08/01/2019

Người Trung Quốc viết về nạn diệt chủng của Khmer Đỏ



Biên dịch và ghi chú: Nguyễn Hải Hoành


Khmer đỏ POL POT


Lời giới thiệu của Dịch giả: Trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày chính quyền Campuchia Dân chủ của Khmer Đỏ sụp đổ (4-1978), nhiều báo mạng Trung Quốc đăng bài viết về cuộc diệt chủng xảy ra dưới chính quyền này. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một bài có đầu đề “Vén bức màn bí mật về cuộc đại tàn sát do Khmer Đỏ tiến hành nhân danh cách mạng” (không thấy ghi tên tác giả). Vì bài rất dài nên chúng tôi lược bỏ một số đoạn không cần thiết lắm nhưng có chú thích, các đoạn còn lại thì dịch nguyên văn để bạn đọc hiểu chính xác ý tác giả.


Ba mươi năm trước đây chính quyền Campuchia Dân chủ do Khmer Đỏ xây dựng bị lật đổ bởi 10 vạn đại quân Việt Nam và bởi bộ đội của mình quay súng chống lại. Sau đó các tài liệu liên quan tới lịch sử  đẫm máu của chính quyền này dần dần được công bố, chủ yếu thấy trong lời kể của những người dân Campuchia tị nạn, phỏng vấn của các nhà báo phương Tây, điều tra của các học giả, và các tài liệu do chính phủ Việt Nam và chính phủ mới của Campuchia do Việt Nam nâng đỡ chỉnh lý và công bố.

Nhưng việc ghi chép lịch sử liên quan tới Khmer Đỏ bị hạn chế bởi nhiều nhân tố, chủ yếu do tính che giấu của các chính sách do Khmer Đỏ ấn định và thực thi, do tình trạng đóng cửa với bên ngoài của nhà nước khi họ nắm chính quyền, và do tuổi thọ của chính quyền này quá ngắn ngủi, chưa hề xây dựng được một bộ hồ sơ có hệ thống. Song song với đó, sự thiếu tài liệu và các khó khăn về mặt nghiên cứu do nó gây ra, từ một góc độ đặc biệt, đã phản ánh đặc điểm của cách mạng Campuchia: nó như một trận cuồng phong sau khi tràn qua không để lại bất cứ dấu vết nào rõ ràng để có thể tìm kiếm, ngoại trừ đống đổ nát.

Nhưng việc chờ đợi bổ sung hoặc tăng cường các quá trình và chi tiết về cuộc cách mạng đó không ngăn trở chúng ta đưa ra các phán đoán đối với hậu quả của cuộc cách mạng này: đây là một cuộc đại tàn sát dân tộc và chủng tộc với mục đích tái cơ cấu xã hội. Gọi tàn sát dân tộc là căn cứ vào tổng số người bị chết trong thời kỳ Khmer Đỏ thống trị 1975-1978; tuy nhiên cho tới nay trên vấn đề này vẫn có các ước tính khác nhau, từ con số bảo thủ 40 vạn cho tới con số khuếch đại 3 triệu người. Nhìn chung người ta cho rằng một triệu là con số có thể chấp nhận được. Thế nhưng đối với một nước nhỏ hồi ấy có dân số từ 7 đến 8 triệu người thì cho dù 1 triệu cũng là con số khó có thể tưởng tượng, nó vượt xa quy mô những cuộc thanh toán và đàn áp chính trị sau khi xây dựng chính quyền mới tại nhiều quốc gia. Bởi vậy học giả Pháp Jean Lacouture gọi giai đoạn lịch sử này của Campuchia là “cuộc tự diệt chủng” (auto-genocide). Tàn sát chủng tộc là nói toàn bộ 2 vạn người gốc Việt Nam ở Campuchia bị chết, 43 vạn người gốc Hoa thì chết 21,5 vạn, 1 vạn người gốc Lào chết 4.000 người, 2 vạn người gốc Thái chết 8.000 người, 25 vạn tín đồ Islam (Cham) chết 9 vạn người — những con số này đều vượt quá tỷ lệ tương ứng người Khmer bị chết.

Cần nhấn mạnh : việc điều tra cuộc đại tàn sát của Khmer Đỏ mới đầu là do giới báo chí truyền thông phương Tây và học giả phương Tây thực hiện, phần lớn các xuất bản phẩm liên quan đề tài này hiện nay cũng đến từ phương Tây. Không những thế, các nước phương Tây còn cực lực chủ trương để một tòa án quốc tế đứng ra xét xử Khmer Đỏ. Nếu có ai cho rằng điều đó phản ánh thành kiến lệch lạc về hình thái ý thức của phương Tây (thí dụ tư duy chiến tranh lạnh, tâm trạng hậu thực dân hoặc bá quyền quốc tế), thì tác giả bài này mong rằng quan điểm ấy không đến nỗi phát triển tới mức có sự nghi ngờ đối với sự thật cơ bản này của cuộc đại tàn sát.

(Bỏ không dịch 1 đoạn nói về những ý kiến bất đồng ở phương Tây trong đánh giá Khmer Đỏ, và 1 đoạn tác giả cho rằng nên xét tới hậu quả việc Mỹ ném bom đại trà Campuchia sau 1975 làm chết 3-25 vạn người và làm nhiều nông dân đổ vào thành thị).

1. Các yếu tố cấu thành cuộc đại tàn sát

Sở dĩ trong 4 năm 1975-1979 tại Campuchia xảy ra sự giết chóc quy mô như thế là do mấy nhân tố dưới đây cấu thành: Thứ nhất, cuộc di dân cưỡng chế với quy mô lớn. Tháng 4-1975, Khmer Đỏ giành chính quyền tiến vào các đô thị, sau đấy trong thời gian từ 3 ngày đến một tuần họ cưỡng chế toàn bộ dân đi khỏi các đô thị, dùng súng áp tải đưa về nông thôn. Vì công tác này hoàn toàn không có sự chuẩn bị tương ứng về vật chất, thậm chí cũng chưa xác định mục tiêu cuối cùng là gì, cho nên phần lớn người già yếu, đàn bà con trẻ đã chết vì đói khát, ốm đau và mệt nhọc. Ngoài ra là do sự tàn sát có kế hoạch trong quá trình di chuyển ấy đối với những người không phục tùng sự di chuyển và với người khác mình (nguyên văn dị kỉ phần tử) (gồm những người không phải dân Khmer và các tín đồ Phật giáo).

Thứ hai, thanh toán và đàn áp chính trị. Đây là nhằm vào các nhân viên quân sự, hành chính của chính quyền Lon Nol, gồm binh sĩ, cảnh sát và công chức, kể cả các thành viên Hoàng gia trước cuộc đảo chính của Lon Nol (hồi đó trên danh nghĩa họ còn thuộc Mặt trận Liên hiệp dân tộc). Nói chung, mô thức hành quyết là dùng xe tải chở những người này đến một địa điểm nào đấy rồi dùng gậy đập đến chết hoặc trực tiếp bắn chết.

Thứ ba, lao động thể lực cường độ cao. Những người còn sống sót trong cuộc di tản đi khỏi đô thị thường bị buộc cùng nông dân làm những việc như đào mương, làm ruộng, làm đường. Do tình hình kinh tế xấu đi, do thiếu lương thực và những thứ cần dùng cho đời sống nên rất nhiều người đã chết dưới sự lao động cưỡng chế đó.

Thứ tư, thanh lọc nội bộ. Khmer Đỏ vừa lập quốc xong là bắt đầu cuộc thanh lọc nội bộ với cái cớ dọn sạch những người thân Việt Nam, các gián điệp của KGB, đặc vụ của CIA và những người khác mình mới chui vào trong Đảng. Trong số 13 người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc công bố danh sách hồi tháng 10-1975 có 5 người bị hành quyết trong đợt thanh lọc năm 1977, gồm bộ trưởng Bộ Nội vụ, 2 bộ trưởng Bộ Thương mại, bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền, Phó Chủ tịch thứ nhất Đoàn Chủ tịch Nhà nước … Số người lãnh đạo Đảng, chính quyền và quân đội các đại khu bị hành quyết càng nhiều hơn. Đợt tập trung nhất là đợt thanh lọc năm 1978 nhằm vào cán bộ và quân nhân các đại khu miền Đông bị coi là phái thân Việt Nam. Đợt thanh lọc này do Tà Mốc người lãnh đạo đại khu Tây Nam phụ trách, trong một lần đã giết gần 10 vạn người Khmer Đỏ của mình. Ngoài ra còn xây dựng Trung tâm Thẩm vấn tại một trường trung học ở phía Nam Phnom Penh, có ký hiệu S21, chủ yếu dùng để thẩm vấn, tra tấn và hành quyết kẻ địch trong Đảng. Ước tính Trung tâm này đã hành quyết 2 vạn người.


2. Mục tiêu của Khmer Đỏ: vượt qua Lênin và Mao Trạch Đông

Điểm khác biệt với các cuộc đại tàn sát khác trong thế kỷ XX là cuộc đại tàn sát của Khmer Đỏ không phải là để giải quyết sự xung đột chủng tộc, bộ lạc hoặc tôn giáo, mà là nhằm triệt để tái cơ cấu xã hội. Kiểu triệt để tái cơ cấu này diễn ra sau khi Khmer Đỏ đã hấp thụ các kinh nghiệm của phong trào cộng sản quốc tế, họ có ý định ngay khi cách mạng vừa mới thắng lợi xong bèn một lần hành động là giải quyết xong tuốt tất cả các vấn đề hiện thực và các vấn đề từng được lịch sử nước khác chứng minh là sẽ nảy sinh, xây dựng một xã hội XHCN thuần túy hơn Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Nhằm đạt mục đích đó, họ từ chối thử tiến hành bất kỳ phương pháp cải tạo hòa bình hoặc giáo dục thuyết phục nào, họ thủ tiêu bất cứ thời kỳ quá độ nào và chọn một con đường trực tiếp giản đơn nhất: ngay từ đầu dùng bạo lực để tiêu diệt với quy mô lớn và có tổ chức một bộ phận dân chúng, qua đó đạt được sự cải tạo xã hội.

Thế nhưng con đường đó chưa hề trải qua sự chuẩn bị lâu dài trước và sự chuẩn bị về lý luận, mà hình thành vội vàng trong có hai năm ngắn ngủi. Từ các văn kiện do những người lãnh đạo Khmer Đỏ thời kỳ đầu lưu lại, như văn kiện Paris hồi du học tại Pháp của Khieu Samphan và Ieng Sary, bài “Chế độ dân chủ hay là chế độ quân chủ?” của Pol Pot viết hồi thập niên 50, cho tới các tài liệu của hai đợt học tập chỉnh phong trong Đảng năm 1970 và 1971, chúng ta đều không thấy có bất cứ sự bố trí hoặc ám thị nào về cuộc cải tạo xã hội một cách hệ thống và đẫm máu sau khi giành chính quyền; trên cơ bản chỉ lặp lại cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ mà đảng của Trung Quốc và Việt Nam đã thực hiện.

Từ tháng 5-1973, tại một số vùng do đảng Cộng sản Campuchia kiểm soát bắt đầu tiến hành phong trào tập thể hóa nông nghiệp. Như thế rõ ràng đã vượt qua cái hồi ấy gọi là tính chất dân tộc dân chủ của cuộc cách mạng. Các biện pháp thực hiện gồm:

§  tiến hành di chuyển dân nông thôn trên một quy mô nhất định;

§  cưỡng chế tập trung dân vào các vùng do Đảng Cộng sản Campuchia kiểm soát để tham gia hợp tác hóa, vì để cưỡng chế di dân mà thậm chí phóng hỏa đốt làng xóm cũ của họ;

§  đóng cửa các chùa chiền Phật giáo, cưỡng bức sư sãi tham gia lao động nông thôn;

§  thực hành chế độ trang phục thống nhất, tất cả mọi người đều mặc quần áo nông dân màu đen;

§  thực hành chế độ nhà ăn tập thể ở nông thôn v.v..


Xét về diễn biến lịch sử, năm 1973 là điểm ngoặt của cách mạng Campuchia. Tầng lớp lãnh đạo đảng Cộng sản Campuchia vứt bỏ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ tiệm tiến, lấy sự quá độ trực tiếp bắt đầu thực hành ở vùng nông thôn do họ kiểm soát làm khởi điểm, ấn định một cương lĩnh dùng bạo lực để triệt để cải tạo xã hội trong thời gian ngắn nhất. Nhưng so với đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam thì đảng Cộng sản Campuchia trước khi nắm chính quyền chẳng những không có một thời kỳ phát triển tương đối dài và độc lập, mà lại càng không có một quá trình phân tích lý luận, thảo luận thậm chí tranh luận tương đối đầy đủ đối với đất nước và xã hội mình. Đứng trước thời cơ mau chóng nắm được chính quyền (do Mỹ rút khỏi Đông Dương), trình độ lý luận và kinh nghiệm chính trị của toàn đảng còn xa vẫn chưa đạt được trình độ của các đảng lớn khác khi giành chính quyền. Một nhà nghiên cứu nói: sự kiện Campuchia thể hiện hố sâu ngăn cách giữa thứ lý luận cực kỳ thô ráp với cuộc thực nghiệm ở quy mô quốc gia. Khmer Đỏ là một thể chế vội vã xây dựng nên, “vội vã tới mức căn bản không có thời gian tìm hiểu và quan tâm tới xã hội Campuchia, toàn bộ những gì tồn tại trước thể chế này đều phải bị hủy diệt hoặc ít nhất bị triệt để cải tạo”.

Nhưng điều châm biếm của lịch sử là một đảng thiếu chuẩn bị nhất về nắm chính quyền lại đưa ra một cương lĩnh cách mạng nhất, vượt qua mọi cuộc cách mạng khác; như Ieng Sary nhân vật số 2 của đảng Cộng sản Campuchia nói năm 1977: “Cuộc thử nghiệm cách mạng Campuchia không có bất kỳ mô hình sẵn có nào. Chúng ta đang làm những việc trong lịch sử không có tiền lệ; mô hình Trung Quốc, mô hình Việt Nam đều không thích hợp dùng cho chúng ta.”

Tháng 9-1975, một số nhà trí thức Campuchia học ở nước ngoài về có nhìn thấy khẩu hiệu “Angkar[1] vượt qua Lênin, vượt qua Mao Trạch Đông”. Một cán bộ cấp cao phụ trách đón tiếp họ đã giới thiệu: Tính chất đặc biệt của cách mạng Campuchia là rút hết dân ra khỏi thành phố và xóa bỏ tiền tệ. Ông này nói: Mao Trạch Đông từng nói cần tiến hành cách mạng văn hóa nhiều lần nữa nhưng cuối cùng thì ngừng lại, còn chúng tôi ngày nào cũng làm cách mạng văn hóa. Ông đặc biệt nhắc tới việc Trung Quốc vẫn dùng tiền tệ, tư nhân vẫn có thể nuôi gà vịt — những chuyện ấy không có tại Campuchia. Các chuyên gia Trung Quốc ở Campuchia bị coi là đã biến thành “xét lại”, vì họ không những có lĩnh lương mà khi về Trung Quốc còn dùng tiền dành dụm để mua đồ điện hoặc máy khâu ở hải quan đem về nước. Có lần chuyên gia Trung Quốc hỏi người Campuchia là cái đập nước mới xây dựng này chi phí hết bao nhiêu tiền, thì người Campuchia nửa bất mãn nửa tự hào trả lời: “Đập nước này do nhân dân xây dựng. Nước chúng tôi không dùng tiền.” Nhất là người Trung Quốc (người Việt Nam cũng thế) vẫn nhà nào ăn cơm nhà nấy, còn ở Campuchia trước khi cách mạng thành công đã thực hiện chế độ nhà ăn tập thể ở vùng do Khmer Đỏ kiểm soát.

Dựa vào sự so sánh ấy, cán bộ Campuchia cho rằng “Chế độ của chúng tôi ưu việt hơn chế độ của người Trung Quốc”. Có thể nhận xét đảng Cộng sản Campuchia đã rút ra bài học gọi là “hữu” trong phong trào cộng sản quốc tế, muốn ngay từ khi vừa mới nắm chính quyền đã lập tức giải quyết triệt để mọi vấn đề mà Trung Quốc tả nhất hồi ấy còn chưa giải quyết, không những “nhảy qua giai đoạn quá độ để lập tức tiến lên chủ nghĩa xã hội”,[2] mà còn tiến ngay sang chủ nghĩa cộng sản, qua đó xây dựng cho Thái Lan, Indonesia và Miến Điện một mô hình khác với Trung Quốc, Việt Nam (hồi ấy Campuchia cho rằng tình thế cách mạng Đông Nam Á đã chín muồi, Campuchia sẽ trở thành một trung tâm mới của Đông Nam Á). Đó là cái gọi là “đặc sắc Campuchia”.

Đây là mô hình triệt để tái cơ cấu xã hội ngay từ ngày đầu tiên cách mạng thắng lợi. Mô hình đó bắt đầu thực hiện từ ngày 17-4-1975 (ngày Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh) bằng cuộc đại di dân các thành phố. Những lý do mà hồi ấy Khmer Đỏ tuyên bố với dân thành phố và nạn dân là: – Mỹ có thể ném bom các thành phố; – các thành phố thiếu lương thực. Đó là sự giải thích chính thức của chính quyền Khmer Đỏ. Cho tới tháng 9-1977 Pol Pot mới thừa nhận việc rút dân ra khỏi các thành phố là do “nguyên nhân an ninh”, tức là nhằm để triệt phá hết căn cứ địa hoạt động của các tổ chức phản cách mạng. Quyết định rút dân ấy ra đời hai tháng trước khi Khmer Đỏ tiến vào thành phố, song lại giữ bí mật cả với các cán bộ cấp khá cao. Việc giữ bí mật đó đã làm cho cuộc đại di chuyển 2 triệu dân hoàn toàn không có chuẩn bị trước; vì thế mấy chục vạn dân bị chết là điều tất nhiên.

Ngày 20-5-1975 (một tháng sau khi Khmer Đỏ tiến vào thành phố), tại Phnom Penh có tổ chức cuộc họp toàn thể cán bộ cấp cao Khmer Đỏ. Tại cuộc họp, lần đầu tiên người ta công bố các chính sách của Trung ương sau khi tiến vào thành phố. Cuộc họp này không lưu lại bất kỳ văn bản nào (ít nhất tới nay chưa phát hiện). Ngày nay sở dĩ biết được nội dung cuộc họp ấy chủ yếu dựa vào lời kể của những người dự họp, nhất là hồi ức của những người sau này cắt đứt với Khmer Đỏ như Heng Samrin (nguyên tướng lĩnh Khmer Đỏ, sau đi theo Việt Nam và trở thành người lãnh đạo chính quyền mới xây dựng năm 1979), sau đó chắp nối lại các tư liệu đó lại.

Điểm chính của các nội dung cuộc họp này là: rút hết dân ra khỏi thành thị; bỏ tiền tệ; đóng cửa các chùa chiền Phật giáo, đuổi sư sãi đi làm lao động nông nghiệp; hành quyết tất cả những người lãnh đạo chính quyền Lon Nol; xây dựng hợp tác xã cấp cao trong cả nước và thực hành chế độ nhà ăn tập thể; đuổi hết dân Việt Nam ra khỏi Campuchia; điều động quân đội đến biên giới Campuchia-Việt Nam chuẩn bị tác chiến; v.v… Có người dự họp còn nói phải hủy bỏ cả trường học và bệnh viện nữa. Hồi ức của Heng Samrin hợp với các nội dung đó và bổ sung thêm: việc hủy bỏ tiền tệ đồng thời tiến hành với xóa bỏ thị trường và tài sản tư nhân. Ông còn nói, trong cuộc họp trên cũng tuyên bố phân loại mọi người thành “Người có quyền lợi đầy đủ” và “Người dự khuyết” (xem trình bầy sau đây). Đáng chú ý là phát biểu của Nuon Chea (một trong các lãnh đạo chủ chốt của Khmer Đỏ) có nhấn mạnh nguyên tắc “xem xét nghiêm ngặt”. Theo giải thích của những người dự họp thì đó là nói có thể sử dụng bạo lực trong quá trình thi hành các chính sách trên để trừ khử hết những người chống đối và bất mãn, không được giữ họ lại trong xã hội.


3. Tái cơ cấu xã hội với cái giá đại tàn sát

Cơ sở của việc tái cơ cấu xã hội của Khmer Đỏ trước hết là tiêu diệt thể xác một bộ phận những kẻ chống đối về chính trị, loại bỏ họ ra khỏi xã hội. Bài nói quan trọng của Pol Pot phát trên đài ngày 27-9-1977 (lúc đó Pol Pot đang ở thăm Trung Quốc) tuyên bố cách mạng Campuchia là “xã hội chủ nghĩa”, trong toàn bộ dân số của Campuchia có 2% là “phần tử phản cách mạng” – nghĩa là con số này vào khoảng 14 vạn người. Đáng chú ý là lúc đó phong trào đàn áp các phần tử đối địch về chính trị trong xã hội đã qua đi, thế mà vẫn còn một tỷ lệ cao như thế phần tử đối địch đang chờ bị đàn áp! Qua đây có thể tưởng tượng số người bị hành quyết với tội danh “phần tử phản cách mạng” trong thời gian từ tháng 4-1975 tới cuối năm 1978 (khi quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh) lớn đến chừng nào.

Ngoài việc loại bỏ “phần tử phản cách mạng” ra khỏi dân chúng, Khmer Đỏ còn có một chính sách độc nhất vô nhị là công khai phân loại dân Campuchia ra làm hai bộ phận có quyền lợi khác nhau. Sau khi nắm chính quyền, Khmer Đỏ gọi những nông dân vốn ở vùng nông thôn do họ kiểm soát là “Người cũ”, hoặc “Người vùng căn cứ địa”, nghĩa là những người đã tham gia cách mạng. Những người từ thành phố bị di chuyển về nông thôn thì bị gọi là “Người mới” hoặc “Người 17 tháng 4”, nghĩa là người được tiếp thu sau khi Khmer Đỏ tiến vào thành phố. Về nguyên tắc hai loại người này được hưởng sự đối xử chính trị và cấp phát về vật chất khác nhau. “Người cũ” còn có nhiệm vụ cải tạo và giám sát “Người mới”.

Ngoài việc phân loại dựa vào thành phố và nông thôn ra, còn một kiểu phân loại nữa là chia dân Campuchia ra làm “Người được hưởng đầy đủ quyền lợi” và “Người dự khuyết” (người có quyền lợi không đầy đủ). Về sau lại từ hai loại người này tách ra người “Loại B” (nguyên văn: loại hình Á) “Người quyền lợi hoàn toàn cấp một” là những ai trước đây không có người thân làm việc cho chính quyền Lon Nol mà đều chỉ phục vụ cách mạng. “Người quyền lợi hoàn toàn cấp hai” là những ai vừa có người thân tham gia cách mạng lại vừa có người thân từng ở trong chính quyền Lon Nol. Ngoài ra còn có “Người quyền lợi hoàn toàn cấp ba”, nhưng giới hạn cụ thể về loại này không rõ ràng. “Người dự khuyết” cũng chia hai hạng. Hạng một là những ai có người thân phục vụ chính quyền Lon Nol, song đa số là người bình thường, cũng có một số người thân từng gián tiếp phục vụ cách mạng. Hạng hai là những ai hoàn toàn không có người thân từng phục vụ cách mạng.

Qua sự cố ý tổ hợp và phân loại cơ cấu xã hội, Khmer Đỏ trên thực tế đã phục hồi chế độ chủng tính[3] của xã hội vùng Nam Á châu. “Công dân” đã trở thành một đẳng cấp đặc biệt trong xã hội chứ không phải là thứ quyền lợi con người sinh ra đã có. Đồng thời qua biện pháp loại trừ khỏi phạm trù “công dân” những người thuộc loại khác với mình, hoặc những người chỉ có quá khứ không tích cực tham gia cách mạng, Khmer Đỏ đã làm cho việc tùy ý hãm hại và tước đoạt sinh mạng những người nói trên trở nên có lý do “hợp pháp”, do đó việc nhiều người bị giết cũng trở nên không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy rằng nói chung Khmer Đỏ chủ yếu lợi dụng số “tiện dân” này để làm những việc lao động cực nhọc, nhưng đồng thời cũng tiến hành “tái giáo dục” tư tưởng cho những người đó. Phương thức tái giáo dục ấy cũng như toàn bộ cuộc cách mạng Campuchia có đặc điểm trực tiếp nhất, thô tục nhất.

Một số “Người 17 tháng Tư” nhớ lại : hàng năm Khmer Đỏ hoặc “Người vùng căn cứ” triệu tập hai lần hội nghị “Cách sống”. Trong cuộc họp bao giờ cũng nhắc lại những câu hỏi như “Có nhất trí với cách mạng không? Có còn nghĩ tới tài sản cá nhân không? Khi lao động có thực sự thấy sung sướng hay chỉ cam chịu phải làm? Còn nhớ vợ con hay không?” Cần nêu ra một việc: những “Người vùng căn cứ” và “Người có quyền lợi hoàn toàn” cũng chỉ được hưởng trên giấy các quyền lợi đầy đủ hơn loại khác, cộng thêm, họ có thể thực hành chuyên chính quần chúng đối với loại người kia mà thôi, chứ còn trước mặt Khmer Đỏ thì họ cũng chẳng có bất kỳ “quyền lợi hoàn chỉnh” nào đáng kể. Thí dụ sau khi thi hành tập thể hóa nông thôn, họ không có quyền tự do rời khỏi làng cũ, toàn bộ tài sản của họ bị tước đoạt, ai giấu lương thực cho nhà mình nếu phát hiện sẽ bị xử tử. Cùng với tình hình kinh tế ngày một xấu đi, nồi cơm nhà ăn tập thể của họ cũng chỉ có cám mà thôi, chẳng khác gì nồi cơm của các đối tượng bị họ thi hành chuyên chính.

Trên lĩnh vực kinh tế, Khmer Đỏ đặt mục tiêu không những loại bỏ ngành thương mại cùng các ngành kinh tế và dịch vụ vốn có trong hình thái xã hội bình thường, mà còn nghiên cứu xây dựng một quốc gia nông nghiệp tự cấp tự túc lấy sản xuất lúa gạo làm toàn bộ cơ sở, dựa xuất khẩu gạo để xây dựng đất nước. Pol Pot nhấn mạnh “nhanh”. Ông ta nói : “Chúng ta khác với họ (tức các nước XHCN khác) ở chỗ chúng ta nhanh hơn”. Sau khi nắm chính quyền, đầu tiên Khmer Đỏ nêu mục tiêu mỗi hecta sản xuất 3 tấn thóc, trong khi trước đó Campuchia bình quân mỗi hecta chỉ sản xuất được 1 tấn. Về sau, tháng 8-1976 chính thức công bố “Kế hoạch 4 năm”, trong đó chính trị tư tưởng được coi là đòn bẩy đắc lực nhất, như một cán bộ nói: “Khi một dân tộc được thức tỉnh bởi giác ngộ chính trị thì họ có thể làm được tất cả. Các kỹ sư không làm được nhưng nhân dân thì làm được” — ý nói người trí thức do bị ràng buộc bởi điều kiện vật chất kỹ thuật nên không tài giỏi bằng những người bình thường. Pol Pot từng tự hỏi và tự trả lời như sau: “Chúng ta có thể thực hiện được các chỉ tiêu ấy không? Trả lời là: ở bất cứ đâu chúng ta cũng thực hiện được, chứng cớ là phong trào chính trị của chúng ta.”

Khi di chuyển một lượng lớn dân thành phố về nông thôn, Khmer Đỏ hồi ấy có xét tới lợi ích về mặt kinh tế là có thể dùng họ làm lao động nông nghiệp mà không phải trả thù lao. Vùng Tây Bắc Campuchia là nơi sản xuất lúa chủ yếu của nước này, trên mức độ lớn, việc sản xuất ấy là do một triệu “Người 17 tháng 4” bị di chuyển lên vùng này cáng đáng. Trong hai năm lao động gian khổ vỡ hoang và đào mương đắp đập, rất nhiều người đã chết vì đói, vì ăn không đủ chất và vì ốm đau. Khi tin tức nhân công lao động bị giảm mạnh được báo cáo lên Phnom Penh, lãnh đạo Khmer Đỏ thường trút cơn giận dữ lên “kẻ thù giai cấp”. Thế là họ lại triển khai cuộc thanh lọc nội bộ những người Khmer Đỏ phụ trách giám sát quản lý lao công và hành quyết những “Người 17 tháng 4” bị nghi ngờ.

Đồng thời các chỉ tiêu do Trung ương đặt ra trở thành nhiệm vụ chính trị, nếu không hoàn thành thì phải hỏi tội các cán bộ địa phương. Điều đó khiến cho các cán bộ cơ sở của Khmer Đỏ đều ra sức đuổi [?] những “Người 17 tháng 4” và nông dân.

Như thế, chỉ tiêu “3 tấn một hecta” và “Kế hoạch 4 năm” với mục đích triệt để cải tạo cơ cấu nền kinh tế quốc gia đã trở thành một bộ phận cấu thành vụ đại tàn sát.

Lịch sử chứng minh, một chính quyền thực hành chuyên chính khủng bố trong xã hội thì sớm muộn cũng sẽ thực hành sự chuyên chính ấy ngay trong nội bộ tập đoàn thống trị. Bởi lẽ khi sự khủng bố có tổ chức đã trở thành quán tính và cấu tạo nên yếu tố cơ chế thì nó tất sẽ tìm được một mục tiêu có tổ chức cho chính bản thân nó; mà sự nguyên tử hóa (theo nguyên văn) xã hội và cá nhân thì sẽ làm cho tự thân tập đoàn thống trị duy nhất có tổ chức trở thành đối tượng của kiểu chuyên chính ấy. Cái ngày mà sự đàn áp và tàn sát quy mô lớn trở thành khâu quan trọng trong cơ cấu xã hội do Khmer Đỏ vừa mới xây dựng nên cũng tức là lúc sự định kỳ thanh lọc trở thành một bộ phận của trật tự trong đảng.

Lý luận của Pol Pot là săn lùng và tiêu diệt các “vi trùng”. Tháng 12-1976, khi đống hồ sơ thẩm vấn của Trung tâm S21 ngày một chất cao như núi, Pol Pot triệu tập một “Hội nghị học tập” và nói: Chúng ta còn chưa thể biết rõ vi trùng ở đâu. Căn bệnh có hiện rõ thì mới khám ra bệnh. Vì cuộc cách mạng nhân dân và cách mạng dân chủ còn thiếu nhiệt lượng… nên công tác săn lùng vi trùng trong đảng ta còn chưa có kết quả. Vi trùng ở những chỗ rất sâu kín. Nhưng khi cách mạng XHCN tiến lên thì chúng chui vào mọi xó xỉnh trong đảng, quân đội và nhân dân. Chúng ta sẽ tìm ra những con vi trùng độc hại ấy… Nhưng nếu ta dừng lại một chút thôi thì lũ vi trùng ấy sẽ thực sự gây nguy hiểm… Qua quan sát 10 năm nay, chúng ta thấy rõ là về cơ bản kẻ địch chưa biến mất, vì chúng không ngừng chui vào đảng. Nhưng Pol Pot lại cam đoan là những con “vi trùng” ấy cuối cùng sẽ bị vạch ra hết, vì “Đảng có rất nhiều con mắt chẳng khác gì mắt của quả dứa”.

Cuộc thanh lọc nội bộ Khmer Đỏ lan rộng tới mức coi toàn bộ tổ chức chính quyền, quân đội, thậm chí toàn thể dân chúng của cả một vùng là đối tượng thanh lọc. Trong đợt thanh lọc vùng Đông Bắc đã nói ở trên, Trung ương nêu khẩu hiệu: cán bộ, quân nhân và thường dân của cả vùng này đều là những kẻ “Người Khmer, lòng dạ Việt Nam”. Kết quả chỉ trong 6 tháng đã hành quyết 10 vạn người, chiếm 1/70 – 1/80 số dân cả nước. Hành quyết với quy mô lớn như thế đã không còn là vấn đề giải quyết một bộ phận người trong đảng mà là tiêu diệt một bộ phận rất lớn dân chúng vốn có của cả một vùng, qua đó thực hiện sự trong sạch về chính trị.
 
Khieu Samphan và Nuon Chea, năm 2013

4. Địa vị của Khmer Đỏ trong lịch sử cách mạng thế kỷ XX

Tác giả cho rằng việc tìm hiểu lịch sử nắm chính quyền hơn 4 năm của Khmer Đỏ là sự thách thức đối với lý trí của nhân loại. Đó không phải là nói ở đây có khó khăn gì về học thuật đáng để bàn luận, mà là nói lý trí loài người có năng lực nhận thức được và giải thích được hay không hiện tượng đẫm máu và phi lý chưa từng có ấy, phải chăng nó vượt quá giới hạn cực độ của lịch sử lý trí nhân loại nhận thức lịch sử của mình. Chúng ta có lý luận chủ nghĩa chủng tộc để cơ bản giải thích chính sách diệt chủng của bọn Quốc xã Hitler, song chúng ta có lý luận nào để có thể giải thích vừa ý việc một chính quyền trong 4 năm ngắn ngủi đóng cửa đất nước mình, phát minh ra lắm thứ tội danh không hề có, dùng thủ đoạn bạo lực nguyên thủy nhất để tiêu diệt một phần mấy dân tộc mình? Tại đây tôi chỉ muốn đưa ra vấn đề này để các bạn đọc có tâm tiếp tục suy nghĩ. Bản thân tác giả cũng cảm thấy vô cùng khó hiểu. Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần sự cố gắng chung của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn, còn sử học thì chỉ có thể có tác dụng thâu lượm tư liệu, cung cấp các đầu mối cơ bản về sự diễn biến của thể chế đó. Bởi vậy chúng tôi muốn sau khi nêu lên vấn đề siêu hình (nguyên văn hình nhi thượng) này, sẽ trở lại phạm trù hình nhi hạ (?),[4]  từ góc độ lịch sử cách mạng thế kỷ XX bàn thảo một chút về địa vị của Khmer Đỏ. Góc độ này có thể tái cung cấp chút ít manh mối gián tiếp cho câu hỏi kể trên.

Phương Tây có những nhận thức khác nhau về tính chất cuộc cách mạng của Khmer Đỏ. Có quan điểm cho rằng đây là một cuộc “cách mạng nông dân triệt để”, là sự trả thù của nông dân khởi nghĩa đối với thành phố; hành vi bạo lực của nó không bắt nguồn từ tư tưởng của Pol Pot và Khieu Samphan, mà là kết quả của việc chủ nghĩa dân tộc, dân túy và cách mạng nông dân áp đảo chủ nghĩa tư bản. Vả lại những người lãnh đạo đảng Cộng sản Campuchia cũng thuộc giai cấp tiểu tư sản mang đậm chất lãng mạn nông dân. Nhưng Ben Kiernan, tác giả sách “Chế độ Pol Pot” — một cuốn sách rất có ảnh hưởng, dựa trên hơn 500 cuộc phỏng vấn của mình —  thì cho rằng ngay cả nông dân cũng chẳng thể sống còn được dưới chế độ này. Chính sách nông thôn của Khmer Đỏ là hy sinh lợi ích của tiểu nông. Nó phá hủy 3 yếu tố mà nông dân Campuchia dựa vào để sinh tồn trong cả nghìn năm qua — gia đình, ruộng đất và tôn giáo; nó trực tiếp trói buộc họ dưới quyền lực của nhà nước, trên thực tế là xây dựng một nước nông nghiệp của những người nô lệ theo hợp đồng (Indentured Agrarian State).

Đáng chú ý quan điểm của chính người Campuchia — ông Hun Sen, đương kim Thủ tướng Campuchia, nguyên cán bộ Khmer Đỏ cấp cao — thể hiện trong cuốn “130 năm Campuchia” (bản tiếng Trung Quốc xuất bản tháng 4-2008, phát hành tại Campuchia và Singapore). Theo Tuần san Á châu xuất bản tại Hong Kong ngày 5-4-2008, Hun Sen cho rằng “Cách mạng Trung Quốc có gốc rễ tư tưởng là tư tưởng Mao; tư tưởng của Pol Pot cũng bắt rễ từ tư tưởng Mao. Tư tưởng đó được thực hiện ở Campuchia nhưng cũng bị chứng minh là thất bại.” Sau khi Hun Sen đi thăm Bắc Triều Tiên về, ông bổ sung thêm nguồn gốc sinh ra đường lối của Khmer Đỏ, cho rằng những thứ vượt qua chủ nghĩa Mao trong tư tưởng Pol Pot thì bắt nguồn từ Bắc Triều Tiên.

Chúng tôi cho rằng rõ ràng Khmer Đỏ thuộc vào đường dây cách mạng XHCN thế kỷ XX, song lại là sự thừa kế thời kỳ cực đoan của cuộc cách mạng này —  cách mạng Nga đến cuối thập niên 30, cách mạng Trung Quốc đến cuối thập niên 70 và cách mạng Cuba đến cuối thập niên 60. Sự tái cơ cấu xã hội của 3 cuộc cách mạng ấy vốn dĩ có một xu thế tăng tốc, cuộc cách mạng sau sớm hơn, nhanh hơn, cấp tiến hơn cuộc cách mạng trước. Khmer Đỏ là phiên bản thu nhỏ và cường hóa của các cuộc cách mạng đó. Chứng cớ là Khmer Đỏ trong 2-3 năm đi hết chặng đường lịch sử cách mạng tái cơ cấu xã hội mà các cuộc cách mạng kia cần phải tiến hành ngắn nhất 10 năm, dài nhất 30 năm. Thí dụ: nó hầu như không có cách mạng ruộng đất mà tiến ngay lên tập thể hóa nông nghiệp — còn Liên Xô và Trung Quốc thì khá lâu sau khi giành chính quyền mới tiến hành tập thể hóa. Khmer Đỏ bắt đầu thực thi “Kế hoạch 4 năm” cũng sớm hơn nhiều so với 3 nước nói trên. Tại ba nước đó (nhất là Liên Xô và Trung Quốc), sau khi giành chính quyền hơn 10 năm mới có các cuộc đấu tranh và thanh lọc quy mô lớn trong nội bộ đảng, còn Khmer Đỏ thì hầu như vừa vào thành phố là triển khai ngay việc đó.

Nhưng sự rút ngắn thời gian chỉ là một mặt, điều quan trọng hơn là tính cực đoan trong chính sách của Khmer Đỏ. Tại nước Campuchia Dân chủ, cơ bản không thấy các chính sách có đặc trưng “thời kỳ quá độ”, như thuyết phục, giáo dục, hạn chế, lợi dụng, cải tạo … Thủ đoạn duy nhất của Khmer Đỏ là mệnh lệnh của Angkar và súng AK47. Nhiều nhà nghiên cứu vạch ra: ở Campuchia không thấy có các biện pháp chủ yếu các nước XHCN khác hay dùng để thực hiện lời kêu gọi của đảng, như đại hội động viên hoặc diễu hành quần chúng, thậm chí Khmer Đỏ cảm thấy những thứ đó là thừa.

Ngoài ra, trong 3 cuộc cách mạng kể trên, gia đình với tư cách là đơn vị cơ bản của xã hội tuy đã được cải tạo cực lớn từ quan niệm đến hình thái, song kết cấu cơ bản của gia đình thì vẫn tồn tại, không bị xóa bỏ. Nhưng Khmer Đỏ thì coi xóa bỏ gia đình là khởi điểm của việc tái cơ cấu xã hội, họ thực thi nó ngay từ trước khi giành chính quyền và sau khi giành chính quyền thì mở rộng ra khắp cả nước. Hợp tác xã và các tổ chức cưỡng chế lao động trở thành đơn vị cơ bản nhất của xã hội. Các thành viên gia đình tùy theo giới tính và độ tuổi bị chia tách vào các tổ chức khác nhau, trẻ vị thành niên bị tách khỏi cha mẹ. Nam 32, nữ 25 tuổi trở lên mới được kết hôn. Một hình thức quan trọng nữa nhằm xóa bỏ gia đình được thực hiện triệt để nhất là chế độ nhà ăn tập thể. Ý nghĩa của nó không chỉ là cùng ăn uống, mà là tiêu diệt không gian riêng tư trong đời sống xã hội. Khmer Đỏ coi việc xóa bỏ ăn cơm gia đình là thành tích thể hiện rõ nhất tính sáng tạo cách mạng của Campuchia. Cán bộ Khmer Đỏ nói: thậm chí Trung Quốc vẫn còn giữ lại cái “cơ cấu chủ nghĩa tư bản” này.

Khmer Đỏ không kém bất cứ ai về mặt tập trung cao độ quyền lực, hơn nữa còn có đặc sắc riêng — đó là nền chính trị gia tộc (clan politics). Hai lãnh tụ Khmer Đỏ cao nhất là Pol Pot và Ieng Sary là anh em đồng hao, từ ngày du học ở Paris đã liên kết chính trị với nhau. Mối “quan hệ thân thích” cách mạng ấy khiến cho các thành viên gia đình cán bộ cao cấp nắm giữ hết mọi chức vụ lãnh đạo các cấp. Điển hình nhất là Tà Mốc, nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đại khu Tây nam, từng được báo chí Trung Quốc gọi là người “thiện chiến” nhất, “oai vệ” nhất, được cấp dưới kính sợ. Con người ấy chẳng những được gọi là “đồ tể” do đã tiến hành cuộc thanh lọc đẫm máu ở đại khu miền Đông, mà còn bố trí hầu như toàn bộ thành viên gia đình mình vào các chức vụ quan trọng đảng, chính quyền và quân đội ở đại khu Tây Nam (cá biệt vào cả thủ đô Phnom Penh), gồm: 2 bà con thông gia (lãnh đạo tổ chức đảng cấp cao nhất ở cấp vùng), 4 con trai (từ bí thư đảng nhà máy tới chỉ huy cấp sư đoàn), 5 con rể (từ bí thư tỉnh cho tới tư lệnh sân bay Pochentong); trong 5 con gái thì một là bí thư đảng khu Tram Kak (khu kiểu mẫu của Khmer Đỏ, bí thư cũ là chồng cô này), một là giám đốc bệnh viện… Chính màng lưới quyền lực gia đình ấy làm cho Tà Mốc được gọi là “Bố già Tà Mốc”.

Trong khi bắt mọi người xóa bỏ gia đình thì Khmer Đỏ lại phát huy chức năng gia đình mình tới trình độ tương đương một cơ cấu chính quyền. Điều đó chẳng những xuất phát từ thói “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, mà hơn nữa, trong cái chế độ xây dựng bằng thủ đoạn đẫm máu như thế, mối quan hệ huyết thống đã trở thành mối quan hệ duy nhất có thể tin cậy. “Đồ tể” Tà Mốc là viên tướng Khmer Đỏ kiên trì tới cuối cùng (mãi tới tháng 4-1999 mới bị sa lưới). Đó là do hắn giết quá nhiều người nên không thể nào trở về với xã hội được nữa; mặt khác điều ấy cũng nói lên màng lưới quyền lực gia đình của hắn rất có hiệu quả.

Đáng kể là mùa thu năm 1978, khi chính quyền Khmer Đỏ chỉ còn lại 2-3 tháng cuối cùng, trong đảng có thảo luận vấn đề “cải cách”, bắt đầu từ biện pháp “giáo dục”. Một số trường tiểu học được mở lại (có tài liệu nói con em những “Người 17 tháng 4” không được đi học). Mấy trăm nhà trí thức học ở phương Tây về bị giết bị tù, còn lại 15 người nhận lệnh mở một trường đại học kỹ thuật, tuyển sinh 300 người tuổi từ 10 đến 16. Ngoài ra thậm chí còn xét đến chuyện khôi phục lại tiền tệ.

Khmer Đỏ tưởng rằng lịch sử còn cho họ một cơ hội để thực hành “Chính sách kinh tế Mới”, khiến họ có thể lập thêm một kỳ tích mới, trong 4 năm có thể đi từ tai họa dân tộc tới “Cải cách mở cửa”. Nhưng họ đã lầm. Xã hội Campuchia bị Khmer Đỏ phá hủy tới mức không thể nào xây dựng lại trong tay họ được nữa. Nhân dân Campuchia thà tiếp nhận một chính quyền do Việt Nam nâng đỡ dựng lên, ít nhất có thể làm cho họ được đoàn tụ gia đình.

Khmer Đỏ từng tự nhận họ đã cáng đáng nhiệm vụ làm làn sóng cuối cùng của cuộc cách mạng không ngừng tăng tốc trên phạm vi toàn thế giới, song kết quả họ lại lao đầu xuống cái hố sâu nghìn trượng được bồi táng [chôn theo] xương trắng của hơn một triệu đồng bào mình.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú | Bản gốc tiếng Trung: 以革命的名义:红色高棉大屠杀揭秘, 20080304

———————–

Ghi chú của người dịch:

[1] Angkar, tiếng Campuchia, nghĩa là tổ chức; hiểu là tầng lớp lãnh đạo Khmer Đỏ.

[2] Những chữ có gạch dưới trong nguyên bản đều là ô vuông (lỗi do máy tính), ở đây người dịch phỏng đoán.

[3] Chế độ chủng tính (caste system): xã hội cổ Ấn Độ chia dân chúng làm 4 chủng tính (tập đoàn đẳng cấp), các chủng tính không được giao lưu với nhau, không được lấy vợ chồng là người khác chủng tính … Cách phân chia này thể hiện sự áp bức giai cấp tàn khốc và cực kỳ mất bình đẳng. 4 chủng tính gồm: – Bà La Môn (Brahman, tức giới tăng lữ đạo Bà La Môn); – Sát Đế Lợi (Kshatrya, tức tầng lớp võ sĩ); – Phệ Xá (Vaisya, nhà buôn và nông dân); – Thủ Đà La (Sudra, lao động không nghề nghiệp). Ngoài ra còn có tầng lớp tiện dân (Harijan), là tầng lớp dưới cùng, còn gọi là tầng lớp không thể tiếp xúc (untouchable).

[4] Hình nhi hạ: chữ Hán dùng trong bản gốc, chưa tìm được từ tiếng Việt tương đương. Chúng tôi đoán là cụ thể/ thực tại.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire