Xuân Dương
Giá cả những thứ gắn với từ “công” có loại đắt như tôm tươi, có loại lại rẻ
như bèo.
Những thứ đắt có “công chức, công bộc, công trình, công quyền,…”, còn rẻ
như bèo thì có “đất công, xe công, nhà công,…”, giới mua bán gọi chung là “tài
sản công”.
Có một sự trùng hợp thú vị, khi “công” đứng đầu thì rất có giá, đắt chẳng
kém gì vàng, còn khi “công” bị đẩy ra sau thì rất nhiều trường hợp lại biến
thành bèo.
Để cho gọn, loại “công” đứng trước xin gọi tên là “Công tôm”, loại “công”
đứng sau gọi là “Công bèo”.
Xếp “công chức, công bộc” vào nhóm “công tôm” bởi “mặt hàng” này thuộc diện
tiêu thụ đặc biệt, tư nhân không bao giờ xài, chỉ duy nhất Nhà nước là có
quyền.
Hơn nữa, để trở thành “công bộc” việc phải chi rất nhiều tiền ai cũng biết,
cũng nói (nhưng để có bằng chứng thì gần như không thể).
Ảnh minh họa: Vũ Toản/ TTXVN |
Ông cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực từng
khiến không ít người bức xúc, không đồng tình vì phát biểu, rằng muốn thành
công chức - tức là gia nhập hàng ngũ công bộc ở Hà Nội - giá không dưới trăm
triệu đồng.
Có ý kiến cho rằng, phát biểu của ông Dực “chỉ là nói theo dư luận”. [1]
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó
Ban Tổ chức Trung ương cho rằng:
“Việc ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội xác nhận rằng để đỗ
công chức phải mất không dưới 100 triệu không có gì là lạ, chẳng đáng bất ngờ.
Vấn đề ở chỗ có quyết tâm cải tổ không? Nói mà để đấy thì cũng bằng hòa
thôi, vì cái đó ai chẳng biết. Nhưng đỗ công chức mà chỉ mất có một trăm triệu
thôi á?” [2]
Câu nói của ông Nguyễn Đình Hương “Đỗ công chức mà chỉ mất có một trăm
triệu thôi á?” khiến khối người im lặng, không dám giãy nảy lên có phải vì
ông Nguyễn Đình Hương làm bên Tổ chức Trung ương, không phải bên Kiểm tra Thành
ủy?
Nói đến “công trình” không thể không nhắc đến tuyến đường sắt đô thị Cát
Linh – Hà Đông, dự án này đội vốn gấp 2 lần, từ 552 triệu USD lên 868 triệu
USD, tính ra tiền Việt là khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Trong khi cũng với 20 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Sun Group xây dựng ở Quảng
Ninh chỉ trong vòng 2 năm được một sân bay, một con đường cao tốc dài 60 km và
một cầu cảng đón tàu du lịch quốc tế trọng tải cỡ vạn tấn.
Vậy thì dự án đường sắt ấy liệt vào hàng “công tôm” liệu có không đúng chủng
loại?
Thế còn những gì là “công bèo”?
Có một ngoại lệ khi “công” đứng trước nhưng vẫn là “công bèo” ấy là chuyện
văn bằng rởm.
Thuê người học hộ, thi hộ, mượn bằng rồi tẩy xóa thay tên đổi họ, cùng lắm
là mua ngoài chợ đen giá vài ba trăm ngàn đồng là có “bằng rởm”.
Sau khi “công chứng” và kèm thêm tí “ệ” (ngũ ệ) tí “cờ” (ngũ cờ - “C”) là có ngay một vị trí
chốn “công quyền”.
Về điều này chẳng ai dám nói bừa, đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo Phạm Vũ Luận tại phiên họp ngày 25/2/2014 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục
và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Tấn
Dũng đã phát biểu:
“Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ
có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được
các doanh nghiệp tư nhân”. [3]
Chuyện bán nhà, đất, tài sản công ở Đà Nẵng rẻ như bèo liên quan đến Vũ “nhôm” ai cũng biết nên không cần
nói thêm.
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay thành phố này sẽ hủy 300 quyết
định, công văn bán chỉ định đất công. [4]
Bãn “chỉ định” đất công nghĩa là không cần đấu thầu, nghĩa là giá bán do
người hoặc nhóm người có chức vụ của thành phố tự định đoạt.
Liên quan đến vụ cựu Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang chỉ đạo bán
đất Phước Kiển, Báo Nld.com.vn viết:
“Đây là khu đất có vị trí đẹp cạnh sông Sài Gòn nhưng Công ty Tân Thuận bán
giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỉ đồng. Giá này được cho là
rẻ bất thường, nếu bán theo thị trường có thể thu về hơn 2.000 tỉ đồng”. [5]
Vậy 300 quyết định “bán chỉ định đất công” bị “xít tốp” (stop) liên quan
đến bao nhiêu người và thất thoát (nếu bán trót lọt) sẽ là bao nhiêu tỷ đồng?
Không chỉ các địa phương, ngay tại cơ quan trung ương, thông tin cho thấy:
Các bộ ngành, cơ quan Trung ương đã thanh lý tổng cộng 264 xe ô tô công.
Giá trị ban đầu của 264 xe này là gần 80 tỷ đồng, nhưng sau khi thanh lý chỉ
thu về có vỏn vẹn 390 triệu đồng.
Lấy 390 triệu đồng chia cho số lượng xe trên, tính ra chỉ mất 1,5 triệu
đồng là sở hữu được một chiếc xe công. [6]
Người Việt có câu “Bới bèo ra bọ”, ba trăm đám “công bèo” mà Thành phố Hồ
Chí Minh vừa “bới” ra cộng với 264 “công bèo” mà dư luận tìm thấy vụ thanh lý
xe công sẽ làm xuất hiện bao nhiêu “bọ”?
Nếu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và một số “bộ ngành, cơ quan Trung ương”
vẫn theo “truyền thống” lâu nay, nghĩa là không muốn “bới bèo”, cứ để lũ “bọ”
phát triển, sinh sôi nảy nở thành “bầy sâu” rồi thành bướm, rồi bay vù đến nơi
chúng đã mua sẵn biệt thự thì người dân sẽ đặt niềm tin vào ai, vào cái gì?
Nhìn rộng ra cả nước:
Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán 30 dự án BT (dự án xây dựng – chuyển
giao giữa nhà nước và doanh nghiệp) đã phải kiến nghị xử lý tài chính
4.515 tỷ đồng.
Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu
(nghĩa là chỉ có doanh nghiệp và cơ quan liên quan biết với nhau). [7]
Phương thức “bán chỉ định đất công” hoặc “chỉ định thầu” có phải là phương
thức quản lý tài sản công thời kỳ quá độ, là hệ quả của nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa hay bên cạnh những “chỉ định trong sáng” cũng kèm
theo những sự “nâng đỡ không trong sáng” đối với “nhóm anh em xã hội” của một
bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất nhằm trục
lợi?
Dư luận hoan nghênh những quyết định gần đây của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh trong xử lý sai phạm về chủ trương, chính sách, xử lý cán
bộ yếu kém về đạo đức tác phong nhưng cũng mong thành phố không tạo ra vùng
cấm, không dừng ở việc chờ trung ương vào cuộc, nói cách khác không rơi vào
tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Theo tinh thần đó, liệu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có nên trả
lời một cách minh bạch cho nhân dân cả nước mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, trong suốt 20 năm người dân Thủ Thiêm khiếu kiện, những lãnh đạo nào tại
thành phố phải chịu trách nhiệm chính? Thành phố sẽ tự mình xử lý hay chờ quyết
định từ Trung ương?
Thứ hai, trong số “300 quyết định, công văn bán chỉ định đất công” có bao nhiêu
quyết định đúng luật, đúng thẩm quyền?
Nếu có những quyết định trái luật thì ai/cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?
Diện tích đất đã “quyết định bán chỉ định” là bao nhiêu, đối tượng mua là
người Việt hay có cả người nước ngoài?
Thứ ba, gần đây phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Ai có tư tưởng phân
biệt, khu biệt thì nên thay đổi đi".
Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhắc nhở cán bộ, đảng viên
mà còn là lời cảnh báo một hiện tượng có nguy cơ phát triển?
Vậy cán bộ, công chức, đảng viên Thành phố Hồ Chí Minh suy nghĩ thế nào về
vấn đề này?
Thống nhất đất nước là nguyện vọng ngàn đời của dân tộc, sự thống nhất
không chỉ bao hàm về địa lý mà còn là tư tưởng, tình cảm của gần trăm triệu
người Việt, xuất phát từ truyền thống “đồng bào”. Mọi biểu hiện “phân biệt, khu
biệt” cần phải bị loại bỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://laodong.vn/xa-hoi/chay-cong-chuc-100-trieu-chi-la-noi-theo-du-luan-428667.bld
[2]
https://vtc.vn/chay-bien-che-100-trieu-dong-ong-duc-noi-vo-can-cu-d104540.html
[3]http://tamlongvang.laodong.com.vn/xa-hoi/bang-gia-chi-lot-duoc-vao-co-quan-nha-nuoc-182550.bld
[4]http://plo.vn/thoi-su/tphcm-se-huy-300-quyet-dinh-cong-van-ban-chi-dinh-dat-cong-811311.html
[5] https://nld.com.vn/thoi-su/ban-dat-phuoc-kien-gia-beo-20181115223924113.htm
[6]https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/kiem-toan-30-du-an-bt-ktnn-kien-nghi-xu-ly-tai-chinh-4-515-ty-dong-55403.html
[7]https://vtv.vn/kinh-te/thanh-ly-xe-cong-de-man-dau-gia-khong-bien-thanh-vo-dien-20170306094347012.htm
Xuân Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire