Nguyễn Đình
Cống
Nên phân biệt
giữa việc “trồng cây”, là một hoạt động
với “tết trồng cây” là một phong
trào. Hoạt động nhằm đến hiệu quả thực tế còn phong trào chủ yếu để báo cáo
thành tích. Trong phong trào người ta ít chú ý đến hiệu quả thực tế, miễn là có
lễ phát động với trống dong cờ mở và lời
hô hào của lãnh đạo, có thành tích để báo cáo, để tuyên truyền, để động viên
tinh thần.
Về Tết trồng
cây, ở nơi nào có hiểu biết và quan tâm đến hoạt động trồng cây thì kết quả thu được khá tốt. Ngược lại ở những
nơi mà chủ yếu quan tâm đến phong trào thì tuy có phát động hoành tráng, có ra
quân rầm rộ, có báo cáo thành tích với hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu cây được
trồng, nhưng sau một thời gian kiểm tra lại thấy chỉ còn một tỷ lệ rất ít cây
còn sống èo uột, còn phần lớn đã chết tự bao giờ. Về hiện tượng này có mấy câu thơ trào phúng,
phản diện, tuy rằng nói hơi quá, nhưng thể hiện một phần nào sự thật đau lòng.
Hoan hô các cụ trồng cây
Mười cây chết chín một cây gật gù
Các cháu có mắt hay mù
Mười cây chết
cả, gật gù cây mô.
Các cụ trồng
nhiều chứ không phải chỉ 10 cây, trung bình cứ 10 cây thì chết mất 9. Cây đã được
trồng theo phong trào, thành tích đã được ghi vào giấy để báo cáo, còn cây có sống
và phát triển không là chuyện khác. Tôi đã biết nhiều chuyện tốt đẹp về trồng
cây, nhưng cũng chứng kiến một số chuyện khôi hài và đau lòng về phong trào . Xin
kể 2 chuyện.
Chuyện 1- Chú em
tôi, giáo viên phổ thông ở vùng cao. Tôi hợp tác với chú mua vài hecta đất
rừng làm trang trại. Năm 1998 chú cho biết, ngoài mấy ngàn cây tràm và bạch đàn
thuê người trồng, tự chú đã trồng được gần
trăm cây mít. Năm 2018, vì không thể tiếp tục canh tác, chúng tôi đã bán toàn bộ
đất và cây. Trước khi bán, tôi đi xem số
cây mít đã trồng được 20 năm. Còn được vài cây èo uột. Tôi hỏi cách trồng và
chăm bón thế nào mà có kết quả thê thảm như vây, chú kể : Em đã chọn hạt giống tốt và gieo trực tiếp
vào đất. Cứ cách khoảng 5 mét cuốc đất
thành một hố nhỏ, gieo hạt vào. Phần lớn hạt nẩy mầm, lên cây con, nhưng rồi
khi cây lớn lên, một số bị bò ăn, một số tự nhiên chết. Tôi nói đó là cách chú
trồng cây theo phong trào để báo cáo thành tích chứ không phải theo cách của
nông dân hoặc của lâm nghiệp.
Chuyện 2-
Năm 1991 tôi đi dạy tại chức ở Đăc Lăk, làm quen với Toàn, thầy giáo môn Vật lý phổ thông trung học, đã dạy ở Buôn Ma
Thuột từ năm 1970. Sau tháng 4/ 1975 trong lúc nhiều bạn bè là giáo viên bị buộc
bỏ nghề dạy học thì Toàn vẫn ở lại được trường cũ, được đánh giá là thầy giáo
giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề,
được học sinh mến phục. Một hôm Toàn đến từ biệt tôi, nói rằng đã đau xót xin bỏ
việc dạy học tại đây để đi kiếm việc làm nơi khác. Toàn kể: Vì quá yêu nghề sư
phạm mà em cậy nhờ người bà con bên phía cách mạng bảo lãnh để tiếp tục dạy học
sau cuộc chuyển giao chế độ. Thế nhưng em đã gặp rất nhiều khó khăn để làm quen
với sự dối trá trong môi trường mới, với đồng nghiệp mới và đặc biệt là với
lãnh đạo (Toàn kể ra vài chuyện, tôi xin bỏ qua). Cuối cùng, giọt nước làm tràn
ly là chuyện Tết trồng cây. Sau Tết, nhà trường phát động phong trào. Các lớp
thi nhau lập thành tích. Riêng lớp em làm chủ nhiệm chưa trồng được cây nào. Em
dặn học sinh về hỏi bố mẹ và những người có kinh nghiệm xem vùng này nên trồng
cây như thế nào. Tự em cũng đã có hiểu biết, dặn học sinh là để kiến thức thêm
phong phú và có thực tế. Ở đây, ngay sau Tết là bắt đầu mùa khô. Không ai dại
gì trồng cây vào lúc này, cố mà trồng thì công chăm bón rất lớn mà hiệu quả rất
thấp. Đợi vài tháng, đến mùa mưa hãy trồng thì hiệu quả cao hơn. Em báo cáo với
lãnh đạo, xin cho học sinh lớp em chỉ làm công tác chuẩn bị, đào hố, thu nhặt
phân, chuẩn bị cây giống, nhưng chưa trồng vội. Lãnh đạo không chấp nhận, cho rằng
như thế là có ý chống lại phong trào do Bác Hồ đề xướng. Em đành cho học sinh
trồng vài ba cây chiếu lệ. Sau mấy tháng mùa khô cây do học sinh trông chết gần
hết. Tưởng rằng em sẽ được minh oan, không ngờ lại bị vu oan thêm, bị kiểm điểm
vì nhiều chuyện bịa đặt, bị đề nghị thi hành kỷ luật. Em thấy rằng không thể tiếp
tục làm một con người trung thực trong môi trường có nhiều giả dối nên đành ngậm
ngùi từ biệt nơi này.
Tôi không
phải chuyên gia về trồng cây, chỉ là người có am hiểu và thực hành chút ít. Tôi
biết, với cây thân gỗ, hàng năm có chu kỳ sinh trưởng, phụ thuộc vào loài và thời
tiết. Theo kinh nghiệm dân gian, với loại cây có thời kỳ ngủ, ngừng phát triển
(rụng lá), thì việc đào lên, di dời, trồng lại nên thực hiện vào lúc này. Một số
loài cây bắt đầu chu kỳ phát triển vào mùa xuân, ra lá non, lộc biếc. Vào thời
gian này, nếu đào cây lên để trồng lại sẽ làm cây lâm vào tình trạng rất bất lợi.
Không biết
khi kêu gọi Tết trồng cây Cụ Hồ đã nghĩ đến, đã tham khảo các chuyên gia lâm
nghiệp về điều kiện cần và đủ để trồng cây có hiệu quả hay chưa. Phải chăng Cụ
thấy sau Tết, thay cho việc “Tháng giêng là tháng ăn chơi” thì hô hào mọi người
trồng cây vì cái lợi 10 năm, vì tưởng rằng “ trồng cây, tốn kém ít mà lợi ích
nhiều”. Khi kêu gọi “ Mùa xuân là Tết trồng cây” phải chăng Cụ Hồ cho rằng trồng
cây vào lúc nó đâm chồi nẩy lộc là phù hợp. Phải chăng các nhà khoa học lâm
nghiệp không biết đến việc đào cây lên để trồng lại vào lúc nào là tốt nhất, hoặc
có biết nhưng vì lý do nào đó mà làm ngơ, để mặc cho các nhà chính trị làm những
lễ phát động rất hoành tráng, rất tốn kém, nhưng trái quy luật tự nhiên, để rồi
thành tích trồng cây, theo báo cáo là rất tốt, mà kết quả
lại khá bé, tạo ra những lãng phí và sự dối trá lớn.
Trồng cây
là việc làm tốt, cần thiết, làm được càng nhiều càng hay. Nhưng để trồng cây có
hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực thì phải tổ chức, nghiên cứu, lập những
công ty, những đơn vị chuyên nghiệp, làm việc hợp với quy luật của Trời Đất, đạt
hiệu quả cao. Rất cần xem xét lại, tố chức lại phong trào Tết trồng cây để
tránh việc tốn kém nhiều mà hiệu quả thấp, tránh việc phô trương hình thức chạy
theo thành tích dổm. Việc này cần đến lòng dũng cảm kết hợp với kiến thức khoa
học.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire