Hoàng Hải Vân
Đào Duy Từ có tài kinh bang tế thế, nhưng vì lý lịch gia đình thuộc loài
“con hát” nên dưới chế độ Đàng Ngoài của Chúa Trịnh, ông đi thi cũng bị gạch
tên, nói gì được trọng dụng. Bực quá, ông “vượt biên” vào Nam theo Chúa Nguyễn.
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) không những trọng dụng ông mà còn
tôn ông làm quân sư, tức là thầy mình. Họ Đào có công rất lớn phò trợ Chúa
Nguyễn mở nước an dân, không có việc gì là không giỏi, là đệ nhất công thần
khai quốc của nhà Nguyễn, sau này được vua Gia Long thờ trong Thái Miếu.
Cần biết, Chúa Sãi không chỉ biết trọng dụng nhân tài, bản thân ông cũng là
một bậc hiền tài vượt trội hiếm thấy trong lịch sử dân tộc. Christoforo Borri,
một giáo sĩ Dòng Tên người Ý đến sống ở nước ta vào thời đó đã nhận xét : “Chúa
Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa
cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng
với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ”
Đọc sử Tàu ta thấy Lưu Bang tầm nhìn không ra ngoài ngàn dặm như Trương
Lương, cầm quân không bằng Hàn Tín, nội trị thua xa Tiêu Hà, Trần Bình, nhưng
đã làm nên đại nghiệp của nhà Hán vì dùng được những nhân tài đó. Bởi vậy mà
sau khi đại công cáo thành, Trương Lương phải từ bỏ quan trường để giữ thân,
Hàn Tín chủ quan nên bị sát hại, còn Tiêu Hà, Trần Bình phải vô cùng khôn khéo
mới bảo toàn được tánh mạng.
Nhưng Chúa Sãi không như vậy. Ông để lại nhiều di
sản đồ sộ cho dân tộc, trong đó có 3 di sản bất diệt mà hễ ai là người Việt Nam
đều không được phép quên : Đem Sài Gòn và đặt nền móng để đem Nam bộ về cho Tổ
Quốc một cách hòa bình, xác lập và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa-Trường
Sa (cùng các quần đảo khác trên biển Đông) và đặt nền móng đầu tiên cho một nền
kinh tế thị trường. Ông trọng dụng nhân tài nhưng không uy hiếp họ và có nhiều
bằng chứng ông có tầm nhìn xa hơn các công thần phò trợ ông.
Tương truyền rằng, có một điều Đào Duy Từ không tán thành với Chúa Sãi mà
vẫn canh cánh nhiều năm không tiện nói. Đó là việc Chúa Sãi cho tàu buôn nước
ngoài tự do đi lại và tỏ ra vô cùng trọng thị các thương nhân (đến mức gả luôn
con gái cho một nhà buôn Nhật Bản). Đến cuối đời, họ Đào đã đem tâm sự đó nói
ra với Chúa. Chúa Sãi không trả lời ông mà đưa cho ông xem bảng cân đối ngân
sách quốc gia. Nhìn thấy phần lớn ngân sách là từ các khoản thuế thu từ các tàu
buôn đó, Đào Duy Từ ngửa mặt lên trời than : “Tầm nhìn của ta không bằng Chúa
Sãi”. Và Đào Duy Từ là một nhân tài may mắn có được hạnh phúc.
Lịch sử có những bài học mà những người quản lý quốc gia nên chiêm nghiệm.
Nhân tài là những người vượt ra ngoài các khuôn khổ phép tắc. Một xã hội bị câu
thúc trong giáo điều, xã hội đó không có đất nuôi dưỡng nhân tài. Hầu hết các
vị tiến sĩ được khắc bia trong Văn Miếu chẳng ai làm nên trò trống gì trong
lịch sử, họ có phải là nhân tài hay không là điều rất khó nói, nhưng đó là một
câu chuyện dài.
Những nhân tài như Đào Duy Từ không rơi vào bi kịch như Hàn Tín bên Tàu hay
Nguyễn Trãi bên ta là do họ hạnh phúc được bầu bạn với những minh quân minh
chúa có tầm nhìn xa hơn họ như Nguyễn Phúc Nguyên. Và trong thời đại ngày nay,
hơn bao giờ hết, chỉ có những nhân tài mới trọng dụng được nhân tài. Viết đến
đây xin hết ạ !
HOÀNG HẢI VÂN
P/s : Bạn nào quan tâm đến Chúa Sãi và kỳ tích mở cõi, có thể xem thêm bài
này :
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2121675784558137&id=100001472083411
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire