18/01/2019

Sự lừa dối có hệ thống






Luật đất đai về sở hữu “toàn dân” là một cái luật khốn nạn, bất nhân, rừng rú. Chính vì cái luật này mà những người dân đang sống yên ổn trên mảnh đất, trong ngôi nhà của mình một ngày nào đấy có thể lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, bơ vơ và uất hận cho đến chết.

Chỉ cần doanh nghiệp nào đấy thấy một mảnh đất ngon, câu kết với chính quyền vẽ ra dự án, cố tình vẽ ra vài tiêu chí có vẻ phù hợp với chủ trương chung là có thể hất những người dân ra khỏi chính ngôi nhà, mảnh đất của họ. Bởi người dân không có quyền sở hữu mảnh đất họ sống, chỉ là có quyền sử dụng đất nên một vài cái công văn, quyết định là có thể cưỡng chế, bắt buộc người dân cầm đồng tiền “đền bù” rẻ mạt để bắt đầu cuộc sống vô gia cư.


Một dự án lưu manh được dựng lên, sau khi đá người dân ra khỏi mảnh đất của họ thì nó thuộc về ai? Nó vẫn thuộc về “toàn dân” về mặt lý thuyết, nhưng thực chất là nó thuộc về thằng chủ dự án, bởi nó có thể bán lại cho khách hàng. Thuộc về toàn dân nhưng dân chân đất mắt toét có thể đặt chân vào được không? Tất nhiên là không. Vào là chúng nó đánh cho vỡ đầu nhập viện ngay.

Do vậy, “toàn dân” ở đây không có nghĩa là toàn dân. “Toàn dân” ở đây có thể hiểu là người dân chỉ được sống tạm trên mảnh đất của mình, mặc dù mảnh đất ấy có thể được cha ông để lại từ trước khi cái chính thể này được thành lập. “Toàn dân” là chính quyền có thể cướp của dân để giao cho doanh nghiệp có tiền, là “cá lớn nuốt cá bé”, là “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, là “nguy cơ bị cướp một cách hợp pháp” bất cứ lúc nào.

Các bạn cầm bút trên báo chí chính thống nên hiểu rõ bản chất của cái luật này để viết sao cho sâu sắc. Tất nhiên, đa phần các bạn chỉ là thợ viết theo định hướng, chỉ là những con vẹt hót theo chủ nên quan tâm cũng chẳng được ích gì.

Chính vì vậy mới sinh ra thảm cảnh Thủ Thiêm và giờ là Lộc Hưng. Nếu luật công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai thì sẽ không bao giờ có những bi kịch này xảy ra. Đơn giản là bạn chỉ đồng ý bán khi giá cả thoả mãn với mình.

Điều này không mới. Trong phong trào cải cách ruộng đất, phong trào “long trời lở đất” thì việc cướp bóc đã thành một con sóng khổng lồ bao trùm xã hội. Địa chủ không những mất đất mà còn mất mạng. Chỉ có điều xưa thì cướp của người giàu, giờ thì cướp của người nghèo. Xưa cướp của người giàu để chia cho nghèo, nay cướp của người nghèo để người giầu càng giầu thêm. Tóm lại tiêu chí chính quyền công nông, chính quyền vì người nghèo chỉ là một cái bánh vẽ thuở ban đầu. Giờ là thời của đồng tiền cất tiếng hát.

Tôi biết các vị lãnh đạo, những người có tâm chắc cũng loay hoay ghê lắm khi điều hành xã hội này. Các “đồng chí” của các vị cũng lắm chiêu trò, lòng tham không đáy mà thủ đoạn thì vô cùng. Muốn ngăn chặn những con quái thú mõm to thì việc cần làm là thay đổi luật, là cải cách bộ máy và cần làm truyền thông tốt để có được sự ủng hộ của dân. Tuy nhiên, trong bộ máy này thì người có tâm có tầm thì ít mà kẻ cơ hội, câu kết bè phái để hưởng lợi thì nhiều.

Trong bộ máy nhà nước, cả mớ người tôi nhìn thấy giống nhau cả. Nói không dám nói thẳng, tư duy vướng víu hổ lốn nhìn trước trông sau, có chăng chỉ là mấy mĩ từ ru ngủ chẳng có giá trị trí tuệ gì.

Về vụ Lộc Hưng, tôi khẳng định là đất của họ là hợp pháp. Đa phần họ sống ở đấy từ năm 54, 21 năm trước khi chính quyền của các vị xuất hiện. Các vị có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho họ hay không thì về mặt công lý, mảnh đất ấy vẫn thuộc về họ. Tất nhiên, các vị cố tình cướp thì cũng được. Máu dân lành sẽ đổ, nhưng vết sẹo lòng người sẽ không bao giờ liền được.

Bây giờ là thế kỉ 21, xin bớt rừng rú có được không?


https://baotiengdan.com/2019/01/13/su-lua-doi-co-he-thong/?fbclid=IwAR2YJ93XTbVNgRSkTfFdcymYt8lq4Fs9VIao--MBX3941MsiOx5HzpkJRTg

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire