22/06/2019

Việt Nam xâm lược hay can thiệp vào Campuchia?


Thiện Tùng  (Đào văn Tùng)

21/06/2019



Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Khmer Đỏ (Pon Pôt) tính đủ dài 13 năm (1976-1989), trong đó có 3 năm (1976-1978) giao chiến ở biên giới 2 nước,10 năm (1979-1989) giao chiến trên đất Campuchia. Việt Nam rút quân khỏi Campuchia đến nay đã 30 năm (1989-2019) - chuyện  đã đi vào quên lãng. Thế mà, tại diễn đàn Shangri La 18 năm nay, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long “ngẫu hứng” nhắc lại cuộc chiến tranh nầy một cách phiến diện, khiến cho dư luận xã hội bàn tán nheo lên, đặt nhiều nghi vấn,… Phần lớn những bài viết tôi được đọc chủ yếu nói về hiện tượng chớ không đi sâu vào bản chất của cuộc chiến. 


Cuộc chiến 13 năm (1976-1989) giữa Campuchia và Việt Nam là cuộc chiến giữa những ngưới Cộng sản với nhau. Chủ mưu là Đảng CS Trung Quốc, chủ chiến là Đảng CS Campuchia (Khmer Đỏ), chủ quan… là Đảng CS Việt Nam.


 Bài viết nầy, tôi chỉ nói những gì mình nghe/thấy, với dụng ý góp phần tìm hiểu sâu hơn một số bí ẩn của cuộc chiến hơi kỳ lạ nầy.



I.- ĐẢNG CS TRUNG QUỐC CHỦ MƯU 



Bành trướng xuống Phương Nam là tham vọng ấp ủ từ lâu của  giới cầm quyền Trung Quốc. Họ chưa thực hiện được tham vọng chính là do Mỹ cản trở và do thằng em  Việt Nam cứng đầu chưa chịu “nhập Trung”.



Dịp may ngàn năm một thuở, năm 1972, khi được Mỹ bắt tay, Trung Quốc nghĩ ngay đến việc tiến xuống Phương Nam, họ tiến hành đồng thời 2 phương án: một là chiếm biển đảo phía nam; hai là chia rẽ để thôn tính 3 nước Đông Dương.

1/  Năm 1974, TQ xua Hải quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN do Việt Nam Cộng hòa quản lý. Hạm dội 7 Mỹ làm ngơ, Hải quân VNCH tử chiến, thua cuộc, mất đảo về tay TQ. 

2/  Lợi dụng tình hình rối ren ở Campuchia, Trung Quốc dụ dỗ, mua chuộc Pôn-Pốt, Ieng Sary. Qua hai nhân vật nầy, vận động, lôi kéo Khiêu Samphan, tổng bí thư Đảng CS Campuchia từ bỏ chủ nghĩa Maxrsit Leninist theo Maoist.



Những năm 1970 đến 1972, ở Campuchia có 3 phe: Phe Hoàng gia, một đế chế hợp pháp (chính danh) do quốc vương Sihanouk cầm đầu / Phe Khmer Đỏ (Đảng Cộng sản) do Tổng bí thư Khiêu Samphan cầm đầu / Phe Khmer Xanh do Lon Nol cầm đầu.



Năm 1970, phe Lon Nol đảo chính lật đổ phe Hoàng gia, dựng lên chính quyền thân Mỹ. Quốc trưởng Sihanouk lưu vong sang Trung Quốc. Trong khi đảo chính, cũng như quá trình xây dựng chính quyền, Lon Nol chủ trương bài Việt, thảm sát Việt kiều chôn từng hầm hoặc giết rồi ném xác xuống sông Tiền và sông Hậu trôi về Việt Nam thật kinh khủng! Số Việt kiều còn sống sót phải tìm đường tẩu thoát về cố hương Việt Nam. Ngoài ra, Phe Lon Nol  còn dùng lực lượng vũ trang tấn công gây sức ép và yêu cầu tất cả các lực lượng của CSVN rút khỏi  lãnh thổ Kampuchia. Lúc bấy giờ lực lượng CSVN gặp nhiều khó khăn, chịu sức ép từ 2 phía - VNCH và Lon Nol. Chưa vừa, Mỹ và VNCH còn tiến quân sang Campuchia, ngoài hà hơi tiếp sức cho Lon Nol non yếu, còn tảo trừ, phá chỗ dựa của CS VN dọc theo tuyến biên giới.

 
Ajouter une légende


 Mao Trạch Đông nói chuyện với Ieng Sary, Pol Pot (giữa)  trong một cuộc gặp đầu thập niên 70- Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGESImage caption



II.- KHMER ĐỎ CHỦ CHIẾN



1/ mâu thuẫn nội bộ Khmer Đỏ



 Sau bước “đi đêm” với Đảng CSTQ, vì lý do nào đó không rõ, phe Pol Pot loại bỏ Khiêu Samphan, hình thành bộ 5 thân TQ gồm: Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary, Son Sen và Vorn Vet (thứ hạng cao thấp theo thứ tự cao trước thấp sau).



 Khi Được Trung Quốc hậu thuẫn, nhóm Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu nầy tiến quân vào Nam Vang lật đổ chính quyền Lon Nol thân Mỹ, thành lập chính quyền rồi mời Sihanouk về làm quốc trưởng. Nhưng không biết tại sao, liền sau đó ông  bị bạc đãi, tính mạng bị đe dọa. Bắc Kinh tìm cách can thiệp và đưa ông này trở lại Trung Quốc. Ở Bắc Kinh, Sihanouk được đối đãi như một thuợng khách. Từ đó, Sihanouk khi thì ở Bắc Kinh kết thân với MaoTrạch Đông, lúc sang Bình Nhưỡng kết thân với Kim Nhật Thành.



Khi Khmer Đỏ, do Pol Pot cầm đầu lên cầm quyền ở Campuchia,Trung Quốc cử những đoàn cố vấn trực tiếp cầm tay chỉ việc cho Khmer Đỏ, số lượng cao nhứt lên đến hơn 2 ngàn người. Những lần tôi đi sang đất Campuchia, nghe dân Campuchia và Việt kiều gọi số cố vấn nầy là Ăng-ca (tôi không hiểu ngữ, nghĩa 2 từ nầy). Họ còn ví số cố vấn nầy là những con “heo nọc”. Khi triển khai được lực lượng cố vấn, Trung Quốc bắt đầu viện trợ mọi mặt, nhứt là vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Khmer Đỏ. Khi Khmer Đỏ cầm quyền, viện trợ của Trung Quốc chủ yếu nhập qua cảng Kampong Som (Sihanoukvil). 



 Như đã nói trên, ở Campuchia có nhiều phe đối kháng nhau. Để  phân biệt, người dân Campuchia gọi phe Đảng CS Campuchia do Khiêu Samphon cầm đầu là “Khmer Đỏ”. Do bất đồng quan điểm nhau, phe Khmer Đỏ phân rã thành 3 nhóm: Nhóm Pol Pot ở Đông-Bắc / Nhóm Tây-Nam / Nhóm Miền Đông.



2/ Khmer Đỏ thanh toán nhau



- Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia): Nhóm Đông-Bắc, Pol Pot lộng quyền, tiêu diệt hầu hết Ban lãnh đạo nhóm Tây-Nam. Tháng 5/1978, nhóm Miền Đông bị tiêu diệt sau những cuộc khởi nghĩa quân sự chống nhóm Pol Pot không thành. Một số ít còn sống sót chạy vào rừng, trong đó có Heng Samrin và Hun Sen. Sau đó sư trưởng Hun Sen làm “sứ giả” dẫn 1 tiểu đội tàn quân sang Việt Nam cầu viện.



Vậy là nhóm thân Việt Nam sang cầu viện Việt Nam, nhóm thân Trung Quốc  sang cầu viện Trung Quốc.



Từ rất sớm, Pol Pot đã nuôi tham vọng khôi phục lại đế chế Khmer khi xưa. Khmer Đỏ lúc này đã biến thành một dạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nó duy trì vỏ bọc chủ nghĩa cộng sản để tận diệt những người cộng sản Campuchia, sử dụng ngôn ngữ cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng lại muốn phá hoại cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước khác. Trên thực tế, đến năm 1981, nhóm Khmer Đỏ đã chính thức tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và tự đổi tên từ “Đảng Cộng sản Campuchia” thành “Đảng Campuchia Dân chủ”, áp dụng học thuyết Mao (Maoist) .



 3/ Khmer Đỏ diệt chủng



Chính quyền Khmer Đỏ do Pol Pot đứng dầu thực sự là chính quyền “quân phiệt”, họ chỉ là diễn viên trên sàn rối, do những cố vấn Trung Quốc giựt dây. Quân đội Khmer Đỏ là một đoàn quân hỗn hợp bao gồm: Quân vốn có của Khmer Đỏ với các tàn quân Lon Nol, Hoàng Gia, Khmer Đỏ miền Đông và Tây- Nam. Họ là nạn nhân của các cuộc nội chiến, chẳng có mục tiêu lý tưởng gì, được Trung quốc trang bị và nuôi dưỡng - miễn cho ăn no, bảo gì làm nấy. Ngoại trừ Hoa kiều con cưng của Thiên triều được tưng tiu như trứng mỏng, dân chúng nói chung, quân đội nói riêng, ai bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền thì bị xử tử bằng nhiều kiểu cách -  bắt gom lại rồi giết chôn thành những hầm. 

Theo Wikipedia: “Những cuộc khảo sát hiện đại đã định vị được hàng nghìn ngôi mộ tập thể trong thời Khmer Đỏ trên khắp đất nước Campuchia. Nhiều cuộc điều tra ước tính con số người chết trong khoảng 740.000 tới 3.000.000 người, khoảng một nửa chết vì bị hành quyết, và số còn lại vì đói khát và bệnh tật.[35]

 Về diệt chủng ở Campuchia, trường Yale được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ đưa ra các ước tính con số người chết xấp xỉ 1,7 triệu người, chiếm khoảng 21% dân số.[36] R. J. Rummel, một phân tích lịch sử những vụ giết hại chính trị, đưa ra con số 2 triệu.[37]”.

Có người hỏi tôi: “Sao những cố vấn TQ không can ngăn để Khmer Đỏ giết hại dân tộc mình đến thế?!”. Tôi lý giải: “Trung Quốc từ lâu đã khủng hoảng thừa dân số, họ còn đưa ra những tà sách như Cách mạng Văn hóa, Cải cách ruộng đất, Sinh đẻ có kế hoạch… để diệt, giảm số dân. Campuchia đất rộng người thưa, đó là miếng mồi ngon của Trung Quốc, giết như thế chưa vừa lòng họ đâu - giết sạch càng tốt, họ có thừa người Hoa lấp vào chỗ trống ấy?. Nếu nói Đạo giáo xâm nhập bằng giáo lý, thì Trung Quốc xâm nhập bằng số dân. Theo cuốn “Khi con Trời đi khắp bốn phương” do Thông tấn xã VN tái bản, thời điểm năm 1980, dân số Malaysia có 45% dân bản địa, 45% gốc Hoa, 10% gốc Ấn Độ; Ở Singapore 75% dân số người gốc Hoa..v.v… Bất cứ ở nước nào, khi người Hoa chiếm hơn 50% số dân thì, dầu bầu cử phổ thông đầu phiếu, chính quyền chắc chắn  rơi vào tay người Hoa. Không nghe sao, họ xem Singapore là nước Trung Hoa thứ 4 rồi còn gì?”. Trung Quốc chẳng những “xuất cảng” dân số mà còn xuất cảng chủ thuyết Maoist – gã Trần Bình bí thư đảng bộ Maoist phụ trách 2 nước Malaysia và Singapore, gã Pol Pot bí thư đảng bộ Maoist ở Campuchia..v.v… là những bằng chứng.



III.- ĐẢNG CSVN CHỦ QUAN…   



Đảng CSVN có thói quen sống dựa. Trung Quốc và Liên Xô từ lâu tuy đồng sàng nhưng dị mộng. Trong chiến tranh, Việt Nam khi thì dựa Trung Quốc, lúc dựa Liên Xô – hễ dựa anh nầy mất lòng anh kia. Hai thập niên 70 và 80, Việt Nam dựa vào Liên Xô, cho Liên Xô thuê cảng Cam Ranh và hợp tác khai thác dầu khí với họ ở biển Đông, Trung Quốc giận Việt Nam sôi gan, tìm mọi cách trị thằng em “ngỗ nghịch” nầy. Về phía Đảng CSVN, dù bất đồng với  Đảng CSTQ hay Đảng CSCPC, nhưng vẫn còn xem là “đồng đạo CS” nên không để tâm đến họ đang nghĩ và làm gì. Khi nhận ra âm mưu thâm độc của họ thì mọi việc đã muộn.



 Sau 30/04/1975, trong cuộc hội nghi cấp cao các tỉnh phía Nam, nhà báo,  nhà văn, nhà chính trị… tên tuổi Trần Bạch Đằng đề xuất đại ý: “Nên thành lập Liên bang Việt Nam gồm 3 miền Bắc, Trung, Nam để khai thác, phát huy thế mạnh của từng miền, cạnh tranh với nhau phát triển đất nước”. Một số ý kiến cho rằng đế xuất của ông Đằng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Thế mà ông bị Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Duẩn, Trưởng Ban Tổ chức TW Lê Đức Thọ, nhà thơ chính trị Tố Hữu… đều cho rằng đề xuất ấy là có động cơ “phân biệt vùng/miền, chia rẻ dân tộc”. Thế là ông Đằng bị “vô hiệu hóa” từ ấy cho đến chết.




1/ Đảng CSVN chủ quan, tự cao, tự mãn…?



Chẳng biết giới lãnh đạo Đảng CSVN có biết âm mưu thâm độc của Bắc Kinh và Khmer Đỏ không mà mất cảnh giác luôn hiu hiu tự cao, tự mãn:



-  Sau khi “giải phóng” miền Nam, thống nhứt đất nước, tại nhiều diễn đàn, Tổng Bí thư Lê Duẫn đắc nguyện nói:  Việt Nam đã thắng Mỹ thì từ nay không có thế lực nào dám đụng đến Việt Nam”.



 Giống như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi ý 3 vấn đề ở Hội nghi 10 của Đảng CSVN vừa rồi, lúc bấy giờ ông Duẩn nói đại ý: “Ta sẽ vận động  thành lập Liên bang Đông Dương gồm 3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, đặt trụ sở Liên bang ở Buôn-mê-thuột. Nếu hai nước bạn thuận ý, sẽ tiến hành đào con kinh từ Biển Tây sang Biển Đông, bắt đầu từ vàm kinh Vĩnh Tế đào vào đất Campuchia ngang qua Buôn-mê-thuột rồi ra biển Đông”.



Câu nói nầy của ông Duẩn khiến cho một số người thì thầm: “Trung Quốc đại Hán, Việt Nam tiểu Hán. Nếu lãnh đạo Trung Quốc nghe được câu nói nầy, Việt Nam sẽ không yên với họ?!”.



 2/ Giảm biên chế quân đội (cho “Ra quân”)



Cuối năm 1976, ông Tố Hữu, cùng đi với ông thứ trưởng Bộ Tài chính Chu Tam Thức, đến hội nghị các tỉnh phía Nam tại trường 7 Nguyễn Ái Quốc ở Thủ Đức triển khai chủ trương “Ra quân” (tôi có dự). Sau ông Hữu nói ý nghĩa, yêu cầu, nội dung chủ trương cho “ra quân”, có một số ý kiến phản bác, ông Chu Tam thức đứng lên lý giài: “Có chịu ra quân hay không quyết định do Bộ Tài chính. Liệu cựu chiến binh có bám ngũ được hay không nếu Bộ Tài chính không trả lương?. Các đồng chí có biết không, trả lương cho 1 cựu chiến binh bằng 3 hoặc 4 tân binh nghĩa vụ…”. Trung tá Oanh, thành viên dự hội nghị, đứng lên cắt lời ông Thức, nói: “Các ông không hiểu gì hết, bọn Pôn Pốt đã chiếm đảo Thổ Chu của ta rồi kìa ?!”. Ông Hữu nói đỡ cho ông Thức: “Thứ bọn cướp vặt ấy mà”.



Bất chấp phản ứng từ cấp dưới, việc cho ra quân vẫn phải nhanh chống tiến hành theo lịnh từ Trung ương Đảng CSVN. Kỳ thực, chỉ cho sĩ quan người gốc miền Nam ra quân, giữ lại và bổ sung sĩ quan người gốc miền Bắc chỉ huy các đơn vị quân đội ở khu vực Nam bộ. Có một số cán bộ bực, thì thầm rằng: “Thời nhà Hồ đã qua, giờ đây đến thời nhà Lê độc đoán chuyên quyền - Họ ám chỉ: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu… và họ không ngần ngại ghép thêm nhà thơ chính trị Tố Hữu “ăn theo” vào trong số.



 III.- DIỄN TIẾN CUỘC CHIẾN



Vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh dai dẳng, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam mừng hết lớn. Trước khó khăn về mọi mặt, Việt Nam tập trung  lo hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước, gây hấn với ai để làm gì?. Nhưng “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”: Cuối năm 1976, được Trung Quốc hẫu thuẫn, quân Khmer Đỏ đánh chiếm đảo Thổ Chu của Việt Nam. Sau đó, họ tấn công sang lãnh thổ VN trên toàn tuyến biên giới. Lấn chiếm đến đâu họ giết sạch, phá sạch, chỉ riêng khu vực xã Ba Chúc, họ giết cả 3.000 dân VN vô tội. Phía VN bị bất ngờ, thụ động đối phó.



1/ Hai bên xung chiến ở biên giới



Quân Khmer Đỏ được Trung Quốc trang bị khá hiện đại, chủ động tấn công theo kế hoạch. Bị bất ngờ, VN lúc đầu đối phó trong bị động, về sau dần dần lấy lại thế, đẩy quân Khmer Đỏ sang bên kia biên giới. Thế là cuộc chiến giằng co đẩy qua đẩy lại vùng ranh giới suốt 2 năm 1977-1978. Việt Nam cầm cự không truy đuổi vì 2 lý do:



 - Vì chi huy và chiến sĩ phần lớn là mới, không thông thạo địa hình, không có kinh nghiệm và dũng khí chiến đấu. Phải có thời gian hạ giọng òn ỷ những cựu sĩ quan vừa mới ra quân đang bất bình tái ngũ.



-  Vì còn hy vọng số người vốn thân với Việt Nam trong hàng ngủ Pol Pot, nhân cơ hội nầy, họ đứng lên phản chiến chống lại Pol Pot diệt chủng và xâm lược Việt Nam. Nếu có lực lượng phản chiến, Việt Nam vịn vào đó, với danh nghĩa giúp bạn, vừa tấn công truy diệt Khmer Đỏ trừ hậu họa lâu dài về sau cho mình, vừa giúp bạn cứu dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng, vừa tránh bị thế giới quy kết xâm lược. Nhưng chờ mãi chẳng thấy có phản chiến. Không còn cách nào khác, Việt Nam giúp “sứ giả” Hun Sen đang ở Việt Nam thành lập “Mặt trận Cứu nguy Dân tộc” rồi về nước phát động phong trào, xây dựng lực lượng chống bọn Khmer Đỏ diệt chủng. Khi tấn công, Việt Nam sẽ lấy danh nghĩa giúp “Mặt trận Cứu nguy Dân tộc” truy diệt Khmer Đỏ trên đất Campuchia.



Tham khảo vài đoạn từ bài viết của Dmitry Mosyakov: Sau nghiên cứu các hồ sơ ngoại giao của Liên Xô cũ, tác giả Mosyakov đi đến kết luận rằng: “Hà Nội quá tin tưởng ở Trung Quốc; Từng tin lời Pol Pot và Nuon Chea…”.

Tháng 6/1978, ông Lê Duẩn có chuyến đi sang Moscow, mang theo tướng Lê Trọng Tấn, để báo cáo và nhận sự ủng hộ không chính thức của Liên Xô cho chiến dịch dự kiến vào mùa khô tới, đánh sang Campuchia. Tuy thế, trong tính toán của Việt Nam khi đó lại có thêm một sai lầm nữa, theo  Mosyakov, là họ tin Trung Quốc sẽ không can thiệp để cứu Khmer Đỏ khi Hà Nội tấn công Campuchia. Phía Việt Nam liên tục đảm bảo với Liên Xô rằng Trung Quốc sẽ không đủ thời gian đưa các đơn vị lớn sang cứu Khmer Đỏ ( tài liệu Liên Xô ghi lại cuộc nói chuyện với quan chức Việt Nam ngày 20/10/1978).

Trên thực tế, tin tình báo của Liên Xô cho hay từ đầu 1977, Trung Quốc đã có mặt ở Campuchia và hỗ trợ quân sự lớn cho Khmer Đỏ. Các nhân viên quân sự Trung Quốc đã có mặt, huấn luyện quân Khmer Đỏ, trang bị vũ khí cho họ, xây đường xá, và căn cứ quân sự. Một trong số đó là căn cứ không quân ở Kampong Chnang, cho phép phi cơ bay đến TPHCM chỉ trong vòng nửa giờ.

Khi chiến sự xảy ra trên đất Campuchia, Trung Quốc cũng tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, gây ra cuộc chiến biên giới 1979 …”.



2/ Tổng tấn công truy diệt quân Khmer Đỏ



 Đến cuối năm 1978, Việt Nam đánh bật được toàn bộ quân Khmer Đò lui sâu về lãnh thổ của họ. “Chết chớ nết không chừa”, cứ hở là họ mò sang biên giới tấn công sang Việt Nam. Tôi không được quyền biết kế hoạch, phương án tấn công, tàn trận mới biết. Cuộc tổng tấn công xuất phát trên toàn tuyến biên giới Nam bộ giáp với Campuchia, do tướng Lê Đức Anh tổng chỉ huy:



Cánh Đông: Tấn công bằng 2 mũi: Mũi 1, xuất phát từ tỉnh Phước Long tấn công tỉnh Kompong Cham rồi theo tỉnh lộ 7 (1) tiến về Nam Vang. Mũi 2, xuất phát từ tỉnh Tây Ninh, tấn công tỉnh Svay Riêng và Prayven rồi theo quốc lộ 1 tiến thẳng về hướng Nam Vang.



Cánh nam: Tấn công bằng 3 mũi: Mũi 1, (hướng nầy không có lộ) tàu chiến dưới sông, bộ binh trên bờ, yểm trợ cho nhau, ngược nước sông Tiền và sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Kandan tiến về hướng Nam Vang; Mũi 2, xuất phát từ Châu Đốc tấn công tỉnh Takeo rồi theo tỉnh lộ 2 tiến về Nam Vang; Mũi 3, xuất phát từ Hà Tiên tấn công tỉnh Kampot rồi theo tỉnh lộ 3 tiến về hướng Nam Vang.



Cánh Tây: Sử dụng tàu chiến và tàu chở quân, dọc theo bờ biển tấn công, đổ bộ lên cảng Kompong Som ( Sihanoukville) rồi theo lộ 4 tiến thẳng vào Nam Vang (quân Khmer Đỏ tử thủ cảng, Việt Nam hao quân hơi nhiều ở đây).

 
Sơ đồ chiến trận quanh thủ đô Nam Vang (Phnom Penh)



Chỉ trong vòng 1 tuần, các mũi giáp công tại thủ đô Nam Vang vào ngày 07/01/1979. Trước sức tấn công quá mạnh, bầu đoàn Khmer Đỏ thất thủ, rời bỏ thủ đô Nam vang, dạt ra lưu trú trong những cánh rừng, núi xung quanh Nam Vang (xem màu đỏ trên bảng đồ). Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Khmer Đỏ có tổng số 50.000 quân, trong trận nầy bị loại ra khỏi vòng chiến khoảng 20.000, còn lại 30.000, được một số nước phương Tây và Trung Quốc tiếp vận qua con đường biên giới Thái Lan. Tờ báo New York Times vào 1988 ghi nhận rằng:“Các nước Mỹ, Trung Quốc, và nhiều nước phương Tây đều biết đến tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, chẳng những họ đã không làm gì, thậm chí còn hỗ trợ Pol Pot súng ống, đạn dược, vũ khí, lương thực, và ủng hộ đại diện Khmer đỏ trên trường quốc tế”.



IV.- VIỆT NAM SA LẦY ?



 1/ Việt Nam phải đồng thời đối phó với 2 cuộc chiến



Đầu năm 1979, Việt Nam tràn sang lãnh thổ Campuchia truy diệt bọn Khmer Đỏ thì Trung Quốc cũng dùng “chiến thuật biển người” xua 600.000 quân vượt biên giới phía Bắc, tấn công vào lãnh thổ VN để chia lưới lửa với Khmer Đỏ, gọi là “dạy cho VN bài học”.



Việt Nam trụ quân ở Campuchia 10 năm (1979-1989) thì TQ cũng gây chiến ở biên giới phía Bắc VN suốt 10 năm ấy.



 2/ Vì sao Việt Nam không rút quân sau khi chiếm Nam Vang? 



 Khi chiếm lĩnh thủ đô Nam Vang, lực lượng yêu nước Campuchia không có gì đáng nói, quân đội thì lèo tèo, kỹ năng tác chiến yếu, chưa xây dựng được hệ thống chính quyền,… Như đã nói trên, quân Khmer Đỏ khi rời khỏi Nam Vang còn đến 30.000 quân, đồn trú trong rừng núi quanh Nam Vang (màu đỏ trên bản đồ). Nếu Việt Nam rút ngay, hậu quả khó lường:



+ Nếu VN rút quân ngay, Khmer Đỏ từ các phía sẽ tràn về Nam Vang “nhai nuốt không nhả xương” đối với lực lương Hun Sen.  



+ Khmer Đỏ được bên ngoài trợ giúp, có TQ hậu thuẫn, củng cố lại lực lượng,  sớm muộn gì họ cũng sẽ tiến đánh Việt Nam ở vùng biên giới như trước đó.



+ Cuộc chiến chống Khmer Đỏ từ 1976-1979, Việt Nam tốn biết bao xương máu, tiền của và công sức. Nếu rút quân trong tình hình nầy là hoang phí máu, tiền của, công sức đã đổ ra?.



Do người ta xô Việt Nam mới sa lầy, để tồn sinh phải tự ngoi lên?. Thượng sách là trụ lại để một mặt diệt trừ tận gốc Khmer Đỏ tránh hậu họa cho mình về lâu dài, mặt khác đưa các đoàn chuyên gia trực tiếp giúp bạn xây dựng chính quyền và quân đội cấp Trung ương và Địa phương cho đủ mạnh để tự quản. 



Có lắm ý kiến “bắt chẹt” rằng “Việt Nam xâm lược Campuchia”, khi chiếm xong thủ đô Nam Vang, Việt Nam cố tình ở lại để “Xây dựng chánh quyền thân với mình”.v.v… nghe không thuyết phục và thiếu công bằng. Liên hệ thực tế xem:



- Có ai xâm phạm lãnh thổ mình đâu, sao Mỹ can thiệp đổ và ngâm hơn nửa triệu quân lâu dài ở Nam VN; đổ quân vào Irac, lật đổ chính quyền Sadam Hussen, dựng lên chính quyền thân với mình, đến nay chưa rút hết quân? 



- Có ai xâm phạm lãnh thổ mình đâu, sao Nga đổ quân vào Afganistan, xây dựng chính quyền thân với mình ở đó?

Và..v.v…



-  Còn trường hợp Việt Nam, bị quân Khmer Đỏ tấn công sang nội địa, cướp phá và giết hàng chục ngàn dân vô tội. Cuộc chiến giằng co ở biên giới suốt thời gian dài,  không còn cách nào khác, Việt Nam buộc phải tấn công, dầu đánh sang và trụ lại ở đất Campuchia một thời gian, cũng phải được xem là hành động tự vệ? Gọi VN “xâm lược” Campuchia là không đúng, phải gọi là “can thiệp chính đáng” mới xác thực, khác hơn can thiệp của Mỹ và Nga như vừa nói trên?.



Năm 1989, khi bẫy được toàn bộ tàn quân Khmer Đỏ sang đất Thái Lan, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, cũng là lúc, ngoài TQ, không còn ai chi viện cho Khemer Đỏ. Thiếu thốn, đói rét, bịnh tật …, binh lính phản chiến, đào ngũ không ngăn chận nổi, giới lãnh đạo lục đục, xâu xé lẫn nhau. 



Mời tham khảo thông tin trên Wikipedia: Nguồn viện trợ ngày một giảm sút, đói khổ, quân Khmer Đỏ bắt đầu đào ngũ hàng loạt . Khi  chỉ  còn  khoảng một nửa trong tổng số tàn quân, các chỉ huy Khmer Đỏ như Y Chhean và Sok Pheat theo Ieng Sary đào ngũ về phe chính phủ Hun Sen với điều kiện binh lính Khmer Đỏ  được ân xá, còn các chỉ huy Khmer Đỏ tiếp tục được quản lý lãnh thổ cũ của mình. Son Sen đưa quân đến để trừng trị "bọn phản bội", nhưng lính Khmer Đỏ nổi loạn và nhanh chóng gia nhập phe đào ngũ. Khmer Đỏ như vậy mất khoảng 4.000 binh sĩ và tất cả các căn cứ ở phần biên giới phía nam, từ Samlaut cho tới Phnom Chhat. Tới cuối năm, Khmer Đỏ lần lượt mất tất cả các căn cứ nằm trong nội địa Campuchia.[64] Năm 1997, hai phe nhóm chính trong chính phủ liên hiệp Campuchia xung đột, khiến Hoàng thân Norodom Ranariddh tìm kiếm ủng hộ từ một số thủ lĩnh Khmer Đỏ, nhưng từ chối thỏa hiệp với Pol Pot.[53][65] Việc này dẫn đến cuộc xung đột phe phái đẫm máu trong giới lãnh đạo Khmer Đỏ. Rốt cục khiến Pol Pot bị bắt giữ, bị xét xử và bị giam cầm bởi lực lượng Khmer Đỏ của Ta MokPol Pot chết tháng 4 năm 1998. Khieu Samphan đầu hàng chính phủ tháng 12 cùng năm.

Tới 29 tháng 12 năm 1998, các thủ lĩnh Khmer Đỏ còn lại xin lỗi vì những cuộc diệt chủng trong những năm 1970. Tới năm 1999, hầu hết lực lượng Khmer Đỏ còn lại hạ vũ khí đầu hàng hoặc bị bắt. Tháng 12 năm 1999, Ta Mok và các thủ lĩnh còn lại đầu hàng, Khmer Đỏ trên thực tế chấm dứt sự tồn tại”.

Không biết có thụ huấn từ Mỹ không, can thiệp của Trung Quốc vào Campuchia  như hình với bóng cuộc can thiệp của Mỹ vào Nam Việt Nam trước đó:

-       Mỹ đưa ông Diệm về nước truất phế vua bảo Đại, dựng lên chính quyền VNCH thân Mỹ / Đưa cố vấn, vũ khí, phương tiện chiến tranh và bao cấp mọi mặt cho quân đội VNCH / Năm 1965, Mỹ và đồng minh của mình đổ tổng số khoảng 800.000 quân vào Nam VN cứu nguy VNCH / Khi  Mỹ thất vọng rút quân, cắt viện trợ, VNCH thua cuộc, sụp đổ. 

-       Trung Quốc mua chuộc Khmer Đỏ (Pol Pot) lật đổ chính quyền Lon Nol thân Mỹ, dựng lên chính quyền thân Trung Quốc / Đưa cố vấn, vũ khí, phương tiện chiến tranh và bao cấp mọi mặt cho Khmer Đỏ / Năm 1979, Khmer đỏ bị VN truy diệt,  không có khả năng đổ quân vào Campuchia, TQ xua 600.000 quân vượt biên giới đánh sâu vào trong nội địa phía Bắc VN để chia lưới lửa với Khmer Đỏ / Khi TQ mất hết hy vọng, cắt viện trợ, Khmer Đỏ thua cuộc, sụp đổ.

Công bằng mà nói, Việt Nam can thiệp vào Campuchia bắt nguồn từ hành động  từ vệ  chính đáng. Việt Nam giúp những người yêu nước Campuchia xây dựng chính quyền thân mình là lẽ tất nhiên – chỉ có kẻ “ba trợn” mới dựng lên chính chống mình ?.   -/-

----------



 Chú thích

(1) Campuchia lúc bấy giờ có tổng số 7 con lộ lớn: Quốc lộ 1 từ thủ đô Nam Vang qua huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đến Sài Gòn / Tỉnh lộ 2 từ Nam vang đi tỉnh Takeo / Tình lộ 3 từ Nam Vang đi tỉnh Kampot / Tỉnh lộ 4 từ Nam Vang đi cảng  Kompong Som (Sihanoukville) / Tỉnh lộ 5 từ Nam Vang đi Battambang / Tỉnh lộ 6 từ Nam Vang đi Kompong Thom, tỉnh lộ 7 từ Nam Vang đi Kompong Cham. Lúc VN tấn công dựa lợi thế 5 con lộ (trừ lộ 5 và 6 giáp biên giới Thái Lan).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire