Kính gửi Bí thư Thành ủy thành Phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân,
Cháu xin phép được tự giới thiệu, cháu là Trương Thị Hà, cựu sinh viên
trường đại học Luật Hà Nội. Do đó, cháu cũng có những hiểu biết cơ bản về quyền
biểu tình. Cháu xin phép được đưa ra một số câu hỏi cũng như một số ý kiến về
những phát biểu thẳng thắn và mạnh dạn của Bí thư trên bài trên báo Thanh Niên
của tác giả Trung Hiếu có tựa đề: “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM hứa với Bộ
Chính trị sẽ không có biểu tình“ được đăng lên mạng lúc 18:10′ ngày 26/04/2019
(*)
Thứ nhất, về hình ảnh của Bí thư trong bài báo:
Lúc đầu cháu cũng không để ý gì về hình ảnh. Sau khi cháu gửi link bài báo
cho bạn cháu đọc, bạn cháu nghi ngờ bài báo này là fake news và bình luận như
sau ạ: “Bình thường báo chí sẽ không đăng một tấm hình lãnh đạo theo kiểu dìm
hàng vậy đâu. Tấm này phải nói đúng là dìm hàng.” Vậy cháu chỉ có một góp ý nhỏ
là: Lần sau, Bí thư cần nhắc ekip chụp hình nên chọn lựa hình ảnh cẩn thận
trước khi đăng lên công chúng. Dù sao, bác cũng là Bí thư Thành ủy của một
thành phố lớn, là gương mặt đại diện cho cả thành phố nên hình ảnh của Bí thư
trước công chúng rất quan trọng ạ.
Thứ hai, về quyền biểu tình:
Cháu xin phép được trích y nguyên headline của bài báo: “Bí thư Nguyễn
Thiện Nhân: TP.HCM hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình.” Cháu thắc mắc
là thường người ta chỉ chống và/hoặc cấm những hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng
tại sao Bí thư lại chống một hành vi được Hiến pháp 2013 quy định. Đọc headline
cũng như nội dung bài viết, cháu hiểu rằng, Bí thư muốn chống lại quyền biểu
tình. Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội
họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Theo đó, biểu tình ôn hoà là không vi phạm pháp luật. Biểu tình ôn hoà là
hợp hiến và hợp pháp, do đó, cháu nghĩ, là đại diện của một thành phố lớn, Bí
thư nên phổ biến, giải thích và khuyến khích người dân thực hiện quyền biểu
tình để người dân biểu đạt ý kiến của mình trước những vấn đề hệ trọng của đất
nước, chứ sao Bí thư lại chống biểu tình như vậy ạ?
Thứ ba, cản trở người dân biểu tình có thể bị phạt tù:
Khoản 1, Điều 163 của Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm quyền
hội họp, lập hội của công dân: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc
dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp,
đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi
này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù
từ 03 tháng đến 01 năm.”
Theo đó, người nào cấm, ngăn chặn và/ hoặc đàn áp biểu tình thì người đó là
người vi hiến, vi phạm pháp luật. Rõ ràng, việc đàn áp biểu tình phản đối Dự
Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng hồi tháng 6 năm 2018 vừa qua, cụ thể là các
hành vi đánh đập, bắt cóc, tịch thu điện thoại, ép cung để ký biên bản của công
an thành phố Hồ Chí Minh phải bị xử lý theo quy định tại Điều 163 của Bộ luật
hình sự. Tuy nhiên, cháu chưa thấy bất cứ cơ quan điều tra hoặc cá nhân có thẩm
quyền nào vào cuộc để xem xét vụ việc nghiêm trọng, có tổ chức và nguy hiểm hơn
là hành vi vi phạm được thực hiện bởi chính những người có chức vụ, quyền hạn,
cụ thể là công an thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bài báo, Bí thư cho biết “Thành ủy, UBND TP.HCM yêu cầu Công an
TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM xây dựng phương án chống biểu tình, trong
đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về TP.HCM
biểu tình…” Cháu chưa rõ phương án chống biểu tình cụ thể là gì. Nhưng dù chống
biểu tình bằng cách này hay cách khác, hành vi đó có thể rơi vào trường hợp
“dùng thủ đoạn khác ngăn cản người khác lập hội” được quy định tại Khoản 1,
Điều 163 của Bộ luật hình sự 2015. Nếu có biểu tình xảy ra, Bí thư nên huy động
dân phòng và công an dẹp đường cho người dân thực hành quyền biểu tình, thay vì
chống biểu tình như vậy ạ.
Cháu biết rằng, hàng 100 người biểu tình bị bắt trái pháp luật tại công
viên Tao Đàn cũng chẳng có bài báo chính thống nào dám viết, cũng chẳng có tổ
chức hoặc cá nhân có thẩm quyền nào đứng ra bảo vệ người biểu tình. Kẻ vi phạm
không những vẫn nhởn nhở ngoài vòng pháp luật mà còn được tung hô về những
thành tích đánh đập, bắt cóc người biểu tình. Vậy đường đường là một Bí thư
Thành ủy của một thành phố, nếu có cản trở biểu tình cũng khó mà bị xử lý đúng
không ạ? Nhưng cháu tin là người dân sẽ phản đối dữ dội lắm nếu Bí thư quyết
tâm cản trở quyền biểu tình của họ. Cháu chỉ muốn nhắc nhẹ Bí thư như thế thôi,
chứ chẳng có ý dọa dẫm gì cả. Một người tiếp thu kiến thức ở Đức và Mỹ về, với
tư tưởng tiến bộ như Bí thư, cháu tin bác hiểu những gì cháu truyền đạt ạ.
Thứ tư, xin đừng gọi người biểu tình/người tổ chức biểu tình là “đối
tượng”:
Vào 19/06/2018, công an phường Tân Thuận Đông soạn sẵn biên bản và bắt chủ
nhà cháu ký với nội dung như sau: “Tôi đã đuổi đối tượng Trương Thị Hà ra khỏi
nhà…không chấp nhận cho đối tượng Hà ở trọ tại nhà tôi dưới bất kỳ hình thức
nào…. Nếu có thông tin về đối tượng Trương Thị Hà, tôi hứa sẽ hợp tác với lực
lượng công an để xử lý.” Cháu nghĩ, một số người biểu tình khác cũng bị đuổi ra
khỏi nhà như cháu. Nếu bất cứ ai đọc được biên bản này sẽ nghĩ cháu là tội phạm
nguy hiểm. Vì chỉ có tội phạm mới bị gọi là đối tượng, vì chỉ có tội phạm nguy
hiểm mới bị đuổi ra khỏi nhà, bị người dân theo dõi và cung cấp thông tin cho
công an xử lý.
Bài báo viết: “Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thời gian gần đây những đối
tượng tổ chức biểu tình không thể kêu gọi, tổ chức biểu tình được nữa.” Cháu
hiểu cảm giác khi bị người khác gọi là đối tượng trong khi mình không là tội
phạm, cũng chẳng vi phạm pháp luật gì cả. Do đó, cháu mong Bí thư không tùy
tiện gọi người biểu tình/người tổ chức biểu tình là đối tượng. Vì dù người biểu
tình/người tổ chức biểu tình vi phạm pháp luật thì việc xử lý cũng phải tuân
thủ theo trình tự thủ tục. Phải nhờ công an điều tra, Viện kiểm sát truy tố và
Tòa án ra bản án thì lúc đó mới biết ai là tội phạm. Có lẽ Bí thư ở trên cao
nên chưa biết, đôi khi ở Việt Nam, người bị kết tội lại chính là anh hùng. Cháu
biết chắc điều đó, vì cháu thấy người dân quan tâm đến hiện tình đất nước, đi
biểu tình, viết bài tố cáo tham nhũng hoặc những vi phạm của phía chính quyền
thường bị kết án và bắt bỏ tù. Đối với cháu, những người đó là anh hùng chứ
không phải là tội phạm.
Cuối cùng, hãy hứa với người dân trước:
Bí thư nói rằng: “Sau tháng 6.2018, chúng tôi hứa với Bộ Chính trị, hứa với
Chính phủ là TP.HCM sẽ không có biểu tình.” Tại sao Bí thư lại hứa với Bộ Chính
trị trước chứ không phải hứa với người dân hay Quốc hội (cơ quan quyền lực cao
nhất của nhân dân). Quyền biểu tình liên quan trực tiếp đến đòi hỏi và ý kiến
của người dân. Thay vì hứa với Bộ Chính trị, Bí thư nên đưa ra các giải pháp để
đáp ứng những mong mỏi và đòi hỏi của người dân. Tìm hiểu tại sao người dân
phải xuống đường biểu tình? Tại sao người dân chấp nhận hiểm nguy để bày tỏ
quyền được nói của mình? Đặc biệt, hãy công khai, minh bạch mọi hành động của
các lãnh đạo để không còn những nghi kị trong dân. Đó mới là gốc rễ của vấn đề.
Chứ cấm đoán, cản trở chỉ càng tăng thêm nỗi sợ hãi và sự uất ức trong dân.
(*) Nhưng sau đó không biết vì lý do gì bài báo này đã sửa với tiêu đề
khác: “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Nỗ lực làm cho người dân và doanh nghiệp hài
lòng.”
Trân trọng,
Trương Thị Hà
Trương Thị Hà
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire