này vào thời điểm Đảng Cộng sản và xã hội Việt Nam đang đối diện với quá nhiều những biến động đòi hỏi phải nhanh chóng ổn định. Cánh nhà báo nước ngoài vốn rất cẩn trọng và dè dặt khi đưa ra những bình luận, nói có sách mách có chứng là điều cần thiết mà những tờ báo lớn đưa tin hoặc đăng bình luận. Ấy thế mà David Hutt, cây bút theo dõi chính trị Việt Nam của tờ “The Diplomat” rành rọt nhận định: “Ông Nguyễn Phú Trọng tính toán sẽ kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, một sự hợp nhất hai chức danh quyền lực có thể giúp ông trở thành Tập Cận Bình của Việt Nam.”. David Hutt cho rằng: “Với việc được gia tăng quyền lực đáng kể trong hai năm tới, không có gì đảm bảo ông Trọng sẽ tuân thủ các quy tắc của đảng CSVN về nhiệm kỳ và độ tuổi lãnh đạo mà theo đó, ông sẽ phải rời ghế tổng bí thư năm 2021. Một khi có nhiều quyền lực hơn trong tay, ông Trọng có thể quyết định thay đổi luật chơi và không loại trừ khả năng tiếp tục ứng cử làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước vào năm 2021 theo kiểu của ông Tập” .

Tiến sĩ Phạm Quý Thọ tại Học viện Chính sách và Phát triển thì nêu vấn đề về “nhất thể hóa” có phần cẩn trọng hơn: “Câu hỏi lớn nhất cho nhất thể hoá là liệu “quyền lực tuyệt đối có dẫn đến tha hoá tuyệt đối”, mà Lord Acton đã cảnh báo từ thế kỷ 19, và được phân tích nhiều, đặc biệt khi cạnh tranh gay gắt giữa hai mô hình thể chế: cộng sản và tư bản trong thế kỷ 20. Hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ, nhưng còn đó mô hình Trung Quốc ở châu Á…Theo ông Thọ, do “thiếu vắng nền tảng lý thuyết về mô hình chuyển đổi từ thể chế tập trung sang thị trường, cho nên Trung Quốc vẫn đang là kinh nghiệm đáng giá nhất cho Việt Nam, vì tính tương đồng của hai hệ thống chính trị. Yếu tố Trung Quốc trong đời sống chính trị Việt Nam luôn phức tạp và nhạy cảm, không chỉ về kinh tế, xã hội mà đặc biệt chính trị, khi “tình hữu nghị giữa hai Đảng cộng sản và các nhà lãnh đạo” luôn được đề cao”. Ông Thọ nói rõ: “ nguyên nhân quan trọng mang tính thể chế khiến Trung Quốc xuất hiện Hoàng đế đỏ”, khi lãnh đạo Tập Cận Bình được quy hoạch đã “chín muồi'”. Cho dù thận trọng, ông Thọ vẫn phải nói ra một sự thật: "Vì tương đồng về thể chế chính trị, cải cách mở cửa ở Việt Nam luôn “nhìn” sang Trung Quốc để học tập...Nay là vấn đề nhất thể hoá. Thể chế chính trị như một khuôn đúc định hình sản phẩm. Không thể có sản phẩm khác mẫu trong khuôn đúc giống nhau. Vậy thì liệu người dân có thể hy vọng vào một mô hình dân chủ cho VN tới đây hay không”?

Ông Thọ tế nhị không đưa ra câu trả lời, mà thật ra câu trả lời đã nằm ngay trong câu hỏi! Theo mô hình của Tầu với “Hoàng đế đỏ”, Việt Nam rồi cũng sẽ phải vậy thôi khi mà cái nền tảng kinh tế cũng được xây đắp từ những nhóm lợi ích của những nhà tư bản đỏ gắn chặt với bộ máy quyền lực với “sân trước, sân sau” được rào giậu kỹ càng, câu kết chặt chẽ theo kiểu maphia được sơn phết, trang hoàng bằng những tấm áo Mác-Lênin lộng lẫy bắt mắt nhằm che đi những khoản thu nhập khổng lồ gửi vào nhà băng ở nước ngoài và những đất đai biệt thự đã chờ sẵn ở đó. Đúng là “trong khuôn đúc giống nhau” thì “không thể có sản phẩm khác mẫu”. Bên kia có “hoàng đế Tập Cận Bình” thì bên này cũng phải là “hoàng đế Nguyễn Phú Trọng”. Nhà lý luận từng khẳng định chuyện “nhất thể hóa” là lịch sử đã chuẩn bị, đã mở đường đi cho nó”, tức là cho “hoàng đế đỏ” ở Việt Nam chắc là phải chuẩn bị cho đội ngũ những nhà lý luận chính thống quen dần với các từ “trẫm” và “bệ hạ sẽ phải vận dụng trong xưng hô “nhanh như chúng ta…mong đợi thôi”! Những ngôn từ làm vật trang sức rẻ tiền, dễ kiếm kiểu “Chủ nghĩa Mác- Lênin”, “định hướng XHCN” e rồi sẽ nhanh chóng phải lột bỏ như bên Tàu đã dẹp dần mà tham gia vào cuộc đua tăng trưởng để nhanh chóng đạt được chỉ tiêu của một chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc của Tập Hoàng đế.

Cứ xem cách trang trí Hội trường không còn treo ảnh Mác, Angghen, Lênin cũng dần hiểu ra người ta đang toan tính những gì. Một chủ nghĩa tư bản thân hữu đang hiện diện rõ nét trong bộ máy quyền lực các cấp với nguồn sở hữu mà những người nắm quyền sẽ hiểu ngay ra điều không còn mấy bí mật ấy. Cái quy luật mà Max Weber từng chỉ ra: “quyền lực đẻ ra sở hữu” đang hàng ngày hàng giờ được cấp tập phát huy theo cách mà Lê nin đã cảnh báo “tranh thủ ngoạm một miếng rồi chuồn”! Người ta hăm hở “trung thành với chế độ, với đảngtrong ngôn từ, để trong ứng xử thực tiễn là trung thành với một thể chế đang duy trì và bảo vệ quyền sở hữu mà họ đang chiếm được bằng quyền lực họ vừa giành được trong cuộc loại bỏ đối thủ.

Một thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) vào tháng 3 năm ngoái cho thấy, người Việt Nam đã chi tới 3 tỉ USD vào việc mua bất động sản tại Mỹ từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017. Cũng báo cáo trên cho biết năm 2017 người Việt Nam đứng thứ 6 trong top 10 nước hàng đầu có công dân mua nhà ở Mỹ. Theo thống kê của Công ty Tư vấn đầu tư EB-5 có văn phòng giao dịch tại phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), số lượng visa định cư Mỹ diện đầu tư EB-5 [hiểu nôm na là đầu tư tối thiểu 500.000 USD (11.7 tỷ đồng) vào tài sản hoặc các hạng mục kinh doanh đã được chính phủ Mỹ phê duyệt và hoàn vốn sau khi có thẻ xanh vĩnh viễn và khi tham gia, nhà đầu tư sẽ có được thẻ xanh cho cả gia đình và sau đó chính thức trở thành một công dân Mỹ]. Số này đã tăng từ 121 visa (năm 2014) lên 280 visa (năm 2015) và 334 visa năm 2016.  Với số lượng visa mới này, Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc! Ngoài Mỹ, Australia, Canada cũng là điểm đến hấp dẫn.Vũ Kim Cự, nguyên Bí thư Hà Tĩnh nhiều tai tiếng từ vụ Formosa, bị kỷ luật, buộc thôi đại biểu Quốc hội, vừa ung dung lên máy bay đến định cư ở Canada là một ví dụ. 


Cái “nguyên nhân quan trọng mang tính thể chế khiến Trung Quốc xuất hiện Hoàng đế đỏ” mà tiến sĩ Phạm Quý Thọ phân tích ở trên được hiện lên rõ mồn một qua những điều vừa dẫn ra!

Có lẽ ai đó quá nôn nóng với mộng đế vương sẽ hiểu ra ngay phải làm gì khi cơ may “trời cho” khó có ngày lặp lại, nên dù có phải bị nguyền rủa là quá ư tàn nhẫn trong thủ đoạn loại trừ đối thủ, rồi lại quá cấp tập đặt ngay ngai vàng quyền lực trên mảnh đất vừa vùi chôn người quá cố chưa nhú nổi một chồi cỏ xanh, bất chấp, vẫn cứ phải dấn tới bằng được! Để làm gì? Để đề phòng cái mầm hậu họa. Sau cái may trời cho “phúc bất trùng lai” phải chộp ngay lấy nó, đồng thời lại phải nghĩ ngay vẫn còn kia cái “họa vô đơn chí” vẫn đang là nhỡn tiền. Chỉ một chuyện, liệu có tin nổi lòng người là “chăm phần chăm” không nhỉ? Đâu có dễ xuôi chèo mát mái làm vậy!

Phải dày công luyện “thập bát ban võ nghệ”, lại phải cử thân tín sang tu nghiệp, tập huấn công tác cơ cấu, luân chuyển cán bộ của các đạo sư “cùng chung ý thức hệ” bên Tàu mới đưa ra được những tuyệt chiêu cho việc loại trừ đối thủ, thâu tóm quyền lực bằng những “quy định” ngang xương, trói tay đối phương. Thế thì liệu có thể rồi ra tất cả lại răm rắp tán thành sau cái cứ cho là “ quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm và nhất trí cao” chăng? Ngẫm lời cụ Ôn Như Hầu mà chờn chợn “Tiêu điều nhân sự đã xong, Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư” thì quả thật “vui gì thế sự mà mong nhân tình”!

Liệu có phải vì thế mà ngôn từ, huấn lệnh của đấng quân vương cứ rối như tơ vò, ý tứ cứ đá nhau loạn xà ngầu. Đã thế, trò đời “sinh sự thì sự sinh”, lại phải làm sao đối phó cho êm với đòi hỏi kê khai tài sản trước khi Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước. Thì chẳng phải về chuyện này đã nói trước cử tri dạo mới đây rồi sao: “Trước các sự kiện lớn, rồi đề bạt và bổ nhiệm thì đều có kê khai. Vấn đề là ở chỗ có kê khai đúng, chính xác và trung thực không, có công khai không. Ai đảm bảo việc kiểm tra  giám sát kê khai là đúng hay sai”. Lại cũng đã cố giải thích, và báo chí nhà nước đã rành rọt trương lên để RFA ngày 21.6.2018 đăng tải: “Về kê khai tài sản, công khai, kiểm soát tài sản, Tổng bí thư khẳng định đây là vấn đề khó. Khó vì nó thiên biến vạn hoá, nhiều biến tướng, kê khai thế nào rất khó kiểm soát. Cái khó nữa là liên quan đến luật khác về quyền cá nhân, quyền công dân về bí mật tài sản, không phải cái gì cũng công bố toàn thế giới là tài sản ông này có cái gì. Tất nhiên có quyền bí mật tài sản nhưng mặt tiêu cực của nó là bí mật khó kiểm soát nên có chuyện trí trá trong kê khai"!

Quả có chuyện ấy! Thế còn với luật an ninh mạng tạo cơ sở cho công an vi phạm bí mật đời tư, quyền riêng tư của công dân thì sao đây? Chẳng lẽ lờ tịt ư? Đành rằng, trong buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân này cũng chẳng mấy ai hoài hơi bận tâm đến những đòn hội chợ thời thượng cứ chăm chăm chú mục vào chuyện “đom đóm sáng đằng đít”!

Những ngày tới khi toàn cảnh được công diễn chắc sẽ có nhiều chuyện sẽ phải phơi bày, bàn dân thiên hạ sẽ có dịp đối chiếu với những đúc kết mang tầm vóc lịch sử để mà giải thích cho rõ những lúng túng trong ngôn từ, huấn lệnh của đấng quân vương cứ ấp úng lúng túng như gà mắc tóc vừa nói ở trên. Ví như sự phẩm bình có giá trị như sự đúc kết quy luật của cuộc sống của Tư Mã Thiên, nhà sử học thiên tài của thời cổ đại :“ham muốn nhiều thì sinh lo nghĩ, lòng người khó lường” [Hoài Âm Hầu liệt truyện. Sử Ký Tư Mã Thiên, trang 668].

Dẫn Tư Mã Thiên không phải là ngẫu hứng, mà là có duyên do.

Phải dừng “Điểm tin đáng đọc” đã mấy tuần vì cảm cúm nằm dài. Biết là có hại và sẽ giảm sút thị lực sau khi mổ mắt, nhưng nằm một chỗ thì càng khó chịu hơn, nên vẫn cứ phải mở Tư Mã Thiên ra đọc. Thế rồi, cuốn “Sử Ký ” từng trang, từng trang giục giã, càng đọc lại càng nôn nao, đầu óc không yên.  Ngòi bút của “người thầy của giới sử học” ấy khuấy động tâm tư vốn đã bất an vì thời cuộc! Bởi lẽ, nội dung của “Sử ký” tuy nói chuyện cổ đại bên Tàu nhưng sao cứ ngồn ngộn những hình ảnh, những sự kiện của dòng đời cứ như đang cuồn cuộn chảy giữa cuộc sống xô bồ, nhem nhuốc này.

Nhữ Thành, người dịch Tư Mã Thiên có nhận định rằng, đối với sử học Trung Quốc, Tư Mã Thiên là người duy nhất nói về đương thời. Các sử gia về sau chỉ viết về một triều đại khi triều đại ấy đã chấm dứt. Họ sợ hiện tại và lẩn tránh nó. Trái lại, Tư Mã Thiên đã dành một nửa tác phẩm cho giai đoạn từ Hạng Vũ dến Hán Cao Tổ, tức là quãng thời gian ông sống và viết sách (lúc ông lên sáu thì Hán Cao tổ [Lưu Bang] lên ngôi và ông chết cùng một năm với Hán Cao Tổ).

Tôi nhớ có lần anh Phan Ngọc [tức Nhữ Thành] nói trong dịp tôi mời anh đến trình bày trong một sinh hoạt khoa học của Viện về tác phẩm Hàn Phi Tử anh vừa dịch : “tôi không có thì giờ để trình bày, nhưng tôi nghĩ là anh nên dành thời gian đọc thật kỹ về “Sử Ký Tư Mã Thiênđể có tầm mắt rộng mở về thế sự đang diễn ra”. Tôi đã nhiều lần thực hiện lời khuyên của anh, và nay, có lẽ cũng đã gần 40 năm từ dạo ấy, tôi lại đọc lại Tư Mã Thiên và càng thấm thía hơn lời anh, người bạn uyên bác mà tôi kính làm thày vì những khuyên bảo đầy trí tuệ của anh. Từ một điểm quy chiếu cần thiết, những đúc kết của nhà viết sử cổ đại ấy đã rọi ánh sáng vào những góc khuất của cuộc sống con người hôm nay với những cơn biến động trong cuộc tranh bá đồ vương ở nước Tầu láng giềng, quê hương của Tư Mã Thiên. Mà nói như chính tác giả tự bộc bạch : “Cuốn “Sử Kýviết cho những người của nó”, và tôi tìm thấy mình trong “những người” ấy!

Để rõ hơn lời phẩm bình mang tính đúc kết của Tư Mã Thiên, xin dẫn tiếp đoạn về những lý lẽ của Khoái Thông nói với Hàn Tín đã chép ở trên: “nay túc hạ [chỉ Hàn Tín] muốn làm việc trung tín để kết giao với Hán Vương thì thế nào tình bạn cũng không vững chắc hơn tình bạn của hai người kia. Đã thế, công việc lại nhiều và lớn hơn việc Trương Yêm, Trần Trạch, cho nên túc hạ tin rằng Hán Vương sẽ không hại mình là lầm to! Ngày xưa Phạm Lãi, Văn Chủng làm cho nước Việt sắp mất được tồn tại, Câu Tiễn dựng được nghiệp bá, lập nên công, được thành danh, thế mà người thì chết, kẻ thì bỏ trốn.

Thú trong đồng nội đã hết thì chó săn bị nấu. Nói về mặt bạn bè thân thiết thì túc hạ với Hán Vương không bằng Trương Nhĩ với Thành An Quân. Nói về mặt trung tín thì chẳng qua như đại phu Chủng, Phạm Lãi đối với Câu Tiễn là cùng. Túc hạ cứ xem hai người đó là đủ rõ….Túc hạ mang cái uy lấn át cả chủ, ôm cái công không có cách nào thưởng, theo Sở thì người Sở không tin, về Hán thì người Hán hoảng sợ. Túc hạ muốn mang cái công lao, cái mưu lược ấy về đâu?...Tôi trộm lấy làm nguy cho túc hạ… Đại phàm công lao thì khó thành mà dễ bại, thời cơ thì khó được mà dễ mất. Ôi! Thời cơ không trở lại. Xin túc hạ xét cho rõ”.

Hàn Tín vẫn do dự, cuối cùng bị chết vào tay Lữ Hậu. Thấy Tín đã chết, Hán Vương vừa mừng vừa thương, hỏi: “ Lúc chết Tín có nói gì không?  Lữ Hậu nói : “Tín tiếc không dùng mưu của Khoái Thông”. Hán Vương sai bắt và định giết, Khoái Thông phân trần : “Lúc bấy giờ thần chỉ biết có Hàn Tín, không biết có bệ hạ. Vả chăng, những kẻ mài giáo, cầm lao muốn làm những điều bệ hạ đã làm cũng rất nhiều, nhưng chỉ vì họ không đủ sức đấy thôi. Bệ hạ có thể giết tất cả được không”?

Chuyện cổ đại bên Tàu mà cứ như những mảng sống động của cuộc sống đang bủa vây quanh ta, rọi soi những điều vốn được gọi là thâm cung bí sử trong những diễn biến chính trị mà ở đó luôn ẩn dấu những mưu ma chước quỷ, những toan tính sống mái nhày nhụa và ghê tởm, nhằm giành giật những cái ghế quyền lực từ cao xuống thấp. Nhà sử học vĩ đại “viết để hả lòng căm giận” như lời ông tự bộc bạch, còn tôi đọc Tư Mã Thiên là để “có tầm mắt mở rộng về thế sự” như tôi vừa dẫn. Chính vì thế, càng đọc càng giúp tôi thấm thía câu “tôi phản kháng là tôi tồn tại” một tuyên ngôn của Albert Camus, nhà văn được giải Nobel văn chương năm 1957. Tôi tìm thấy trong đó có điểm tương đồng với Tư Mã Thiên thời cổ đại, nhà tư tưởng gắng gượng sống, sống để viết, viết “để sách thay mình nói với cuộc đời” như tâm nguyện của ông.

Càng ngẫm nghĩ về tuyên ngôn Camus, người “đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người trong thời đại của chúng ta” mà kỳ diệu thay, nhà tư tưởng thời cổ đại Tư Mã Thiên cũng có quan điểm chẳng khác mấy ấy, càng hiểu hơn mình sẽ phải viết và cố gắng viết những gì khi mà quỹ thời gian không còn được bao lăm!

                                                                                                             Ngày 21.10.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire