23/06/2019

(kỳ 3) : 30 NĂM TRƯỚC, LAO ĐỘNG CHỦ NHẬT ĐÃ LÀM CUỘC “CÁCH MẠNG BÁO CHÍ CÁCH MẠNG”

30 NĂM BÁO LAO ĐỘNG CHỦ NHẬT, VÀI GƯƠNG MẶT THÂN THIẾT



HOÀNG HƯNG



Nhân 21/6, ngày được gọi là “ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”, tôi nhớ lại những ngày sát cánh với các đồng nghiệp trong tờ báo đầu tiên đã làm “cuộc Cách mạng nền báo chí Cách mạng” vào tháng 12 năm 1989. Tuy bị đánh quỵ vào năm 1994 từ một quyết định của Bộ Chính trị ĐCS VN do e sợ tác động “diễn biến hoà bình” của tờ báo, chỉ trong 5 năm tung hoành với một ê kíp được nhà báo Lý Quý Chung (cây bút thể thao nổi tiếng Sài Gòn trước 1975) nhận xét là “đội hình đẹp như mơ” (gồm một số cây bút tên tuổi Sài Gòn cũ, một số nhà báo tài năng của miền Bắc, có cả 2 “tên” vừa đi tù về, hihi), báo LĐCN đã tạo bước chuyển không thể quay lui của báo chí “chính thống”: có phần bám sát thực tế xã hội, dám nói thật một số điều (tuy còn xa sự thật), phần nào nói tiếng nói của dân chứ không phải chỉ của “lãnh đạo”.



Vài đồng nghiệp cũ tâm đầu ý hợp ở báo Lao Động mà nghĩa tình còn mãi đến hôm nay


1.   TỐNG VĂN CÔNG



Có lẽ đã và sẽ không có một TBT báo “chính thống” nào “lạ” như ông này. Là đảng viên CS, nhưng ông cởi mở và khoái chơi với trí thức văn nghệ sĩ, với bọn “bạch vệ”,”xét lại”, “tà ru”. Nhất là văn nghệ sĩ (sau ông mới khai đã từng làm thơ, viết văn… nhưng có lẽ… không thành công, nên ông rất quí các văn tài!). Ông đối xử với tôi không bao giờ như cấp trên- cấp dưới, mà luôn như bạn đọc- nhà thơ! Và may mà ông… khoái thơ tôi!



Nên mới có chuyện là khi tôi viết bài về thơ Đặng Đình Hưng, họp toà soạn, có ý kiến phàn nàn “thơ ông này khó hiểu quá, sao lại giới thiệu?” thì TBT Tống Văn Công nói ngay: “Không hiểu thì phải học để hiểu, chứ sao?” (tôi tin là không có TBT thứ hai nào trong hệ thống báo “chính thống” có thái độ như thế đối với văn nghệ mang tính “tiên phong”).

Và chuyện ông làm thơ gửi đăng báo Tết của chính báo mình nhưng vẫn gửi cho Trưởng ban VHVN duyệt một cách sòng phẳng như ông đã kể trong Hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh”!



Kể cả chuyện khó tin này: khi báo LĐ phát triển thành báo ngày, ông “vận động” tôi nhận “chức” Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ để đảm bảo cho trang này vận hành suôn sẻ. Tôi vốn xưa nay ghét mọi “chức vụ” vì chỉ thích Tự do, nên bảo: “Tôi không có khả năng đâu!” Ông vặn và khích: “HH mà không có khả năng thì còn ai có?” Nhà báo Trần Trọng Thức cùng dự cuộc “vận động”, truy tôi: “Ông nói thế để tránh né công việc? Thì ra ông chỉ coi báo LĐ là nơi cho ông trú chân chứ không muốn đóng góp thật tình?” Ái chà, truy đến “cái tình” như thế thì gay đây! Tôi bèn đáp trả: “Nếu nói về khả năng thì tôi phải làm Bộ trưởng Văn hoá chứ làm Trưởng ban cho các ông làm khỉ gì? Vấn đề là quan điểm của tôi không giống Ban Tư tưởng văn hoá (của ĐCS)! Nhưng các ông đã nói thế thì để tôi suy nghĩ thêm”. Mấy hôm sau, trong cuộc họp đông đủ toà soạn, vấn đề lại được TBT nêu ra. Tôi lại trả lời viện lý do quan điểm. Trần Đức Chính, đương kim trưởng ban VHVN, biết ý TBT, bèn nói: “Quan điểm khác Ban Tư tưởng thì làm báo càng hay chứ sao!”. (Thời đó, mới “đổi mới” được vài năm, trí thức còn “tưởng bở” nên khá hăng tiết, nay thì bố bảo anh nhà báo nào nói thế nhỉ?). Thế là tôi phải nhận, nhưng tôi ra điều kiện: cho tôi hai phó, một ở Sài Gòn (nhà văn Tô Hoàng), một ở Hà Nội (nhà thơ Bùi Việt Phong), để tôi… rộng cẳng đó đây! TBT Tống Văn Công OK liền!



Và chuyện này nữa:  đầu năm 1994, tôi ra tập thơ “Người đi tìm mặt” trong đó có mấy bài thơ tù, quan trọng nhất là bài “Người về”. Mấy ngày sau, Chủ tịch TLĐ Lao động VN, chủ quản của báo LĐ, gọi TVC lên: “An ninh vừa gặp tôi. Tay HH này là thế nào mà anh để làm Trưởng ban VHVN?”. Không biết nên ăn nóivới tôi ra sao, ngay đêm ấy TVC khôn khéo kể cho cậu “em” tôi là Trần Trung Chính nghe sự tình, để cậu ấy “sang tai” cho tôi ở Sài Gòn. Sớm hôm sau, tôi viết ngay lá đơn “từ nhiệm trưởng ban” đưa Hữu Tính chuyển ra Hà Nội. Tôi phản ứng quá nhanh, BBT họp không biết xử lý ra sao. TBT lấy lý do không tìm được ai thay, quyết định tôi phải tiếp tục nhiệm vụ 6 tháng nữa (ông lần lữa, muốn sóng gió qua đi rồi… lờ chuyện). Mãi đến khi cuộc vu vạ “báo LĐ diễn biến hoà bình” lên đến BCT ĐCS, trong đó tội đầu tiên là trọng dụng hai thằng bộ lạc ‘tà ru’ (Choé và tôi), ông mới đành cho tôi nghỉ, và cho tôi chức danh “Phóng viên đặc biệt” tha hồ tự do muốn viết gì thì viết, không bị ai “lãnh đạo”.



Mười mấy năm sau khi anh TVC về hưu, năm 2008, khi tôi là thành viên nòng cốt của talawas blog, tôi đã “rủ rê” anh viết bài cho nó. (Từ khi về hưu, anh chỉ viết cho báo Phụ nữ TP HCM do vợ anh làm TBT – chị Mai Hiền, một nhà báo do chính anh đào tạo từ lúc đầu). Có lẽ những bài đầu tiên của anh trên báo “lề trái” ấy (trong đó có bài quan trọng “Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ” ký tên Thiện Ý, báo QĐND vu cáo tác giả là “tên phản động nước ngoài”, khiến tôi phải công bố một bài nêu rõ thân thế tác giả) đánh dấu bước chuyển quyết định của anh, đi đến chỗ tuyên bố ra khỏi đảng, qua Mỹ định cư, xuất bản hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh” (mà Người Việt Books đặt cho cái tên phụ hơi giật gân “Từ theo Cộng đến chống Cộng” khiến người bạn tâm huyết cũ của anh là GS Tương Lai rất phản ứng!). Còn nhớ, những bài đầu ở talawas, anh hay trích dẫn lời “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tôi phải cắt bớt; có lần, tôi hỏi thẳng anh trước mặt mấy bạn đồng nghiệp thân: - Anh trích dẫn thế là do thực sự tin ông Hồ hay chỉ là “sách lược” đối phó? Anh lưỡng lự, nói “có lẽ cả hai”.



Năm 2016, tôi đã có cơ duyên giới thiệu cuốn Hồi ký của anh với các nhà văn cộng tác viên của Văn Việt tại Cali ngay khi nó mới ra. Tôi đang chờ đợi một cuốn tiểu thuyết mà anh ôm ấp sau cuốn hồi ký này, “sau khi nghiên cứu những tiểu thuyết đã có của thIên hạ” như anh luôn nói mỗi khi tôi hỏi thăm!



Nghĩ đến cùng, trong đáy sâu tâm hồn, chất “nghệ sĩ” của anh hình như cao hơn chất “báo sĩ”, càng át chất “đảng” và chất “quan”. Cái hay là nó khiến tờ báo sinh động, phóng khoáng, có hồn, cấp tiến; cái dở là cung cách quản lý hơi “mềm”, hơi “buông”, dẫn đến việc không kịp ngăn chặn âm mưu “đảo chính” của kẻ phản thùng, khiến tờ báo mờ hẳn sau năm năm huy hoàng (đúng như lời Lý Quý Chung trách!). Kể ra, cũng còn dài hơn thời gian bác sĩ Allende làm Tổng thống Chile nhỉ?




Tống Văn Công, GS Lê Xuân Khoa, HH tại nhà nhà báo Đinh Quang Anh Thái (Cali 2016)

2.   LƯU TRỌNG VĂN



Anh từ Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Tiếng nói VN về báo LĐ theo lời mời của TKTS Chánh Trinh (Lý Quý Chung), được đưa về Ban VHVN. Anh với tôi khá nhiều kỷ niệm, gần nhau nhiều điểm, sát cánh nhau nhiều việc, cho đến tận bây giờ.



-         Rất táo bạo, không kiêng kỵ, bài báo nào cũng gây ấn tượng. Tôi nhớ mãi hai bài phỏng vấn của anh. Hỏi Nhạc sĩ Trần Kiết Tường: - “Bài hát 'Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người' ông sáng tác trong hoàn cảnh nào?”. Nhạc sĩ trả lời: “Sở dĩ sáng tác được bài này là nhờ tôi ở ngoài Đảng.”Và một nhân vật khác, không nhớ tên: “Đảng phải tự lột xác nếu không muốn bị lột xác”.

-         Xông xáo, nhiệt huyết tuy… hình như luôn ảo tưởng. Điển hình là chuyến đi anh tổ chức cả một đoàn nhà báo Sài Gòn lên Đà Lạt đấu với Uỷ ban Tỉnh Lâm Đồng để bênh vực toà nhà Trăm Mái của nhà thầu Lữ Trúc Phương (“bồ” của Công chúa H.N.). Chỉ bằng một luận điểm “không có giấy phép xây dựng”, Tỉnh vô hiệu hoá hết! Đến gần đây, U 70, anh vẫn say mê nhiều “dự án” nghe rất hay, không biết thực hiện có OK? 

-         Vô tư, không phe phái, không định kiến (cái này giống tôi). Nhớ mãi chuyện vừa buồn cười vừa buồn… mếu: Mùng Ba Tết năm 1994, Văn rủ tôi đến nhà Hồng Đăng (tục gọi Tám Đăng, Phó TBT được TBT Tống Văn Công trao toàn quyền từ một năm trước) mừng Xuân như tục lệ mọi năm. Vào nhà, cỗ bàn bày tươm tất y như mọi năm, nhưng… không một bóng người! Thì ra, trước Tết, nhóm Chánh Trinh, Trần Trọng Thức, Ba Thợ Tiện, Hữu Tính đã quyết định mở màn “chiến dịch lật đổ”. Quyết định xảy ra sau vụ: trước Tết, HĐ công khai xài xể Chánh Trinh trước cả toà soạn về cái tội “dám tự động đưa bài thơ Xuân của Tống Văn Công vào “báo Xuân” thay vì “báo Tết” theo quyết định của mình (báo Xuân là hình thức tạp chí dày, “sang” hơn nhiều so với “báo Tết” chỉ hơn “báo thường” một chút. HĐ chơi vỗ mặt để ra uy và hạ giá TBT – hơi giống Tập tổng-chủ với Mỹ?). Đó là giọt nước tràn ly sau nhiều vụ lộng quyền, độc tài, tài chính bất minh của HĐ đã khiến nhóm này tích tụ bất bình. Nhưng hình như biết tính vô tư, không phe phái của hai chúng tôi, nên họ không chia sẻ kịch bản của “chiến dịch”. Tôi và Văn ít quan tâm đến những “chuyện đời” trong báo, chỉ lo việc chuyên môn, nên vẫn thấy HĐ rất OK ở tính cách quyết đoán, xử lý công việc đâu ra đấy, và biết trọng chuyên môn. HĐ tạo điều kiện tốt cho tôi làm việc, rất ít khi bác bỏ bài tôi đưa duyệt in, trừ khi bài “phiền phức về chính trị” (như bài “Tự phỏng vấn” của Hữu Loan). Nhưng khi HĐ chơi trò “chính trị hoá” cuộc tranh chấp quyền lực bằng cách vu cáo cho TBT và nhóm đối lập “âm mưu diễn biến hoà bình” thì hai chúng tôi đã tham gia cuộc chiến đấu chống anh ta.



Vậy mà, có lẽ kỷ niệm cuối cùng về buổi mùng Ba Tết ấy, đã khiến cho mãi lâu sau khi đã rời báo LĐ, HĐ đang đi xe hơi hay xe máy ngoài đường, thấy tôi là thế nào cũng dừng xe, xuống chào hỏi, bắt tay tôi rồi mới lên xe đi tiếp.



-         LTV chính là người gọi nhạc sĩ Phạm Duy trở về sống những năm cuối đời và chết ở nước nhà. Chính nhạc sĩ đã kể chuyện này trong album cuối cùng của ông (Hương ca, là những bài phổ thơ trong nước, trong đó cả “Hương rừng” của Sơn Nam, “Ngựa biển” của HH.

Hương Ca khởi sự bởi một bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Văn, con trai của người bạn cũ mà tôi rất yêu quý là Lưu Trọng Lư, đăng trên báo Lao Động ở Saigon vào năm 1994, với nhan đề Về Thôi, đề tặng : người tình già.

Về thôi !
Người tình già ơi
Thôn nữ Chị đã qua cầu, thóc lép
Thôn nữ Em, trăng đầy, tuột khỏi chồi tay
Thôn nữ Út, lên đòng, nào biết
Khúc tình xưa, xưa ấy, xưa rồi...
. . . . . . .
Về thôi !
Làm gì có trăm năm mà đợi
Là gì có kiếp xưa mà chờ
Đất Mẹ - Đất Nàng
Con sáo sang sông tha cọng rơm vàng
Lót ổ
Mười chín năm bến cũ
Người tình già ơi ! nhớ không ?
(14/X/94)




Truy xuất tận cùng thì chuyện này cũng bắt nguồn từ lòng yêu cha hiếm có của anh. Hơi giống Nguyễn Ái Quấc ở Pháp bất cứ lúc nào có cơ hội viết hay nói chuyện đều “liên hệ” đến tình cảnh dân Annamite trong bàn tay tàn bạo của thực dân, nhà giáo Phạm Toàn ở Hà Nội thì “liên hệ” đến chương trình giáo dục Cánh Buồm, LTV không bao giờ quên nói đến người bố yêu quý của mình. Anh được anh em trong gia đình cho đặc quyền cải táng di hài cha về ngay trong vườn nhà của anh ở Quận 7. Ngôi mộ xinh xinh bên trên có câu nói mà LTV coi như châm ngôn của đời ông, và anh cũng lấy cho đời mình: “‘Ta thà bị lừa còn hơn không tin ở con người”.



-         Sau vụ tan vỡ báo LĐ, LTV theo Chánh Trinh làm mấy tờ báo khác, vứt hết “biên chế”, và cuối cùng trở thành người làm báo Tự do. Hiện nay anh là một Facebooker xưng “Gã” nổi tiếng trong “CLB ngàn like” có vài chục ngàn follower. Tinh thần vẫn là cấp tiến, không kiêng nể với cái xấu, và nay thì càng tự do phản biện thẳng thừng; nhưng vô tư, không định kiến, dễ tin người, và luôn muốn “tranh thủ” mọi khía cạnh tốt của mọi thành phần, nên bị một số người cho là… “ba phải”. Sôi nổi, nồng nhiệt, hồn nhiên, phóng khoáng, biết cách pha lý với tình, với chút hài duyên, biết điểm nhãn, khi cần thì sẵn sàng “xuống xề”, giọng văn FB của LTV hấp dẫn và không thể lẫn.



 
LTV và HH trước trụ sở ĐCS Portugal, Lisboa 2018

                                            



3.   TRẦN TRỌNG THỨC



Phụ trách Ban Kinh tế báo LĐ, anh tổ chức “CLB Thứ sáu” tập họp các chuyên gia kinh tế Sài Gòn cũ như Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng… làm cố vấn và cộng tác viên, khiến trang Kinh tế báo LĐ luôn có uy tín và sức hấp dẫn, có ảnh hưởng nhất định đến đời sống kinh tế. Bản tính thận trọng, cũng một phần do xuất thân là sĩ quan và nhà báo chế độ cũ (Việt Tấn Xã), anh không công khai bộc lộ quan điểm chính trị, nhưng khéo gửi gắm tư tưởng kinh tế thị trường tự do hoá vào bài viết và việc tổ chức bài vở trên trang báo. Là người làm báo chuyên nghiệp dày kinh nghiệm giống như Chánh Trinh, sau khi làm báo Tin sáng với Ngô Công Đức, rồi tham gia xây dựng tờ Tuổi Trẻ, hai anh đã góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu báo Lao động thời Đổi mới. Lao động tan rã, anh xây dựng riêng cho mình một tờ tạp chí rất thành công cả về chuyên môn lẫn doanh thu, tờ Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, đẹp và sang vào loại nhất nước. Anh nhiều lần mời tôi cộng tác cho tờ báo ấy.



Lịch thiệp, chu đáo, tận tình với mọi người có quan hệ, nhưng dứt khoát, rõ ràng với những kẻ không chơi được, tôi phải học ở anh tính cách ấy.  



Với riêng tôi, anh có ơn mà bà xã tôi lúc nào cũng nhắc nhở: nhiều lần giới thiệu các bác sĩ giỏi điều trị tốt đẹp bệnh tật cho tôi và bà xã. Không thể quên vụ “thoát vị đĩa đệm” những năm 1990, tôi đã chuẩn bị lên bàn mổ ở Bệnh viện Thống Nhất do BS… Vân phẫu thuật viên số 1 Ngoại thần kinh ở Sài Gòn lúc ấy, nhưng anh đưa tới BS Võ Văn Thành, lần đầu tiên áp dụng phương pháp không phẫu thuật, chỉ cần nằm dài liên tục một tháng để cột sống tự giãn trở lại. Nhờ thế, tôi thoát khỏi di chứng của việc “can thiệp dao kéo” mà nhiều người đã bị, cột sống tôi vẫn ổn qua hơn 30 năm!



Gần đây Trần Trọng Thức nghỉ làm báo, giúp vợ là chị Nguyễn Thị Lý trong dự án “Em đến trường” tạo cơ hội cho trẻ em nghèo đi học.



4.   ĐINH QUANG HÙNG



Không quan hệ trực tiếp về chuyên môn – Hùng chuyên trách in ấn, phát hành cho báo LĐ – nhưng lại là chỗ thâm tình từ xưa.



Là học trò khi tôi dạy Cấp 3 An Dương, Hải Phòng, hết lớp 9 Hùng phải nhập ngũ “đánh Mỹ”. Một hôm, tôi nhận được lá thư từ chiến trường gửi về. Trong đó là bài thơ “Nghe thơ Thầy trên đường Trường Sơn” Hùng đã viết sau khi nghe Đài Phát thanh Hà Nội ngâm một bài thơ của tôi, có lẽ là bài “Năm nay mùa hạ” viết về thành phố hoa phượng đỏ quê hương em.



Hai mươi năm sau, gặp lại ở báo LĐ, gọi nhau bằng anh em. Hùng là tay rất giỏi làm ăn, nhiều lần giúp tôi cách kiếm tiền (in sách, đầu tư chỗ này chỗ nọ).



Vui nhất là vụ hợp tác in sách truyện trinh thám “Con chó vàng” tôi dịch của G. Simenon. Những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, sách dịch còn rất hiếm. Sách in ra giấy đen xì, nhưng bán rất chạy. Hùng nói tôi dịch truyện, Hùng mua giấy phép NXB, in và phát hành. “Con chó vàng” đang in thì được tin một bản dịch khác cũng truyện ấy của một NXB khác đã in xong, chuẩn bị xuất kho. Nhanh như chớp, Hùng huy động hết tài “bọc lót, o bế” để nhà in hoàn thành gấp trước kỳ hạn, và cho “xổ hàng” trước sách kia đúng… 1 giờ! 40 ngàn cuốn bay hết veo. Từ đấy tôi bước vào nghề xuất bản, từ A đến Z: tự dịch, tự mua giấy phép, tự in, tự bán… Nuôi được gia đình những năm đầu làm báo Lao Động lương thấp tỉn. 



Rất chịu chơi, phóng khoáng, hết mình vì bạn bè, ai cần là giúp ngay không chần chừ. Điển hình mặt tốt của người Hải Phòng.



Rời báo LĐ sau vụ tan vỡ, Hùng làm cho vài báo khác rồi chuyển hẳn sang kinh doanh rất thành công. Một doanh nhân đúng nghĩa, phất lên nhờ nhạy bén thị trường, không phải “tư bản đỏ”!



Ngày tôi mới tổ chức Giải Văn Việt, người đầu tiên tôi xin tiền là Hùng. – Anh cần bao nhiêu? – 60 triệu được không? – Anh cho TK chuyển ngay. Xong. Khi kể lại cho BBT, mọi người ồ lên: - Sao không xin 100 triệu? Ừ nhỉ, sao mình “khiêm tốn” thế. Cũng hơi tiếc, hihi…




LTV, HH, ĐQH, vợ chồng Trần Trọng Thức, vợ ĐQH tại biệt thự mới của ĐQH, Sài Gòn 2019




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire