Hồng Thủy
(GDVN) - YJ-12B có thể giúp Trung Quốc tấn công các tàu chiến trong bán
kính 550 km, tên lửa phòng không HQ-9 có thể bắn hạ máy bay quân sự trong bán
kính 300 km.
Philippines Daily Inquirer ngày 11/11 đưa tin, Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc
gỡ bỏ các tên lửa của mình khỏi 3 đảo nhân tạo mà họ xây dựng (bất hợp pháp)
trên quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Kêu gọi này được Hoa Kỳ đưa ra sau cuộc đối thoại cấp cao về an ninh và
ngoại giao Trung - Mỹ tại Washington hôm thứ Bảy 10/11. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
cho biết:
"Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc rút hệ
thống tên lửa khỏi các cấu trúc địa lý tranh chấp trong quần đảo Trường Sa,
đồng thời tái khẳng định lập trường các nước nên tránh giải quyết tranh chấp
bằng cưỡng chế hoặc đe dọa."
Tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc, ảnh minh họa: China Military Review. |
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ trực tiếp lên tiếng về tên lửa Trung Quốc ở
Trường Sa kể từ khi xuất hiện thông tin đầu tiên về việc Bắc Kinh bố trí vũ khí
trên 3 trong 7 đảo nhân tạo mà họ xây dựng (trái phép) ở Trường Sa.
Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ngụ ý rằng, người Mỹ tin vũ khí
Trung Quốc vẫn đang hiện diện trên đảo nhân tạo.
Bắc Kinh phản hồi yêu cầu này bằng cách yêu cầu Mỹ dừng điều tàu chiến và
máy bay đến Biển Đông, Washington lập tức bác bỏ yêu cầu này bằng khẳng định
tiếp tục cho chiến hạm, phi cơ quân sự hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp
quốc tế cho phép.
Tháng Năm năm nay, đài CNBC đưa tin Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng
không và tên lửa chống hạm lên 3 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (trái phép) ở
Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
Giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á Gregory Poling bình
luận về tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trên tài khoản Twitter của ông:
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tuyên bố, họ tin rằng các tên lửa YJ-12 và HQ-9
của Trung Quốc đã được triển khai ra Trường Sa từ tháng Năm vẫn còn hiện diện ở
đó, chứ không phải là triển khai tạm thời để phục vụ cho một cuộc diễn tập quân
sự.
Tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B có thể giúp Trung Quốc tấn công các tàu
chiến trong bán kính 550 km, trong khi tên lửa phòng không HQ-9 có thể bắn hạ
máy bay quân sự, máy bay không người lái hay tên lửa hành trình trong bán kính
300 km.
Sự hiện diện của các tên lửa này đã không thể xác nhận được kể từ khi Trung
Quốc cất chúng vào kho.
Alexander Neill từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nói với
Philippines Daily Inquirer vào tháng Năm năm nay, rằng việc triển khai các tên
lửa chống hạm YJ-12 hay tên lửa phòng không HQ-9 có nghĩa là, trên thực tế
Trung Quốc đã có khả năng chống tiếp cận.
Tuần trước Trung Quốc cũng tuyên bố nước này đã mở các trạm quan trắc thời
tiết trên các đảo nhân tạo ở Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi, các chuyên gia hàng
hải tin rằng các thiết bị này có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Nguồn:
https://globalnation.inquirer.net/170952/us-calls-on-china-to-remove-missiles-from-spratly-islands
Hồng Thủy
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire