21/08/2019

Đằng sau việc giới tài phiệt đội mưa phản đối người biểu tình Hồng Kông


Khi Hồng Kông sôi sục với các cuộc biểu tình phản đối chính quyền đặc khu thì Trung Quốc đang đối phó bằng cách ngày càng gây sức ép buộc giới doanh nghiệp đứng về phía mình.
Các doanh nghiệp cả trong và ngoài lãnh thổ sẽ phải chịu trách nhiệm khi nhân viên của họ bị cuốn vào cuộc biểu tình. Ví dụ rõ nhất là việc Rupert Hogg, giám đốc điều hành của Cathay Pacific Airways có trụ sở tại Hồng Kông, đã từ chức vào thứ sáu, 16.8 trước áp lực của Trung Quốc sau khi một số nhân viên của hãng hàng không này tham gia biểu tình. Bây giờ, các công ty tài chính toàn cầu đang chịu áp lực tương tự.


Đầu tháng này, chính quyền Trung Quốc đã cấm các nhân viên Cathay tham gia biểu tình không được thực hiện bất kỳ công việc nào liên quan đến các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục. Đồng thời, Trung Quốc yêu cầu xem danh sách các tiếp viên của Cathay bay vào hoặc qua lãnh thổ của họ. Trung Quốc không chỉ chiếm gần một phần tư các điểm đến của Cathay mà còn khống chế nhiều chuyến bay qua không phận họ.

Nếu Trung Quốc không cho dùng không phận thì hoạt động của Cathay sẽ tê liệt. Hơn nữa, cổ đông chính của hãng, Swire Pacific, là một trong những tập đoàn lớn nhất châu Á, gắn nhiều lợi ích ở Trung Quốc bao gồm bất động sản, sản xuất đồ uống và hoạt động thương mại. Air China, một hãng hàng không nhà nước, cũng nắm giữ cổ phần đáng kể của Cathay. Nói tóm lại, Cathay không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải tuân theo huấn thị từ Trung Quốc.

Không chỉ Cathay mà với các công ty toàn cầu, cái lắc đầu của Trung Quốc có thể khiến họ tàn lụi. Các công ty cần dò xét thái độ của Trung Quốc vì đây là thị trường đến 1,4 tỉ dân đầy màu mỡ.

Chính vì vậy, các công ty Big Four - PwC, Deloitte, KPMG và Ernst & Youxuaasthay còn được gọi là EY – vừa phải đưa ra các tuyên bố nêu bật việc họ không liên quan đến một quảng cáo toàn trang xuất hiện trên báo Apple Daily vào thứ sáu 16.8 với nội dung ủng hộ các cuộc biểu tình. "Chúng tôi sẽ không bao giờ sợ hãi hay thỏa hiệp với sự phi lý và bất công”, nội dung quảng cáo nhấn mạnh. Quảng cáo đã được một nhóm nhân viên ẩn danh của các công ty nêu trên trả tiền thuê.

Đáp lại, PwC tuyên bố rằng quảng cáo không thể hiện quan điểm của công ty, đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hành động và tuyên bố nào thách thức chủ quyền quốc gia”.

Vẫn chưa rõ liệu các tuyên bố của công ty có đủ để họ thoát khỏi rắc rối hay không. Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thúc giục các công ty điều tra, sa thải các nhân viên có quan điểm sai trái về tình hình Hồng Kông.

David Webb, chủ trang web quản trị tài chính và doanh nghiệp Webb-site tại Hồng Kông, cho biết việc từ chức của ông Hogg là sự kiện gây sốc và đáng xấu hổ, đồng thời cho rằng đó là một minh họa về ảnh hưởng từ áp lực mà chính quyền đại lục đặt lên vai các doanh nghiệp Hồng Kông.

“Tôi nghĩ rằng tất cả C.E.O của các công ty lớn đang nhìn lên vai họ và tự hỏi liệu mình có là người tiếp theo sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của nhân viên dưới quyền hay không”, ông Webb nói.

Đối với nhân viên và doanh nghiệp Hồng Kông, điều đó có nghĩa là căng thẳng sẽ gia tăng tại nơi làm việc khi giới chủ phải đi kiểm soát hành vi của nhân viên ngoài giờ làm việc. Joseph Lai, một nhân viên 46 tuổi của một nhà sản xuất Trung Quốc đã có mặt trong cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông vào Chủ nhật hôm qua 18.8. Lai cho biết ông không còn cố gắng giải thích cho các đồng nghiệp đại lục của mình hiểu tại sao mọi người ở Hồng Kông đang bất mãn. Lai nói ông cũng không lo lắng về chuyện gì có thể xảy ra nếu ông chủ phát hiện ra chuyện mình xuống đường.

“Trong trường hợp xấu nhất, tôi sẽ tìm một công việc khác. Nếu chúng tôi không hành động, chúng tôi sao có thể nói mình là người Hồng Kông?”

Hôm 17.8, trong lúc hàng ngàn giáo viên đội mưa xuống đường biểu tình ủng hộ phong trào dân chủ tại Hồng Kông thì các tài phiệt cũng đội mưa để ủng hộ chính quyền đặc khu.

Buổi mít tinh dưới mưa diễn ra tại công viên Tamar ở khu Admiralty, gần cảng Victoria, có sự tham gia của nhiều doanh nhân giàu có hàng đầu Hồng Kông như Peter Woo Kwong-ching, cựu chủ tịch tập đoàn bất động sản Wharf Holdings, Stewart Leung Chi-kin, chủ tịch ủy ban điều hành Hiệp hội các nhà phát triển bất động sản Hồng Kông.

Các ông trùm tài chính đã cùng hàng nghìn người vẫy quốc kỳ Trung Quốc, hát vang quốc ca và hô to khẩu hiệu "Nói không với bạo lực, hãy cứu lấy Hồng Kông". Ban tổ chức cho biết 476.000 người đã tham gia sự kiện, nhưng cảnh sát nói chỉ có khoảng 108.000 người vào lúc cao điểm.

Cuộc mít tinh ôn hòa kéo dài khoảng 90 phút, với các video ghi lại hành vi bạo lực của người biểu tình được phát trên sân khấu. Kết thúc sự kiện, những người ủng hộ chính quyền đứng chụp ảnh cùng nhau khi quốc ca Trung Quốc vang lên.

Trong một hội nghị ở thành phố Thâm Quyến tuần trước, các quan chức đại lục đã đề nghị hàng trăm doanh nhân và các chính trị gia Hồng Kông ủng hộ Bắc Kinh giúp đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của đặc khu.

Tỷ phú giàu nhất Hồng Kông, Lý Gia Thành, ngày 16.8 kêu gọi mọi người "dùng tình yêu xóa bỏ căm giận" trong bài viết trên các báo lớn ở đặc khu. Ông Lý mong người dân Hồng Kông "yêu Trung Quốc đại lục, yêu Hồng Kông và yêu chính mình" cũng như "chấm dứt hành vi bạo lực".


theo VNE

Anh Tú

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire