03/04/2019

Trao đổi với nhà báo Hoàng Hải Vân






Gần đây, nhà báo Hoàng Hải Vân có bài viết ‘Đánh Phủ Đầu Báo Chí, “Dân Chơi” Vươn Ra Biển Lớn’ (xem trong hình hoặc link bên dưới) bàn về vụ PVN hợp tác dầu khí (và thất bại, mất tiền) ở Venezuela [1]. Trong khi chia sẻ niềm xót xa (nếu có) của tác giả trước những mất mát tiền của quốc gia, tôi vẫn không khỏi băn khoăn về một vài nhận định liên quan dưới đây trong bài viết, xin được trao đổi như sau:


(trích bài viết): ”Thời ông Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, cụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lực lượng quyết tâm chống tham nhũng chỉ chiếm thiểu số, nên việc chống tham nhũng chỉ là sự gãi ngứa mà thôi. Mãi sau khi cụ Tổng đốt cái lò lên, phải vô cùng khó khăn mới có thể từng bước lôi đám dân chơi kia biến thành củi.

—> Nếu tôi hiểu không nhầm thì ở đây tác giả cho rằng trong Bộ Chính trị (BCT) và Ban Chấp hành Trung ương (TW) khóa trước, những người chống tham nhũng mà đại diện là ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là thiểu số trước những người tham nhũng đứng về phe với ông Nguyễn Tấn Dũng, nên chỉ có thể ‘gãi ngứa’ cho phe tham nhũng mà thôi. Thế nhưng vì sao một BCT và TW như thế lại chọn ông Nguyễn Phú Trọng thay vì ông Nguyễn Tấn Dũng ở lại làm Tổng Bí thư? Đã thế lại còn ban hành Quyết định 244 về quy chế bầu cử trong đảng ngăn chặn khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng ứng cử hoặc nhận đề cử trong Đại hội XII? Phải chăng gần tới kỳ Đại hội, đa số tham nhũng bỗng dưng thức tỉnh muốn chống tham nhũng nên muốn nhóm lò cùng ông Nguyễn Phú Trọng? Bởi vậy cần đặt dấu hỏi về tính hợp lý cho lập luận trên của tác giả.


(Trích bài viết): “Theo tin tôi được biết thì chủ trương đầu tư vào Venezuela không đưa ra Quốc Hội, nhưng có lấy phiếu xin ý kiến Bộ Chính trị. Có 2 vị không tán thành là cụ Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội và cụ Trương Tấn Sang, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư. Hai cụ đều đề nghị phải thông qua Quốc hội, nhưng hai cụ chỉ là thiểu số.

—> Tôi không ở vào vị trí có thể xác minh được thông tin mà tác giả đưa ra, và tôi nghĩ tuyệt đại đa số người đọc cũng thế bởi vì các biên bản họp Bộ Chính trị chắc chắn ở một độ mật rất cao mà chắc chỉ những ai, bằng cách nào đó, được tiếp cận hoặc có liên hệ trực tiếp với các Ủy viên BCT thì mới biết được.

Tuy nhiên, có điểm đáng băn khoăn ở đây là nếu ông Nguyễn Phú Trọng ở thời điểm đó, như tác giả nói, coi trọng vai trò của Quốc Hội đến mức ngay cả khi Bộ Chính trị đã quyết nhưng vẫn đề nghị phải thông qua Quốc Hội, thì ông ấy đã và nên có thái độ thế nào với phát ngôn coi nhẹ vai trò Quốc Hội dưới đây của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khi bàn về một vấn đề hệ trọng không kém là Luật Đặc khu:

Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, [Quốc Hội] phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật” [2]

Nếu coi phát ngôn trên là bình thường thì liệu ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự coi trọng vai trò của Quốc Hội trong tương quan với Bộ Chính trị?

Riêng phần tác giả nói về quy chế dân chủ và tự do báo chí thì tôi không muốn bàn ở đây vì chúng tôi không có chung định nghĩa về các khái niệm đó. Tôi nghĩ rằng, đúng là có báo chí tư nhân thì chưa chắc đã có tự do báo chí, song thiếu báo chí tư nhân, nghĩa là chỉ toàn báo chí nhà nước, thì nhất định là không có tự do báo chí. Tương tự vậy, trong một nền dân chủ không có cái gọi là ‘các bậc trưởng thượng’ được mặc định cao hơn người khác và có đặc quyền lên tiếng hơn người khác.

Chống tham nhũng là công việc tối quan trọng và hết sức cấp bách hiện nay, song làm sao có thể chống tham nhũng hiệu quả dài hạn cho được nếu vẫn tin rằng hai trong số những công cụ chống tham nhũng quan trọng bậc nhất – quyền lên tiếng của người dân và tự do báo chí – nên được đặt trong tay của những người nắm quyền để rồi khi thích thì họ nới ra, không thích thì họ siết lại? Bây giờ nới ra nhưng nay mai siết lại thì sao? Không! Tất cả những quyền đó người dân và báo chí phải tự nắm chặt để dùng mà chính quyền chẳng thể làm gì – dù là muốn nới ra hay siết lại – thì may ra công cuộc chống tham nhũng mới có tương lai.

_____





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire