Hồ Bất Khuất
Thứ ba ngày 9 tháng 4 năm 2019 3:55 PM
Hơn 30 năm trước, khi nước ta bắt đầu đổi mới, không khí hồ hởi, phấn khởi,
tự do lắm. Ngày đấy, tôi làm ở Tạp chí Cộng sản - Cơ quan Lý luận và Chính trị
của Đảng cộng sản Việt Nam nên biết được nhiều điều. Lúc đó, nhiều trí thức nói
rất tâm huyết và mạnh mẽ. Các nhà lý luận trung kiên thì thận trọng hơn. Họ
nói: Nhất trí đổi mới, nhất trí mở cửa nhưng dù mở rộng, thoáng đến đâu thì Nhà
nước vẫn phải giữ độc quyền trong một số lĩnh vực sau đây: Ngân hàng, hàng
không, viễn thông, điện lực, giáo dục, báo chí...
Sau hơn 30 năm, như chúng ta đã thấy: Ngân hàng, hàng không, viễn thông,
giáo dục - Nhà nước không kiểm soát độc quyền nữa. Và điều gì đã xẩy ra? Trước
đây, khi chúng ta chỉ có mỗi một hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines thì
giá vé ở trên trời, hành khách chủ yếu là quan chức nhà nước, mua vé bằng tiền
ngân sách. Kể từ khi có thêm một số hãng hàng không tư nhân, giá vé xuống thấp,
nông dân cũng đi máy bay được. Hay trong lĩnh vực viễn thông thì còn rõ hơn.
Khi mới có Vinaphone, giá cước điện thoại di động mấy ngàn đồng 1 phút. Nay thì
chúng ta thấy rồi, chỉ mấy trăm đồng thôi.
Còn lĩnh vực giáo dục thì thế nào? Cách đây đúng 30 năm, vào năm 1989, cố
Nhà giáo Văn Như Cương đưa đề án xin thành lập trường tư thục. Một quan chức
cao cấp lên tiếng: Lĩnh vực nào có tư nhân cũng được, trừ giáo dục. Lúc đấy Bộ
trưởng Phạm Minh Hạc không nghĩ thế, ông đồng ý thành lập cơ sở giáo dục ngoài
công lập, chỉ thay chữ "tư thục" bằng "dân lập" mà thôi.
Nay chúng ta có hàng ngàn cơ sở giáo dục ngoài công lập (chủ yếu là tư thục),
từ mẫu giáo đến đại học. Những cơ sở giáo dục này làm lợi cho ngân sách hàng
trăm ngàn tỷ đồng.
Đến nay, trong những lĩnh vực mà các nhà lý luận trung kiên đề nghị là Nhà
nước phải kiểm soát chặt chẽ theo kiểu độc quyền, chỉ còn điện lực và báo chí
nữa mà thôi. Điện lực thì thế nào? Nhà nước vẫn kiểm soát độc quyền định giá và
phân phối. Theo quan sát của tôi, đây là lĩnh vực giá chỉ có tăng, chưa bao giờ
giảm, mà tăng liên tục. Cụ thể, năm 2009, giá điện trung bình 835 đồng/kW/h,
năm 2019 con số này là 1.864 đồng/kW/h.
Còn báo chí thì sao? Nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ, không cho phép có báo
chí tư nhân. Vừa qua, Chính phủ đã duyệt Quy hoạch báo chí đến năm 2025. Điều
đáng nói là nội dung quy hoạch này được soạn thảo dưới thời Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Trong quan sát
của tôi, đây chính là việc gây khó cho những người đảm nhiệm chức vụ này trong
tương lai. Nay, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Bắc Son đã vào tại
giam, ấy thế mà cái bản quy hoạch này vẫn gây hoang mang trong xã hội. Điều
đáng nói là bản quy hoạch này không hề dựa vào cơ sở khoa học báo chí hiện đại.
Nó điển hình cho việc áp đặt của quyền lực. Một số quan chức nói rằng, quy
hoạch như thế này để phát triển. Tôi xin nói: Không ai tin quy hoạch như thế
này để phát triển cũng như có vị đại biểu Quốc hội đã nói rằng, không ai tin
ông Nguyễn Hữu Linh ôm ghì, hôn hít bé gái trong thang máy là nựng (xin lỗi về
sự so sánh không được nhã cho lắm!).
Thực ra, nếu có hiểu biết về khoa học báo chí và có bản lĩnh, chúng ta chấp
nhận cho xuất bản báo chí tư nhân (cứ nhìn vào giáo dục, ngân hàng, hàng không,
viễn thông thì thấy) trên cơ sở quản lý theo pháp luật và cơ chế thị trường. Đó
là báo chí phải hoạt động như một doanh nghiệp, lời ăn, lỗ chịu, không chịu nổi
thì đình bản (phá sản). Nhà nước không nên cấp kinh phí tràn lan cho các cơ
quan báo chí, mà buộc họ phải tự chủ. Còn về nội dung chính trị-tư tưởng thì
quản lý trên có sở pháp luật của quốc tế và của Việt Nam: Báo chí không được
tuyên truyền chiến tranh, bạo lực; không được phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy;
không được làm lộ bí mật quốc gia; không được xâm phạm đời tư của con người;
không được nói sai sự thật...
Nhà nước nên quản lý báo chí theo cách đó chứ không cần phải chỉ đạo là mỗi
bộ, ngành, tỉnh, thành chỉ có một cơ quan báo và cơ quan tập chí. Hơn thế nữa,
làm như vậy cũng là hạn chế tự do báo chí đấy!
Nguồn:
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire