10/08/2019

Góp ý Luật sư Lê Công Định: Việt Nam cần ‘khai nguồn nước đọng’.


Nguyễn Quang Duy


Được ký giả Quốc Phương, BBC Tiếng Việt, phỏng vấn về mô hình, cách thức và tính hiệu quả trong việc tiếp thu ý kiến tham mưu, tư vấn, phản biện nhằm xây dựng chính sách canh tân và phát triển đất nước của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Lê Công Định cho biết:

“(Nhà nước và Đảng Cộng sản) Việt Nam cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý thẳng thắn, thậm chí vượt khỏi nguyên tắc cơ bản về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, để ‘gạn đục, khơi trong’ tìm ra được những tham vấn và phản biện có giá trị.”

Nhưng tại sao đảng Cộng sản mãi không thể ‘gạn đục, khơi trong’ là câu hỏi đáng được quan tâm và tìm hiểu. Bài viết xin được mở rộng ý kiến của luật sư Lê Công Định để làm rõ vấn đề.


Tập trung dân chủ.

Mô hình này xuất phát từ Liên Xô, khi truyền sang Trung Hoa và Việt Nam tính dân chủ hình thức biến mất chỉ còn lại tính tập trung.

Nó còn được gọi là mô hình đảng cách mạng, việc hoạch định chính sách và chiến lược xuất phát từ vài cá nhân thuộc Bộ Chính Trị, tổ chức đảng cấp dưới theo đó mà học tập và thi hành.

Đảng viên phải tuyệt đối trung thành với đảng, phải thường xuyên học tập các tài liệu và thi hành mọi quyết định từ trên đưa xuống.

Các đảng viên cấp thấp thường không có cơ hội để đề đạt ý kiến cá nhân và dù có ý kiến khác biệt khi phát biểu công khai vẫn phải nói theo tài liệu chứ không được theo ý mình. Ai làm khác sẽ bị kiểm điểm, bị trừng phạt và bị loại trừ.

Đảng viên do đó phải tự dối lòng, phải tuyên truyền những điều dối trá với người thân, với bạn bè, với quần chúng. Càng cao tuổi đảng tính dối trá càng ăn sâu.

Sự dối trá không minh bạch, không rõ ràng trở thành một loại văn hóa chung cho các tổ chức cách mạng.

Đảng như một một guồng máy. Đảng viên như người máy: nghĩ, nói và làm theo chỉ thị của đảng.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật và chiến tranh, tính bảo mật và tập trung tạo sự lãnh đạo thống nhất từ trên xuống dưới, tập trung sức mạnh của tập thể vào mục tiêu cụ thể, che giấu được những bất đồng nội bộ.

Nhờ thế đảng Cộng sản mới cướp được chính quyền và thắng được chiến tranh, nhưng khi nắm được chính quyền mọi khuyết điểm mới bộc lộ.



Quyền lực tập trung

Quyền lực khi đã được tập trung trong tay một thiểu số thì tính quan liêu, gia trưởng, sùng bái cá nhân, độc đoán, độc quyền càng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Giới lãnh đạo bịt mắt, bịt tai trước những ý kiến khác với ý kiến của mình. Họ trở nên độc tài, độc đoán, mệnh lệnh, ức hiếp đảng viên và ức hiếp người dân. Họ tham nhũng, bè cánh, vô kỷ luật, coi thường luật pháp, bất chấp kỷ cương phép nước.

Các đảng viên vì quyền lợi phải chấp nhận nhưng sẵn văn hóa dối trá biến thành văn hóa làm láo báo cáo hay.

Giới trí thức, giới chuyên môn, nhưng không chấp nhận guồng máy tập trung, dám nói lên những điều trái ý giới cầm quyền đều bị cô lập và cầm tù.

Cha của luật sư Lê Công Định, một đảng viên cộng sản, một cán bộ quản lý kinh tế, nhưng do bất đồng và phản kháng với chính sách quản lý kinh tế sai lầm của Hà Nội, nên vào năm 1980 bị bắt giam hơn 6 tháng không hề được xét xử. Nếu không được luật sư Định cho biết thì đây chỉ là chuyện nội bộ đảng Cộng sản.

Đến lượt chính luật sư Định một luật sư có tầm vóc quốc tế, một nhân tài hiếm có của Việt Nam cũng bị bắt và cầm tù gần 4 năm và 3 năm quản thúc tại địa phương vì dám nói lên những điều trái ý đảng Cộng sản.

Cả một tầng lớp trí thức Việt Nam, mấy chục năm qua không được nghĩ, lỡ nghĩ thì không được nói ra những điều trái ý tầng lớp cầm quyền.

Thiếu trí thức làm trụ cột, đảng Cộng sản sử dụng một cách máy móc tư tưởng, chính sách và chiến lược của Liên Xô và của Trung cộng, đưa Việt Nam vào khủng hoảng mãi chưa thấy lối ra.

Vừa rồi Viện Quản trị Kinh doanh châu Âu công bố Chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCI) 2019, Việt Nam đã tụt hạng, thua cả Lào.

Trong số 125 quốc gia, Singapore đứng thứ 2, Malaysia xếp thứ 27, Brunei thứ 36, Philippines thứ 58, Thái Lan thứ 66, Indonesia thứ 67, Lào đứng thứ 91 và Việt Nam thứ 92.

Các chỉ số trên nói rõ khả năng cạnh tranh của đội ngũ nhân tài Việt Nam và hệ quả của mô hình dân chủ tập trung.



Khi trí thức mất tự do…

Khi người trí thức bị tước mất tự do thì sự độc lập chỉ còn là độc lập hình thức.

Bởi thế các đảng Xã Hội, đảng Dân Chủ, các nhóm tham vấn “độc lập” được đảng Cộng sản dựng lên chỉ nhằm che dấu tính độc quyền tập trung, khi đảng Cộng sản không còn cần đến nữa thì ra lệnh giải tán.

Hà Nội dùng viện trợ quốc tế cho tổ chức nhiều cuộc hội thảo, mời được nhiều chuyên gia quốc tế đến phát biểu và góp ý, và nhiều nhóm nghiên cứu đưa ra các ý kiến và giải pháp chuyên môn rất thực tế và có giá trị.

Tất cả cũng chỉ là hình thức, như nước đổ lá khoai, vì mọi việc đã có quyết định của Bộ Chính trị và đã được đảng thu xếp nhân sự thực hiện các quyết định.

Bởi thế những người trẻ được đào tạo bài bản từ Mỹ hay Âu châu, có kiến thức quản lý kinh tế, có ý tưởng canh tân, nhưng khi nắm được các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, họ vẫn không làm được gì để thay đổi cuộc diện.

Kiến thức không được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và đúng tầm thì người có tài năng cũng chỉ trở thành một người làm công (công chức) sớm sách ô đi tối sách về.

Một thí dụ điển hình của guồng máy nhà nước là khi Mỹ đe dọa đánh thuế Việt Nam, mới biết Hà Nội mặc dù đã ký nhiều hiệp định thương mãi với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng luật thương mãi vẫn chưa định nghĩa được rõ ràng thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam).

Mô hình tập trung đã quá sức lỗi thời và không còn hoạt động được nữa. Chính Thủ tướng Phan văn Khải đã phải bật miệng than rằng “trên bảo dưới không nghe”. Còn Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải chán nản nhìn nhận “trên nóng dưới lạnh”.

Điều đáng nói là chính ông Trọng lại công khai chủ trương của Bộ Chính Trị Đại Hội 13 sẽ tập trung vào việc chống diễn biến hòa bình, chống tự diễn biến, chống tự chuyển hóa nghĩa là vẫn như cũ vẫn chống lại mọi thay đổi mô hình tập trung dân chủ.



Bài học lịch sử…

Mô hình tập trung dân chủ xuất phát từ Liên Xô, được cả hai đảng Cộng sản Trung Hoa và đảng Quốc Dân Trung Hoa áp dụng vào cách mạng ở Trung Hoa.

Mô hình này còn được gọi là mô hình đảng cách mạng, đề cao tính tập trung nên khi nắm được chính quyền các đảng cách mạng đều trở thành các đảng, các nhà nước độc tài.

Chịu sức ép của Mỹ và các quốc gia Tây Phương, của người dân Đài Loan và của các đảng chính trị tại Đài Loan, Trung Hoa Quốc Dân đảng phải chấp nhận tự do chính trị và trở thành một đảng chính trị.

Đài Loan nhờ thế trở thành một quốc gia tự do, dân chủ và giầu mạnh vào bậc nhất trên thế giới.

Còn các đảng Cộng sản tại Liên Xô và tại các quốc gia Đông Âu không thể tự cách mạng, tự thay đổi để trở thành đảng chính trị nên đã bị lịch sử đào thải.

Tình hình thế giới và Việt Nam đang chuyển đổi, nếu đảng Cộng sản, và các đảng mệnh danh cách mạng chống cộng, không tự cách mạng để thành đảng chính trị rồi cũng sẽ bị lịch sử đào thải.



Phải có tự do…

Có tự do, các đảng chính trị mới chịu lắng nghe, chịu tìm hiểu, chịu quan tâm đến quyền lợi của người dân, chịu đề ra các chính sách và chiến lược thực tế và hiệu quả.

Có tự do, các đảng viên mới có quyền tranh luận về chính sách về chiến lược và quyền chọn lựa người đại diện cho tổ chức của mình.

Có tự do người dân mới có quyền chọn lựa đảng chính trị nào đưa ra được chính sách, chiến lược thích hợp nhất trong từng giai đoạn để dân được giàu nước được mạnh.

Mô hình tập trung dân chủ như ao tù nước đọng dù có "gạn đục, khơi trong" vẫn chỉ là nước ao tù.

Tự do dân chủ chính là khai nguồn sống dân tộc, là con đường đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng, phát triển quốc gia, phát triển xã hội, thực hiện dân giàu nước mạnh.

Trước thực trạng Mỹ đe dọa đánh thuế, còn Trung cộng liên tục lấn chiếm Biển Đông, hơn lúc nào hết Việt Nam cần thiết phải có tự do.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

8/8/2019



Luật sư Lê Công Định: Đảng Cộng sản cần 'gạn đục, khơi trong'

Quốc Phương, BBC News Tiếng Việt

Nhiều tham vấn và phản biện chính sách độc lập ở Việt Nam có khuynh hướng vượt ra khỏi nguyên tắc cơ bản về quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản, do đó các góp ý 'thường không được lắng nghe', thậm chí có tổ chức còn bị giải thể, theo một luật sư từ Sài Gòn.

Tuy nhiên, để tìm ra được những tham vấn và phản biện có giá trị, giới lãnh đạo Việt Nam cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý thẳng thắn, thậm chí "vượt khỏi nguyên tắc cơ bản" về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, để "gạn đục, khơi trong", Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm trong một trao đổi qua bút đàm với BBC News Tiếng Việt, mà sau đây là toàn văn nội dung.



BBC: Luật sư nhận xét như thế nào về mô hình, cách thức và tính hiệu quả trong tiếp thu ý kiến tham mưu, tư vấn, phản biện trong xây dựng chính sách canh tân và phát triển đất nước bởi Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)?

Luật sư Lê Công Định: Do các ban ngành trong bộ máy nhà nước nhận được tài trợ từ các dự án hợp tác phát triển của nước ngoài, nên mô hình họ thường sử dụng là tổ chức hội thảo mời các chuyên gia đến phát biểu và góp ý, hoặc tổ chức các nhóm nghiên cứu chuyên đề, nên các tham vấn chuyên môn như vậy thường rất thực tế và có giá trị.

Tuy nhiên, tôi không có thông tin về việc tổ chức thực hiện các đề xuất đó.



BBC: Mô hình (các mô hình) này có những đặc trưng gì là phổ biến, đáng lưu ý nhất và có thể so sánh nó ra sao với những mô hình (phổ biến hay tương đương) ở quốc tế, hay khu vực đang thông dụng hiện nay?

LS Lê Công Định: Do các chương trình tài trợ này áp dụng chung cho các nước đang phát triển, nên mô hình tiếp nhận ý kiến đóng góp nêu trên thường giống nhau ở những nước này.



BBC: Đâu là điều kiện chính để việc tham mưu, tư vấn, phản biện chính sách trong các lĩnh vực trên có thể được tham khảo, chấp nhận hoặc bảo lưu, dễ phát huy khả thi hơn hiệu quả tư vấn, phản biện?

LS Lê Công Định: Trong chế độ toàn trị cộng sản, mọi ý kiến tham vấn, phản biện phải tôn trọng và bảo đảm quyền lãnh đạo của đảng cộng sản đối với nhà nước và xã hội, thì mới được lắng nghe và chấp nhận. Đó là nguyên tắc cơ bản.



BBC: Theo ông, biên độ chấp nhận các tư tưởng canh tân, đổi mới hay cải tổ của Nhà nước và ĐCSVN thời gian gần đây và hiện nay, nhất là trong bối cảnh trước Đại hội 13 của Đảng CSVN thế nào? Có vùng cấm, vùng hạn chế, nhạy cảm và vùng có thể được chấp nhận, bảo lưu hay không? Nếu có đó là gì?

LS Lê Công Định: Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển biến lớn về chính trị và xã hội, xuất phát từ vấn đề nhân sự của đảng cầm quyền.

Người ta hy vọng những nhà lãnh đạo trẻ có kiến thức quản lý kinh tế sẽ nắm giữ vị trí quan trọng của bộ máy nhà nước. Họ chính là những người dễ chấp nhận những ý tưởng canh tân hơn.



BBC: Trong tư vấn, tham vấn, phản biện chính sách canh tân và phát triển ở Việt Nam hiện nay và tới đây, có cần vai trò của các giới tư vấn, phản biện độc lập, các tổ chức nghiên cứu (think tank) độc lập hay không, nếu có thì chúng nên được tổ chức, vận hành như thế nào cho được hiệu quả, khả thi?

LS Lê Công Định: Vai trò của các nhóm tư vấn hay think-tank độc lập rất quan trọng trong việc tham vấn và phản biện chính sách.

Tuy nhiên, những tổ chức này đều có khuynh hướng vượt ra khỏi nguyên tắc cơ bản về quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản.

Do vậy, các góp ý của họ thường không được lắng nghe, thậm chí chính những tổ chức đó còn bị giải thể.



BBC: Từ quan sát của ông, Việt Nam (Đảng, nhà nước, giới hoạch định chính sách) nên ưu tiên cải thiện điều gì và như thế nào để nâng cao chất lượng, tính hiệu quả, khả thi của việc hoạch định chính sách trong các lĩnh vực nói trên?

LS Lê Công Định: Việt Nam cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý thẳng thắn, thậm chí vượt khỏi nguyên tắc cơ bản về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, để "gạn đục, khơi trong" tìm ra được những tham vấn và phản biện có giá trị.

Hoạch định chính sách bao giờ cũng liên quan đến vấn đề thể chế chính trị, vì đó là cơ chế thực thi chính sách.

Tránh né đụng chạm vấn đề thể chế chính trị sẽ dẫn đến tình trạng chỉ muốn lắng nghe điều gì mình thích nghe, thì đó không còn là tham vấn hay phản biện nữa.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire