01/04/2019

PHẬT DẠY MỘT ĐÀNG SƯ LÀM MỘT NẺO

Trần Xuân
 
Chùa Liên Trì bị chính quyền phá tan hoang

Đạo Phật có mặt ở Việt Nam từ đầu Công nguyên và cực thịnh vào đời nhà Lý (1010-1225). Đạo Phật là một tôn giáo tiến bộ và khoa học, lấy “chính tâm, diệt dục” làm tôn chỉ. Đức Phật Tổ có tên là Cồ Đàm, còn gọi là Thái tử Tất Đạt Đa (Shidharta) và Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni). Theo những tài liệu đáng tin cậy thì Ngài sinh khoảng năm 624 TCN và mất năm 544 TCN.
Đạo Phật cho đời là khổ, chính Đức Phật nói: “Nước mắt chúng sinh trong ba nghìn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước bốn biển (…) Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa mà hợp là khổ, ưa mà chia lìa là khổ, muốn mà không được là khổ, lưu luyến trong ngũ trọc là khổ (…) Muốn thoát khổ cần thấm nhuần “chính tâm, diệt dục”; chính tâm là từ suy nghĩ đến lời nói, việc làm phải ngay thẳng, lương thiện; diệt dục là trừ bỏ thói gian tham, ích kỷ, hãm hại đồng loại, rộng lòng yêu thương giúp đỡ mọi người…”.

Ngài lại dạy rằng: “Ta chỉ là người hướng đạo tức chỉ đường cho mọi người ra khỏi nơi khổ nạn chứ bản thân ta không đem họ ra khỏi nơi ấy được. Ví như ta nói “kia là mặt trăng” cứ theo ngón tay ta chỉ thì thấy, nhưng nên nhớ ngón tay ta không phải là trăng. Những lời ta giảng về Đạo cũng vậy, cứ theo lời ta giảng mà tìm Đạo, nhưng nên nhớ lời giảng của ta không phải là Đạo”. Ở một chương khác Đức Phật nói rõ hơn: “Khổ là kết quả, sinh là nguyên nhân, muốn diệt kết quả tất phải diệt nguyên nhân, đó là điều chẳng ai muốn làm. 

Không chỉ một mà có tới mười hai nguyên nhân, cái nọ sinh ra cái kia, gọi là “Thập nhị nhân duyên”. Một lần Đức Phật nói với ông Trưởng giả Cấp Cô Độc: “Ta không dạy sự sống lâu, sắc đẹp, chức quyền, an vui và thiên đàng là do khấn vái cầu khẩn mà có. Này ông Trưởng giả, ngươi muốn đạt được những điều đó thì hãy thực hành đúng theo chính đạo khắc nó sẽ đến”. Bàn về đoạn Kinh này, học giả Medivongs nói: “Trong “tự giác giác tha” của Đức Phật có đoạn: Đức Phật dạy đệ tử phải tu luyện, cố gắng tự giải thoát mình đừng mong Phật có pháp thuật uy lực nào giúp mình, cũng như kẻ muốn no phải tự ăn lấy, người khác không ăn thay mình được; tương tự thế, là muốn không mắc tội, trước hết đừng gây tội”. Ở đoạn khác: “Mặc dầu có người nói Đây là Phật ngôn, tức lời của Phật, nhưng xét thấy thiếu căn cứ thì có quyền không tin để tránh những ngụy thuyết giả danh Đức Phật lừa gạt nhảm nhí”.

Bình sinh Đức Phật không chủ trương xây chùa, tạc tượng nên chữ TỰ (寺) là CHÙA (gồn chữ THỔ = ĐẤT và chữ THỐN = TẤC) mang ý nghĩa chỉ cần một miếng đất hẹp là tu sĩ có thể hành đạo. Việc xây cất tô vẽ rườm rà là do đời sau làm để tôn vinh tưởng nhớ Ngài.

Chùa là nơi thờ Phật, đúng hơn thì chùa là nơi tu sĩ nương thân tu hành đắc đạo, đồng thời là nơi người mộ đạo đến cầu Kinh, niệm Phật, giải tỏa tâm lý, hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, chùa còn là công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được coi như thắng cảnh thu hút khách thập phương và nước ngoài đến tham quan vãng cảnh, tìm hiểu nghiên cứu.
Thế nhưng khoảng nửa đầu thế kỷ 20 đạo Phật ở nước ta phải hứng chịu những đợt khủng bố ác liệt. Sau cách mạng 1945 hầu hết chùa chiền từ Thanh Hóa hắt vào đều biến thành nơi đóng quân, kho lương, kho đạn, trường học; nhiều nơi còn tổ chức phá chùa; tượng và đồ thờ bằng gỗ mang dấu ấn lịch sử, giá trị nghệ thuật đều biến thành củi… Ấy thế mà dăm chục năm trở lại đây, thể chế chính trị vẫn như xưa nhưng chính sách tôn giáo lại đổi hướng, không chỉ chùa cũ được tôn tạo mà còn xây nhiều chùa mới quy mô to tát nhất nhì châu Á, thế giới. Chùa phát triển kéo theo sự tăng nhanh đội ngũ sư sãi, nhưng một phần trong số họ không phải “xuất gia” mà là “xuất ngũ”; nhiều Thượng tọa, Đại đức mang hàm tướng tá công an, ba bốn chục tuổi đảng…

Nếu như trước đây chỉ có các bà già đi lễ chùa, đến dâng hương nghe kinh, thanh thản đầu óc thì hôm nay toàn đảng toàn dân nô nức đến chùa. Khách lễ rất đông quan chức cấp tỉnh, cấp trung ương ngồi xe công; ngoài quan ông là đám quan bà xúng xính xiêm y và các mẹ sồn sồn chủ doanh nghiệp son phấn lòe loẹt, và rất đông thanh niên nam nữ đang tuổi ăn học. Họ đến chùa mang theo nhiều triệu tiền công đức cầu Phật ban đủ thứ ân huệ: thăng chức, lên lương, gia sự yên ổn giàu sang, thi đỗ, tìm được việc làm, v.v…

Đánh vào tâm lý đám con nhang tham lam mê muội, các chùa lớn Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng, Phúc Khánh… tung nhiều chiêu trò lừa bịp gọi hồn, cúng sao giải hạn, thỉnh vong, giải oan gia trái chủ… thu về tiền tỷ mỗi ngày. Qua việc vung tiền lễ bái cầu tài lộc của các đệ tử u mê bấy nay, ta thấy con người đang dần đánh mất thứ quý giá thiêng liêng tín ngưỡng truyền thống, mù quáng sa đà vào những cạm bẫy mê tín dị đoan của lũ sư sãi bất lương có quan thầy che chở.

Đức Phật Thích Ca là giáo tổ đạo Phật nhưng theo đánh giá của những nhà nghiên cứu phương tây thì Ngài còn là triết gia vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại. Học thuyết của Ngài luôn lấy cảm hứng từ cuộc đời thực tiến bộ và khoa học; Pháp ngôn của Ngài luôn nêu cao quan điểm chân lý thực tiễn, phủ nhận mọi tham vọng tài lộc danh lợi qua con đường cúng bái.

Mọi người hãy tìm hiểu kỹ những nét cơ bản tinh túy của đạo Phật để trân trọng nâng niu và tỉnh táo tránh xa những luận điệu xảo trá lường gạt của lũ ma tăng, tà giáo mượn cửa Phật kiếm ăn bất chính.

Trần Xuân

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire