Khi pháp luật không bảo vệ người dân, tức nước
vỡ bờ, dân sẽ phải tự xử bằng "luật rừng". Nếu kỷ cương-phép nước
không nghiêm thì rõ ràng người ta không có thói quen ứng xử theo chuẩn, nhờn
pháp luật, trước hết từ phía người thực thi công vụ - các chuyên gia chia sẻ ý
kiến trên VOV.
Quá nhiều những hành vi “lệch chuẩn” gây bức
xúc trong xã hội xảy ra trong thời gian qua như: gian lận thi cử, trục lợi tâm
linh, lái xe sử dụng mà túy gây tai nạn nghiêm trọng, ấu dâm, hàng giả-hàng
nhái, thực phẩm mất an toàn… Hành vi "lệch chuẩn" không chỉ diễn ra
trong bộ phận dân cư mà còn diễn ra trong số các cán bộ, đảng viên, người có chức
vụ, quyền hạn, phát sinh trong mối quan hệ giữa người dân với người dân, giữa
người dân với cơ quan công quyền và giữa người dân với các lực lượng thực thi
pháp luật.
|
Trong chương trình đối thoại cuối tuần qua
trên sóng VOV1,
PGS-TS Hoàng Ngọc Giao- Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và
Phát triển cho rằng, hành vi lệch chuẩn trong xã hội hiện nay phần lớn là hành
vi vi phạm pháp luật nhưng chúng ta đang nhìn từ góc độ đạo đức. Do đó, những
hành vi này xảy ra ngày càng phức tạp.
Nhờn pháp luật, trước hết từ
phía người thực thi công vụ
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông
Hoàng Ngọc Giao cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do thể
chế của chúng ta có nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện.
“Chúng ta hãy nhìn vào các cơ quan quản lý nhà
nước, các công chức trước tiên chứ không nên trách người dân vội. Người dân
cũng có nhiều hành vi "lệch chuẩn" nhưng đôi khi, đó cũng là một sự
phản ứng xã hội một cách tự nhiên khi công lý, công bằng không được thực thi
nghiêm minh, khi không có những cơ quan chức năng giúp giải quyết cho người ta
những bức xúc đó. Cho nên, có thể nói, nguyên nhân sâu xa là phải nhìn về phía
cơ quan công quyền như quy trình làm việc, thủ tục làm việc, kỷ luật công vụ và
cơ chế kiểm tra giám sát. Anh có tự giác đến mấy nhưng không bị kiểm tra, giám
sát và lại bị sự chi phối, hấp dẫn của vật chất… nó có thể làm cho anh vô cảm,
vô trách nhiệm, tìm cửa để lách”, TS Hoàng Ngọc Giao nhận định.
|
Cũng trong chương trình này, ông Phạm Ngọc
Hùng, chuyên gia nghiên cứu về phát triển kinh tế- xã hội nhấn mạnh: Chừng nào
pháp luật chưa nghiêm thì khó có thể ngăn chặn những hành vi “lệch chuẩn”. Ông
Hùng dẫn chứng:
“Pháp luật của chúng ta trong việc xử lý hàng
giả, hàng nhái hay thực phẩm mất vệ sinh an toàn chẳng hạn. Chắc chắn là chưa
đáp ứng được yêu cầu trừng phạt hoặc răn đe. Đa số xử phạt vi phạm hành chính với
mức xử thấp, có khi chỉ mang tính “gãi ghẻ” doanh nghiệp. Họ làm hàng giả với lợi
nhuận hàng tỷ đồng, trong khi nếu phát hiện chỉ bị xử lý vài chục triệu đồng –
một phần rất nhỏ, không đáng để răn đe. Cộng với đạo đức công vụ xuống cấp nên
không loại trừ những người thực thi công vụ (ngăn chặn hàng giả, hàng nhái) lại
trở thành những người bảo kê, bao che hoặc lợi ích nhóm”.
Với điều kiện pháp luật không đủ răn đe, cộng
thêm mức lợi nhuận quá lớn và có thể “chung-chi” những công chức làm nhiệm vụ
nên ông Hùng cho rằng, những kẻ làm hàng giả, hàng nhái tiếp tục hoành hành. Về
phía người dân, họ kêu ca phàn nàn nhưng lại không quyết tâm đi đến cùng sự việc,
có khi lại sợ phiền hà, mất thời gian nên nhiều lúc “tặc lưỡi” cho qua. Một phần,
họ cũng không tin tưởng là quyền lợi của mình được pháp luật đảm bảo.
Chia sẻ quan điểm trên, TS Hoàng Ngọc Giao khẳng
định: Nếu kỷ cương-phép nước không nghiêm thì rõ ràng người ta không thành thói
quen ứng xử theo chuẩn. Do đó, không chỉ dừng ở việc hô hào, kêu gọi, phát động
phong trào mà cốt lõi vẫn là vấn đề thể thế, trước tiên là pháp luật.
“Chúng ta hiện nay cũng có rất nhiều luật
nhưng có những đạo luật ban hành rồi chỉ để đấy, chả có ý nghĩa gì trong thực tế.
Nghĩa là có luật nhưng phải là luật tốt, minh bạch, giải quyết được những vấn đề
trong xã hội. Thứ hai, có luật rồi nhưng phải có những con người thực thi pháp
luật thật tốt, những công chức nhà nước có thái độ làm việc nghiêm túc- tức là
phải có sự kiểm tra, giám sát chứ không kêu gọi “đạo đức công vụ chung chung”.
© Ảnh : Trung Kiên - TTXVN
|
Quy trình xử lý cán bộ cần
nhanh hơn, công bằng hơn
Trong các vụ việc tiêu cực, bức xúc xảy ra, TS
Hoàng Hoàng Giao cho rằng:
“Chúng ta đã thấy, người đứng đầu không bị xử
lý một cách nghiêm khắc. Có khi họ chỉ tạm bị đình chỉ công tác một tuần, 2 tuần
rồi đâu lại vào đó. Cho nên, cần phải có cơ chế xử lý người đứng đầu khi để xảy
ra tiêu cực, vi phạm pháp luật ở đơn vị mình.
Muốn vậy, lại phải trở về với quy trình xử lý
cán bộ - vô cùng phức tạp, lẳng nhằng, lấy ý kiến trên, lấy ý kiến dưới… Chính
vì thế nó làm cho việc xử lý bị chậm lại, thậm chí bị “chìm xuồng”. Người đứng
đầu nhiều khi cảm thấy vô can khi đơn vị có sự việc xảy ra. Người đứng đầu
không phải là cấp trực tiếp mà có thể là cấp cao hơn. Thậm chí, nếu có lương
tâm và đạo đức, tôi nghĩ, họ nên từ chức mà điều này thì nhân dân đã yêu cầu,
mong đợi từ lâu. Bên cạnh đó, quy trình miễn nhiệm, kỷ luật người đứng đầu khi
xảy ra sai phạm phải rất nhanh gọn, đáp ứng yêu cầu.
© AFP 2019 / Roberto Schmidt
|
Nhưng trên thực tế, cán bộ bị kỷ luật lại được
bổ nhiệm ở đơn vị khác, thậm chí bổ nhiệm tại nơi đã từng xảy ra sai phạm (chẳng
hạn như trường hợp ở Thanh
Hóa)… Rõ ràng, cách xử lý như vậy vừa làm cho người bị kỷ luật không sợ, những
người chưa vi phạm cũng không sợ và niềm tin của nhân dân thì càng ngày càng
hao hụt. Thực tế, có những trường hợp, cơ quan chức năng xử lý quá chậm hoặc
quá nhẹ khiến cho người dân bức xúc, phải tự xử như hành vi ấu dâm vừa qua của
một vị cán bộ từng công tác ở Viện kiểm sát. Ở nước khác, hành vi đó là vi phạm
hình sự và bị xử lý ngay nhưng ở đây thì sao? Cho nên người dân vì quá bức xúc
đã dẫn đến những hành vi bộc phát, mục đích cũng để cho kẻ vi phạm thấy nhục
nhã, mất sĩ diện bởi vì họ không trông mong nhiều vào pháp luật".
TS Hoàng Ngọc Giao kết luận, muốn xử lý tất cả
những hành vi “lệch chuẩn” nêu trên thì việc xử lý cán bộ nhà nước phải nghiêm
minh, công bằng và quy trình xử lý cần nhanh hơn nữa chứ không thể quá rườm rà,
chậm trễ như hiện nay.
https://vn.sputniknews.com/opinion/201904157378975-xa-hoi-ngay-cang-loan-nhieu-hanh-vi-lech-chuan-do-ky-cuong-phep-nuoc-khong-nghiem/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire