Rhona Smith (trái), Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, ngày 8 tháng 11, 2018 |
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc
về Nhân quyền ở Campuchia, Rhona Smith, kêu gọi chính phủ nước này công bằng và
minh bạch khi xử lí vấn đề các gia đình người Việt Nam bị dời cư tại tỉnh
Kampong Chhnang, báo The Phnom Penh Post đưa tin.
Báo này cho biết bà Smith đưa ra phát
biểu này trong một cuộc họp báo ngày thứ Năm tại Văn phòng Trưởng Cao ủy Nhân
quyền vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm 11 ngày ở Campuchia, nơi bà gặp gỡ
các quan chức chính phủ cao cấp, các đại diện xã hội dân sự và các thành viên
cộng đồng ngoại giao.
Sau khi đi đến tỉnh Kampong Chhnang để
điều tra kế hoạch di dời, bà kết luận “chắc chắn” cần phải bảo đảm có nước và
hệ thống vệ sinh cũng như quản lí bền vững nước và hệ thống vệ sinh cho những
người bị di dời, và bảo tồn Hồ Tonle Sap và các nguồn tài nguyên sông.
“Chính quyền tỉnh cũng công nhận sự cần
thiết phải bảo đảm rằng kế hoạch di dời sẽ không làm cho người dân khổ cực hơn,
điều sẽ đi ngược lại nỗ lực giảm nghèo của chính phủ,” bà được dẫn lời nói.
Bà nói thêm rằng một số người bị ảnh
hưởng thuộc diện nghèo nhất trong khu vực và đa số không có giấy tờ tùy thân
cho phép họ tiếp cận được các dịch vụ và các quyền cơ bản.
Bà Smith cũng lưu ý rằng chính quyền đã
làm việc với một công ty tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, và
cung cấp các dịch vụ công ích như điện và nước sạch tại một trong các khu tái
định cư được đề xuất.
Tuy nhiên, bà kết luận rằng các địa điểm
tái định cư khác vẫn còn thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp.
“Tôi kêu gọi chính phủ cải thiện các
cách thức giải quyết các vấn đề phức tạp về quyền sử dụng đất, bằng sự minh
bạch và công bằng hơn, và bằng cách bảo đảm áp dụng một phương thức tổng thể để
giải quyết tranh chấp đất đai khi cân nhắc việc di dời. Chỉ có bằng cách này
thì không ai bị bỏ lại phía sau,” bà được dẫn lời nói.
Báo Phnom Penh Post cho biết trong cuộc
gặp với Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng hôm thứ Tư, bà Smith bày tỏ lo ngại về kế
hoạch tái định cư, nói rằng việc này sẽ vi phạm nhân quyền.
Nhưng ông Sar Kheng lập luận rằng chính
quyền có trách nhiệm cải thiện vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Ông nói rằng nhà chức trách đã chú ý
nhiều hơn đến các khía cạnh nhân quyền của bất cứ việc gì họ làm. Không có nhân
quyền nào bị vi phạm hoặc tài sản nào bị tịch thu vì họ tuân thủ luật pháp
trong khi duy trì trật tự.
Một số cư dân người Việt từng sống trên
Hồ Tonle Sap (Biển Hồ) trước đó nói với VOA rằng cuộc sống ở nơi tái định cư
rất cơ cực và thiếu thốn đủ thứ. Một số người nói họ xin rời đi nhưng bị nhà
chức trách cản trở, thậm chí bị phạt và bị tước giấy tờ.
Hàng ngàn người Việt ở Campuchia đã trở
về Việt Nam bằng thuyền và hiện đang tạm cư trong tình trạng nghèo khổ và vô tổ
quốc tại hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, cũng như các tỉnh Long An, An Giang, Đồng
Tháp, Đồng Nai và Kiên Giang.
Nguồn: Theo VOA
Nguồn: Theo VOA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire