Những ai sống ở miền Nam giai đoạn sau 30-4-1975 không thể nào quên những
gì từng trải qua. Đó là những chuỗi ngày không chỉ khốn khổ về vật chất. Biết
bao người không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hàng đống sách vở và
băng đĩa nhạc bị đốt. Một cuộc thảm sát văn hóa đã xảy ra. Không chỉ sản phẩm
văn hóa, con người của văn hóa cũng bị tận diệt. Nhà văn bị bỏ tù. Nhà báo bị
“học tập cải tạo”. Nhà thơ đi đạp xích lô… Bất luận bị “tra tấn” và “truy diệt”
tàn bạo như vậy, văn hóa VNCH vẫn không chết!
Trong "Hồi ký dang dở", cựu đại tá VNCH Dương Hiếu Nghĩa (từ trần
ngày 14-4-2019) kể:
“Ngày mồng 3 tháng 5/1975. Không có chuyện gì làm, tôi lang thang tản bộ
quanh khu chợ Sài Gòn, và đi lần về Thư Viện Quốc Gia, trong thâm tâm chỉ muốn
gặp lại một người bạn của tôi là anh Hữu, quản thủ Thư viện Quốc Gia (ông Phan
Văn Hữu – chú thích của MK). Có đến nơi mới thấy được cảnh mà cộng sản Bắc Việt
gọi là bài trừ “văn hóa đồi trụy”: Sau ngày 30/4/75, một ủy ban gọi là “Ủy ban
bài trừ văn hóa đồi trụy” ra đời. Thành phần gồm một cán bộ Đảng CSVN và sinh
viên học sinh chít khăn đỏ trên tay (mà người dân Sài Gòn gọi là mấy con “cọp
30”)…
“Văn hóa đồi trụy” được định nghĩa là tất cả những ấn phẩm thuộc mọi lãnh
vực chánh trị, kinh tế, lịch sử (nhất là lịch sử), giáo dục, khoa học kỹ thuật,
văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh. v.v… đang được lưu hành và sử dụng tại Việt Nam
Cộng Hòa từ ngày 30/4/1975 trở về trước, được in, chép hay thu vào băng nhựa,
bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào (trừ chữ Tàu và chữ
Nga). Mục tiêu mà các “ông cọp 30” nhắm vào trước tiên là Thư viện Quốc gia
(National Library) ở đường Gia Long. Tất cả sách bìa cứng bìa mềm, gáy tím gáy
vàng, dày mỏng gì cũng đều được mang ra đường xé nát và đốt hết. Tội nghiệp cho
mấy bộ tự điển và encyclopédia chữ Anh chữ Pháp (trên 100 cuốn), và rất nhiều
bộ sách quý thuộc các ngành công pháp quốc tế, khoa học kỹ thuật, hàng không và
cả khoa học không gian v.v… mà anh Hữu đã tốn công sưu tầm trên 10 năm dài để
làm giàu cho thư viện của đất nước, trong phút chốc bị “cọp 30” xơi tái hết!
Chúng tôi đến gần lượm từng tờ của bộ encyclopédia lên xem mà ứa nước mắt nhưng
không dám hỏi thêm vì bị ngay một “cọp 30” khoảng 16 tuổi tới đuổi: “Đi đi,
tiếc gì mà coi, xé bỏ hết, đốt bỏ hết, nó là tiếng nước ngoài, của thực dân,
của đế quốc đồi trụy, ru ngủ đầu độc dân tộc. Ta độc lập rồi thì ta cần gì ba
cái thứ nầy nữa!”…
“Về văn nghệ thì tất cả các bản nhạc in hoặc thu vào băng nhựa, nếu không
phải loại nhạc lai căn (lai nhạc Tàu) từ nhóm văn công miền Bắc mang vào, đều
được liệt vào loại “nhạc vàng của đế quốc Mỹ và tay sai”, cấm lưu hành, xé đốt,
hủy bỏ, ai lưu giữ sẽ có tội. Các kịch bản hay các vở tuồng cải lương, hát bộ
v.v... cũng phải được duyệt xếp loại lại. Nói tóm lại Bắc Việt chủ trương hủy
bỏ tất cả những gì mà họ cho là tàng tích của “Mỹ Ngụy” từ 75 trở về trước, để
đem thay thế vào đó những gì mà miền Bắc đang có và đang áp dụng... Có nghĩa là
thay vì đẩy miền Bắc tiến lên để theo kịp đà phát triển của miền Nam, họ làm
mọi cách nhằm kéo lùi miền Nam thụt lùi lại vài chục năm, sao cho trình độ văn
minh tiến bộ của hai miền Nam Bắc phải ở cùng nằm ở một trình độ kém phát triển
như nhau”…
Câu chuyện của ông Dương Hiếu Nghĩa là một chi tiết rất nhỏ trên bức tranh
kinh khủng mà miền Nam chứng kiến giai đoạn sau 30-4-1975. Hàng ngàn câu chuyện
khác đã dệt nên tấm thảm kịch mà ngày nay vẫn gây nhức nhối mỗi khi được nhắc
lại. Nhà văn Dương Thu Hương từng thốt lên trong uất nghẹn: “Vào Nam tôi mới
hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt
lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ đài nào,
Pháp, Anh, Mỹ... nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật
chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn
của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam
phạm phải” (trích từ Ký 2, Đinh Quang Anh Thái, trang 178).
Tuy nhiên, văn hóa VNCH đã không chết. Di sản văn hóa của một nền văn minh
đã không hoàn toàn thua “chế độ man rợ”. Sự kéo lùi lại “sao cho trình độ văn
minh tiến bộ của hai miền Nam Bắc phải ở cùng nằm ở một trình độ kém phát triển
như nhau” đã không thành công! Sau 44 năm, người ta có thể thấy rõ điều này hơn
bao giờ hết. Chưa bao giờ mà văn hóa VNCH – sản phẩm của nền giáo dục khai
phóng, của tinh thần sáng tạo tự do, của những tinh hoa kết tụ từ ba miền Bắc-Trung-Nam
– lại trỗi dậy mạnh mẽ đến như vậy. Những nhà sách lớn giờ đây đầy tác phẩm
trước 1975 in lại (dù không ít quyển bị cắt xén kiểm duyệt). Những quyển sách
mới về miền Nam trước 1975 được ghi chép một cách tỉ mỉ và công phu cũng xuất
hiện liên tục. Nhạc “ngụy” đã chẳng còn được hát và nghe lén lút. Nó được hát
trên truyền hình và phát thanh, trong các cuộc thi “bolero đi cùng năm tháng”.
Phải! Văn hóa VNCH chưa bao giờ ngưng “đi cùng năm tháng” với dân tộc. Nó cho
thấy dân tộc luôn lớn hơn cái gọi là “Đảng”. Nó cho thấy kiểm duyệt chẳng có
chút giá trị nào đối với tâm hồn và cảm thụ của người dân. Nó, cuối cùng, cho
thấy một điều lớn nhất mà muốn hay không cũng phải thừa nhận: nền văn hóa nào
có tính vượt trội hơn thì nó thắng!
Internet và mạng xã hội đã hỗ trợ rất nhiều trong làn sóng hồi sinh văn hóa
VNCH. Nhiều trang web sách cũ đã mọc ra. Các “fan page” sách VNCH, nhạc vàng,
Sài Gòn xưa… cũng xuất hiện nhan nhản. Một khảo sát nhỏ cho thấy cụ thể hơn.
Trong khi trang “Nhạc Đỏ chọn lọc” (facebook.com/nhacdochonloc/) có 72 người
like và 81 follow thì trang “Nhạc Vàng” (facebook.com/nhacvang/) có 188.737
like và 209.515 follow (khảo sát được truy cập lúc 8 am giờ VN, ngày 26-4-2019).
Việt Nam sau “ngày thống nhất 1975” đã không thể giống miền Bắc sau 1945.
Một Việt Nam cộng sản, dù rập khuôn mô hình chính trị Trung Quốc, đã không thể
giống Trung Quốc. Chế độ cộng sản Việt Nam không thể biến người dân Việt Nam
thành một “đám ngu dân” như cách cộng sản Trung Quốc muốn. Khi thống nhất đất
nước, Trung Quốc chẳng có một “miền Nam dân chủ” nào cả. Nỗ lực bắt chước Trung
Quốc, đối với cộng sản Việt Nam, là bất khả thi. Nền dân chủ non trẻ mà miền
Nam thụ hưởng, sau “ngày thống nhất”, đã trở thành một thứ “kháng thể” giúp
chống lại, bằng cách này cách kia, những áp đặt phi dân chủ và phi tự do, đặc
biệt trong văn hóa. Yếu tố kháng thể này đã âm thầm lan rộng. Nó tạo ra những
ảnh hưởng nhất định. Nó ngấm ngầm nhưng nó mạnh mẽ. Nó hồi sinh và nó phát
triển tự nhiên. Không ai có thể chặn nổi luồng gió trong lành này. Nó tạo ảnh
hưởng ngay cả trong hệ thống của chế độ toàn trị. Đã có lúc người ta “kiếm
chuyện” bằng cách “đặt vấn đề” rằng “chiến trường anh bước đi là chiến trường
nào” (trong ca khúc “Con đường xưa em đi” của nhạc sĩ Châu Kỳ) nhưng rồi cũng
bất thành. Khi tuyên bố “cấp phép” cho ca khúc “Ly rượu mừng”, người ta chắc
hẳn đã uống một ly cồn đắng nghét bởi phải đầu hàng trước sự tồn tại hiển nhiên
không chỉ của một ca khúc mà cả một nền văn hóa.
Ánh sáng văn minh luôn lấn át bóng tối mọi rợ. Bản năng tự nhiên của con
người là luôn tìm đến ánh sáng. Cho đến thời điểm này, khi mà sự tự do hát, tự
do nghe, tự do xem, tự do đọc đã trở thành một sự bình thường đương nhiên, thì
bất kỳ cản trở hay ngăn cấm nào cũng đều vô ích và vô vọng. Dù muốn hay không,
chế độ cũng cần phải thừa nhận một tính chất chính trị căn bản: họ có thể cai
trị độc tài nhưng họ phải hiểu, trong bất lực, rằng không có bất kỳ công cụ văn
hóa “toàn năng” nào của nhà cầm quyền có thể “chọc mù mắt” và “bịt lỗ tai con
người”!
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire