18/07/2019

Đã là củi, phải cho vào lò

Con người với chiếc bè trên lưng (2)

 Đức Phật nói với đệ tử: “Có một người dùng bè để sang sông, anh ta nghĩ nhờ cái bè nên anh ta mới qua được sông, để tỏ lòng biết ơn, anh ta mang chiếc bè trên vai tiếp tục hành trình. Vậy đó có phải là hành vi khôn ngoan?”.
(Tiếp theo kỳ 1)

Xuân Dương:  "Bảo thủ là rào cản của Quy luật phủ định, bảo thủ nghĩa là không muốn sự vật mới thay thế sự vật cũ, nghĩa là níu kéo những giáo điều từ xa xưa cho hôm nay."
(Bảo thủ là chống lại  tự diễn biến, tự chuyễn hóa tự nhiên của con người - Ban Biên Tập Huỳnh Ngọc Chênh)
Trong mấy chục năm, tính từ 1975, số lượng quan chức cấp cao (diện trung ương quản lý) bị xử lý kỷ luật là rất ít có phải vì thời kỳ này đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp rất trong sạch, không có bất kỳ người nào sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật hoặc hình sự?
Câu trả lời là không bởi vì một thời gian dài khái niệm “tham nhũng” hay “giặc nội xâm” tuy có được nhắc đến nhưng chỉ ở mức độ cảnh báo. 

Năm 2014 ông Trương Tấn Sang khi đó là Chủ tịch nước đã phải nói: “Họp cứ vuốt ve nhau, nguy hiểm lắm”.

Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra lời khuyên “Ai đã trót nhúng chàm thì cần rửa tay cho sạch sẽ, không tái phạm”.

Lời khuyên chỉ có tác dụng với người muốn nghe, còn với bọn “đầu đất” có bổ đầu nhét vào chúng cũng chẳng thể tiếp nhận.

Sự thiếu quyết liệt trong thời gian dài đã góp phần làm cho nồng độ “chàm” càng thêm đậm đặc, và khi đó “rửa tay” không có tác dụng nếu nước rửa không phải là axit. 


Nhưng ai dại gì dùng axit rửa tay nếu không bị người khác cầm tay nhúng vào!

Làm quan có thư ký giúp việc là chuyện bình thường, đáng tiếc là có người chỉ luyện cách nhắc lại lời người khác, đọc thứ người khác viết sẵn, thế rồi bỗng nhiên thấy xuất hiện tuyển tập, toàn những “lời có cánh” mà tên tác giả không phải là thư ký. 

Thứ “văn hóa nhai lại” ấy dù “ngu” nhưng vẫn được tung hô, vẫn được một số người ngưỡng mộ. Không hẳn là người ta không biết cái sự "ngu" của mình nhưng người ta vẫn yên tâm vì họ cho rằng người khác còn “ngu” hơn mình”. [2]

Những người như thế có nên coi là “củi”, họ có kéo lùi lịch sử?

Làm to đến chức Bộ trưởng như các ngài Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng hay Phó Thủ tướng, Bí thư thành ủy thì chắc chắn phải có những điều khác người, không thể nói là bất tài.

Họ tự biến mình thành củi hay có một phần lỗi của cơ chế?

Nếu quả thật họ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thì cơ chế không có lỗi?

Đến đây thì phải nhắc đến quy luật thứ hai trong triết học Mác - Lênin, “Quy luật Lượng và chất”.

Ph. Ăng-ghen đã khái quát quy luật này như sau: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất”.

Các thày dạy Triết ở các đại học Việt Nam dạy rằng “Sự biến đổi về lượng diễn ra từ từ, sự biến đổi về chất thì nhảy vọt”.

Như vậy sự “tự chuyển hóa” của các đối tượng là một quá trình dài lâu nhưng biến thành “củi” thì nhảy vọt bởi trước khi bị cho vào “lò” họ vẫn là người rao giảng đạo đức.

Mấy tháng trước khi thành “củi” ông Đinh La Thăng được nhận hoa và lời chúc mừng từ Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương. 

Ông Thăng được tặng hoa khi làm Phó Ban Kinh tế (Ảnh: Kinhtetrunguong.vn)

Cũng chỉ mấy tháng trước khi thành “củi”, ông Trương Minh Tuấn đã nhận hoa và lời chúc mừng từ Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.

Ông Võ Văn Thưởng trao quyết định và tặng hoa ông Trương Minh Tuấn (Ảnh: Anninhthudo.vn)

Nếu đã là một quá trình mà không nhận thấy, không ngăn chặn kịp thời thì không thể  nói cơ chế không có lỗi.

Không nhận thấy “lỗi cơ chế” chỉ có thể là bảo thủ.

Độc giả Khai Nguyên viết bình luận trong bài “Mặt trời, thần chết và trí tuệ” dẫn một điển tích Phật giáo như sau:

Đức Phật nói với đệ tử: “Có một người dùng bè để sang sông, anh ta nghĩ nhờ cái bè nên anh ta mới qua được sông, để tỏ lòng biết ơn, anh ta mang chiếc bè trên vai tiếp tục hành trình. Vậy đó có phải là hành vi khôn ngoan?”.

Các đệ tử đáp: “Bạch Thế Tôn, đó là việc làm không có trí tuệ. Bởi cái bè chỉ là phương tiện nhằm đạt tới một "cứu cánh" nào đó. Không nên tạo thêm gánh nặng vô ích khi cứu cánh thành tựu. Phải biết thay đổi "phương tiện" khi mục tiêu thay đổi”. [3]

Mục tiêu của nước Việt ngày nay không phải là “Mỗi gia đình đều có tivi, tủ lạnh” mà là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Mục tiêu đó đòi hỏi các “phương tiện” khác so với thời mới thống nhất đất nước, đó là một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, một đội ngũ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và ... dám từ chức.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố này cho rằng “Các cuộc thanh tra, khởi tố làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính";

Tại Đà Nẵng: “Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng cán bộ thành phố đang có tâm lý rất e ngại, làm gì cũng sợ sai”.



Tại phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Trọng Đông “cần đọc lại Luật Đất đai”.

Vị Giám đốc sở này từng là tâm điểm của hàng loạt bài báo đề cập đến nghi án nhờ cấp dưới thi hộ tại trường Chính trị Lê Hồng Phong.

Cán bộ trong nghi án thi hộ được bổ nhiệm cấp cao hơn (Laodong.vn);

Lên giám đốc Sở sau 2 năm "dính" chuyện "thi hộ" (Tuoitre.vn);

Đi “thi hộ sếp” để cả sếp và “quân” đều được ... thăng chức (Doisongphapluat.com)…

“Phương tiện” như thế thì làm sao đạt được mục tiêu!

Từ “vuốt ve nhau, gãi từ vai trở xuống” đến “củi tươi, củi vừa vừa, củi khô” đều cho vào “lò” chính là sự thay đổi “phương tiện” để đạt được “cứu cánh”.

Tuy nhiên, khi “củi” quá nhiều mà “lò” quá ít thì cần phải tìm giải pháp căn cơ, phải làm sao không xuất hiện thêm các loại “củi” mới chứ không chỉ là tăng công suất đốt lò.

Điều này phải dựa vào Quy luật cuối cùng trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng là “Quy luật phủ định”.

“Trong quá trình vận động của sự vật, những nhân tố mới xuất hiện sẽ thay thế những nhân tố cũ, sự phủ định biện chứng diễn ra.

Sự vật đó không còn nữa và bị thay thế bởi sự vật mới, trong đó có những nhân tố tích cực được giữ lại. Song sự vật mới này sẽ lại bị phủ định bởi sự vật mới khác”.

Những câu hỏi mà Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 về Cương lĩnh chính trị, về kinh tế tư nhân, về Điều lệ Đảng, về các hình thái sở hữu,… dường như cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, tầm nhìn xa của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.

Vấn đề là “sáu trụ cánh của chim hồng hộc” có đủ tầm để thực hiện các “phủ định của phủ định”, từ bỏ nếp nghĩ xưa cũ để bắt đầu hành trình mới?

Bảo thủ luôn là rào cản của Quy luật phủ định, bảo thủ nghĩa là không muốn sự vật mới thay thế sự vật cũ, nghĩa là níu kéo những giáo điều từ xa xưa cho hôm nay.

Vậy phải chăng để bớt “củi” phải “Phủ định” quy trình bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cũ, xây dựng một quy trình mới theo cách thi tuyển công bằng, minh bạch và không quá chú trong đến lý lịch người tham gia thi tuyển?

Chân lý hướng loài người bước theo, quy luật bắt con người phải tuân theo.

Nếu cứ lầm lũi vác chiếc bè trên lưng thì bước được bao nhiêu bước?


Tài liệu tham khảo:  

 [1] //www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tram-noi-dang-cay-o-xom-thu-thiem-giua-ha-noi-d69417.html

[2] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/vi-sao-albert-einstein-noi-su-ngu-xuan-cua-con-nguoi-la-khong-co-gioi-han-post175532.gd

[3] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/mat-troi-than-chet-va-tri-tue-post176770.gd

Xuân Dương


tin liên quan


         “Lò củi và Lò quan”

         Sự tiến hóa của tham nhũng và nhụt ý chí, dẹp sang bên có thành “người tử tế”?

 


https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/con-nguoi-voi-chiec-be-tren-lung-2-da-la-cui-phai-cho-vao-lo-post200383.gd

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire