18/03/2019

Bị chính “người nhà” quay lưng thì vô phương cứu


Thời báo Kinh tế Sài Gòn 

(TBKTSG) - “Bà con nông dân tỉnh tôi đang ngồi trên đống lửa vì giá lúa rớt thê thảm. Chủ nhật vừa rồi tôi đi thăm họ mà thấy ai nấy đều buồn vì lúa bán không được. Trưa ghé ăn cơm huyện ủy lại được mời ăn gạo Sóc của Campuchia mà muốn rớt nước mắt. Mấy ảnh giải thích ăn gạo Campuchia... an toàn hơn”.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Ảnh: Hoàng Kim


Câu chuyện của Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan kể tại Lễ công bố hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam đang có một mối nguy khác, thậm chí còn lớn hơn cả chuyện không tiêu thụ được lúa đông xuân, đó là “người nhà” đang dần quay lưng lại với chính nông sản của mình.
Trong thời buổi mở cửa và hội nhập, việc Việt Nam xuất khẩu nông sản rồi lại phải nhập nông sản từ nước khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường là chuyện bình thường. Nhưng điều bất thường nằm ở lý do khiến người tiêu dùng chọn mua hàng nông sản ngoại - là vì nông sản Việt Nam không an toàn. Không chỉ có lúa gạo, xu hướng này cũng đang diễn ra với nhiều mặt khác khác, từ rau quả tươi cho đến nông sản chế biến.
Có thể nói, sự thiếu an toàn của nông sản Việt là hệ quả tất yếu của thói quen canh tác lạm dụng phân thuốc.
Đã hơn 30 năm kể từ khi thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực và trở thành nước xuất khẩu gạo, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn chỉ đi theo một con đường là canh tác lúa ngắn ngày, phẩm cấp thấp để có sản lượng cao hơn thông qua tăng vụ.
Việc tăng số vụ canh tác tuy có giúp sản lượng lúa sản xuất ra của Việt Nam nhiều hơn và do đó lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, nhưng việc tăng sản lượng đã không giúp cho người trồng lúa giàu hơn, mà nó còn khiến cho niềm tin của người tiêu dùng về sự an toàn đối với nông sản sản xuất trong nước ngày một giảm. Bởi lẽ, việc thâm canh tăng vụ đã không cho đất có thời gian “nghỉ” để tự phục hồi, đất đai vì thế bị bạc màu nhanh hơn và cây trồng dễ bị sâu bệnh tấn công hơn, buộc nông dân phải chi phí cho phân thuốc nhiều hơn để gìn giữ mùa màng và duy trì sản lượng. Nói cách khác, với thói quen lạm dụng phân thuốc, chúng ta đã và đang đánh đổi chất lượng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm để lấy sản lượng.
Trước đây, khi chuyện “ăn no, mặc ấm” còn là mối lo hàng đầu của các gia đình người Việt Nam, thì việc chọn giống lúa ngắn ngày, phẩm cấp thấp và rẻ nhằm tăng vụ canh tác, qua đó gia tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu “ăn no” của người dân là hướng đi thích hợp. Nhưng khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên thì nhu cầu của họ cũng tăng theo. Giờ đây mối bận tâm của các gia đình không còn là no và ấm nữa, mà là ngon và an toàn cho sức khỏe. Một khi ngành nông nghiệp trong nước không đáp ứng được nhu cầu này, thì việc hàng nhập khẩu tràn vào để lấp khoảng trống của thị trường là điều tất yếu.
Chắc chắn rằng những gì đang diễn ra ở trong nước cũng đã và sẽ xảy ra ở những thị trường xuất khẩu chính của lúa gạo Việt Nam. Nếu ngay ở thị trong nước mà sản phẩm ngành nông nghiệp còn bị người tiêu dùng quay lưng, thì chẳng mấy hy vọng nó sẽ tiếp tục được đón nhận ở thị trường nước ngoài. Lúa đông xuân khó tiêu thụ, nếu chỉ là do vào mùa thu hoạch rộ, thì có thể cứu. Nhưng một khi bị chính “người nhà” quay lưng thì vô phương cứu.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire