Hình minh họa ngoài khơi Biển Đông. Chụp ngày
15/05/2014
|
Bên lề hội thảo 'Hoa Kỳ-Việt Nam: Hướng đến hợp tác chiến
lược' diễn ra ngày 3/4/2019 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế
(CSIS) ở thủ đô Washington nước Mỹ, một trong những nghiên cứu viên cao cấp của
Trung tâm – Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng có một số bình luận sau với Đài Á Châu Tự
Do RFA liên quan đến một số diễn biến ở Biển Đông.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại hội thảo, khi ông
đặt câu hỏi với Trợ lý Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ - ông Randall
G.Schriver, về việc làm thế nào đảo ngược vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông,
ông đã không nhận được câu trả lời.
“Tôi có đặt câu hỏi là: “Theo một số chiến lược gia và
chuyên viên Mỹ, Trung Quốc gần như kiểm soát được Biển Đông, trừ khi Mỹ chấp
nhận chiến tranh với Trung Quốc”. Tôi hỏi ông nghĩ gì về bình luận đó thì ông
ấy (Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ-PV) tránh không trả lời. Thì tôi thấy đó
là những cảnh báo cho thấy Trung Quốc đang có lợi thế rất nhiều ở Biển Đông, mà
khó có thể đảo ngược lại được, trừ khi là đánh nhau. Tôi không nghĩ là Mỹ muốn
đánh nhau lúc này. Mỹ không thấy là cần phải đánh nhau, bởi tương quan lực
lượng khu vực không thuận lợi cho Mỹ. Đánh nhau thì có thể thắng nhưng tương
quan lực lượng không thuận lợi và đánh để làm gì? Sau đó là cái gì…? Thì cũng
không thấy rõ. Tôi nghĩ chuyện chiến tranh là Mỹ không có làm.”
Giáo sư Hùng cũng cho biết, gần đây việc không tiếp tục
tham gia hiệp định TPP càng làm cho vị trí của Mỹ tại khu vực này bị hụt hẫng.
“Thí dụ như việc bỏ TPP làm cho Mỹ bị hụt hẫng, nó làm
cho thế của Trung Quốc cao lên. “
“Sáng kiến Vành đai Con đường là một chiến lược lớn, lâu
dài và rất nhiều tham vọng. Bởi vì nó không những đi qua Á Châu, Âu Châu, mà
còn đi xuống tận Phi Châu.
“Mặc dù thời gian qua, việc thực hiện chiến lược này gặp
khó khăn không ít do kinh tế Trung Quốc suy giảm; đồng thời bị nhiều nước nghi
ngờ.”
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trong một lần phỏng vấn tại Đài Á Châu Tự Do ở Washington DC RFA |
Tuy nhiên, cục diện này gần đây có thay đổi khi Mỹ và
đồng minh lâu năm Châu Âu ngày càng có nhiều điểm khác biệt. Giáo sư Nguyễn
Manh Hùng cho biết tiếp:
“Gần đây, khi Ý – một trong 7 nước giàu nhất thế giới –
chấp nhận “Một vành đai – Một Con đường”, và gần đây Âu Châu và Mỹ có nhiều mâu
thuẫn và bất đồng vì chính quyền Trump, điều này đã khiến cho nước Mỹ ở một cái
thế bất lợi. Bởi vì mình hơn người ta là vì mình có đồng minh trên thế giới, mà
bây giờ đồng minh không tin tưởng, cần Mỹ nhưng không tin tưởng Mỹ, tôi thấy
tình trạng này bất lợi cho Mỹ.”
Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc như vậy làm cho
thế đứng của Việt Nam rất chênh vênh, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.
“Việt Nam ở trong một tình trạng rất là chênh vênh. Việt
Nam muốn đứng giữa. Người ta nói trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Nó đánh nhau
mình cũng chết, nhưng mà nó bằng lòng với nhau thì mình cũng có thể chết. Nó
bán đứng mình thì cái thế đó rất là khó khăn. Phải có những đồng minh thật là
tin cẩn.”
“Ngày xưa, trong các cuộc chiến tranh Đông Dương thì
Trung Quốc là tin cẩn. Bây giờ thì Trung Quốc không còn là đồng minh nữa và có
thể là một mối đe dọa, phải tìm đồng minh khác. Việt Nam đang có chính sách đa
phương – đa dạng hóa mối quan hệ ngoại giao, nói chung là tốt, nhưng mà áp dụng
như thế nào, thì phải thấy là cuối cùng phải có đối lực. “
“Đối lực ở đâu? Đối lực ở các nước Asean thì Việt Nam
thích hơn là bởi vì thoải mái hơn, vì các nước cùng nhỏ với nhau cả, nhưng các
nước Asean tình trạng hiện nay rất là chia rẽ. Mặt khác, Trung Quốc cố tình
chia rẽ thì nó còn yếu hơn nhiều. Còn các đồng minh khác, nước Nhật hiện không
thể làm đối lực khả tín đối với Trung Quốc. Chỉ có một đối lực khả tín nhất là
nước Mỹ mà thôi.”
Nhưng vẫn đề đặt ra là lòng tin mà hai nước dành cho nhau
như thế nào?
“Đối với nước Mỹ, Việt Nam thấy cần thiết, thế nhưng còn
khá nhiều vấn đề. Thí dụ: lòng tin tưởng với nhau thì cũng không có nhiều. Thứ
hai là chính quyền này người ta gọi là bất lường, không thể tiên đoán được; rồi
lại để ý đến vấn đề kinh tế hơn là chiến lược. “
“Thực ra là có mâu thuẫn nội bộ. Một số người ở quân đội
chẳng hạn, quốc hội thì để ý đến vấn đề chiến lược trong quan hệ với Trung
Quốc. Trong khi ông Trump, và một hai cộng sự viên của ông ấy, thì lại để ý đến
vấn đề kinh tế hơn là chiến lược và thích trao đổi, thích thỏa thuận. Nếu trung
Quốc có một cái deal nào thuận lợi, thì ông ấy có thể bỏ những cái bé để lấy
những cái lớn. Cái đó là nguy hiểm cho các nước nhỏ ở Á Châu, Đông Nam Á."
Với những diễn biến và thái độ của nước Mỹ dưới thời Tổng
thống Trump, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng:
“Thành ra đó là bài toán rất là khó khăn không những cho
các chiến lược gia Việt Nam mà bất cứ một chiến lược gia nào trên thế giới.”
Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề không chỉ là lòng tin
mà hai nước dành cho nhau khi đẩy mạnh quan hệ hợp tác, mà quan trọng hơn là
thái độ của nước Mỹ như thế nào trong mối quan hệ này.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire