Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Tranh minh họa của họa sĩ Trung Quốc Kuang Bao |
Tương tự như Trung Quốc, mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và Phật giáo tại
Việt Nam hết sức phức tạp. Đó là mối quan hệ lợi dụng qua lại lẫn nhau, mà các
nhà phân tích xã hội gọi đó là bài tính có kết quả tổng bằng không cho cả hai
bên. Bởi những người trung thành với lý thuyết Cộng sản dần dà tự tìm đến Phật
giáo để tự chữa lành phần tinh thần trống rỗng của mình, một mô hình tín ngưỡng
duy nhất được cho phép tồn tại đại chúng trong nền chính trị vô thần. Và ngược
lại, những người mộ đạo thuần khiết thì dần dần tự rời bỏ không gian Phật giáo
quốc doanh, vì nhận ra rằng đó chỉ là một trò mua bán tinh thần được dựng nên
bằng tiền và chính trị.
Phật giáo ở Trung Quốc được hoạt động bình thường từ thập niên 1980, sau
cái chết của Mao Trạch Đông, kẻ đã nhấn Phật giáo ở Trung Quốc xuống tận bùn
đen, đẩy các giá trị ngàn đời của Chùa và kính sách vào ô nhục ở cuộc cách mạng
văn hóa kéo dài từ 1966 đến 1976. Khởi đầu thì đó chỉ là chính sách sửa sai,
nhưng pha trộn âm mưu mô hình Phật giáo do Ban tôn giáo của Trung ương Đảng chỉ
đạo, thường được người đời gọi mai mỉa là Phật giáo quốc doanh. Nhưng rồi giới
chóp bu ở Bắc Kinh nhanh chóng nhận ra, Phật giáo quốc doanh lại là một nguồn
thu khổng lồ, có thể nuôi sống các bộ máy chính quyền hay quan chức địa phương,
và lại dễ dàng đối ngoại như một kiểu “tự do tôn giáo”.
Ngay lập tức Chùa chiền, kinh sách, tượng Phật lớn kỷ lục… được dựng nên
bằng tiền của các doanh nghiệp đầu tư, thậm chí tiền bẩn của các quan chức tham
nhũng… nhằm thu hút dân chúng. Trong thời đại của Mao, chùa các nhà sư bị đẩy
đi làm ruộng, chăn nuôi… để gọi là có ích cho sự phát triển đất nước. Nhưng đến
thời đại của Đặng, các nhà sư được ăn mặc đẹp, tổ chức lễ hội… tạo ra nguồn thu
lớn, mà nhà nghiên cứu người Trung Hoa Zhe Ji viết trong tiểu luận “Phật giáo
và Nhà nước: Mối quan hệ mới” (2008), tạm gọi tên là “Nền kinh tế nhà Chùa”
(monastic economy).
Ở Việt Nam, sau năm 1975, tôn giáo bị coi là “thuốc phiện của nhân dân”.
Chùa bị chiếm, cơ sở Phật giáo và kinh sách vở bị tịch thu, nhiều tăng ni và
tín hữu Phật giáo của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị bắt, kết án,
giam lỏng, tù và đi cải tạo đến chết. Để tạo ra Giáo Hội của Nhà nước, một Hội
nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức tại Quán Sứ, Hà Nội, được
triệu tập bởi Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam vào ngày 7 tháng 11
năm 1981, sau đó thành lập nên Giáo hội này, từ đó về sau được định nghĩa là
giáo hội quốc doanh bởi tôn chỉ rất rõ “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”.
Dĩ nhiên, mục đích cũng nhằm thủ tiêu hệ thống Giáo Hội Phật giáo Việt Nam
Thống Nhất.
Phật giáo Việt Nam bị dòm ngó như một loại con rơi, tạm tồn tại trong xã
hội cộng sản. Nhưng đến năm 2003, Bộ chính trị Cộng sản VN nhận ra việc cho
phép tín ngưỡng tồn tại có lợi cho mình hơn là tiêu diệt đi. Đặc biệt là sau
thời gian 1995, khi Việt Nam được bỏ cấm vận và đối diện với Liên Hợp Quốc về
nhiều vấn đề Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, bao gồm tự do tín
ngưỡng.
Ngày 12 tháng 3, năm 2003, Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN ra nghị quyết
số 25-NQ/TW, do đảng trưởng đảng CSVN là Nông Đức Mạnh ký, đã xác định một
đường lối mới, cho phép tôn giáo được tồn tại trong xã hội, nhưng trong Mục II,
phần 4, nhấn mạnh rằng “Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính
trị.”
Kể từ đó, Phật giáo quốc doanh ở VN được đẩy mạnh hoạt động, không chỉ về
mặt vật chất và còn cả về con người được nhà cầm quyền đầu tư đi học lý thuyết
Phật giáo, khoác áo làm sư và kiểm soát nhiều tăng viện. Thậm chí luồng nhân
lực đó, được đẩy ra hoạt động ở hải ngoại, nơi có các cộng đồng người Việt tự
do đang quần cư.
“Giới Phật giáo (quốc doanh) tại Trung Quốc hiện tận hưởng nhiều tự do
trong việc xây dựng các chùa chiền, tuyển mộ tăng sĩ, tổ chức các nghi lễ và
truyền bá tín ngưỡng theo kiểu của họ” tác giả Raoul Birnbaum trong cuốn
Buddhist China at the Century’s Turn (2017) cũng ghi nhận như vậy. Nhưng bên
cạnh đó, khi thu được lợi nhuận từ “Nền kinh tế nhà Chùa”, nhà nước cộng sản
cũng tự lũng đoạn các giá trị thuyết vô thần của mình khi để cho sự sùng bái
tín ngưỡng tăng nhanh, hỗn loạn, thậm chí dẫn đến các cực của mê tín.
Điều gì phải đến, rồi đã đến. Các vụ bê bối sư thầy và chùa ở Trung Quốc
liên tục xuất hiện trong thập niên 90, qua đến tận lúc này. Rất nhiều lời chỉ
trích đã xuất hiện trên các trang mạng Trung Quốc về chuyện các sư xài tiền như
nước, và bao quanh là các nữ tín hữu trẻ đẹp. Gần đây lại là các vụ bê bối về
tình dục đã bùng nổ, liên quan đến các sư danh tiếng ở Bắc Kinh, Hà Nam… và đó
lại là những nơi dẫn đầu về “nền kinh tế nhà Chùa”.
Câu chuyện chùa Ba Vàng chỉ là một trong những nơi đang lạm dụng mê tín,
phản bội tinh thần Phật giáo chính tông, phụng sự cho thế quyền và mua bán tín
ngưỡng. Từ Nam chí Bắc, những lời ta thán như vậy vẫn xuất hiện không ngớt trên
các trang mạng xã hội, cùng hình ảnh tố cáo. Nhưng nếu chú ý, hình thức trừng
phạt những người đã tạo ra các bê bối đó - ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc –
thường là kiểm điểm hoặc khai trừ khỏi các chức vị. Đó cũng là một biểu hiện
cho thấy tổ chức tôn giáo giờ đây cũng hành xử như một chi bộ đảng, điều đó
hoàn toàn khác biệt với một tổ chức tôn giáo chân chính.
Tuấn Khanh
--------------------
--------------------
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire