30/08/2019

CÁI ĐẦU ÔNG TRỌNG CÓ VẤN ĐỀ


Phạm Trần

Lần đầu tiên, kể từ sau ngày bị “đột qụy nhẹ” (minor stroke) trong chuyến thăm Kiên Giang 13-14/04 (2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có buổi nói chuyện “trung bình dài” với 392 đảng viên trẻ, nhưng không hề đề cập đến cuộc xung đột chủ quyền với Trung Quốc đang diễn ra ở bãi Tư Chính, Trường Sa.

Trong phát biểu ngày 27/08 (2019), ông Trọng cũng trốn nhắc  lớp đảng viên, tiêu biểu toàn quốc về đợt sinh hoạt kỷ niệm 50 năm học và làm theo Di chúc Hồ Chí Minh (1969-2019) , phải quan tâm đến nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


Ngược lại, ông chỉ chú tâm đến tuyên truyền:”Muốn nhớ lời Bác dặn, theo chân Bác, không chỉ nhớ và học thuộc lòng mà phải ngấm vào máu, vào tim vào óc của mình, trở thành những điều mình trăn trở, suy nghĩ, day dứt để học và làm theo Bác, sống, chiến đấu, học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại".


Ông nói:“Tinh thần đó không chỉ cần truyền đạt tới tất cả đoàn viên, thanh niên, đảng viên trẻ, mà toàn Đảng, toàn dân ta cũng cần ghi nhớ và thực hiện những điều này.” (theo báo Tuổi Trẻ, ngày 27/08/2019)

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước 75 tuổi thì: ” Đã là đoàn viên, thanh niên cần xung kích, đi đầu, phát huy tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Đảng viên trẻ càng cần gương mẫu, tiên phong hơn nữa, đúng với vai trò, vị trí của đảng viên trẻ Việt Nam, xứng đáng trở thành lực lượng dự bị tin cậy, hùng hậu để bổ sung vào nguồn lãnh đạo của Đảng bộ các cấp.”

Nhưng ông Trọng cũng cảnh giác:” Không phải vào trung ương để cho oai, hay là vào trung ương để kiếm chác cái gì, mà vào trung ương để hi sinh, phấn đấu, để cống hiến, trưởng thành hơn nữa, làm cho Đảng ta mạnh lên, mỗi đồng chí là một hạt nhân ở trong trung ương.”

Nghe ông Nguyễn Phú Trọng nói thao thao bất tuyệt như thế thì tưởng rằng đất nước không cò chuyện gì phải trăn trở hay lo âu. Nhưng thật ra là ông đã  cố tình đánh lừa nhân dân và lòe bịp Thanh niên.

Trong nội bộ, tình trạng Tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” do cán bộ, đảng viên gây  ra và nuôi dưỡng tiếp tục hành dân khốn khổ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, quyết liệt từ Khóa đảng XI, vẫn ngổn ngang và còn biến dạng chống phá nhau gay gắt hơn giữa các cấp từ Trung ương xuống đến cơ sở.

Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu để lọt vào Trung ương khóa đảng XIII, sẽ diễn ra tháng 01/2021, đã và đang rộn ràng trong đảng khiến ôngTrọng phải  liên tục cảnh giác : ”Dè chừng dần tiêu cực chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu. Phải cảnh báo vấn đề này. "Chạy" là không dùng" (VOV (Voice of Vietnam), ngày 21/03/2019)

Nạn cường hào, quan liêu, bóc lột dân bằng mọi hình thức và ăn đủ mọi thứ  không phải của mình vẫn tồn tại nghiêm trọng.

CHÁN ĐẢNG-KHÔ ĐOÀN

Riêng với Thanh niên, ông Nguyễn Phú Trọng từng cảnh giác nhiều lần từ năm 2017 về tình trạng ông gọi là “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị".

Ông nói  tại Đại hội Đoàn toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lần thứ 11 nhiệm kỳ 2017-2022 tại Hà Nội ngày 11/12/2017 :”Hiện vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng.”

Ông bảo : ”Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua vẫn còn hạn chế. Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí, một số ít thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc.” (theo VietnamExpress)


Ông Trọng còn nói thêm:"Tình trạng tội phạm và tệ nạn trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp, trong khi đó Đoàn còn chậm và lúng túng trong nghiên cứu đề xuất giải pháp, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, mặt trái tác động đến thanh thiếu nhi. Công tác giáo dục của Đoàn rộng nhưng chưa sâu….Bên cạnh đó, một số hoạt động của Đoàn còn nặng về bề nổi, dàn trải và hình thức. Một số phong trào chỉ thu hút được thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững... “

Ông cũng kêu gọi phải tránh “tình trạng 'nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”


Ông Trọng nói:”Đoàn cần định hướng giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác thông tin sai trái, tăng cường sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, "tránh tình trạng nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị".

Vậy tình trạng “nhạt Đảng, khô đoàn, xa rời chính trị” có khá hơn trong năm 2019 ?

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng 
khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nói với  Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice Of Viiệt Nam) : ” Có điều kiện đi một số địa phương trong cả nước, tôi thấy kết nạp đảng viên mới hiện nay là vấn đề khó khăn ở một số nơi, kể cả những địa phương là cái nôi của cách mạng Việt Nam, kể cả thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Có mấy nguyên nhân quan trọng sau đây: Tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở nhận thức về vấn đề bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng cũng còn chưa thực sự chú trọng. Nhiều tổ chức, cơ sở Đảng, nhiều chi bộ không quan tâm đến việc kết nạp đảng viên, nên có những chi bộ mấy năm không kết nạp được đảng viên mới nào.

Thực tế những năm qua, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhất là tổ chức đảng cơ sở có những biểu hiện chưa tốt nên việc bồi dưỡng quần chúng kết nạp Đảng cũng chưa tốt.

Về đảng viên, bên cạnh đại bộ phận đảng viên tốt, còn một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt là đảng viên cấp cao không có sự nêu gương, nhiều đồng chí bị xử lý kỷ luật, xóa tên ra khỏi Đảng, thậm chí có đồng chí bị truy tố hình sự, vào tù.

Nhiều thanh niên nhìn vào đó mà không phấn đấu vào Đảng. Họ băn khoăn vào Đảng mà như những đồng chí ấy thì vào Đảng làm gì….”


ÔNG TRỌNG NÍN THINH   

Trong khi đó thì Trung Quốc, nước láng giềng đàn anh mà Cộng sản Việt Nam thường ca tụng “vừa là đồng chí, vừa là anh em” đã  bất chấp Công pháp quốc tế và Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982, công khai cho tầu khảo sát dầu khí  Hải Dương 8 (HD-8) xâm nhập thềm lục địa, và bên trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, Trường Sa, cách Vũng Tầu 370 cây số về phía Đông nam, từ ngày 03/07/2019.

Sau đó HD-8 rời Tư Chính ngày 07/08 (2019) về đảo Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ 1988 để  lấy tiếp liệu rồi quay lại Tư Chính ngày 13/08 (2019). Nhưng ít ngày sau, HD-8 lại ngang nhiên di chuyển đến khảo sát ở vị trí cách đảo Phú Quý 102 cây số  về phía đông nam và chỉ cách bờ biển Phan Thiết 185 cây số.

Hành động ngang ngược của Bắc Kinh lần này đã bị Việt Nam chỉ trích đích danh, gửi Công hàm phản đối  và yêu cầu rút HD-8 và các tầu hộ tống có võ trang, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục điều nghiên.

Đây là lần thứ hai, Bắc Kinh đã không coi Việt Nam ra gì. Lần thứ nhất xẩy ra vào tháng 5 năm 2014. Khi ấy, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã ngang nhiên vào tìm dầu phía nam đảo Hoàng Sa, cách 
đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Hoàng Sa) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, và  cách đảo Lý Sơn(tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông.

Lực lượng cảnh sát biển có võ trang Việt-Trung đã nghênh chiến nhưng không nổ súng cho đền ngày 16/07/2014 thì Hải Dương 981 rút lui.

Nếu so sánh thì vụ HD-8 ngoan cố và tiềm ẩn nhiều âm mưu của Trung Quốc hơn vụ HD-981, nhưng ngược lại phía CSVN lại  có những hành xử khó hiểu hơn vụ HD-981.

Điểm nổi bật nhất là ông Nguyễn Phú Trọng, trong cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã không nói lời nào từ khi xây ra vụ HD-8.

Cả Quốc hội, cơ quan quyền lực  cao nhất nước và Ban Chấp hành Trung ương đảng (Khóa XII) cũng không có bất cứ động thái nào.

Ngay đến số 484 Đại biểu Quốc hội còn tại chức cũng không ái dám hé răng.

PHẢN ỨNG VỤ HD-981


Ngược lại, khi xẩy ra vụ HD-981, theo Bách khoa toàn thư mở,  đã  có những việc đã xẩy ra:

-
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14 tháng 5 (2014) ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 trong đó có đoạn: Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước... 

-Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, cho đến ngày 20 tháng 5 năm 2014, Việt Nam và Trung Quốc đã có 20 cuộc điện đàm về Vụ giàn khoan Hải Dương 981 trong đó Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vị trí tranh chấp. 

-Quốc hội Việt Nam ngày 21 tháng 5 ra thông cáo "nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước".

-Ngày 
15 tháng 5 người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc và ngày 20 tháng 5 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện "Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông".


-
Bộ Chính trị chỉ đạo phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đúng theo luật pháp quốc tế. Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định, theo thông tin từ phiên họp Chính phủ cuối tháng 5. 

-Ngày 31/5/2014, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Bắc Kinh không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong công hàm này, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.

Cũng khác giữa  vụ HD-981 năm 2014  và HD-8 năm 2019 trong phản ứng của người dân. Nếu HD-981 đã gây phẫn nộ cho người dân Việt Nam từ trong nước ra nước ngoài qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và chống tính ươn hèn và nhu nhược của lãnh đạo Việt Nam đã để  cho Trung Quốc bắt nạt thì năm 2019 đã không có phản ứng dữ dội như thế.

Năm 2014 đã có hàng ngàn người xuống đường biểu tình chống phá Trung Quốc ở Việt Nam thì năm 2019 chỉ có chừng vài chục người lẻ tẻ. Người Việt  Nam ở nước ngoài cũng không tích cực và hăng hái như năm 2014.

Sự khác biệt rất dễ hiểu vì nhà nước CSVN đã tỏ ra nhu nhược trước áp lực trắng trợn của Bắc Kinh, nhưng lại hung hăng ngăn chặn và  đàn áp dân khi họ chống Trung Quốc.

Do đó, lần này, tuy HD-8 đã vào gần Phan Thiết, người dân cũng mặc thây, cứ bình chân như vại “để cho nhà nước lo”, theo ý muốn của Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Như vậy, liệu có ai hiểu được tại sao ông Trọng đã khuyên Thanh niên chuẩn bị làm con thiêu thân cho đảng, thay vì kêu gọi họ đoàn kết đứng lên bảo vệ Tổ quốc ?

Hay cái đầu của  ông có vấn đề thật, sau cơn “đột qụy” ở Kiên Giang ? -/-


Phạm Trần
(08/019)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire