05/04/2019

Formosa tiếp tục vi phạm pháp luật tại Việt Nam mà không có một bộ, ngành nào ngăn chặn!


Mai Quốc Ấn 

Các nhiệt điện lại phát tán ô nhiễm, và thay vì ngăn chặn, thì có một số thành viên Chính phủ lại “thúc đẩy” cho ô nhiễm lan rộng hơn.

Một loạt các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân, nhiệt điện Duyên Hải để san lấp đường giao thông, san lấp công trình xây dựng. Nếu đồng ý triển khai rộng khắp thì các độc chất được xác định trong tro xỉ sẽ phát tán ngày càng rộng hơn và phơi nhiễm, lây nhiễm bệnh tật do ô nhiễm là không thể tránh khỏi.

Nhưng tro xỉ nhiệt điện than độc hại vẫn không thể bằng tro xỉ các nhà máy thép!


Formosa Hà Tĩnh đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường dùng gần 1 triệu tấn xỉ thép để san nền trong khuôn viên nhà máy này – điều hoàn toàn không có trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của đại dự án này.

Số xỉ thép mà Formosa đề xuất sử dụng san nền đều hợp chuẩn, hợp quy đã được Bộ Xây dựng đánh giá được phép san lấp nền. Còn san lấp nền ở khu vực nào thì còn phải xem lại quy hoạch của nhà máy đó” – ông Hoàng Văn Thức – phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói. (Báo Tuổi Trẻ, ngày 18/3/2019)

Chức năng của Tổng cục Môi trường là thẩm định ĐTM thì tại sao đề xuất bất hợp lý (không có trong ĐTM) của Formosa lại được tạo điều kiện đến vậy?

Trước đó, công trình Vành đai tuyến đường công vụ trong Formosa cao khoảng 10 m, bề rộng 12-30 m, được đắp bằng xỉ thép đã hoàn thành. Cách “xử lý” xỉ thép này cũng hoàn toàn không có trong ĐTM dự án. Và nó vẫn xuất hiện thách thức pháp luật hiện hành.

Đối chiếu lần nữa với Hiến pháp 2013, Luật Môi trường 2014 và Nghị định 38/2015 của Chính phủ thì bất kỳ ai đem tro xỉ đi san lấp cũng đã vi phạm pháp luật. Trên thực tế, tro xỉ các nhiệt điện và các nhà máy thép đã, đang được chuyên chở đi san lấp mà hệ thống công quyền vẫn mắt nhắm, tay ngơ thay vì phạt hành chính hay khởi tố vụ án.

Tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng và Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam 12249:2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn toàn là văn bản dưới luật và có thể gọi chúng là các văn bản phát tán ô nhiễm.

Điều này trái ngược với tinh thần của Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi kiểm tra của Tổ công tác với 12 bộ, cơ quan về việc xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, đã phát biểu:

Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, có cách thức hiệu quả, sâu sát và thẳng thắn hơn trong việc kiểm tra đối với các thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc “cài cắm” bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.

Tôi cũng không thấy động thái nào của Bộ Tư pháp “tuýt còi” các văn bản dưới luật mang tính phát tán ô nhiễm như đã nói ở trên. Cũng chưa thấy Bộ Công an ra chuyên án môi trường nào liên quan đến việc này dù thẳng thắn mà nói hễ chỉ đâu là có thể bắt đó.

Ô nhiễm. Nếu cần các minh chứng về trẻ chết lưu, trẻ biến dị hay bệnh tật khác đối với con người không khó. Việc biến đổi nước ngầm, đất đai, cây cối, gia súc gia cầm và cả cá biển, cá sông cũng không khó. Phân tích và phát hiện sai phạm các văn bản phát tán ô nhiễm càng không khó…

Sẽ chẳng có cán bộ phê duyệt phát tán ô nhiễm nào ăn những thứ quanh vùng ô nhiễm mỗi ngày. Càng không có con em cán bộ cao cấp nào sống ở vùng ô nhiễm. Và trên thực tế, các cảnh báo về hậu họa do ô nhiễm, tuy có được lắng nghe, song đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Sự giàu có và xa hoa của một số quan chức biến chất, một số chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước làm giàu bằng tước đoạt sức khỏe nhân dân và sự thanh bình của môi trường. Bảo vệ điều đó có đáng không?

Đáng hay không là do lựa chọn. Chọn lên tiếng hay im lặng hay trấn áp những gì là phản ánh sự thật, là đòi quyền sống thì cũng đều có nhân quả đi kèm.


Mai Quốc Ấn (Nhà báo)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire