02/01/2019

NHỚ CÁI RÉT ĐẦU ĐÔNG

MÊNH MÔNG TH S Đ GIÓ CUN ĐI

S 57


Tương Lai

Những ngày cuối năm Sài Gòn se lạnh càng gợi nhớ cái rét Hà Nội, nhớ cái rét Miền Bắc: Hà Giang 40, Sapa của Lao Cai30, có lúc 00; Mẫu Sơn của Lạng Sơn xấp xỉ 00, màn hình tivi trắng xóa tuyết đang rơi…Bỗng thèm những chuyến đi như dạo nào với Đại, với Hoàng Đốp, với Bế Văn Hậu. Từ Hà Nội lên Lạng Sơn (quê của Hậu), rồi từ Lạng Sơn qua Thất Khê, Đông Khê lên Cao Bằng, xe Lancruiser đóng kín cửa mà mấy ngón chân, ngón tay vẫn tê buốt.

Rồi lại chuyến đi cùng với Phạm Xuân Đại, Trịnh Hòa Bình lên Lũng Cú Hà Giang trở về qua cung đường Mã Pì Lèng, Mèo Vạc, vượt cổng trời Quản Bạ để đến cao nguyên đá Đồng Văn trong sương mù phủ kín...Còn có chuyến đi toát mồ hôi, phải cởi áo khoác, áo len  cầm tay khi hụt hơi leo dốc trong chuyến đi cùng đoàn cán bộ khoa học do Bộ KH&CN tổ chức đến khảo sát tại chỗ địa điểm sẽ xây công trình thủy điện Sơn La tại tuyến  Pa Vinh ở xã Ít Ong, huyện Mường La thì lại có một phong vị khác… 


 Trong hoài niệm có những bóng dáng đã nhòe đi nhưng có cái vẫn như lay động, giục giã, đó là cái rét thấm vào da thịt. Mà nói cho có ngọn nguồn, thì cái rét đang thấm trong tim tôi, lại khởi đầu từ Hà Nội, khởi đầu từ một kỷ niệm rất ngớ ngẩn nhưng lại đeo đẳng suốt 70 năm qua. Đó là cái rét đầu đông năm 1954 bắc cầu qua giêng hai, năm 1955 của những ngày “tiếp quản Hà Nội” chìm sâu trong ký ức tuổi trẻ. Cuốc bộ từ trường Bưởi, Thụy Khê nhởn nha theo đường Quan Thánh vẫn còn leng keng tàu điện chuyến cuối hoặc gần cuối, khi thì vượt cống chéo Hàng Lược theo đường Lương Văn Can ra Bờ Hồ, khi thì qua bốt Hàng Đậu, giông thẳng ra chợ Đồng Xuân, theo đường hàng Ngang, hàng Đào ra thẳng nhà Thủy Tạ, Hồ Gươm.

Để gì? Chỉ để đến gốc sấu cạnh nhà Thủy Tạ có ông Khách bán bán rán. Một cái chảo mỡ sôi sùng sục, ông già Tàu thong thả vớt từng mẻ bánh rán chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái một tí, trút vào một cái rổ sắt đặt trên một chậu sành bên cạnh, rồi lại tiếp tục nhặt mẻ bánh khác do cô cháu vừa vo xong để đặt nhẹ vào chảo dầu. Cũng ông, tùy theo khách gọi mua mà rút từ cái túi vải dày, treo trên chiếc đinh đóng vào thân cây sát cạnh, những chiếc túi giấy báo to nhỏ đựng bánh và vui vẻ thu tiền nhét vào túi áo trước ngực sau khi đưa túi bánh cho khách. Hình như ông quen mặt nhiều người mua bánh nên có khi đệm vào bánh rán một lời thăm hỏi kèm theo nụ cười méo móm hiền lành, rất dễ thương. Tôi những mong nhận được từ ông một “ân huệ” ấy nhưng không được, có lẽ vì tôi mỗi tuần mới đến mua bánh của ông có một lần, may lắm là hai!

Dạo ấy, chúng tôi chỉ có được “ước mơ nho nhỏ” là mỗi tuần rủ nhau ra hồ Tây ăn bánh tôm hoặc cuốc bộ ra Hồ Gươm anh bánh rán “ông Khách”. Trong cái rét căm căm mà mấy ngón tay tê buốt vẫn phải cầm cái túi giấy đựng bánh rán chứ không dám cho vào túi áo bông dày sụ vì sợ dây mỡ vào. Trang bị chống rét của tôi, và cả bọn chúng tôi cũng đều thế, là cái áo bông Tàu được cấp phát khi từ Việt Bắc về Thủ đô. Có lúc tôi mặc thêm vào trong cả chiếc áo len chị tôi đan cho, nhưng phải là những ngày rét quá, chứ thường thì phải cất giữ cẩn thận.

Hồi ấy “sinh hoạt phí” khá ngặt nghèo, nên những khoản “cải thiện” thú vị mà thích hợp nhất là hai món tôi vừa kể. Thế mà cũng phải có chút “dành dụm” thì mới rủ nhau cùng đi được. Ấy vậy mà một người rất Hà Nội, người Hà Nội mà tôi yêu quý nhất, anh Việt Phuơng, có lần hỏi tôi kỷ niệm sâu nhất của TL về Hà Nội là gì, một thoáng suy tư tôi trả lời không chút ngập ngừng: “ăn những cái bán rán nóng bỏng mồm bên Bờ Hồ những ngày về tiếp quản Thủ Đô”! Chuyện này có giây mơ rễ má khá sâu đậm vì cũng chính từ cuối năm 1953 anh Việt Phương gặp tôi, và rồi sau đó mới có việc tôi ở trong đoàn “về tiếp quản Hà Nội”, và rồi mới có câu hỏi và câu trả lời kia. Cũng còn những lời tâm sự mà tôi hiểu anh có ý căn dặn điều mà anh đang day dứt, sau này và nhất là những ngày gần đây, qua một vài bài viết được tung lên mạng mà tôi đọc thấy những thâm ý tệ hại, lại càng thấy mình nợ những day dứt của Việt Phương một câu trả lời dứt khoát, nhưng có lẽ phải có thời gian. Đó là câu chuyện của quãng cuối tháng tư năm ngoái, 2017, những ngày Việt Phương bệnh nặng và Phạm Xuân Đại đưa tôi đến bên giường bệnh, anh em chúng tôi ngồi yên lặng bên nhau khi tôi bay từ Sài Gòn ra mà tôi đã có dịp viết trong “Mênh mông thế sự”.

Trong cái thế sự mênh mông ấy thì bao nhiêu sự kiện đã trôi đi chẳng để lại một dấu vết đáng kể nào, nhưng cũng có biết bao những sự kiện, con người, cảnh vật… mà năm tháng chỉ có thể làm hằn sâu trong ký ức, hoặc để buốt nhói trong tim, hoặc để xoa dịu những nỗi đau và trào lên một nguồn sống mạnh mẽ, đẩy lùi bớt đi những ô nhiễm nhày nhụa tối tăm. Một trong đó là ánh lửa của các cháu nhỏ đốt lên ở đoạn đường đèo đổ dốc vào một buổi chiều Đông Bắc.

Cái rét đầu đông đang thức dậy trong tôi chuyến đi năm 1996. Từ cột cờ ở Lũng Cú, chúng tôi ghé thăm đồn biên phòng rồi xuôi về Mèo Vạc qua cung đưởng Mã Pì Lèng, cổng trời Quản Bạ, về cao nguyên đá Đồng Văn. Cạnh lề đường, một nhóm mấy cháu nhỏ ngồi sưởi bên một đống lửa. Tôi đề nghị lái xe cho dừng lại, xuống cạnh các cháu, ba cháu trai, hai cháu gái mặt hồng lên cạnh đống lửa. “Các cháu ngồi đây lâu chưa?”. Cháu trai đội mũ nồi nhanh nhảu: “đợi bò ăn cỏ, lát nữa mới lùa về”. Về đâu? “Kia kìa”, cháu đứng dậy chỉ tay về phía thung lũng bên dưới, tôi nhìn thấy mấy ánh đèn lấp ló trong sương mù. Bỗng loáng thoáng có tiếng hát khi xa, khi gần, nghe giai điệu quen quen. “Những ai hát đấy cháu”, tôi hỏi. Vẫn cháu trai nhanh nhảu : “các chú bộ đội đi kiếm củi hát đấy”. Cháu gái rụt rè cất tiếng nhỏ nhẹ không dấu được sự lo lắng: “các chú đang hát là đang đi về đấy, đồn biên phòng còn xa, chắc tối mịt mới đến được ”. Tôi thấy lòng xốn xang, đặt hai bàn tay lên vành tai cố lắng bắt tiếng hát lãng đãng trong sương chiều, tiếng được tiếng không : “Cụm rừng nào lá xác xơ cây, từ vực sâu nghe lời mời đã dậy…”.

Chao ôi, nhạc Trịnh! “Cát bụi” của Sơn len tận nơi thâm sơn cùng cốc này sao? Tim tôi như thắt lại, một cảm xúc trào dâng, nghẹn ngào. Nhìn váo ánh mắt cháu gái bé tí xíu giữa mênh mông rừng núi vào một buổi chiều mờ sương như thế này lòng tôi xốn xang bao ý nghĩ. Tôi hỏi “các cháu lớp mấy rồi”. “Lớp năm và lớp sáu” vẫn cháu trai đội mũ nồi hào hứng trả lời, “nó học giỏi nhất đấy, cô giáo yêu nó lắm đấy, cô ở dưới xuôi lên mà”, chỉ vào cô bé đã nhỏ nhẹ nói về các chú bộ đội đi kiếm củi, đang e thẹn cúi mặt, cháu “mũ nồi” vừa cười vừa nói. Nhìn vào các cháu túm tụm bên đống lửa trong gió rét căm căm của buổi hoàng hôn giữa núi rừng, tôi cố hình dung cái ánh đèn le lói dưới thung lũng kia đang rọi chiếu trên tập vở của đám trò nhỏ mà cô giáo dưới xuôi kia đang thong thả chấm bài. Có tiếng còi xe giục, tôi đứng dậy, rút chiếc bút trên túi áo đặt vào tay cô bé đang e thẹn hơ trên lửa, rồi vội vã ra xe trong tiếng đáp hối hả của cháu bé “không lấy đâu, không lấy đâu” giữa những tiếng cười giòn của đám bạn trai. Trước khi bước lên xe, tôi bỗng sững lại, cố dõi theo tiếng hát để rồi bắt gặp phía xa xa kia, dòng sông Nho Quế ẩn hiện trong từng mảng ánh sáng của le lói ráng chiều thoi thóp mờ tắt. Nhiều năm trôi qua, tiếng hát ấy, ngọn lửa ấy, ánh mắt ấy, ngọn đèn ấy, dòng sông ấy trong cái lạnh cắt da cắt thịt ấy vẫn chìm sâu trong ký ức, thức dậy trong tôi những xúc động kỳ lạ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đã viết những điều vừa kể đăng trên báo “nhà nước” khi tôi chưa bị cấm tuyệt đối không được xuất hiện trên bất cứ tờ báo chính thống nào.

Tôi háo hức với ý nghĩ phải kể với Trịnh Công Sơn câu chuyện nhỏ nhưng thật thú vị này? Thì mùa hè năm trước, trong cái nắng như thiêu đốt, Hà Nội lên đến 39,  Sơn ra Hà Nội tiễn anh Văn Cao ra đi vĩnh viễn. Tụ tập tại nhà tôi, Sơn đóng bộ complet đen, thắt ca vát đen. Kiểu này mà xuống Mai Dịch thì có lẽ ngất, vì tại nghĩa trang phải trên 40.Tôi cố thuyết phục: “thôi Sơn à, Sơn chỉ đến 51 Trần Hưng Đạo để tiễn anh Văn một đoạn, rồi xe mình sẽ đưa Sơn thẳng lên sân bay, không thể vào Mai Dịch khi Sơn đang yếu thế kia”. Thái Bá Vân cũng bàn vào “tôi sẽ thay ông đưa chai Chivas này lên tưới vào mộ anh Văn thay ông, ông đừng để chúng tôi phải tiễn luôn ông đi cùng anh Văn, nghe chúng tôi đi”. Và rồi Thái Bá Vân đã thực hiện lời hứa đó.

 Khi tang lễ đã hoàn tất, người ta chuẩn bị xếp những vòng hoa lên trên mộ thì Thái Bá Vân vội bước ra: “khoan khoan”. Vừa nói anh vừa rút trong túi ngực ra chai rượu Chivas, nhưng lúng túng mãi không mở được nắp khiến Trần Hoàn thất sắc. Chắc là ông chủ trì tang lễ ngỡ có chuyện bất ngờ mà y ta chưa kịp đề phòng chăng? May quá, ông Lâm, chủ quán cà phê 60 Nguyễn Hữu Huân bước tới, túm lấy chai rượu, nhẹ nhàng mở nắp rồi trao lại cho Thái Bá Vân thủng thẳng rót tượng trưng từng chén, từng chén một lên mộ Văn Cao : “đây là của Trịnh Công Sơn tiễn anh, đây là của tôi tiễn anh, đây là…tiễn anh…”. Chắc là Trần Hoàn thở phào!

Tưởng cũng nên vài dòng về ông chủ quán cà phê mà nhà văn Nguyễn Tuân đã cao hứng so sánh quán cà phê nhỏ phố Nguyễn Hữu Huân của ông Lâm, nơi có một không gian nghệ thuật từng hằn sâu những nét dấu của người thủ đô vốn ẩn kín một chiều kích sâu thẳm văn hóa, lịch sử và nhân văn này, với bảo tàng nghệ thuật quận Paris. Suốt cả chặng đường ra nghĩa trang, người chủ quán có “biệt nhỡn liên tài” này yên lặng, yên lặng như khi đặt ly cà phê trên cái bàn gỗ nhỏ trước mặt tôi mà đôi lần tôi có dịp cùng với Thái Bá Vân đến quán ông. Ông cũng nín lặng đứng khuất vào nhóm bạn bè trước tang lễ Văn Cao trong dáng vẻ gầy gò trầm tĩnh trong tấm áo đã sờn. Thường vẫn vậy, chỉ những thùng rỗng mới kêu to! Bỗng thoáng trong óc tôi, ánh mắt và giọng nói rụt rè của cháu bé trước đống lửa được nhóm lên trên cung đường Mã Pì Lèng từng ngập tràn trong tôi niềm xúc động khó nói được nên lời, hay viết vào trang giấy.

Cuộc sống có những điều thật đơn sơ, đôi khi là nhỏ nhặt, nhưng lại cao cả và đẹp vô cùng. Chỉ buồn một nỗi là nhiều trong họ đã ra đi. Trịnh Công Sơn, Thái Bá Vân, Nguyễn Tuân, Việt Phương, Lâm cà phê…đã thành người thiên cổ. Nhưng dù có như thế, thì những kỷ niệm đẹp về họ, hình ảnh của họ là những cái phao cứu rỗi cuộc sống tinh thần của tôi, sưởi ấm tâm hồn không chỉ riêng tôi, đang phải ngập ngụa trong một môi trường sống bị đầu độc bởi những gương mặt nhày nhụa đạo đức giả với những rao giảng bịp bợm được gom lại thành quy tắc, nghị quyết vung vãi khắp nơi. Những cứ muốn nối tiếp lời ca của những người lính biên phòng trẻ tuổi đang tan trong sương lạnh núi rừng Đông Bắc tổ quốc nơi thung lũng có con sông Nho Quế chảy qua: “Mặt trời nào soi sáng tim tôi”.

Và rồi cái lạnh của Tây Bắc cũng chẳng khác mấy những buốt giá của núi rừng Đông Bắc, mà chuyến đi Sơn La dạo ấy để lại khá nhiều kỷ niệm và cảm nhận thú vị. Có chuyến đi ấy vì nghe đâu đã có lời cảnh báo “Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 40 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4-60m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người !”. Không hiểu ai đã gọi tôi vào chuyến đi do anh Đặng Hữu, Bộ trưởng Bộ KH&CN dẫn đầu đoàn cán bộ của 4 bộ cùng đi trong chuyến khảo sát thực địa ấy. Cùng với hai anh Lê Thạc Cán và Nguyễn Thượng Hùng, ba chúng tôi được mời với tư cách là những chuyên gia độc lập không thuộc bộ nào, hình như anh Cán là chuyên gia về thủy lợi và môi trường, anh Hùng là về địa chất (?), và tôi là xã hội học tham gia vào đoàn khảo sát. Đoàn khá đông, nay tôi không còn nhớ rõ, chỉ biết đích đến sẽ là Pa Vinh ở xã Ít Ong, huyện Mường La, nơi sẽ quyết định cao độ của thủy điện Sơn La. Chúng tôi sẽ đến bằng hai cách. Một là đi thuyền ngược sông Đà đến Ít Ong. Tôi khoái đi thuyền vì bị ám ảnh bởi Tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân về “con ngựa bất kham” này. Nhưng sự đời vốn trêu ngươi, tôi lại được chỉ định phải theo đường bộ. Đành lội suối, trèo đèo mà đến địa điểm đập Pa Vinh ở xã Ít Ong vậy. Lâu lắm rồi, kể từ hơn nửa thế kỷ trước, năm 1950, tôi trải nghiệm lại việc “thở bằng tai” khi vượt dốc, leo núi, băng rừng suốt 6 tháng trời, từ chiến khu Dương Hòa của Huế để ra Việt Bắc. Dù sao thì chuyến đi này vui hơn nhiều.

Chỉ ngượng một điều là cứ phải lẽo đẽo theo sau một chị phụ nữ Thái. Chị đi dép lê, dáng người mảnh khảnh, vậy mà bước chân cứ thoăn thoắt phía trước, thỉnh thoảng lại phải mỉm cười đứng chờ cánh mày râu thở phì phò nặng nhọc lê phía sau. Có lúc chị lại phải chìa tay kéo một vài trong chúng tôi vượt lên một mỏm đá ngáng đường mà vất vả vượt lên. Mãi về sau tôi mới biết người phụ nữ ấy là chị Tòng Thị Phóng, bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Mấy năm sau chuyến đi ấy, khi gặp lại tại Hội nghị Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc VN chị vẫn nhận ra tôi và thân mật chào hỏi. Thế rồi chuyến khảo sát thú vị được kết thúc bằng hai ngày tổng kết tại Sa Pa.

Mệt rã rời nên hình như cũng chẳng có ai tính chuyện dạo chơi ngoạn cảnh chỉ tụ tập tán gẫu. Có một chuyện khá hài hước. Trước bữa ăn trưa, nửa ngồi nửa nằm trong gian phòng họp, anh Bùi Thiện Dụ, Vụ trưởng Vụ đối ngoại của Bộ KH&CN nếu tôi nhớ không nhầm, chỉ vào tôi nói tỉnh khô, song tôi biết ngay là ngầm một ẩn ý : “này các ông ạ, thì ra ông này cũng làm khoa học như anh em chúng ta ở đây đấy”. Sau này hỏi ra mới biết là chính Bùi Thiện Dụ đề xuất ý kiến mời tôi tham gia đoàn khảo sát. Tôi hiểu ra tôi đang là “con ngựa trắng” giữa cánh các anh em trong đoàn khảo sát, tất cả đều thuộc chuyên ngành khoa học tự nhiên. Cánh khoa học xã hội, chẳng phải chỉ mình tôi ngồi đây mà là nói chung, trong con mắt của nhiều người, là những người chuyên trị võ mồm, ăn theo nói leo theo lãnh đạo, nhai lại chỉ thị nghị quyết. Cả bọn phá lên cười, vui vẻ nhìn tôi đang ngơ ngác ngượng nghịu.

Được dịp, Chu Hảo chêm vào: “thế thì để tôi kể cho các anh nghe câu chuyện cũng khá thú vị này. Hôm ông Tương Lai được chỉ định cùng ông Đỗ Hoài Nam đến trình bày với Tổng Bí thư Đỗ Mười với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban soạn thảo Văn Kiện Đại hội 8 về kinh tế và xã hội, tôi ngồi dãy ghế của chuyên viên phía sau bên cạnh Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Khi nghe Tương Lai cứ hồn nhiên cãi lại Tổng Bí thư lúc ông Mười bực mình về những con số và nhận định về đời sống của nông dân và bối cảnh nông thôn mà ông cho là không đúng, Nguyễn Phú Trọng ghé tai tôi : “này ông xem, tay này đang báo cáo với Tổng bí thư và Bộ Chính trị mà cứ thao thao bất tuyệt cứ như trình bày trước hội đồng khoa học của hắn ta không bằng”! Mọi người lại một lần nữa cười phá lên. Ai đó đế vào “Sao lại có thằng hỏi một câu ngu vậy. Thế là cứ phải triền miên dạ thưa anh, báo cáo anh, đúng là anh thật sáng suốt ạ… hay sao?”.

Nhưng ai đó bình một câu chát chúa mà thật thâm trầm rất chi là “đúng quy luật” : “Thôi, tôi xin can các ông. Các ông nhớ cho rằng, rồi những người mà các ông vừa hài hước phê phán ấy, họ sẽ ngồi trên đầu các ông bây giờ đấy. Cứ liệu liệu, đừng có giỡn nhá”! Tôi ngồi lặng đi, đưa tay cởi bớt mấy cái cúc áo khoác ngoài cho đỡ ngột ngạt. Cái lạnh Sa Pa không đẩy được cái nóng bừng bừng trong đầu tôi. Một lần nữa lại cứ muốn nối tiếp câu hát của những anh lính trẻ đồn biên phòng từng lãng đãng trong trĩu nặng sương chiều trên thung lũng dọc cung đường Mã Pì lèng :

“Để tình yêu xay mòn thành đá cuội

                                 Xin úp mặt bùi ngùi

                                Từng ngày qua mải ngóng tin vui”.

Vậy là cứ từng ngày mỏi ngóng tin vui? Cuộc đời đâu thiếu những tin vui. Tin vui bật lên từ cuộc sống lam lũ nhẫn nại của những con người không cam chịu số phận cố tìm đường sống. Từng mảng sống gọi dậy sức quật khởi, sáng tạo của bao người thật đẹp, thật đáng khâm phục. Khốn nỗi vẫn cứ phải căng đầu ra mà cố tìm thấy những sự thật thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và trăn trở tìm tòi, loại bỏ những trò đánh bóng mạ kền của một thứ “nói vậy mà không phải vậy” lừa mỵ bịp bợm của một bộ máy tuyên truyền quá lố.

Hãy chỉ nói đến một sự kiện giật gân mà mấy ngày rồi báo, đài dồn dập đưa tin về sân bay Vân Đồn. Một câu hỏi nóng bỏng trên mạng: “Vân Đồn. Đến Vân Đồn làm gì” : Một cái sân bay không và chưa bao giờ là yếu tố để phát triển Công nghiệp không khói. Huống chi – hãy tự hỏi mình – chả có lý do gì để bạn đến Vân Đồn ngay cả khi có sân bay, trừ phi bạn có tiền và không biết dùng làm gì. Và, khoảng cách từ Cát Bi tới Vân Đồn chỉ 45km. Tại sao phải có thêm một sân bay khi đã có một sân bay cách đó 45km xe hơi và gần như 0km đường bay? Hãy hỏi Luật Đặc khu”! Câu hỏi ấy chẳng ai giải đáp cả. Mà giải đáp sao nổi, nên giải đáp mà làm gì.  Cứ theo chiến thuật “cả vú lấp miệng em”, hình ảnh đưa lên tivi cứ thật mùi mẫn, báo chí nhà nước cứ gõ trống khua chiêng thật xôm trò là xong, như đã từng. Chỉ một ví dụ đã thấy quá đủ, viết chi cho dài dòng nữa! Nhưng chẳng nhẽ gác bút?

Dù sao thì đốt lên một que diêm để le lói chút ánh lửa còn hơn co mình lặng yên trong  bóng tối?  May quá vừa có tấm lịch tranh của Trịnh Công Sơn mà Trịnh Vĩnh Trinh vừa đem đến, bèn vội treo lên giữa phòng với nét chữ của Sơn :

Sự thăng trầm, con nước ròng con nước lên, sự đầy vơi của mỗi con số trên tờ lịch của mỗi ngày dù sao cũng cho ta một an ủi sau cùng: là có một thời ta đã sống với đầy đủ những buồn vui



 Sài Gòn ngày 31.12.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire