Trung Nguyễn
12-1-2019
Dẫu đã viết nhiều về những phát biểu ngớ ngẩn và đạo đức giả của
các quan chức cộng sản, tôi nghĩ vẫn cần phải viết tiếp để mọi người nhận thức
rõ bản chất thật của cái đảng cầm quyền trên đất nước này.
Tại sao như vậy? Tôi được biết vẫn có những thầy cô giáo giảng
dạy đại học, khi nghe sinh viên nói đến tin tức gì đó không được báo chí chính thống
đưa tin, liền quy kết sinh viên đó là “phản quốc”. Trong giảng dạy, nghiên cứu
thì các thầy cô giảng viên đại học đó vẫn chỉ dám lấy nguồn “chính thống” được
công nhận như của Tổng cục Thống kê, báo chí nhà nước.
Các thầy cô giáo đó vẫn tin rằng đảng Cộng sản là cái gì đó
thiêng liêng, và các quan chức cộng sản đã phát biểu điều gì đó thì điều đó là
sự thật, y như tên cái nhà xuất bản chính trị quốc gia của đảng Cộng sản mang
tên “Sự Thật”.
Ông Phúc phủ nhận điều 4
Hiến pháp
Trở lại vấn đề, ai ở Việt Nam những ngày này chắc cũng thấy
những panô, khẩu hiệu quảng bá cho các đại hội Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam
các cấp. Tại hội nghị của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 8 khóa VIII
ngày 5/1/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo như sau:“Chúng ta có một đảng lãnh đạo, không có giám sát, phản biện sẽ
thành một đảng không đi vào lòng dân, nên vai trò của Mặt trận Tổ quốc là rất
quan trọng”.
Người dân có thể thấy ông Phúc đã sổ toẹt vào Hiến pháp do đảng
Cộng sản ban hành khi thú nhận đảng Cộng sản không hề có được sự ủng hộ của
nhân dân. Điều 4 Hiến pháp 2013 ghi nhận về đảng Cộng sản “hoành tráng” như thế
này: “Đảng Cộng sản Việt
Nam…[là] đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động
và của cả dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục
vụ Nhân dân, chịu sự
giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định
của mình…”
Như thế, bản thân đảng Cộng sản đã tự nhận họ là “đại biểu trung thành” của cả dân tộc Việt
Nam và những gì họ làm đều “phục
vụ nhân dân”. Vậy mà ông Phúc dám cả gan bảo rằng, nếu không có “giám sát, phản biện” thì
họ sẽ “không đi vào lòng dân”.
Tức là qua lời ông Phúc, hoàn toàn không có chuyện đảng Cộng sản
Việt Nam là đại diện cho dân tộc Việt Nam, và các hoạt động của đảng Cộng sản
không có sự ủng hộ của người dân Việt Nam, không vì lợi ích của dân tộc Việt
Nam. Điều 4 Hiến pháp chỉ ghi cho có, như một khẩu hiệu chính trị của đảng Cộng
sản chứ hoàn toàn không có cơ chế nào để buộc đảng Cộng sản phải “vì nhân dân
phục vụ” hết.
Cơ chế “giám sát, phản
biện” không giống ai của đảng Cộng sản
Tiếp theo, người dân cũng thắc mắc tại sao đảng Cộng sản lại
cần “giám sát, phản biện” để “đi vào lòng dân”?
Theo từ điển, “giám sát” là “theo dõi và kiểm tra việc thực hiện những điều đã quy định”. Còn
“phản biện” “là hoạt động đưa ra
những lập luận, lý lẽ, chứng cứ nhằm lý giải, chứng minh ngược lại một quan
điểm, một vấn đề hay một hiện tượng… nào đó. Mục đích của phản biện là làm sáng
tỏ vấn đề và nhằm hoàn thiện cho những lập luận, lý lẽ… đang được phản biện,
hoặc chứng minh chúng là sai”.
Vậy thì MTTQ có thể nào dám “giám sát” hay “phản biện” chính phủ hay đảng
Cộng sản hay không? Hoàn toàn không! Việc ông Phúc đến chỉ đạo tại hội nghị
Trung ương MTTQ là một minh chứng cho điều đó. Làm sao một cơ quan hay các viên
chức cấp dưới dám “giám
sát, phản biện” cấp trên? Các đảng viên cộng sản trong
Trung ương MTTQ liệu có dám “giám
sát, phản biện”Bộ Chính trị của đảng Cộng sản? Chắc chắn là
không.
Nếu thật sự MTTQ là đại diện cho dân, vì dân, cũng như hàng loạt
các cơ quan khác tự nhận như vậy như Hội đồng Nhân dân, Quốc hội… thì làm gì có
cảnh dân oan kêu khóc hàng chục năm mà không được giải quyết, làm gì có chuyện
cưỡng chế đất đai thảm khốc như ở Đồng Tâm, Văn Giang, Thủ Thiêm… và mới đây
nhất là vườn rau Lộc Hưng.
Dân tộc Việt Nam thật vô phúc khi có rất nhiều các cơ quan đều
đại diện cho mình, vì lợi ích của mình! Nhân dân Việt Nam tha hồ đóng thuế để
các cơ quan đó tiếp tục diễn tuồng “giám sát, phản biện” với nhau.
Để dân “giám sát, phản
biện” đảng cầm quyền
Nếu thực sự giới lãnh đạo cộng sản cần “giám sát, phản biện”thì họ đã chọn một con
đường bình thường như các nước trên thế giới đang làm, chứ không phải vẽ vời ra
hàng loạt các cơ quan ăn hại tiền thuế của dân như hiện nay.
Các công cụ để người dân “giám sát, phản biện” lại các chính sách
của nhà cầm quyền chính là xã hội dân sự. Dân phải có quyền tự do lập hội và
hội họp như điều 25 Hiến pháp của đảng Cộng sản quy định. Các hội do dân lập ra
sẽ đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của các thành viên của hội, ví dụ như nghiệp
đoàn độc lập, để bảo vệ lợi ích của người lao động, là thành viên của nghiệp đoàn.
Không cho dân tổ chức lại thì làm sao dân có sức mạnh?
Ngoài xã hội dân sự thì người dân phải có quyền ra báo chí tư
nhân để phản biện các chính sách của nhà cầm quyền. Nói cách khác, báo chí phải
được tự do. Chỉ khi đó thì những oan ức, bất công, sai trái mới được người dân
tố cáo mà không bị hạn chế. Khi đó thì những bất công xã hội mới từ từ được đẩy
lùi. Không có chính quyền thực sự “của dân, do dân, vì dân” nào trên thế giới
lại sợ hãi báo chí tự do cả.
Chừng nào dân chưa có quyền tự do lập hội và tự do báo chí thì
những khẩu hiệu của đảng Cộng sản trao quyền cho dân chỉ là bánh vẽ, như
câu “dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra”.
Ngay như mới đây, Chủ tịch thành phố Hà Nội, tướng công an
Nguyễn Đức Chung, yêu cầu dân phải “xin phép” mới được quay phim, ghi hình cán
bộ tiếp công dân. Tức là nhà cầm quyền đã tước đi cái quyền của dân được giám
sát “công bộc của nhân dân”, biến
sự giám sát của ông chủ nhân dân với đầy tớ thành quan hệ “xin-cho”. “Đầy tớ”
cán bộ phải đồng ý thì “ông chủ” nhân dân mới được giám sát.
Tam quyền phân lập
Không chỉ có người dân được quyền “giám sát, phản biện” nhà cầm
quyền mà ngay cả các nhánh quyền lực Nhà nước như hành pháp, lập pháp, tư pháp
cũng phải được quyền “giám sát, phản biện” lẫn nhau. Trong đó quan trọng nhất
là tư pháp, tòa án phải được độc lập.
Dẫn chứng về việc này là ngay cả khi công dân kiện cơ quan hành chính, tòa
triệu tập lãnh đạo các cơ quan đó nhưng hầu như lãnh đạo các cơ quan hành chính
không đếm xỉa, không thèm có mặt. Nói một cách dân dã là hành pháp ở Việt Nam
chẳng coi tòa án là “cái đinh” gì.
Ngay như việc nhà cầm quyền đập phá nhà dân ở vườn rau Lộc Hưng
trái trình tự pháp luật, nhà cầm quyền không thèm đưa ra bất cứ văn bản hay căn
cứ pháp luật nào, dân cũng chẳng thể nào đi kiện với tòa án mà không có giấy
tờ.
Ấy vậy mà Hiến pháp 2013 của đảng Cộng sản vẫn ghi nhận “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Thực
chất ở chế độ cộng sản này làm gì có chuyện dân bình đẳng với quan chức. Có thể
thấy rõ, biệt phủ, biệt thự của quan chức xây dựng trái pháp làm gì
có cái nào bị cưỡng chế, đập phá?
Đa nguyên đa đảng
Và một điều cực kì quan trọng trong “giám sát, phản biện” đối với đảng cầm
quyền chính là đảng đối lập. Điều này thì đảng Cộng sản còn gắt gao hơn mọi thứ
trên đời. Lúc nào quan chức của đảng Cộng sản và công an cũng ra rả “không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập”.
Chỉ có đảng đối lập mới có thể tranh luận sòng phẳng với đảng
cầm quyền về các chính sách cho quốc gia trên diễn đàn Quốc hội. Và chỉ có đảng
đối lập mới có thể buộc đảng cầm quyền phải trả giá nếu không được lòng dân, đó
là việc đảng đối lập sẽ lên nắm quyền và đảng cầm quyền sẽ mất quyền lực. Do
đó, không có đảng đối lập sẽ không có “giám sát, phản biện” đúng nghĩa.
Giới lãnh đạo cộng sản
tiếp tục lừa dối dân
Nhà cầm quyền thừa biết những điều đó, và bản thân họ không thể
nào bào chữa cho việc không có “tam
quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên đa đảng”, “báo chí tự do”… nên
họ đã cấm các đảng viên cộng sản không được bàn đến những chuyện
đó.
Phân tích đến đây để thấy cái đạo đức giả của giới lãnh đạo cộng
sản nói chung, ông Phúc nói riêng trong việc đòi có “giám sát, phản biện” để “đi vào lòng
dân”.
Tàn nhẫn bất lương nhưng
miệng rao giảng đạo đức
Cũng tại buổi họp chỉ đạo Trung ương MTTQ ngày 5/1/2019, ông
Phúc còn nói tiếp một câu không chỉ là đạo đức giả mà còn vô lương tâm. Đó là
ông đề nghị MTTQ “làm
tốt hơn nữa an sinh xã hội, chăm lo người nghèo, người già, tàn tật và không để
tình trạng người nghèo cùng cực xảy ra ở Việt Nam.”
Đọc câu này của ông Phúc chắc người dân còn tin đảng Cộng sản sẽ
nghĩ ông Phúc như ông Bụt, ông Tiên.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, ngay thứ ba 8/1/2019 vừa qua, quan
chức cấp dưới của ông Phúc đã phá nát hàng trăm căn nhà ở vườn rau Lộc Hưng,
phường 6, quận Tân Bình, đẩy hàng trăm hộ dân vào cảnh màn trời chiếu đất ngay
trước Tết Nguyên đán.
Chưa hết, ngay cả chỗ ở của các thương phế binh Việt Nam Cộng
Hòa là những người già, tàn tật, neo đơn cũng bị đập phá tan tành.
Người dân Việt Nam cần nhìn rõ những sự kiện này để hiểu rõ hơn
về bản chất “đạo đức”, “văn minh”,
“cách mạng”, “tiên tiến” của đảng Cộng sản.
Thực sự thì không có “thế
lực thù địch” nào xúi dân chống nhà cầm quyền. Chính nhà cầm quyền
là “thế lực thù địch” của
dân.
Và làm gì có cái “thế
lực thù địch” với nhân dân nào có thể tồn tại mãi?!
Xin mượn lời của ông Nguyễn Thiện Nhân, kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp về
vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng trái pháp luật, để kết thúc bài này: “Chúng tôi [quan chức cộng sản]
không gạt bà con đâu”.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire